Năm nay, các khu kinh tế, khu công nghiệp ở tỉnh Quảng Bình thu hút được 11 dự án, với tổng số vốn trên 10.000 tỷ đồng vào đầu tư; trong đó, 8 dự án với số vốn đăng ký 625 tỷ đồng đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư,3 dự án với tổng số vốn gần 10.000 tỷ đồng đang được các cấp, ngành trong tỉnh xem xét, thẩm định năng lực .
Thu nhập bình quân của người Việt hiện đạt 2.200 USD
- Cập nhật : 06/12/2015
(Kinh te)
Theo World Bank, quy mô nền kinh tế Việt Nam hiện khoảng 200 tỉ USD, thu nhập bình quân đầu người tăng 4,8% hàng năm, đạt khoảng 2.200 USD. Tuy nhiên, với tốc độ tăng năng suất lao động chưa đến 4%, có xu hướng giảm, Việt Nam đang thua xa Trung Quốc và Hàn Quốc trước đây.
Sáng nay (5/12), Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam (VDPF) đã chính thức khai mạc tại Hà Nội với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, các Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ ngành và đại diện của các đối tác phát triển của Việt Nam.
Phát biểu tại diễn đàn, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam ghi nhận, trong 5 năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt gần 6% trong khi các nước trong khu vực chỉ đạt 5,6%. Qua đó, quy mô nền kinh tế tăng gần gấp đôi và hiện nay đạt khoảng 200 tỉ USD. Thu nhập bình quân đầu người tăng 4,8% hàng năm, hiện ước đạt khoảng 2.200 USD.
Trong khi đó, ông David Devine, Đại sứ Canada cũng đưa ra đánh giá, nhờ những lợi ích hội nhập toàn cầu, tỉ lệ thương mại theo GDP của Việt Nam năm 2013 đạt 164%, cao nhất trong khối ASEAN, chỉ sau Singapore.
Ông Devine cho rằng, những thành tích tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam là hợp lý và bền vững. Tăng trưởng GDP đầu người đạt trung bình 5,5%/năm kể từ năm 1990, góp phần tăng thu nhập bình quân 3,5 lần, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước tăng trưởng cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, vị này cho rằng, khó khăn đáng kể nhất của nỗ lực này là hiệu suất lao động kém bắt nguồn từ cuối những năm 1990. Việc giảm sút về hiệu suất được lý giải một phần là do số lượng các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoạt động kém hiệu quả, dàn trải.
Cùng quan điểm, bà Kwaka nhận xét, nền kinh tế Việt Nam đang vấp phải một số vấn đề lớn mà đầu tiên chính là thách thức về năng suất lao động. Theo đó, mấy năm gần đây Việt Nam đã phục hồi tăng trưởng khá tốt sau giai đoạn suy thoái toàn cầu, thế nhưng xu thế mức tăng năng suất lao động giảm dần là vấn đề đáng quan ngại.
Cụ thể, đại diện World Bank chỉ rõ, mức tăng năng suất lao động của Việt Nam chưa đến 4% và đang có xu thế giảm, trong khi mức tăng năng suất lao động tại Trung Quốc là trên 7%, tại Hàn Quốc là trên 5% vào thời điểm các nước đó ở cùng trình độ phát triển như Việt Nam hiện nay.
Để đối phó với tình trạng giảm mức tăng năng suất lao động hiện nay, theo World Bank, là phải tạo ra một khuôn khổ cho một sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, khuyến khích cạnh tranh thực chất và bảo vệ quyền sở hữu tài sản. Ngoài ra, Việt Nam cần thực hiện tiếp cận đất và vốn dựa trên thị trường hơn nữa nhằm đảo bảo nuồn lực được phân bổ cho đúng mục đích sử dụng, hiệu quả nhất và tiết kiệm nhất.
Thông báo với các đối tác tại Diễn đàn VDPF, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, mục tiêu trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ tăng trưởng GDP từ 6,5-7% và giá trị GDP/đầu người tới năm 2020 sẽ được nâng lên đạt 3.200 - 3.500 USD. Năng suất các yếu tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30-35%.