Có 18 Bộ trưởng mới được Quốc hội phê chuẩn cuối tuần trước (ngày 9/4). Những buổi lễ bàn giao công việc đã được tổ chức, là những cuộc chuyển giao nhiệm vụ của các Tư lệnh ngành để sớm đưa bộ máy mới đi vào hoạt động ổn định.
Mối lo thâm hụt ngân sách lớn: Có tăng thuế, phí để bù đắp?
- Cập nhật : 13/04/2016
(Tin kinh te)
Theo TS Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT), ngân sách năm nay sẽ phải dùng khoảng 24-25% để trả các khoản nợ đến hạn. Với những khoản chi đã “ứng trước” từ năm 2015 thì không chỉ quý I-2016, mà thậm chí cả năm nay, ngân sách đều phải trả bù. Mối lo thâm hụt ngân sách lớn đang là một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Ngân sách thâm hụt lớn
Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý I-2016 được Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố ngày 12-4 cho thấy, thâm hụt ngân sách năm 2015 ước tính chiếm 6,34% GDP. Con số này cao hơn mục tiêu 5% GDP mà Quốc hội đưa ra trước đó. “Đáng chú ý, tình trạng này đã diễn ra liên tục trong nhiều năm, phản ánh tình trạng kỷ luật tài khóa lỏng lẻo”- báo cáo nhận định.
TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR cho rằng: “Thâm hụt ngân sách ngày càng lớn và không có khả năng cải thiện vì nguồn thu từ dầu thô và doanh nghiệpđều giảm. Trong khi đó, chi thì không giảm”. Theo TS Nguyễn Đức Thành, đây là một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Đồng quan điểm này, Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh nói: “Vấn đề đáng lo ngại nhất là bội chi ngân sách, nợ công tăng cao, các khoản vay tăng nhanh chóng. Bộ tài chính đã tiến hành nhiều giải pháp để giảm chi thường xuyên nhưng kết quả dường như chưa đáp ứng yêu cầu. Nếu tình hình này kéo dài thì rất phức tạp với nền kinh tế”.
Theo vị chuyên gia này, bên cạnh những cơ hội không nhỏ do các Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết mang lại thì thách thức với nền kinh tế nước ta cũng vô cùng lớn. Không chỉ thâm hụt ngân sách lớn mà tình trạng doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động tăng, chi phí không chính thức với doanh nghiệp vẫn ở mức cao. “Tất cả thách thức này đòi hỏi Chính phủ mới phải có cải cách mạnh mẽ, quyết tâm vượt qua khó khăn” - ông Lê Đăng Doanh nói.
Sẽ tăng loại thế nào?
Cho rằng cần tính toán lại con số thu, chi và thâm hụt ngân sách, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết, có 3 cách để bù cho thâm hụt ngân sách. Một là tăng vay trong nước, hai là vay nước ngoài và ba là in tiền. Trong 3 giải pháp này, vay nước ngoài ít có khả năng xảy ra do khó thực hiện. Nếu tiến hành in tiền thì lạm phát năm nay sẽ tăng cao. “Đặt trong mối quan hệ với nợ công thì nhiều khả năng, để bù đắp thâm hụt ngân sách, Chính phủ sẽ tăng vay trong nước. Khi đó, sức ép lên mặt bằng lãi suất sẽ lớn hơn nhiều so với việc các ngân hàng tự chạy đua tăng lãi suất huy động. Lãi suất tăng sẽ tác động đến hoạt động của doanh nghiệp” - ông Vũ Đình Ánh phân tích.
Trả lời câu hỏi thâm hụt ngân sách lớn có làm tăng gánh nặng thuế, phí với người dân và doanh nghiệp? TS Vũ Đình Ánh cho rằng, khó có khả năng tăng thêm các khoản thuế. Hiện tại, thuế thu nhập doanh nghiệp đang là 22%, thuế giá trị gia tăng (VAT) là 10%. Mức thuế này đã được quy định trong Luật nên không dễ tăng. Còn thuế xuất nhập khẩu càng khó tăng vì khoản thuế này bị ràng buộc bởi các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
“Chỉ có thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là dễ tăng. Các khoản phí cũng không loại trừ khả năng này. Tức là về mặt chính sách, người dân và doanh nghiệp không thấy tăng, nhưng thực tế có thể khác. Ngoài ra, các khoản nợ thuế trước đây sẽ bị đòi lại” - vị chuyên gia này nhận định.
Cùng chung nhận định này, ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) nhấn mạnh thêm, không có khả năng điều chỉnh thuế suất nhưng thực hiện thu có thể có vấn đề. “Nguồn thu từ dầu thô chiếm tỷ lệ lớn trong thu ngân sách, nguồn này giảm nhưng chi phí kinh doanh giảm xuống, doanh nghiệp làm ăn có lãi, thu từ doanh nghiệp lại tăng lên. Chúng ta có thể thấy rõ điều này trong năm 2015” - ông Trương Đình Tuyển cho hay.
Theo báo cáo của VEPR, thu ngân sách năm 2015 đạt 996,87 nghìn tỷ đồng, vượt 15,9% so với dự toán và tăng 15,4% so với thu ngân sách năm 2014. Các nguồn thu ngắn hạn được đẩy mạnh để bù đắp thiếu hụt ngân sách do các nguồn thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu suy giảm. Chỉ tính riêng thu tiền sử đụng đất năm 2015 đã đạt 67,55 nghìn tỷ đồng, bằng 173,2% dự toán và tăng 1,5 lần so với mức thu năm 2014.
“Quý I-2016, cả nước có 22.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Tôi đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) rằng đây là con số cao bất thường. Lãi suất cho vay hợp lý hiện nay là khoảng 4,5%, nhưng doanh nghiệp đang phải chịu lãi suất quá cao, từ 8-9%. Chưa kể các khoản chi phí không chính thức khác khiến một bộ phận không nhỏ doanh ngiệp chưa đóng cửa cũng rất khó khăn. Chúng ta phải quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh” - chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh.
Vân Hằng (ANTĐ)