1/3 thời gian còn lại của buổi sáng và suốt buổi chiều nay, HĐXX tiến hành thẩm vấn bị cáo và người liên quan trong vụ rút tiền không có chữ ký tài khoản hơn 5.000 tỷ đồng của nhóm Trần Ngọc Bích.
Vụ án thất thoát 9.000 tỉ: Sẽ triệu tập ông Trần Quý Thanh ra tòa
- Cập nhật : 03/08/2016
HĐXX cho biết ngày mai (3-8) sẽ triệu tập ông Trần Quý Thanh ra tòa, dù trước đó ông Thanh có đơn xin cho người đại diện ra tòa thay, nhưng vì một số nội dung không thể được làm rõ nên cần phải có mặt của ông Thanh.
Ngày 2-8, ngày tiếp theo của phiên xét xử bị cáo Phạm Công Danh và 35 đồng phạm trong vụ án làm thất thoát hơn 9.000 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB), HĐXX TAND TP.HCM tiếp tục phần xét hỏi với bị cáo Phạm Công Danh (tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh, chủ tịch HĐQT VNCB) và các bị cáo khác thuộc VNCB.
Trả tiền mà không được nhận tài sản
Theo đó, trả lời câu hỏi của đại diện VKS về lý do bị cáo Danh cứ phải vay lòng vòng số tiền của nhóm bà Trần Ngọc Bích để trả nợ cho chính nhóm của bà Trần Ngọc Bích chứ không phải lấy tiền của mình. Bị cáo Danh cho biết việc vay tiền của nhóm bà Bích để trả nợ cho chính bà Bích là bởi cần tiền để trả cho nhóm cổ đông cũ Danh mua lại VNCB từ nhóm của bà Hứa Thị Phấn (cổ đông cũ của VNCB).
Mặc dù trước khi chuyển giao cho Danh thì ngân hàng này đã lỗ (vốn chủ sở hữu âm 2.854 tỉ, lỗ lũy kế hơn 6.000 tỉ) nhưng Danh vẫn chấp nhận trả cho bà Hứa Thị Phấn 4.600 tỉ đồng để được mua cổ phần ngân hàng cùng tài sản thế chấp đi kèm. Khi mua, bị cáo này hi vọng sẽ được tiếp nhận khối tài sản bất động sản kèm theo này với thỏa thuận của bà Phấn. Nhưng dù đã trả được đến 80% số tiền cần phải trả (3.600 tỉ đồng, trong đó có 850 tỉ rút từ VNCB) thì nhóm cổ đông cũ là nhóm bà Hứa Thị Phấn vẫn không chịu giao tài sản.
“Khi đó bị cáo vay tiền của nhóm bà Trần Ngọc Bích để trả cho nhóm bà Hứa Thị Phấn, rồi hi vọng lấy được tài sản của bà Hứa Thị Phấn để thế chấp ngân hàng hoặc bán đi để trả tiền cho nhóm bà Bích, nhưng nhóm bà Phấn không chịu giao tài sản nên bị cáo không còn tiền trả cho nhóm bà Bích nên tiếp tục vay tiền của nhóm bà Bích để trả những khoản vay trước đó” - bị cáo Danh khai.
Bị cáo Danh cũng nhờ HĐXX xem xét việc tại sao bị cáo đã trả đến 80% giá trị mua VNCB mà không được nhận tí tài sản nào, bởi theo bị cáo, tiền trả đến đâu thì tài sản phải trả tương ứng đến đấy. Ông Danh cũng cho rằng sau đó Cơ quan điều tra Bộ Công an thông báo cho VNCB biết những tài sản của bà Phấn liên quan đến ngân hàng là những tài sản (khối tài sản này trị giá khoảng 7.000 tỉ đồng) không được sang nhượng.
“Tôi gặp bà Sáu Phấn (Hứa Thị Phấn) nhiều lần để hỏi tại sao không chuyển giao tài sản cho tôi nhưng chưa bao giờ bà ấy trả lời, đến giờ tôi cũng không được trả lời, bởi không biết tài sản này có tranh chấp gì không. Đây là sai lầm lớn của tôi. Khi tôi nhận được văn bản của cơ quan điều tra tôi không thể nào xoay xở được. Vậy nên tôi phải vay lại tiền của bà Bích để trả nợ cho chính bà Bích” - bị cáo Danh phân trần.
HĐXX cho mời bà Hứa Thị Phấn và nhóm cổ đông Phú Mỹ (cổ đông cũ của VNCB) nhưng bà Phấn không có mặt tại tòa.
Khi được VKS hỏi rằng nguyện vọng của bị cáo là gì đối với số tiền đã được trả cho bà Hứa Thị Phấn thì Phạm Công Danh đề nghị HĐXX cho thu hồi 3.600 tỉ này để trả lại cho ngân hàng, khắc phục hậu quả của vụ án.
