Việt Nam là một trong 5 nước đang và sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Sai sót lớn tại Dự án đường 5 kéo dài: Chủ đầu tư nghiệp dư, nhà thầu thiếu trách nhiệm
- Cập nhật : 13/04/2016
(Tin kinh te)
Hàng loạt sai sót, vi phạm nghiêm trọng liên quan tới quá trình quản lý đầu tư xây dựng cơ bản được dồn nén tại Dự án đường 5 kéo dài (đoạn cầu Chui - Đông Trù - Phương Trạch - Bắc Thăng Long), đã biến công trình hạ tầng có quy mô vốn lớn nhất trong dịp Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long này trở thành ví dụ kinh điển về sự lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp trong quản lý đầu tư công.
Chủ đầu tư nghiệp dư, nhà thầu thiếu trách nhiệm
Mất kiểm soát chi phí
Không phủ nhận những nguyên nhân khách quan, trong đó rõ nhất là khối lượng giải phóng mặt bằng lớn; biến động giá vật liệu, nhân công tăng mạnh trong giai đoạn 2007 - 2010; tính chất phức tạp về công nghệ…, nhưng Thanh tra Chính phủ cho rằng, năng lực yếu, thiếu chuyên nghiệp của chủ đầu tư và một số nhà thầu là những tác nhân trực tiếp khiến Dự án đường 5 kéo dài bị vỡ sâu tiến độ, đội tổng mức đầu tư lên gần gấp đôi.
Nhiều sai sót lớn khiến Dự án đường 5 kéo dài trở thành ví dụ kinh điển về sự lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp trong quản lý đầu tư công.
Tại bản Kết luận số 3860, Thanh tra Chính phủ đã phải dùng đến những từ đánh giá khá gay gắt như “thiếu trách nhiệm”, “buông lỏng quản lý”, “hạn chế năng lực” với Ban Quản lý dự án (PMU) Tả Ngạn và Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông - vận tải (TEDI) trong việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, cũng như thiết kế kỹ thuật.
Theo ghi nhận của Thanh tra Chính phủ, chất lượng lập Dự án do TEDI thực hiện còn nhiều hạn chế, thiếu trách nhiệm và mang tính hình thức; việc khảo sát mặt bằng, địa chất thiếu khoa học, thực tiễn. Đồng thời, chất lượng thẩm định, phê duyệt dự án của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP. Hà Nội còn hạn chế, không chỉ ra được những bất cập, thiếu sót của tư vấn thiết kế.
Bên cạnh đó, nhiều hạng mục công trình liên quan đến Dự án đã không được đề cập trong Báo cáo nghiên cứu khả thi, dẫn đến việc phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần, trong đó chỉ tính riêng hạng mục ống truyền dẫn cấp nước với 6 gói thầu đã ngốn hết 70% chi phí dự phòng của Dự án.
“Những nguyên nhân kể trên là cơ bản, đã làm tăng tổng mức đầu tư công trình từ 3.532 tỷ đồng lên 6.661,7 tỷ đồng, vi phạm quy định tại điều 5, 6, 7 Nghị định số 16/2005/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư”, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh đánh giá.
Điều đáng nói là Thanh tra Chính phủ phát hiện Gói thầu số 18 san nền Khu quy hoạch 25 ha hai bên đường 5 kéo dài thuộc quận Long Biên, nằm trong Dự án với giá trị giải ngân 18,1/23,9 tỷ đồng được UBND TP. Hà Nội giao cho quận Long Biên thực hiện các dự án nhà tái định cư là không đúng mục đích, không chấp hành ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 538/CP - CN, ngày 19/4/2005 về việc thực hiện dự án đấu giá sử dụng đất để tạo vốn đầu tư tuyến đường 5 kéo dài.
Công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và tổng dự toán tại Dự án đường 5 kéo dài cũng là những khiếm khuyết bị Thanh tra Chính phủ phê rất nặng, với hai đối tượng bị quy trách nhiệm vẫn là TEDI và PMU Tả Ngạn.
