Theo Báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2015 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, giá trị sản xuất xây dựng năm 2015 theo giá hiện hành ước tính đạt 974,4 nghìn tỷ đồng.
Vẫn “nặng gánh” thuế, phí!
- Cập nhật : 28/12/2015
(Kinh te)
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, bình quân cả giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào NSNN khoảng 21% GDP.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình thu chi và thực hiện cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2011-2015.
Trước tình hình đó, nhiều giải pháp đã được thực hiện nhằm tăng cường huy động cho ngân sách, phân bổ có hiệu quả các nguồn lực, quản lý chặt chẽ nợ công, phát triển thị trường tài chính, chú trọng cải cách thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh.
Trong giai đoạn 2011-2015, mức độ động viên NSNN có xu hướng giảm so với giai đoạn trước, chủ yếu do tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự kiến và thấp hơn giai đoạn trước.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh chính sách làm giảm thu NSNN trong ngắn hạn, trong đó, nhiều chính sách nhằm tăng khả năng cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thực hiện các cam kết hội nhập... theo hướng cắt giảm, điều chỉnh một số loại thuế nhanh hơn dự kiến.
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, bình quân cả giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào NSNN khoảng 21% GDP.
Mặc dù tổng thu ngân sách/GDP giảm song cơ cấu thu đã có chuyển biến theo hướng tích cực, tỷ trọng thu nội địa đã tăng từ 59% lên 68%, đến năm 2015 chiếm 74% tổng thu NSNN.
Sự chuyển dịch cơ cấu thu cơ bản đảm bảo theo đúng định hướng chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2020 là tăng dần tỷ trọng từ nguồn thu trong nước để bù đắp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu giảm do tham gia hội nhập quốc tế.
Trong cơ cấu thu nội địa, thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng trưởng ở mức cao và trở thành nguồn thu quan trọng của NSNN. Tỷ trọng thu từ khu vực ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng dần theo các giai đoạn (giai đoạn 2001-2005 là 14%, giai đoạn 2006-2010 là 21%, giai đoạn 2011-2015 dự kiến khoảng 26%).
Trong khi đó, tổng chi NSNN giai đoạn 2011 - 2015 đạt mức bình quân khoảng 28,3% GDP. Chi thường xuyên giai đoạn 2011-2015 ở mức bình quân khoảng 65% tổng chi NSNN, tăng so với giai đoạn 2006-2010 do thực hiện điều chỉnh tiền lương, chế độ phụ cấp công vụ; chi trả nợ cũng tăng nhanh do phải duy trì bội chi NSNN ở mức cao, đồng thời tăng phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng cho rằng, chi NSNN đang được điều hành theo hướng chặt chẽ, rà soát, sắp xếp lại các khoản chi thường xuyên, thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên; hạn chế bổ sung ngoài dự toán và quản lý chặt chẽ nguồn dự phòng ngân sách.
Cơ chế phân bổ vốn đầu tư từng bước được thực hiện theo kế hoạch trung hạn, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương chủ động bố trí nguồn lực theo thứ tự ưu tiên phù hợp với tình hình thực tế.
Đồng thời, cân đối NSNN được duy trì theo các mục tiêu đề ra, dư nợ công, dư nợ chính phủ và dư nợ nước ngoài của quốc gia được đảm bảo trong giới hạn cho phép.
Bội chi NSNN năm 2015 dự kiến 5% GDP, tuy cao hơn so với mục tiêu 4,5% GDP đề ra nhưng đã thể hiện xu hướng giảm so với 2 năm trước đó.
"Trong bối cảnh kinh tế không thuận lợi, tăng trưởng thấp hơn dự kiến, ảnh hưởng đến thu NSNN; tích lũy của nền kinh tế còn nhỏ, khả năng huy động đầu tư từ các nguồn ngoài NSNN còn hạn chế nên những năm qua Việt Nam đã chủ động điều hành bội chi NSNN theo hướng linh hoạt, chấp nhận bội chi cao ở một số thời điểm để có thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển" - Bộ Tài chính cho biết.