Phiên tòa chiều 3/8: 21 ngân hàng Tòa triệu tập đều không có mặt
Phiên tòa 02/8: Phạm Công Danh bức xúc khi bà Bích nói không biết cho Danh mượn tiền
- Cập nhật : 03/08/2016
Hội đồng xét xử cho biết đã nhận được 2 đơn trong đó có đơn của Phạm Công Trung có chữ ký đồng ý của Phạm Công Danh về việc xử lý tài sản kê biên để khắc phục hậu quả. Hội đồng xét xử cho biết đây là phiên tòa có thời hạn nên yêu cầu người nhà ông Danh, đối tác có mặt trong ngày mai, ngày mốt để xét xử. Tòa không có thời gian đợi gia đình bị cáo quá lâu.
Luật sư Trương Thị Minh Thư của bà Trần Ngọc Bích đề nghị HĐXX phải hỏi theo đúng trình tự. Không thể để bị cáo hỏi, mong muốn hỏi rồi HĐXX hỏi lại bà Bích. Điều này là không đúng.
Chủ tọa cảm ơn ý kiến đóng góp của bà Thư nhưng cho biết quy trình là đúng.
Luật sự của bà Hứa Thị Phấn xin phép HĐXX tạo điều kiện cho bà Phấn vì bà Phấn đang phải ngồi xe lăn. Hôm trước cũng phải bế bà Phấn vào phòng xét xử. Mong HĐXX tạo điều kiện về mic và cho bà Phấn trong buổi xét xử ngày mai.
Tòa cho bà Trần Ngọc Bích xem một số chứng từ liên quan việc nhận tiền của ông Lộc và ông Tuấn. Sau khi xem xét một vài chứng từ và bà Bích khẳng định một số bút lục liên quan đến trả lãi những khoản 2.090 tỷ…là không đúng.
Viện kiểm sát cho bà Bích xem thêm một số chứng từ để rõ ràng. Bà Bích xin phép về xem lại hồ sơ và chắc chắn sẽ giải thích được trong những ngày sau. Tòa nhắc nhở rằng bà Bích có luật sư bảo vệ quyền lợi của những người liên quan và có thể lấy hồ sơ từ đó.
Tòa cho phép bị cáo Phạm Công Danh có ý kiến
Phạm Công Danh có ý kiến cho rằng cần làm rõ khoản tiền trả lãi nhiều ngàn tỷ như vậy là tiền của ai, của bà Trang hay của ông Danh.
Tòa mời bà Trần Ngọc Bích
-Phạm Công Danh cho rằng đã chuyển rất nhiều tiền cho ông Trần Qúy Thanh thì tiền đó là tiền gì?
-Tôi chỉ biết là tiền của bà Trang trả nợ theo thỏa thuận giữa tôi và bà Trang.
Tòa cho bị cáo Phạm Công Danh nói
Thưa Hội đồng xét xử là tôi hết sức bức xúc khi bà Bích cho rằng cho bà Trang mượn tiền chứ không biết là cho tôi mượn tiền.
Tòa mời Trần Ngọc Bích
-Bị cáo Phạm Công Danh nói như thế, bà Bích có tài liệu gì chứng minh hoặc tài sản gì thế chấp chứng minh là giao dịch với bà Trang?
-Như tôi đã trình bày thì thỏa thuận của tôi với chị Trang là thỏa thuận miệng. Có lúc có các sổ bất động sản để thế chấp.
-Các sổ đó ai đứng tên?
-Thời gian lâu rồi tôi không nhớ với lại chị Trang vay ngắn hạn, chị Trang cũng là người uy tín nên tôi chỉ giữ sổ làm tin thôi. Tôi không xem chi tiết các sổ này nhưng người khác đứng tên trong đó có Thiên Thanh Long Hải…
Tòa hỏi Phạm Công Danh
-Công ty đó có phải doanh nghiệp của Tập đoàn Thiên Thanh không?
-Rõ ràng như thế. Tất cả sổ mà cô Trang đưa cho bà Bích là tài sản của tôi, của Tập đoàn Thiên Thanh. Bà Bích không thể không biết được. Mong tòa làm rõ tiền tôi trả cho ông Thanh là tiền gì nếu không phải là tiền trả lãi cho bà Bích.
Tòa hỏi bà Trần Ngọc Bích
-Bà có biết tiền ông Danh trả cho ông Trần Qúy Thanh là tiền gì không?
-Tôi chỉ biết là khi chị Trang trả nợ sẽ trả nợ vào tài khoản tôi chỉ định. Chị Trang lấy nguồn tiền ở đâu để trả nợ thì tôi không biết. Chứng từ ghi là trả nợ theo thỏa thuận giữa tôi và chị Trang.
Tòa cho phép ông Phạm Công Danh nói
Cảm ơn tòa đã xét xử công khai để tôi nhìn rõ vấn đề. Tôi không thể hiểu nổi sao bà Bích có thể cho bà Trang vay nợ mà không có giấy tờ.
