MobiFone đã hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp và xây dựng phương án cổ phần hóa...
Kiểm tra nhưng không công bố kết quả
- Cập nhật : 28/12/2015
(Kinh te)
Kết quả kiểm tra cần được báo cáo thay vì... im lặng, gây hoang mang và nghi ngờ trong dư luận. Bởi nếu các doanh nghiệp bị kiểm tra có sai phạm, việc xử lý sẽ như thế nào và ngược lại.
Sau hơn một tháng kể từ ngày công bố quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc nhập khẩu phôi thép hợp kim, do phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) Nguyễn Ngọc Thành làm trưởng đoàn, đến nay báo cáo chính thức về việc kiểm tra tại năm doanh nghiệp (Công ty TNHH Thương mại Vĩnh Long, Công ty TNHH thương mại Dương Tiến, Công ty TNHH IPC, Công ty TNHH thép Vinakyoei và Công ty sản xuất thép Úc SSE) đã được hoàn tất nhưng không được Bộ Công thương công bố, một số thành viên trong đoàn kiểm tra cũng không tiếp cận được báo cáo.
Một cán bộ có thẩm quyền của Hiệp hội Thép VN (VSA) - thành viên trong đoàn kiểm tra - thừa nhận rằng “không được thông tin gì về báo cáo này”, dù chính VSA đã đề xuất thành lập đoàn kiểm tra nhằm tạo sự lành mạnh cho hoạt động sản xuất ngành thép.
“Tôi cảm thấy có gì đó khá bất thường, nhưng biết làm sao được...”, vị này nói. Không chỉ VSA cảm thấy khó hiểu, mà chính các doanh nghiệp sản xuất thép cũng cho biết cảm thấy có điều gì đó “lợn cợn” khi báo cáo kiểm tra không được công bố chính thức.
Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất thép khu vực phía Nam cho biết đã chờ đợi đến ngày đoàn kiểm tra thông tin kết quả kiểm tra để xem các doanh nghiệp nhập khẩu phôi thép hợp kim về làm gì, có sử dụng đúng mục đích như giấy phép được Bộ Công thương cấp hay không.
“Một trong những căn cứ quan trọng để đoàn kiểm tra được thành lập là từ kết luận của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về tình hình nhập lậu thép vào VN tổ chức hồi tháng 10-2015, nên chúng tôi rất hi vọng để rồi... thất vọng khi biết báo cáo đã có nhưng không được công bố” - vị này cho biết.
Theo một số doanh nghiệp, việc hàng trăm ngàn tấn phôi thép hợp kim được nhập khẩu về với thuế suất nhập khẩu 0% (thay vì chịu thuế 9% nếu khai đúng mã) nhưng sau đó lại được sử dụng để cán thành thép xây dựng, không những khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính lao đao mà Nhà nước cũng thất thu hàng trăm tỉ đồng tiền thuế.
Do đó, kết quả kiểm tra cần được báo cáo thay vì... im lặng, gây hoang mang và nghi ngờ trong dư luận. Bởi nếu các doanh nghiệp bị kiểm tra có sai phạm, việc xử lý sẽ như thế nào. Ngược lại, nếu các doanh nghiệp này không sai phạm, kết quả kiểm tra cũng phải được công bố rộng rãi để “minh oan” cho các doanh nghiệp này trước dư luận.
Một chuyên gia lâu năm trong ngành thép cũng cho rằng để môi trường sản xuất kinh doanh ngành thép được “trật tự” trở lại, chấm dứt tình trạng nhập nhèm trong việc nhập khẩu các sản phẩm thép từ Trung Quốc, việc công bố thông tin một cách công khai, minh bạch là điều vô cùng cần thiết.
Vì có vậy, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước mới có được cơ hội cạnh tranh công bằng với các sản phẩm nhập khẩu trong cùng điều kiện và môi trường kinh doanh.
Nếu không, mọi nỗ lực cải tiến chất lượng sản phẩm, giảm giá thành ở mức hợp lý nhất của các doanh nghiệp trong nước đều trở nên vô nghĩa, khi mà chỉ mới “xung trận”, các doanh nghiệp đã bị trọng tài thiên vị, thậm chí còn giả đò ngó lơ để đối phương đánh dưới “thắt lưng” thì chẳng còn động lực gì để phát triển.