Sẽ triệu tập ông Trần Quý Thanh ra tòa
Liên quan đến việc Danh có chỉ đạo cho các cán bộ ngân hàng (cụ thể là Hoàng Đình Quyết, phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) để ngân hàng cho bà Bích vay lại tiền (để bà Bích cho Danh vay) bằng việc thế chấp các sổ tiết kiệm hay không, Danh khẳng định công việc liên quan đến nghiệp vụ ngân hàng thì nhóm ngân hàng thực hiện theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, và việc cho vay này là không sai. Danh cũng khẳng định giữa việc ngân hàng cho bà Bích vay tiền và gửi tiền là hoàn toàn độc lập với việc bị cáo vay tiền của nhóm bà Bích.
Tại buổi xét hỏi hôm nay, bị cáo Hoàng Đình Quyết tiếp tục khẳng định rằng việc chuyển tiền từ tài khoản của bà Bích sang tài khoản của Phạm Công Danh hoàn toàn là có sự đồng thuận của nhóm bà Bích. Bởi việc này đã được thực hiện nhiều lần chứ không phải chỉ 1 lần.
Quyết còn khai rằng sau khi xảy ra việc nhóm bà Bích nợ chứng từ thì Quyết cùng ông Danh đã xuống Tập đoàn Tân Hiệp Phát yêu cầu trả chứng từ và tại đây hai người đã gặp ông Trần Quý Thanh, bà Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích. Tại buổi gặp, ông Thanh có nói bà Bích nợ chứng từ thì phải trả cho người ta kẻo phải tội.
Tuy nhiên, đến giờ chứng từ vẫn không được trả.
Có mặt tại tòa, bà Trần Ngọc Bích tiếp tục khẳng định không giao dịch gì với ông Phạm Công Danh mà chỉ cho Phạm Thị Trang vay (hiện Trang đã xuất cảnh).
Tuy nhiên bị cáo Phạm Công Danh đề nghị HĐXX hỏi bà Trần Ngọc Bích trả lời về việc nhân viên của Tân Hiệp Phát đã nhận tiền lãi tại Tập đoàn Thiên Thanh là tiền gì. Bà Bích nói rằng bà Bích cần xem chứng từ mới biết.
Nói mình bức xúc về việc bà Bích phủ nhận quan hệ vay mượn với mình, bị cáo Danh đề nghị câu hỏi với bà Bích rằng số tiền 5.100 tỉ đồng bà Trang vay bà Bích đã được trả chưa, và số tiền 5.100 tỉ đồng được chuyển từ tài khoản bị cáo Phạm Công Danh sang tài khoản của ông Trần Quý Thanh là tiền gì. Bị cáo Danh cũng nói tiền không phải được chuyển 1 lần mà rất nhiều lần.
Bà Bích trả lời bà chỉ biết thỏa thuận cho bà Trang vay với thỏa thuận bằng miệng, và chỉ biết số tiền này được bà Trang trả, không cần biết nguồn tiền ở đâu.
HĐXX cho biết ngày mai sẽ triệu tập ông Trần Quý Thanh ra tòa, dù trước đó ông Thanh có đơn xin cho người đại diện ra tòa thay, nhưng vì một số nội dung không thể được làm rõ nên cần phải có mặt của ông Thanh.
Họp bàn phương án khắc phục hậu quả tốt nhất!
Dù chưa bao giờ có tiền lệ, nhưng trong giờ nghỉ giải lao buổi sáng 2-8, ông Phạm Công Danh được tiếp xúc với vợ là bà Quách Kim Chi và người đại diện hợp pháp cho Tập đoàn Thiên Thanh để bàn cách bán tài sản khắc phục hậu quả vụ án.
Đây là một trong những nội dung mà HĐXX, trong phạm vi pháp luật quy định, đã tạo điều kiện cho bị cáo thực hiện quyền này. Bởi HĐXX cho rằng mục đích cuối cùng là tìm giải pháp khắc phục những hậu quả nặng nề do sai phạm của ông Phạm Công Danh và đồng phạm gây ra. Cuộc gặp gỡ có sự giám sát của kiểm sát viên VKSND tối cao và điều tra viên của Bộ Công an.
Cuối chiều 2-8, đại diện nhóm luật sư, bị cáo Phạm Công Danh và đại diện Tập đoàn Thiên Thanh có văn bản về nội dung buổi làm việc gửi cho HĐXX.
Đại diện nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh cho biết hiện tại đã có một vài đối tác muốn thỏa thuận mua lại các lô đất ở Đà Nẵng với giá cao hơn giá đã được định giá theo tố tụng, tuy nhiên tên nhà đầu tư vẫn chưa được nhóm luật sư tiết lộ. HĐXX cũng giới hạn trong khoảng 2 ngày nhóm đại diện Thiên Thanh phải có câu trả lời về việc này.
Theo Hoàng Điệp
Tuổi trẻ Online