Nhiều dự án đầu tư, bao gồm cả vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, đã lỡ dở, thậm chí thiệt hại lớn chỉ vì những bất cập của công tác quy hoạch.
Năng suất lao động: 50 năm nữa, Việt Nam mới đuổi kịp Thái Lan
- Cập nhật : 14/09/2015
(Tin kinh te)
Phải mất 20 năm nữa, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam mới bằng Philippine, Indonesia và 50 năm nữa chúng ta mới đuổi kịp được Thái Lan.
Đây là khẳng định của TS Hồ Đình Bảo, Nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế Quốc dân đưa ra trong Tọa đàm “Kinh tế Việt Nam 9 tháng” và năng suất lao động diễn ra ngày 11/9.
Theo TS Bảo, không cần phải so sánh với các nước phát triển, ngay cả với các nước trong khu vực, NSLĐ của Việt Nam đã rất thấp. Nếu tăng trưởng NSLĐ của các nước Indonesia, Philippines dậm chân tại chỗ thì 10 năm nữa, chúng ta mới bằng họ. Nhưng họ không đứng yên để chờ ta mà họ còn tăng trưởng nhanh hơn, mạnh hơn.
Theo báo cáo của các chuyên gia, NSLĐ của Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực ASEAN và Châu Á. Nếu tính NSLĐ theo giờ công trong năm 2012, một giờ lao động của một người Singapore tạo ra khoảng 49,5 USD giá trị gia tăng, trong khi đó ở Việt Nam là 3,4 USD. Chỉ số này của Việt Nam chỉ hơn so với Campuchia là 1,8 USD và thấp hơn Philipines 6,9 USD.
NSLĐ tổng hợp của Việt Nam là rất thấp so với các nước trong khu vực, năm 2012, NSLĐ của Việt Nam thấp hơn 18 lần so với Singapore, 11 lần so với Hàn Quốc, 7 lần so với Malaysia, 3 lần so với Thái Lan, Trung Quốc và 2 lần so với Indonesia, Philippines và chỉ xấp xỉ Lào và cao hơn Campuchia 36,4%.
Nếu không quy đổi ngang bằng sức mua, NSLĐ Việt Nam năm 2012 là 1.834 USD theo giá thực tế, tương đương 38,2 triệu đồng. Đến năm 2014, năng suất lao động ở Việt Nam đạt 51,11 triệu đồng (2.400 USD).
Theo báo cáo nghiên cứu trên, nếu xét theo giai đoạn, tốc độ tăng trưởng NSLĐ Việt Nam có dấu hiệu giảm dần, giai đoạn 2008-2012 chỉ còn 0,4%, trong khi giai đoạn trước 1997-2008 là 0,5% và giai đoạn 1991-1997 là 0,06%.
Với dữ liệu này, “nếu giả định các nước có cùng tốc độ tăng trưởng NSLĐ như Việt Nam thì phải 20 năm nữa Việt Nam mới xoá bỏ được sự cách biệt về NSLĐ so với Indonesia và Philippines và mất thêm 50 năm nữa mới đuổi kịp Thái Lan", ông Bảo nói.
Các chuyên gia cũng chỉ rõ, cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng dựa vào thâm dụng vốn, khai thác tài nguyên; lao động thiếu kỹ năng, nghề nghiệp, chậm chuyển đổi, áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất; Bộ máy quản lý cồng kềnh, hàm lượng gia công thấp trong sản phẩm công nghiệp chiếm tỷ lệ cao... đang là những nguyên nhân khiến NSLĐ thấp và cải thiện chỉ số này gặp khó khăn.
Mặc dù cơ cấu kinh tế và lao động, lao động trong nông nghiệp đang giảm nhanh tại Việt Nam, từ 70% năm 1996 đến năm 2012 chỉ còn 47% lao động trong nông nghiệp, trong khi đó, lao động công nghiệp tăng từ 10,6% lên 21,1%, dịch vụ từ 19,4 lên 31,5% năm 2012.
Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng NLLĐ nhanh nhất trong khu vực, điều này cho thấy Việt Nam có tiềm năng bắt kịp với các quốc gia có năng suất cao hơn. Tuy nhiên, cơ cấu kinh tế và lao động của Việt Nam năm 2012 chỉ tương đương với Thái Lan và Trung Quốc đầu những năm 90.
Trong các ngành, nông nghiệp vẫn là nơi có NSLĐ thấp nhất. Theo báo cáo nghiên cứu của các chuyên gia từu Đại học Kinh tế Quốc dân, nếu năm 2014, NSLĐ trung bình của người lao động Việt Nam đạt 51 triệu đồng/năm, thì khu vực nông nghiệp chỉ đạt 18,9 triệu đồng, thua xa lao động trong các lĩnh vực như công nghiệp 92,9 triệu đồng, dịch vụ 79,5 triệu đồng.
Báo cáo cũng chỉ ra, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang có NSLĐ cao hơn so với kinh tế trong nước. Trong đó, kinh tế ngoài nhà nước có NSLĐ rất thấp. Khu vực kinh tế Nhà nước tốc độ tăng NSLĐ bình quân cao hơn so với các khu vực khác, tuy nhiên có xu hướng giảm dần. Ngược lại, khu vực ngoài Nhà nước mặc dù NSLĐ thấp nhưng tốc độ cải thiện ngày càng tăng.
Một nghịch lý khác là, phải tăng NSLĐ mới có cơ sở để tăng lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, điều này hoàn toàn ngược lại. Lương tối thiểu tăng và tăng mạnh, trong khi NSLĐ tăng chậm hoặc dậm chân tại chỗ. Giai đoạn 2010 – 2012, tốc độ tăng lương tối thiểu vùng 1 vượt xa tốc độ tăng NSLĐ tương ứng. Đến giai đoạn 2013 – 2014, khoảng cách này rút ngắn lại còn 6,23 và 5,48 điểm %
TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam cũng thừa nhận: NSLĐ thấp là đúng. Nhìn từ 2010 đến nay NSLĐ của ASEAN vẫn gấp 2/3 lần Việt Nam. Trong khi đó, nhiều nước như Lào trong mấy năm liên tục tăng, NSLĐ của họ luôn bám sát Việt Nam. NSLĐ của Myanmar thấp hơn Việt Nam 1 bậc, nhưng đến năm 2014 họ đã gần bằng Việt Nam, nếu cứ đà này, họ sẽ vượt qua cả Việt Nam.
GS.TS Lương Xuân Quỳ - Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, muốn cải thiện được NSLĐ, phải tính đến yếu tố biên chế hành chính. Biên chế của ta cực kì cồng kềnh, càng kêu gọi giảm càng phình ra. "Để NSLĐ tăng nhanh, một trong những vấn đề trực diện nhất là tăng người làm, giảm những người chỉ tay 5 ngón này đi. Đây là câu chuyện nói bao năm nhưng chúng ta chưa làm được", ông Quỳ nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này nói thêm, với cơ cấu kinh tế tăng trưởng dựa vào thâm dụng vốn, khai thác tài nguyên, lao động không có kỹ năng, trình độ nhiều như hiện nay thì việc cải thiện NSLĐ là rất khó. Muốn cải thiện, phải bắt tay vào làm và thực hiện, còn chỉ dừng lại ở khẩu hiệu “còn lâu mới làm được”