Theo đó, dự toán do TEDI - nhà thầu tư vấn hàng đầu Việt Nam lập cũng bị đánh giá là thiếu trách nhiệm, sơ hở; đồng thời, sự buông lỏng quản lý, hạn chế năng lực của PMU Tả Ngạn trong việc thẩm định và phê duyệt thiết kế - kỹ thuật đã dẫn tới tình trạng mất kiểm soát chi phí đầu tư.
Thả gà ra đuổi
Sự “nghiệp dư” của PMU Tạ Ngạn - đơn vị quản lý dự án đầu tư lớn và có thâm niên nhất TP. Hà Nội, biểu hiện rõ ở việc hầu hết các gói thầu tại Dự án đều phải điều chỉnh vượt giá trị trong kế hoạch đấu thầu được duyệt, nhưng đại diện chủ đầu tư không báo cáo UBND TP. Hà Nôi phê duyệt, trong khi điều này đã được quy định rất rõ tại điểm c, khoản 2, điều 16, Nghị định số 16 và điều 8, Nghị định số 99/2007/NĐ - CP về quản lý chi phí đầu tư.
Sơ hở của PMU Tả Ngạn tiếp tục lặp lại trong công tác quản lý tạm ứng cho các nhà thầu xây lắp tại Dự án. Cụ thể, sau khi ký hợp đồng thi công, chủ đầu tư đã tạm ứng cho các nhà thầu 10% giá trị hợp đồng và bổ sung tiếp 10%, nâng tổng giá trị tạm ứng lên tới 20%. Theo nguyên tắc, giá trị tạm ứng phải được chủ dự án thu hồi dần khi nhà thầu trình thanh toán các khối lượng hoàn thành. Tuy nhiên, tại một số gói thầu Dự án đường 5 kéo dài, dù đã nhận bàn giao mặt bằng, nhưng các đơn vị thi công cầm chừng, chậm tiến độ, hoặc dừng thi công kéo dài.
Lấy ví dụ tại gói thầu số 12 do Tổng công ty Xây dựng Thăng Long thi công, Thanh tra Chính phủ cho biết, sau khi ký hợp đồng được tạm ứng 66,2 tỷ đồng với thời gian hoàn thành được ấn định là tháng 9/2008. Thế nhưng, đến hết năm 2008, gói thầu này mới đạt 20% giá trị hợp đồng, sau đó nhà thầu dừng thi công trong suốt 3 năm (từ 2009 đến 2011); số tiền 66,2 tỷ đồng tạm ứng không được thu hồi, gây lãng phí đầu tư.
Điều đáng nói là việc chủ đầu tư “thả gà ra đuổi” không phải là hiếm tại Dự án đường 5 kéo dài. Ghi nhận của Đoàn thanh tra cho thấy, đối với các gói thầu triển khai từ năm 2006, mặt bằng bàn giao đủ điều kiện thi công đạt 40 - 50%, song đến hết thời hạn hợp đồng, giá trị thực hiện mới đạt 2 - 5%, trong khi nhà thầu nhận của chủ đầu tư tiền tạm ứng lên tới 20% giá trị hợp đồng.
Tại gói thầu số 17A và 17B, tạm ứng tiền vật tư sau khi trúng thầu là 49,1 tỷ đồng, nhưng đến hết hạn thực hiện hợp đồng vẫn chưa có khối lượng hợp đồng, chủ đầu tư không có biện pháp thu hồi để các nhà thầu chiếm dụng vốn ngân sách nhà nước.
“Công tác tạm ứng và thu hồi tạm ứng tại Dự án chưa được quản lý chặt chẽ. Trách nhiệm thuộc về PMU Tả Ngạn và các nhà thầu liên quan”, Thanh tra Chính phủ kết luận.
(Còn tiếp)
Anh Minh
(Theo Báo Đầu Tư)