Nhiều đơn vị hoạt động theo kiểu đa cấp trái luật nhưng việc xử lý lại nhắm vào các nội dung khác.
Vì sao năng suất lao động khu CNC TPHCM cao vọt?
- Cập nhật : 09/09/2015
(Tin kinh te)
Trình độ công nghệ, máy móc thiết bị tự động hóa cùng với môi trường và thu nhập là các yếu tố góp phần làm cho năng suất lao động cao.
PGS.TS Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (KCNC) TPHCM đã chia sẻ với Đất Việt sau khi đưa ra thông tin trong năm 2014, mỗi lao động ở đây tạo giá trị xuất khẩu đạt gần 145.000 USD, gấp hơn 7 lần so với bình quân của các khu chế xuất-khu công nghiệp ở TPHCM.
Con số này thực sự gây bất ngờ và cũng là tin vui khi trước đó Tổ chức Lao động Quốc tế công bố: Việt Nam là 1 trong 3 nước có năng suất lao động thấp nhất ASEAN, chỉ cao hơn Myanmar và Campuchia.
Lý giải về nguyên nhân khiến năng suất lao động tại KCNC TPHCM cao, ông Quốc cho biết: trước hết là do trình độ công nghệ, máy móc thiết bị đa phần là tự động hóa nên năng suất cao. Hai nữa là môi trường và thu nhập là các yếu tố góp phần làm cho năng suất lao động cao.
Tuy nhiên ông Quốc cũng khẳng định cơ bản là do trình độ công nghệ đem lại giá trị gia tăng cao.
Vì vậy để giải bài toán năng suất lao động của Việt Nam - vốn vẫn được cho là rất thấp thì ông Quốc cho rằng chỉ có cách đầu tư vào công nghệ cao, tự động hóa để một lao động tạo ra giá trị cao hơn hẳn lao động trong nông nghiệp.
"Sở dĩ năng suất lao động của Việt Nam bị thấp là vì người ta tính theo thu nhập trung bình. Trong khi đó 70% dân số Việt Nam làm việc trong nông nghiệp, trong khi đó thu nhập ở khu vực này rất thấp. Vì vậy phải chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp", ông Quốc cho biết.
Ngoài ra vị trưởng ban Quản lý KCNC TPHCM cũng lưu ý, các doanh nghiệp trong nước ngày càng phải phát triển lên để làm chủ công nghệ.
"Nếu không, dù có năng suất cao thì các doanh nghiệp FDI cũng mang hết về nước", ông Quốc cảnh báo.
Liên quan đến con số năng suất lao động có tương ứng với mức thu nhập của người lao động tại KCNC TPHCM, ông Quốc cho biết cơ bản là người lao động ở đây hài lòng.
"Chúng tôi có yêu cầu các doanh nghiệp phải trả lương bằng hoặc cao hơn các khu công nghiệp khác. Cũng phải thấy rằng FDI đến với Việt Nam đầu tư một trong các lợi thế cạnh tranh của mình là lao động giá rẻ. Tuy nhiên ở Khu CNC TPHCM thì không khuyến khích điều này mà phải trả ở mức gấp rưỡi hoặc gấp đôi lương tối thiểu.
Tất nhiên không phải tất cả nhà đầu tư đều áp dụng được điều này mà các DN FDI đến về sau này thường áp chặt chẽ hơn còn các nhà đầu tư tiên phong trước đây lại không đặt ra yêu cầu đó.
Tức là các doanh nghiệp đến từ giai đoạn 2010-2012 trở lại đây mức lương trả cho công nhân rất tốt và công nhân cũng hài lòng với mức thù lao đó", ông Quốc cho biết.
Để có năng suất lao động cao, ông Quốc cho rằng không phải dựa trên cơ chế đặc thù nào mà chủ yếu do đầu tư công nghệ. Vì vậy mới đây ông Quốc cũng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục cải thiện thủ tục, quy trình giao nhiệm vụ khoa học công nghệ, đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm để các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận tốt hơn nhiệm vụ khoa học công nghệ quốc gia và địa phương.
Tuy nhiên ông Quốc cũng cho biết thời gian tới nhà nước cần có chính sách đối với đội ngũ lao động có trình độ cao, tức là rất cần điều chỉnh mức thuế thu nhập cá nhân để động viên họ.
Ví dụ như với mức thuế thu nhập hiện nay vẫn còn cao thành ra với những lao động chất xám giỏi làm cho các khu công nghệ cao thì nên có chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân để động viên người ta. Còn đối với công nhân thì đương nhiên mức thu nhập của họ chưa đến mức phải nộp thuế.
"Để thu hút tinh hoa (các quản trị viên cao cấp) tại các doanh nghiệp để thu hút trong bối cảnh hình thành cộng đồng kinh tế khu vực ASEAN tự do luôn chuyển dòng vốn và lao động, chế độ lao động không tốt thì lao động giỏi sẽ rút hết sang các nưcc Singapore, Malaysia", ông Quốc lo ngại.