Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước , 11 tháng đầu năm 2015, tăng trưởng tín dụng đã đạt 14,5 - 15% và dự báo cả năm có khả năng tăng trên 17%.
Liên tục ứng trước để tiêu xài, Cà Mau thành con nợ lớn
- Cập nhật : 06/12/2015
(Kinh te)
Sau thông tin Thành ủy TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) “hết tiền hoạt động”, bạn đọc tiếp tục nghe thêm chuyện UBND TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) và một số địa phương đổ nợ.
Theo giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Cà Mau, nếu tháng tới UBND TP Cà Mau không trả nợ thì công ty không có tiền trả lương công nhân. Trong ảnh: công nhân khai thông cống thoát nước ở đường Hùng Vương, TP Cà Mau - Ảnh: Phương Bằng
Tối 3-12, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tiến Hải - chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết đang chỉ đạo kiểm tra tình hình nợ nần của TP Cà Mau trước thông tin TP được xem năng động ở ĐBSCL này đang nợ nhiều nơi với số tiền lớn.
Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh sẽ có chỉ đạo xử lý việc TP này có công văn xin tỉnh cho tạm ứng ngân sách 50 tỉ đồng do thiếu tiền.
“Chúng tôi cương quyết không để tình trạng nợ nần của TP Cà Mau dẫn đến nợ lương của cán bộ nhân viên các đơn vị liên quan” - ông Hải khẳng định.
Thu ít, chi nhiều
Trước đó, báo cáo ngày 30-11 của UBND TP Cà Mau về tình hình nợ ngân sách của TP này cho thấy nhiều năm liền TP thu ngân sách không đạt nhưng chi ngân sách luôn cao hơn mức được giao. Năm 2012, tổng chi của TP trên 555 tỉ đồng, trong khi nguồn ngân sách của TP trên 500 tỉ.
Để đủ điều kiện quyết toán ngân sách, TP Cà Mau điều chỉnh số tiền mất cân đối trên sang năm sau. Năm 2013, trong khi nguồn ngân sách của TP Cà Mau trên 536 tỉ nhưng TP chi đến trên 627 tỉ, tiếp tục mất cân đối trên 90 tỉ đồng...
Một lãnh đạo TP Cà Mau thừa nhận dẫn đến tình trạng mất cân đối là do nhiều năm liền thu ngân sách không đạt. Cụ thể như năm 2013 tỉnh giao TP thu ngân sách 420 tỉ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế kết quả thực thu ngân sách chỉ 392 tỉ đồng (đạt 92% dự toán tỉnh giao).
Vì vậy năm này mất cân đối rất lớn, trên 95 tỉ đồng. Khi năm 2013 ngân sách mất cân đối thì ứng trước ngân sách của năm 2014 để bù vào. Vì vậy ngân sách bị mất cân đối hoài.
Do “tạm ứng” trước để chi tiêu trong nhiều năm, TP Cà Mau đã trở thành “con nợ” lớn. Cụ thể tính từ đầu năm đến ngày 22-11, số nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn vốn cân đối ngân sách TP và nguồn tỉnh hỗ trợ là trên 60 tỉ đồng (ước tính khi các công trình hoàn thành khối lượng, số nợ này gần 90 tỉ đồng).
Theo UBND TP Cà Mau, đây chưa phải là năm TP có nợ đọng xây dựng cơ bản cao nhất. Cụ thể: năm 2014 nợ đọng xây dựng cơ bản lên đến 95 tỉ đồng, các năm trước nợ “tầm tầm” cũng vài chục tỉ đồng: năm 2012 nợ 55 tỉ đồng, năm 2013 nợ 40 tỉ đồng...
Giải thích tình trạng nợ nần hiện nay, ông Huỳnh Thanh Dũng - phó chủ tịch UBND TP Cà Mau - cho biết trong khi nguồn thu ngân sách nhà nước không đạt, nguồn thu điều tiết cho TP cũng hụt gần 15 tỉ đồng, nguồn thu quỹ bán nhà do TP quản lý dự toán 12,8 tỉ đồng nhưng thực hiện chỉ có 2,8 tỉ đồng, thu tiền bồi hoàn của Công ty Tài Lộc hụt thu cân đối gần 3,1 tỉ đồng, tăng chi phí đầu tư xây dựng cơ bản gần 14 tỉ đồng...
“TP đang trong quá trình phát triển, có rất nhiều công trình hạ tầng cần thiết phải đầu tư để phấn đấu đưa TP Cà Mau trở thành đô thị loại 1 vào năm 2020. Hằng năm ngân sách tỉnh hỗ trợ xây dựng cơ bản khoảng 40 tỉ đồng, ngoài ra còn một số nguồn khác TP bổ sung.
Tuy nhiên, trên thực tế các công trình triển khai xây dựng có giá trị khối lượng cao hơn ngân sách phân bổ. Vì vậy năm nào ngân sách đảm bảo, cân đối được thì thanh toán cho nhà thầu đảm bảo, còn không thì nợ “gối đầu” sang năm sau trả tiếp” - ông Huỳnh Thanh Dũng nói.
Ông Nguyễn Chí Linh (công nhân vệ sinh Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Cà Mau - chủ nợ lớn nhất của UBND TP Cà Mau) thu gom rác. Nếu tháng tới UBND TP Cà Mau không trả nợ, công ty không có tiền trả lương công nhân - Ảnh: Huỳnh Anh
Chủ nợ “không dám đòi”
Do bị ngân sách TP nợ, nhiều nhà thầu rơi vào cảnh khó khăn. Để có tiền trả nợ gần 47 tỉ đồng cho nhà thầu, UBND TP Cà Mau xin tỉnh điều chỉnh nguồn vốn phân bổ cho dự án cầu Tắc Thủ sang thanh toán nợ xây dựng cơ bản sử dụng ngân sách. Không chỉ nợ xây dựng cơ bản, TP Cà Mau còn là “con nợ” của Bảo hiểm xã hội (11 tỉ đồng), Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Cà Mau (14 tỉ đồng)...
Ông Nguyễn Tấn Văn - giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Cà Mau, một trong những chủ nợ lớn nhất của TP Cà Mau - cho biết công ty đang trong tình cảnh cực kỳ khó khăn. “Nếu tháng tới UBND TP Cà Mau không trả nợ thì công ty không có tiền trả lương cho công nhân” - ông Văn nói.
Theo ông Văn, năm nay công ty ký hợp đồng làm thuê khoảng 27 tỉ đồng, nhưng đến nay UBND TP Cà Mau vẫn còn nợ hơn 14 tỉ đồng.
“Công ty chúng tôi chủ yếu làm dịch vụ môi trường cho TP Cà Mau, nguồn thu chỉ ở đó. Từ đầu năm đến giờ công ty vay ngân hàng và các nguồn khác nên xoay xở được. Còn tới đây UBND TP Cà Mau không trả thì chúng tôi bế tắc” - ông Văn lo lắng.
Tuy nhiên, ông Văn cho biết điều khó xử là Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Cà Mau trực thuộc UBND tỉnh nhưng được ủy quyền lại cho UBND TP Cà Mau làm chủ sở hữu nên “con không dám thưa cha”.
Cũng theo ông Văn, hiện nay công ty có hơn 170 công nhân và cán bộ nhân viên, tiền lương khoảng 1,2 tỉ đồng/tháng. Do đó để đảm bảo chuyện trả lương cho cán bộ nhân viên, công ty đã báo cáo với UBND tỉnh về tình hình này, đồng thời “năn nỉ” UBND TP Cà Mau cố gắng bố trí vốn để trả.
Trong khi đó, ông Huỳnh Thanh Dũng vẫn tự tin: “Chuyện mất cân đối xảy ra các năm trước sẽ không còn lặp lại trong năm nay. Chúng tôi vừa họp với các phòng ban TP đánh giá về tình hình cân đối ngân sách. Có thể nói năm nay ngân sách TP rất “đẹp”.
Lý do ngân sách “đẹp” là vì TP thu ngân sách vượt chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Vì vậy một phần TP nộp về tỉnh, một phần giữ lại nên ngân sách sẽ cân đối. Theo tính toán của chúng tôi, cuối năm ngân sách sẽ không mất cân đối như những năm trước”.
* Ông Võ Thành Hưng (vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước - Bộ Tài chính):
Không để thiếu tiền trả lương cho người lao động
Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại chỉ thị 06 được ban hành hồi đầu năm, các địa phương phải lên phương án để điều hành ngân sách.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng có hướng dẫn các địa phương tự đánh giá mức độ và khả năng thu, chi của mình. Địa phương nào thấy ngân sách bị thâm hụt phải có phương án cắt giảm chi tiêu, cắt giảm nguồn dự phòng, sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ khoản chi cho con người như lương) và các nguồn tài chính khác của địa phương để bù đắp.
Nếu địa phương sử dụng hết tất cả công cụ đó mà vẫn còn thiếu nguồn phải báo cáo ngân sách trung ương để xem xét có thể cung ứng nguồn nhằm đảm bảo các nhiệm vụ chi quan trọng của địa phương, nhất là chi cho con người, an sinh xã hội.
Gần đây qua thông tin báo chí, Bộ Tài chính đã kiểm tra tình hình sử dụng ngân sách tại TP Bạc Liêu, kết quả cho thấy đây chỉ là một đơn vị sử dụng ngân sách của tỉnh này chứ không phải ngân sách của tỉnh.
Đến nay Bạc Liêu đã cân đối được nguồn. Ngoài ra chiều 3-12, Bộ Tài chính cũng đã liên hệ với Cà Mau để nắm thông tin về việc nợ đọng và được biết khoản nợ này bao gồm cả nợ xây dựng cơ bản.
Thực tế khi làm dự toán vào tháng 7-8, Bộ Tài chính có thông tin ngân sách Cà Mau có thể khó khăn do giá khí điện đạm Cà Mau giảm, ảnh hưởng đến số thu của địa phương. Đến thời điểm này, Cà Mau cho hay sẽ cân đối được nguồn.
Tóm lại, ngân sách đã phân bổ từ đầu năm để đảm bảo các nhiệm vụ chi trong năm, đến nay anh kêu nợ, thiếu tiền thì không được, trừ trường hợp có việc đột xuất. Tuy nhiên, dù chi đúng hay sai, việc chi trả tiền lương cho người lao động vẫn phải đảm bảo kịp thời, không thể để nợ.