Việt Nam cùng một số nền kinh tế khác như Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil, Philippines được đánh giá là có cơ hội lớn để trở nên nổi bật về kinh tế số trong tương lai.
Vì sao EVN khó cổ phần hóa?
- Cập nhật : 25/12/2015
(Kinh te)
Giá phát điện thấp dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh không đảm bảo đang là một trong những nguyên nhân khiến cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam gặp vướng mắc khi cổ phần hóa Tổng công ty Phát điện 3 (Genco3).
Mặc dù đã bắt đầu cổ phần hóa từ năm 2006 đến nay, với những đơn vịcổ phần hóa có số vốn và tổng tài sản khá lớn, đang nắm các khâu phân phối điện, tư vấn xây dựng điện, cơ khí điện lực…
Tuy nhiên, theo ông Đặng Hoàng An, Tổng Giám đốc của EVN cho rằng Tập đoàn là một đơn vị đặc thù, tất cả thị trường đều sử dụng điện nhưng phần lớn lại đều do EVN cung cấp, nên EVN đang phải chịu "gánh nặng quá khứ" rất nhiều.
"Gánh nặng quá khứ" làm rào cản cổ phần hóa
“Gánh nặng bao gồm cả con người và cơ sở vật chất kỹ thuật. Nên nếu thực hiện không khéo với người lao động thì ngay sau cổ phần hóa có thể bị ảnh hưởng, cả về tâm tư tình cảm và thu nhập. Dẫn chứng là có DN cổ phần hóa lâu rồi, nhưng giờ thị trường xuống hoặc việc làm có vấn đề, thì người lao động vẫn gửi thư lên Tập đoàn” – ông An chia sẻ.
Liên quan đến quy định để bảo toàn vốn nhà nước, đều phải đánh giá lại tài sản. Theo ông An, điều này sẽ tạo gánh nặng cho công ty cổ phần sau khi đi vào hoạt động. Bởi nếu phân tích giữa hiệu quả DN mang lại thông qua đóng thuế, bằng cách đánh giá lại tài sản, đại diện EVN cho rằng phương pháp định giá này chưa chắc đã mang lại nhiều tiền hơn cho Nhà nước.
“Cần phải tính dòng đời hoạt động DN, gánh nặng quá thì DN cổ phần hóa xong không chịu nổi. Vấn đề này cần phải xem xét lại, bởi các nước vẫn có trường hợp họ đánh giá thấp giá trị tài sản xuống để cổ phần hóa được” – Tổng Giám đốc EVN kiến nghị.
Một vấn đề nữa khiến cho EVN gặp vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn đó là quá trình xử lý văn bản của các bộ, ngành liên quan. Theo ông An, mặc dù nghị định hướng dẫn thông thoáng song thời gian xử lý nhiều trường hợp rất lâu, đặc biệt tập trung vào việc thoái vốn ở các ngành, lĩnh vực nhạy cảm như chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng…
“Tất cả những DN này đều phải xin các bộ, ngành liên quan. Có thời điểm 3 tháng mới ra được một văn bản, lại yêu cầu bổ sung văn bản liên quan. Trong khi Chính phủ rất sốt ruột, đề xuất phải làm nhanh lên. Nhưng ví dụ như với Bảo hiểm Toàn cầu, chờ văn bản xét duyệt đến 6 tháng nay nên ngày chót cuối năm mới đặt lịch phiên dấu giá, nên thị trường có thể lỡ mất”, Đại diện EVN thẳng thắn chỉ ra.
Ngoài ra, chính sách nội địa hóa với sản phẩm trong nước cũng đang khiến cho quá trình cổ phần hóa của các đơn vị trong EVN gặp gian nan. Ông An dẫn chứng, trong ngành điện lực hiện có một số sản phẩm chỉ bán cho ngành, nên EVN có 4 công ty cơ khí, trong đó có 2 đơn vị sở hữu vốn đều trên 40%.
Thế nhưng theo Luật Đấu thầu, để đảm bảo tính cạnh tranh nếu công ty mẹ sở hữu vốn quá 30% sẽ không được tham gia đấu thầu, khiến cho DN gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm, ảnh hưởng hiệu quả kinh doanh chung.
Giá phát điện thấp làm khó Genco3
Tuy nhiên, bên cạnh những vướng mắc trên mà đại diện EVN đưa ra, trong báo cáo kết quả làm việc giữa Bộ Công Thương với các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Bộ về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn trong năm 2015, lại chỉ ra rằng EVN gặp khó khăn nhất trong quá trình cổ phần hóa Tổng Công ty Phát điện 3 (Genco3), mà trực tiếp liên quan đến giá điện.
Theo đó, để đảm bảo cổ phần hóa thành công và thu hút nhà đầu tư thì giá điện cần phải gắn liền với phương án sản xuất kinh doanh của Genco3 và phải đảm bảo tính khả thi; lợi nhuận dự kiến đảm bảo để chi trả cổ tức bình quân mỗi năm từ 7 – 10%; dòng tiền và các chỉ tiêu tài chính đảm bảo điều kiện để vay vốn đầu tư dự án mới.
Tuy nhiên, do việc xác định giá điện thấp theo Thông tư số 56 quy định phương pháp xác định giá phát điện, trình tự kiểm tra hợp đồng mua bán điện của Bộ Công Thương, nên kết quả sản xuất kinh doanh không đảm bảo hoạt động và không có cổ tức trong các năm đầu hoạt động sau cổ phần hóa.
Do đó, để cố gắng đảm bảo thời hạn của tiến độ, Genco3 đang khẩn trương làm việc với các Ban EVN để hoàn chỉnh phương án giá điện và phương án sản xuất kinh doanh giai đoạn 2016-2025.
Ngoài ra, Genco3 còn đang vướng mắc trong vấn đề chi phí tư vấn cổ phần hóa theo quy định của Bộ Tài chính không quá 700 triệu đồng; Xử lý khoản vay của EVN chuyển cho Genco3; phương án được cân nhắc thêm là EVN mua và đánh giá lại giá trị tài sản doanh nghiệp của Nhà máy Thủy Điện Đa Nhim; quan điểm của EVN là bán cổ phần các DN điện nên dành cho các nhà đầu tư có chuyên môn trong lĩnh vực này…
Theo ông Phan Đăng Tuất, Vụ trưởng - Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương, hiện nay Bộ Công Thương đã phê duyệt cổ phần hóa cho Genco3. Song khó khăn lớn nhất đó là vốn của Genco3 quá lớn, DN sau khi đánh giá lại vốn chủ sở hữu lên tới 24.000 tỷ và tổng tài sản gần 100.000 tỷ, nên khó các nhà đầu tư đủ lực tham gia.