Nguyễn Thị Dậu (Hà Đông, Hà Nội) kinh doanh "tín dụng đen". Khi đã vay được số tiền 140 tỷ đồng, Dậu tuyên bố với các chủ nợ không còn khả năng chi trả
Nhóm bà Phấn và Phương Trang khiến Ngân hàng Đại Tín lao đao
- Cập nhật : 05/08/2016
Theo kết luận của NHNN, nhóm bà Phấn thông qua việc sở hữu tỷ lệ cao tại ngân hàng đã thao túng tài chính ngân hàng để phục vụ các dự án, công ty của mình trong khi nhóm Phương Trang thì chây ì trả nợ.
Nửa sau buổi chiều nay 4/8, Phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát hơn 9.000 tỷ ở Ngân hàng Xây dựng chính thức bước sang phần tranh tụng.
Luật sư Phan Trung Hoài, đại diện nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh đã có một loạt câu hỏi tới đại diện Ngân hàng Nhà nước.
Ông Đặng Văn Thảo (phó vụ trưởng tiền tệ tài chính Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, trước khi đổi tên Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) thành Ngân hàng Xây dựng (VNCB) thì tại thời điểm 29/2/2012, theo kết luận điều tra TrustBank có tổng tài sản 20.846 tỷ, âm vốn chủ sở hữu 2.855 tỷ, kết quả kinh doanh lỗ lũy kế hơn 6.600 tỷ.
Khi đề cập đến tình hình của TrustBank rất xấu do nợ xấu cao, đại diện NHNN xác nhận nợ xấu tập trung ở hai nhóm là nhóm bà Hứa Thị Phấn và nhóm Phương Trang.
Nguyên nhân nào khiến cho ngân hàng rơi vào tình cảnh đó? Theo đại diện NHNN thì kết luận thanh tra có 3 nguyên nhân chính:
Thứ nhất, Bà Hứa Thị Phấn là cố vấn HĐQT và tỷ lệ sở hữu cao tại ngân hàng, thao túng tài chính ngân hàng để phục vụ các dự án, công ty của bà.
Thứ hai, nhóm khách hàng của Công ty Phương Trang đã sử dụng một lượng tiền lớn của ngân hàng Đại Tín mà cụ thể là của nhân dân đã chây ì trả nợ nhằm chiếm đoạt số tiền này của Ngân hàng Đại Tín gây khó khăn cho ngân hàng Đại Tín.
HĐQT, ban điều hành Ngân hàng Đại Tín vi phạm luật các tổ chức tín dụng trong việc cấp tín dụng cho nhóm bà Hứa Thị Phấn và Phương Trang.
Sau khi có kết luận thanh tra, phía NHNN đã có nhiều kiện nghị trong đó yêu cầu Đại Tín bằng mọi biện pháp phát mại, khởi kiện…để xử lý nợ của các khách hàng này nhưng Ngân hàng Đại Tín sau đó là Ngân hàng xây dựng chưa xử lý được các khoản nợ này. NHNN hiện đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra của Bộ công an để xem xét.
Theo cáo trạng, nhóm bà Hứa Thị Phấn sở hữu hơn 84% vốn của Ngân hàng Đại Tín, sau đó chuyển cho nhóm Phạm Công Danh. Tại tòa ngày 3/8, bà Phấn trong vai trò là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã trả lời rằng bà bán ngân hàng cho ông Hà Văn Thắm, sau đó ông Thắm mới giới thiệu cho Phạm Công Danh.
Khoản tiền 3.600 tỷ đồng mà ông Danh khai đã trả cho bà Phấn, bà Phấn nói rằng tiền được chuyển vào một tài khoản ở VNCB để trả nợ cho chính ngân hàng do nhóm Phú Mỹ trước đó vay của ngân hàng để đầu tư bất động sản.
Liên quan đến nhóm Phương Trang, hồi tháng 6, Ngân hàng Xây dựng có khởi kiện đòi nợ hơn 3.000 tỷ đồng ở nhóm Phương Trang và theo đại diện ngân hàng thì nhóm Phương Trang nợ tổng cộng gần 10.000 tỷ, số tiền 3.000 tỷ nói trên chỉ là 10 khoản vay. Tuy nhiên nhóm Phương Trang lại cho rằng họ chỉ nợ Ngân hàng Xây dựng tổng cộng hơn 3.400 tỷ đồng.
Thanh Thanh - Ngọc Toàn
Theo Trí thức trẻ/CafeF