tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Doanh nghiệp Việt sẽ... “bán mình”?

  • Cập nhật : 05/12/2015

(Kinh te)

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) trong nước thừa nhận vẫn đang loay hoay với những khó khăn như thiếu vốn, công nghệ, nhân lực...

Khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, không chỉ chính phủ mà doanh nghiệp các nước trong khu vực đều được “thúc ép” phải nhanh chóng thay đổi để cải thiện tính cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh mới.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) trong nước thừa nhận vẫn đang loay hoay với những khó khăn như thiếu vốn, công nghệ, nhân lực...

Loay hoay với vốn, 
công nghệ...

Giám đốc một công ty sản xuất bao bì tại TP.HCM cho biết sau khi hai nhà máy hiện tại đã hoạt động hết công suất, doanh nghiệp này lên kế hoạch xây thêm một nhà máy mới nhưng rồi quyết định dừng dự án sau khi khảo sát thị trường, tìm hiểu lãi suất cho vay...

“Thị trường có, thậm chí dự báo sẽ tăng, nhưng vay vốn đầu tư là quá rủi ro do lãi suất không ổn định, rồi chẳng biết có cạnh tranh được khi hàng hóa các nước trong khu vực dự báo ào ạt vào VN thời gian tới” - vị này cho biết.

Theo ông Trần Việt Anh - giám đốc Công ty Nam Thái Sơn, tâm lý sợ không cạnh tranh được, phải bán cho công ty nước ngoài của doanh nghiệp ngành bao bì, nhựa rất phổ biến. Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã khảo sát rồi đòi mua đứt nhiều doanh nghiệp Việt với giá mà bất kỳ ông chủ nào cũng cảm thấy hài lòng.

“Nếu DNVVN lần lượt rơi vào tay các ông chủ nước ngoài, công nghiệp VN có thể phát triển nhưng những quy hoạch chính sách phát triển công nghiệp của VN sẽ không còn nhiều ý nghĩa” - ông Việt Anh nói.

Ông Hồ Đức Lam, chủ tịch Hiệp hội Nhựa VN, thừa nhận chưa bao giờ ngành nhựa phải đối mặt nhiều sự cạnh tranh gay gắt như hiện tại khi các doanh nghiệp ngành nhựa Thái Lan đang trỗi dậy rất mạnh mẽ, hàng nhựa Thái đang ồ ạt trở lại VN nhờ mẫu mã đa dạng và bắt mắt hơn.

Theo ông Lam, dù Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng phải hỗ trợ vốn vay cho DNVVN “nhưng có bao nhiêu DNVVN được hưởng lợi từ các chính sách, được tiếp cận vốn ngân hàng? Tôi khẳng định con số được vay rất ít” - ông Lam khẳng định.

Trong khi đó, ông Võ Văn Đức Bảy, phó giám đốc Công ty nhựa Chợ Lớn, cho biết dù đã bán được sản phẩm đồ chơi các loại sang Campuchia, Lào với giá thấp hơn sản phẩm cùng chủng loại của Thái Lan khoảng 20% và rẻ hơn hàng của Trung Quốc 20-25%, “nhưng thách thức rất lớn đối với chúng tôi là làm sao cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm đồ chơi ở mức nhanh hơn nữa” - ông Bảy chia sẻ.

Cần nhiều chính sách 
hỗ trợ thiết thực

Trong khi đó từ nhiều năm nay, phần lớn các nước trong khu vực đã triển khai một loạt hoạt động hỗ trợ DNVVN nhằm tăng sức cạnh tranh của bộ phận này.

Ông Kao Siêu Lực, giám đốc ABC Bakery, cho biết ở Singapore các chương trình hỗ trợ DNVVN được triển khai từ lâu, trong đó khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ.

“Chính phủ hỗ trợ tài chính đến 60% cho doanh nghiệp nào mạnh dạn đổi mới công nghệ, thủ tục cực kỳ nhanh gọn, đây là điều đáng mơ ước của bất kỳ doanh nghiệp VN nào” - ông Lực nói.

Tương tự, Chính phủ Philippines cũng đang khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ khai thác nguồn vốn rẻ để mở rộng quy mô, tăng sức cạnh tranh. Nhiều khoản vay lãi suất thấp được triển khai nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu.

Theo ông Surapon Vongvadhanaroj - phó chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan, hiện nay hầu hết DNVVN trong nước đều tìm kiếm hỗ trợ tài chính hoặc phải đi vay để có vốn làm ăn. Tuy nhiên vốn chưa phải là tất cả.

Đổi mới sáng tạo mới chính là yếu tố thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp này. Họ cần một sản phẩm, ý tưởng gì thật khác hơn là một nguồn vốn đầu tư khủng. Hãy suy nghĩ về một sản phẩm hay một cái gì đó để thuyết phục mọi người thật sự cần nó.

Bởi vậy, các chính sách hỗ trợ DNVVN cần được tiếp tục và ổn định sau khi AEC thành lập, dù chắc chắn sẽ có những tác động.

“AEC không có nghĩa là sẽ tự do thương mại, thương mại chỉ là một trong những chương nhỏ mà AEC đề cập. AEC bắt buộc doanh nghiệp phải hành động nhiều hơn, tăng cường hợp tác hơn. Mỗi nước vẫn có những quy định riêng, vì vậy chúng ta cần nghĩ đến những quy tắc chung, cùng tuân thủ và tận dụng cơ hội” - ông Surapon Vongvadhanaroj nói.

Gánh nặng chi phí

Ông Nguyễn Quốc Anh, chủ tịch Hội Cao su nhựa TP.HCM, cho hay các chính sách hỗ trợ DNVVN “cơ bản có khá đầy đủ”, nhưng khó khăn chính là thủ tục để tiếp cận những chính sách hỗ trợ này.

Ngoài ra, gánh nặng chi phí vốn cùng các chi phí khác cũng tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cụ thể, lãi suất cho vay trung, dài hạn không dưới 10%/năm khiến lợi nhuận của doanh nghiệp làm ra cũng không đủ bù đắp nổi. Còn chi phí logistics, thuế, phí có tên lẫn không tên thật sự đang kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước rất nhiều.

“So với doanh nghiệp nước bạn, chi phí đầu vào của DNVVN trong nước cao hơn ít nhất 15% thì làm sao cạnh tranh được” - ông Quốc Anh nói.

(Theo Báo Tuổi Trẻ)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục