Doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào quốc gia giàu tiềm năng Timor Leste, từ đó đóng góp một phần vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và quốc gia này
Doanh nghiệp đang làm gì để ứng phó với thắt chặt tín dụng USD?
- Cập nhật : 19/04/2016
(Tin kinh te)
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang tích cực khảo sát các giá cả quan đến tỉ giá VND/USD. Trước đây thường chỉ các doanh nghiệp FDI quan tâm đến chuyện này.
Hơn 2 tuần đã trôi qua kể từ khi thông tư 24 của Ngân hàng Nhà nước được áp dụng, chính thức hạn chế đối tượng doanh nghiệp được phép vay ngoại tệ. Thời gian qua, thị trường đã có những chuyển biến đầu tiên từ phía doanh nghiệp để thích nghi với động thái siết chặt cung tín dụng USD này.
Thực ra, các quy định trong Thông tư 24 không hề mới. Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước cũng có Thông tư 29, giới hạn các đối tượng khách hàng tiếp cận vốn bằng ngoại tệ. Điều kiện thị trường khi đó chưa thuận lợi cho việc triển khai nên cơ quan quản lý đã gia hạn thời gian áp dụng qua Thông tư 43/2015.
Xuất hiện ngay khi thông điệp mạnh tay chống đô la hóa nền kinh tế được phát đi từ Ngân hàng Nhà nước, Thông tư 24 đóng vai trò như một công cụ ổn định quan hệ cung cầu thị trường ngoại hối. Theo đó, quy định kể từ cuối tháng 3 các ngân hàng thương mại chấm dứt cho vay ngoại tệ, ngoại trừ 4 nhóm đối tượng đặc thù.
Trả lời báo giới, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, cho biết đối tượng thật sự có nhu cầu vay USD ngắn hạn để thanh toán trực tiếp chiếm tỉ trọng nhỏ hơn so với nhóm đối tượng sử dụng hợp đồng vay tín dụng ngoại tệ như công cụ điều hành nhằm giảm chi phí giá vốn vay (qua việc hưởng chênh lệch lãi suất vay giữa VND và USD).
Các bên tham gia thị trường ngoại tệ, đứng trước chủ trương rõ ràng từ cơ quan điều hành trong việc chuyển từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán ngoại tệ, đã có những cách làm thay đổi rõ rệt trong nửa tháng qua.
Đầu tiên, ở phía các doanh nghiệp thuộc nhóm 4 đối tượng được ưu tiên. Có 2 nhóm đối tượng không bị giới hạn về thời gian vay (ngắn, trung hay dài hạn) bao gồm: một là khách hàng vay để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ và họ có đủ nguồn thu ngoại tệ trong tương lai từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay; hai là đi vay USD để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia.
Còn lại, 2 nhóm liên quan đến đặc thù kinh doanh vẫn được ưu tiên chính gồm các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công Thương giao hạn mức nhập khẩu xăng; và doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam. Hai đối tượng này bị khống chế vay vốn USD trong ngắn hạn dưới 12 tháng.
Người đứng đầu một công ty nhập khẩu linh kiện điện lạnh từ nước ngoài về lắp ráp tại Việt Nam, sau đó tái xuất (không muốn nêu tên), vốn là một khách hàng doanh nghiệp của Techcombank, chia sẻ mặc dù doanh nghiệp ông thuộc nhóm ưu tiên vẫn được duy trì quan hệ tín dụng bằng USD, nhưng ông đã có phương án “dài hơi” cho mình.
“Tôi chỉ đạo mọi người phải cập nhật mỗi tuần biến động lãi suất cho vay bằng VND và tự mình theo dõi biến động tỉ giá trung tâm hằng ngày. Mục đích là chủ động hơn trong nguồn vốn vay thay vì phụ thuộc vào các hợp đồng vay ngoại tệ như trước ngày Thông tư 24 có hiệu lực”. Ông tin rằng khi Ngân hàng Nhà nước dự báo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2016 tăng khoảng 18-20%, sẽ tạo áp lực lên lãi suất vay bằng nội tệ.
Mặc dù hiện vẫn thuộc nhóm ưu tiên và vẫn được phía ngân hàng cấp hạn mức tín dụng bằng USD, nhưng doanh nghiệp ông phải lên kế hoạch và cần báo trước nhu cầu vốn USD cả 1-2 tháng trước mỗi đợt vay. Điều này dẫn tới rủi ro khả năng thanh toán đối với mỗi đơn hàng nhập khẩu thiết bị, linh kiện vì không phải khi nào phía công ty ông cũng chủ động được thời điểm nhập hàng, nhất là trong bối cảnh tỉ giá các đồng bản tệ tại các nước đang diễn biến khó lường. “Vay USD thì thủ tục khó hơn nên chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ để xin cấp hạn mức tín dụng nội tệ vì giá vốn vay VND đang rẻ”, ông nói.