Tòa yêu cầu ngày mai ông Trần Qúy Thanh phải có mặt tại tòa. Tuy nhiên, ông Thanh bị bệnh và đã ủy quyền cho người được ủy quyền.
Viện kiểm sát không hỏi thêm gì vấn đề này, chờ xem xét.
Tòa mời Mai Hữu Khương
-Hội đồng xét xử xem xét giúp vấn đề giao dịch giữa bà Trang và bà Bích. Nếu đã trả nợ theo thỏa thuận rồi thì người của bà Bích đến Tập đoàn Thiên Thanh nhận tiền gì.
Liên quan đến dòng tiền hơn 5.000 tỷ, Tòa mời ông Trần Qúy Thanh. Ông Thanh không đủ sức khỏe nên ủy quyền cho ông Phan Vũ Tuấn tham dự.
-Số tiền 3.160 tỷ mà bị cáo Phạm Công Danh chuyển vào tài khoản của ông Trần Qúy Thanh vào 21/8/2013. Số tiền này ông Thanh dùng làm gì?
-Đây là số tiền chị Phạm Thị Trang trả nợ cho chị Bích và được chỉ định chuyển vào tài khoản ông Thanh.
-Nợ là 3.100 tỷ còn 60 tỷ có phải tiền lãi?
-Thưa Hội đồng xét xử khoản 60 tỷ chị Bích đã trả lời trước Hội đồng xét xử. Đây là khoản tiền liên quan đến chị Bích.
Viện kiểm sát mời Hoàng Đình Quyết
-Khoản 60 tỷ này như thế nào hả bị cáo Quyết? Vì sao nhận về 3.100 tỷ mà chuyển đi 3.160 tỷ?
-Khoản này theo nhận thức của bị cáo là tiền lãi. Tiền 60 tỷ có sẵn trong tài khoản ông Danh.
Tòa yêu cầu ông Thanh phải trả lời được khoản 60 tỷ. Nếu ông Thanh không trả lời được thì bà Trần Ngọc Bích phải trả lời được.
-Bà Trần Ngọc Bích trả lời:
Dạ, đây là khoản lãi theo thỏa thuận của tôi với chị Phạm Thị Trang cho khoản vay ngày 21/6.
-Tương tự như vậy với khoản vay ngày 30/7?
-Dạ đúng ạ.
-Chị khẳng định lại rằng bà cho chị Trang vay hay cho bị cáo Danh vay?
-Như tôi đã trả lời trước đó, tôi chỉ có quan hệ vay mượn với chị Trang. Tôi không có giao dịch gì với ông Danh.
-Như vậy bà khẳng định khoản 60 tỷ là tiền lãi. Ai là người hưởng lợi, rút khoản tiền này?
-Khoản này tôi dùng để trả một phần gốc và lãi vay ngân hàng cho khoản vay 3.100 tỷ ngày 21/6. Tiền không rút ra khỏi ngân hàng. Chỉ dùng để trả gốc và lãi.
-Ai thực hiện việc chuyển tiền trả phần này?
-Chuyển từ tài khoản của ông Trần Qúy Thanh. Ông Thanh ký ủy nhiệm chi.
Viện kiểm sát hỏi Hoàng Đình Quyết
-Tiền chuyển thế có đúng không bị cáo Quyết? Có khoản nào rút ra ngoài không?
-Quá lâu rồi nên bị cáo không nhớ chính xác nhưng hầu hết tiền là chuyển như thế.
Bà Trần Ngọc Bích (trái), bị cáo Hoàng Đình Quyết (phải) - Ảnh Vietnamnet
Viện kiểm sát hỏi Mai, Khương, Quyết về khoản vay 4.700 tỷ ở VNCB
Viện kiểm sát hỏi bị cáo Phan Thành Mai
-Về hành vi cho vay thì bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét lại vấn đề định giá bởi vì là theo hiểu biết của bị cáo thì không có quy định nào về việc phương pháp định giá nào là phương pháp không được thừa nhận.
-Ai là người lập các hồ sơ vay vốn?
-Mai Hữu Khương là Hoàng Đình Quyết là những người đưa hồ sơ cho bị cáo. Chi tiết hồ sơ ai lập thì bị cáo không biết.
-Bị cáo có biết bị cáo Danh dùng 4.700 tỷ vào việc gì không?
-Bị cáo không biết rõ.
-Bị cáo có biết bị cáo Danh sử dụng 2.600 tỷ để trả vào BIDV không?
-Bị cáo biết nhưng xin phép cho bị cáo được giải thích.
-Khoan giải thích. Có phải khi nộp 2.600 tỷ này vào thì BIDV mới xóa giải chấp không?
-Trước đó thì bị cáo không biết việc giải chấp như thế nào. Lúc đó bị cáo chỉ biết là có khoản tiền nộp vào BIDV để lấy tài sản thế chấp tại VNCB.
