Hai nhóm mặt hàng của Việt Nam đang bị áp dụng cơ chế tự vệ ngưỡng của Liên minh kinh tế Á – Âu (EAEU) trong năm 2018 là quần áo lót và quần áo trẻ em.
Doanh nghiệp được tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu
- Cập nhật : 14/07/2018
Theo hướng dẫn của Bộ Công Thương, thương nhân có thể tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, không hạn chế là hàng nông nghiệp hay hàng công nghiệp.
Theo phản ánh của ông Vũ Phi Hùng, tại Khoản 9, Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ quy định: Tờ khai hải quan điện tử có giá trị sử dụng trong việc thực hiện các thủ tục về thuế, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thủ tục thanh toán qua ngân hàng và các thủ tục hành chính khác; chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa lưu thông trên thị trường. Các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan sử dụng tờ khai hải quan điện tử phục vụ yêu cầu quản lý, không yêu cầu người khai hải quan cung cấp tờ khai hải quan giấy.
Ngày 19/8/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 33/2016/QĐ-TTg về quy chế cung cấp, sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử, cụ thể hóa Nghị định số 08/2015/NĐ-CP. Nhưng ngày 8/3/2018 Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, trong đó Khoản 1 và Khoản 2, Điều 15 về hồ sơ cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa vẫn yêu cầu phải có Bản in tờ khai hải quan xuất khẩu.
Theo ý kiến của ông Hùng, quy định như vậy là không thống nhất. Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, ông Hùng đề nghị cơ quan chức năng xem xét, thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ nhằm tạo điều kiện đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, đối với cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP, ông Hùng đề nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép các doanh nghiệp xuất các mặt hàng truyền thống hoặc từ những nguồn nguyên liệu chắc chắn có xuất xứ từ Việt Nam.
Về vấn đề này, Bộ Công Thương có ý kiến như sau:
Đối với việc sử dụng tờ khai hải quan điện tử trong việc thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) quy định tại Khoản 9 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, các tổ chức cấp C/O được Bộ Công Thương ủy quyền thực tế đang gặp nhiều khó khăn khi truy cập hệ thống tra cứu tờ khai hải quan của Tổng cục Hải quan tại http://tracuutokhaihq.vnsw.gov.vn vì trang điện tử này thường xuyên bị lỗi.
Mỗi lần tra cứu tờ khai hải quan điện tử xuất khẩu của một lô hàng, tổ chức cấp C/O nếu phải truy cập vào trang điện tử nêu trên để kiểm tra tính xác thực thì quá trình này không đảm bảo thời gian xử lý hồ sơ cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, các mẫu C/O ưu đãi và C/O không ưu đãi hiện chưa được đồng bộ hóa để khai báo và cấp điện tử.
Do vậy, trong thời gian quá độ hiện nay, hồ sơ đề nghị cấp C/O theo Điều 15 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP vẫn quy định việc nộp 1 bản in từ Tờ khai hải quan xuất khẩu (được hiểu là bản in ra từ bản mềm Tờ khai hải quan điện tử).
Đối với cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP, trường hợp thương nhân đáp ứng một số tiêu chí lựa chọn theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, hoặc các tiêu chí theo quy định của nước nhập khẩu do Bộ Công Thương hướng dẫn tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, thương nhân có thể tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, không hạn chế là hàng nông nghiệp hay hàng công nghiệp.
Theo Chinhphu.vn