Khảo sát của NCĐT đối với các công ty thuộc diện bị buộc phải chuyển sang quan hệ vay vốn bằng VND hoặc/và mua USD tại thời điểm có nhu cầu thanh toán, có 3 phương án “đối phó” chung được các doanh nghiệp này áp dụng.
Trước hết là chiến lược “săn” nhân sự giàu chuyên môn. Theo chia sẻ của người đứng đầu công ty thuộc tốp 3 cung cấp dịch vụ tư vấn nhân sự tại TP.HCM, chỉ trong vòng 3 tuần qua, bà đã nhận được đơn đặt hàng từ 5 công ty lớn trong nước tuyển dụng nhân sự cao cấp lĩnh vực tài chính và nguồn vốn. Các công ty này sẵn sàng trải thảm đỏ với mức thu nhập rất cạnh tranh. Đặc điểm chung trong mô tả công việc của các vị trí cần tuyển gấp này là ứng viên cần phải có kinh nghiệm về tài chính, tỉ giá, quản lý nguồn vốn và thông thạo các sản phẩm cấu trúc.
Dựa trên kinh nghiệm gần 20 năm trong ngành nhân sự tài chính, bà nhận định đây mới chỉ là mở đầu cho “cơn khát” nhân sự có chuyên môn để phục vụ các giao dịch sản phẩm phái sinh ngoại tệ và lãi suất bên cạnh hoạt động mua bán kỳ hạn thông thường.
Phương án đối phó thứ hai là đẩy mạnh tìm hiểu các sản phẩm bảo hiểm tỉ giá và lãi suất. Một chuyên viên nguồn vốn của Ngân hàng HSBC chia sẻ, trong 1 tháng qua, lượng yêu cầu chào giá các hợp đồng mua bán USD kỳ hạn loại 2, 3 và 6 tháng tăng vọt so với đầu năm.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cũng tích cực khảo sát giá các sản phẩm liên quan đến tỉ giá VND/USD, trong khi trước đây, thường chỉ các doanh nghiệp FDI quan tâm đến chuyện này. Tỉ giá VND/USD mà ngân hàng chào trong các hợp đồng kỳ hạn không chênh lệch nhiều so với mức tỉ giá trung tâm Ngân hàng Nhà nước hiện công bố. Nhu cầu này phát sinh từ phía các doanh nghiệp có nguồn USD do các đối tác nước ngoài chuyển về để chi trả các hợp đồng xuất khẩu. Họ muốn tham khảo tỉ giá vào các thời điểm xác định trong tương lai.
Trước kia, thông thường các doanh nghiệp “tham khảo” dựa vào cam kết biên độ trần biến động tỉ giá USD, thường được cơ quan quản lý đưa ra vào đầu mỗi năm, để tính toán mức biến động lãi suất, hạn chế những tác động đến chi phí giá vốn của doanh nghiệp. Thông lệ này giờ đã chấm dứt. Khối doanh nghiệp buộc phải tự “ bắt mạch” diễn biến thị trường để đưa ra phương án, thời điểm vay vốn.
Còn theo đại diện của Sacombank và Maritime Bank, các doanh nghiệp đã quan tâm sâu hơn đến các sản phẩm tài chính. Việc chào giá các sản phẩm hoán đổi lãi suất (IRS), kỳ hạn (FRA) hay quyền chọn lãi suất (IRO) trên thị trường liên ngân hàng giữa các tổ chức cũng bắt đầu nóng lên mỗi ngày, do lực cầu tham khảo từ các doanh nghiệp lớn ngày một tăng mạnh.
Một vài doanh nghiệp niêm yết lớn cũng “rục rịch” phương án gọi vốn mới hoặc phát hành trái phiếu doanh nghiệp khi nguồn vay USD bị thắt chặt qua Thông tư 24, trong lúc lãi suất đi vay bằng VND đang ở quanh mức trung bình cao 8-9% và chưa có tín hiệu đảo chiều.
Theo số liệu giao dịch hằng ngày, ước tính 3 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã thu mua khoảng 3 tỉ USD từ khối ngân hàng thương mại. Hiện tượng các ngân hàng thương mại hủy ngang các hợp đồng mua USD kỳ hạn từ ngân hàng mẹ do tỉ giá VND/USD có xu hướng đi xuống ngày một phố biến.
Điều đáng chú ý nhất mà Thông tư 24 tác động đến doanh nghiệp FDI chính là thanh khoản luồng tiền USD. Bắt đầu có xu hướng các doanh nghiệp ngoại đóng cửa các tài khoản thanh toán từ phía các ngân hàng nội và “chuyển luồng” sang khối ngân hàng ngoại, nơi họ kỳ vọng với uy tín sẵn có và quan hệ tín dụng tốt sẽ giúp họ có được mức ưu đãi hơn về tỉ giá và lãi suất khi thị trường có biến động .
Nguyệt Nguyễn
(Theo Nhịp Cầu Đầu Tư)