Dự thảo Nghị định quy định việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển và giá dịch vụ cảng đang được Bộ Giao thông Vận tải lấy ý kiến đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của các doanh nghiệp XNK.
Doanh nghiệp "mướt mồ hôi" vì xin C/O
- Cập nhật : 07/04/2016
(Tin kinh te)
Khó xin C/O để được hưởng ưu đãi, nhiều loại chi phí không chính thức, bị tính thuế quá cao... đã làm nản lòng doanh nghiệp Việt. Một doanh nghiệp đã phải kiến nghị rằng, các cơ quan Nhà nước coi chúng tôi là doanh nghiệp, công dân chứ không phải "ăn xin" ở cửa cơ quan.
Một doanh nghiệp cho biết, chi phí 1 container từ Hà Nội đi Hải Phòng để xuất khẩu mất 400 USD. Ảnh internet.
Chi phí không chính thức "đè" doanh nghiệp
Việt Nam được coi là nước "bội thu" về hiệp định thương mại tự do (FTA) khi có tới 14 FTA đã và đang chuẩn bị ký kết. Việc này tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu, gia tăng kim ngạch... khi thuế quan được cắt giảm đáng kể.
Tuy nhiên, muốn tận dụng được ưu đãi mà các FTA mang lại, các doanh nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Với một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành dệt may thì việc đáp ứng được vấn đề quy tắc xuất xứ là rất khó khăn.
Trong cuộc hội thảo "Tận dụng quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan trong các FTA thế hệ mới cho các doanh nghiệp dệt may, da giày Hà Nội" diễn ra ngày 6-4, với sự có mặt của nhiều ban ngành, ông Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công ty TNHH Nam Việt (hoạt động trong lĩnh vực dệt may) đã không "ngại" khi nói đến những khó khăn của mình.
Có cái nhìn tích cực về những ưu đãi mà FTA mang lại, trong đó có vấn đề C/O ưu đãi nhưng ông Chung cho rằng, để xin được C/O thì doanh nghiệp cũng "mướt mồ hôi".
Ông Chung dẫn chứng, theo quy định của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), dệt may phải đáp ứng được quy tắc "từ sợi trở đi", tức là nguyên phụ liệu từ sợi phải được nhập khẩu từ các nước thuộc TPP.
Việt Nam được coi là nước "bội thu" về hiệp định thương mại tự do (FTA) khi có tới 14 FTA đã và đang chuẩn bị ký kết. Việc này tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu, gia tăng kim ngạch... khi thuế quan được cắt giảm đáng kể.
Tuy nhiên, để có 1 sản phẩm dệt may hoàn chỉnh phải trải qua hàng trăm công đoạn và với doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì mỗi công đoạn lại thuộc về 1 chủ. "Nếu chúng ta truy suất đến cùng của 1 sản phẩm về xuất xứ thì phải đi hàng trăm doanh nghiệp để cầu cạnh. Đây là rào cản mà doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay không đáp ứng được. Nếu đáp ứng được vấn đề về quy tắc xuất xứ thì chi phí có thể đội lên, lúc ấy dù có được hưởng ưu đãi thì cũng thành không được ưu đãi", ông Chung nhấn mạnh.
Với những khó khăn trong việc xin C/O ưu đãi, ông Chung kiến nghị: "Khi chúng tôi đến hỏi về vấn đề C/O, mong rằng các cơ quan Nhà nước coi chúng tôi là doanh nghiệp, công dân chứ không phải "ăn xin" ở cửa cơ quan".
Chưa hết, nhiều loại chi phí không chính thức đang là gánh nặng cho doanh nghiệp. Ông Chung nêu ví dụ, 1 container chúng tôi vận chuyển từ Hà Nội đi Hải Phòng để xuất khẩu mất 400 USD phí vận chuyển, nhưng từ Hải Phòng sang Nhật Bản chỉ mất 100 USD.
"Nếu làm phép tính so sánh đơn giản thì thấy rằng, doanh nghiệp không thể cạnh tranh về giá. Phí không chính thức để xuất 1 lô hàng bị đẩy lên quá lớn, đây là rào cản lớn cho doanh nghiệp. Dĩ nhiên không để đòi hỏi ngay một lúc nhưng tôi cũng mong rằng các cơ quan ban ngành hãy hiểu quy trình xuất khẩu lô hàng gồm bao nhiêu công đoạn phải chi phí, từ đó mới có thể tính toán xem có thể cạnh tranh được không", ông Chung phân trần.
"Ngã ngửa" về thuế
Không gặp khó khăn về vấn đề C/O nhưng bà Dương Thị Liên Hương, Công ty Tân Bắc Đô (chuyên về sản xuất, xuất khẩu dệt may) cho rằng, có nhiều loạt chi phí khác tác động đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại thị trường nước ngoài.
Vừa qua, doanh nghiệp của bà Hương cùng một đoàn doanh nghiệp dệt may đi sang Nga để bán hàng. Doanh nghiệp này mang theo 5.000 áo len và một số khăn mặt để bán trong hội chợ. Với sự giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nga và Phòng Thương mại và Công nghiệp tại Nga, doanh nghiệp này được miễn thuế nhập khẩu nhưng vẫn bị đánh thuế bán hàng 18%. Chưa hết, "khi xem đến biểu thuế chúng tôi mới 'ngã ngửa' bởi Hải quan Nga định giá quá cao", bà Hương cho hay.
Cụ thể, Hải quan Nga định giá khăn mặt gần 6 USD/chiếc và thuế bán hàng mất khoảng 1,2 USD, tổng mất 7,2 USD trong khi doanh nghiệp này bán ra sản phẩm khăn mặt chưa đến 1 USD tại hội chợ. Số tiền phí Hải quan và thuế đã khiến chiếc khăn bị đội giá gấp 7 lần so với giá bán.
"Dù có được miễn thuế nhập khẩu theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Liên minh kinh tế Á-Âu nhưng với cách tính thuế như vậy thì việc miễn thuế cũng vô tác dụng. Chúng tôi mong muốn khi lãnh đạo đàm phán lưu tâm vấn đề này. Hiện số tiền hơn 300 triệu chúng tôi đang nợ Công ty Cổ phần đầu tư thương mại Hà Nội- Matxcova (Incentra) mà chưa biết cách nào để trả", bà Hương khẳng định.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) sau khi nghe những chia sẻ của bà Hương cũng tỏ thái độ bất ngờ: "Việc doanh nghiệp nợ đọng thuế bây giờ chúng tôi mới có thông tin".
Song ông Hải thông tin thêm, Nga là thị trường phức tạp, ngoài cách tính thuế theo giá trị, Nga còn có thêm thuế tuyệt đối áp theo khối lượng, theo mùa… Tháng 6 tới, khi Hiệp định này có hiệu lực, chúng tôi sẽ ngồi lại với nhau bàn tiếp những vấn đề thực thi, để gạt bỏ rào cản thương mại. Cơ quan Nhà nước không nắm bắt hết được rất cần thông tin từ doanh nghiệp để làm việc với đối tác", ông Hải nói.
(Theo Báo Hải Quan)