-Còn về phần định giá tài sản, nâng giá trị lô đất lên từ 60-80 triệu/m thì ai là người chỉ đạo việc nâng khống này?
-Khi bị cáo nghe về vấn đề này thì là từ anh Mai Hữu Khương. Anh Khương cho biết là theo chỉ đạo của anh Phạm Công Danh.
-Lúc đầu bị cáo có ý kiến mời bên định giá độc lập để khách quan hơn nhưng bị cáo Danh không đồng ý. Vì sao bị cáo vẫn thực hiện việc này?
-Vì ở VNCB thì có vấn đề giao cho ai rồi trình lên HĐQT. Ngoài ra đây cũng là ý kiến chỉ đạo của cấp trên nên bị cáo cũng thực hiện.
Viện kiểm sát hỏi Mai Hữu Khương
-Trong khoản vay 4.700 tỷ đồng này thì bị cáo Phạm Công Danh chỉ đạo bị cáo làm những gì?
-Lập hồ sơ cho vay vốn
-Trong việc lập hồ sơ, phương án vay này nọ ai là người làm việc lập phương án vật liệu?
-Nguồn gốc là công ty của ông Phạm Công Trung. Các hồ sơ chủ yếu từ BIDV qua.
-Các hồ sơ từ BIDV qua thì các bị cáo xử lý thế nào để vay vốn tại VNCB?
-Các hồ sơ phương án kinh doanh, vay vốn lấy từ BIDV sang, chỉ sửa ngày thôi. Tập đoàn Thiên Thanh thực hiện việc này.
-Cụ thể là ai?
-Bị cáo không biết việc này.
-Ai chỉ đạo bị cáo nâng khống tài sản để cho vay?
-Không ai chỉ đạo hết. Vì khoản này để trả nợ cho BIDV nên bên này phải cho vay cao hơn mà sử dụng bản định giá BIDV cho vay thì không được. Sau đó thì anh Danh bảo cần định giá độc lập thì xem của DATC.
-Tức bị cáo Danh chỉ đạo bị cáo lấy định giá của DATC để xử lý các khoản vay tại ngân hàng xây dựng? Lấy định giá của DATC thì có hợp lý không? Đúng quy trình VNCB không? VNCB thường dùng định giá bên nào?
-VNCB thường dùng định giá bên định giá độc lập hoặc Trust Asset.
-Tức sau khi có định giá DATC thì bị cáo chị đạo Bạch Quốc Hào làm nâng khống tài sản?
-Bị cáo không chỉ đạo. Bị cáo đưa bản định giá cho anh Hào tham khảo và nói về ý kiến ông Danh.
Viện kiểm sát hỏi Hoàng Đình Quyết
-Bị cáo nhận hồ sơ vay vốn từ ai?
-Từ nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh. Chủ yếu từ Nguyễn Thị Quỳnh Trang và chị Trinh.
Phiên tòa buổi chiều tiếp tục làm việc. Tòa mời nhóm luật sư đại diện cho Phạm Công Danh. Luật sư Phan Trung Hoài lên và tòa hỏi kết quả biên bản gặp mặt. Luật sư Hoài cho biết người thân ông Danh đang làm văn bản liên quan đến buổi gặp và chiều nay sẽ gửi lại Hội đồng xét xử.
Tòa hỏi bị cáo Phạm Công Danh
-Về khoản 900 tỷ đầu tư trái phiếu, sau khi rút tiền ra khỏi ngân hàng thì theo cáo trạng, bị cáo chuyển 851 tỷ cho nhóm bà Hứa Thị Phấn. Bị cáo nói rõ đường đi của các khoản tiền này?
-Thời gian khá lâu nên tôi không còn nhớ rõ nhưng nếu có chứng từ thì chắc là đúng. Đây là khoản tôi chuyển cho nhóm Phú Mỹ của Hứa Thị Phấn để lấy tài sản.
-Như bị cáo khai hôm trước thì bị cáo đã chuyển tổng cộng 3.600 tỷ cho nhóm Phú Mỹ thì nhóm Phú Mỹ của bà Hứa Thị Phấn vẫn không chuyển tài sản ra cho tôi. Trong số tiền 3.600 tỷ đó thì có khoản 851 tỷ để tôi có thể lấy tài sản ra nhưng vẫn không lấy được.
-Không phải chỉ bây giờ mà kể cả thời điểm trước nữa, tôi mong Hội đồng xét xử xem xét lấy khoản tiền này về cho ngân hàng vì đây là nguồn cơn cho mọi vấn đề hiện tại. Khối tài sản đó có giá trị rất lớn.
Viện kiểm sát hỏi Hoàng Đình Quyết
-Các khoản tiền chuyển cho nhóm Phú Mỹ chia ra 3 lần. Bị cáo cho biết nội dung chuyển tiền thế nào?
-Bị cáo chuyển khi có ủy nhiệm chi chuyển, không biết nội dung.
Tòa mời nhóm bà Hứa Thị Phấn nhưng bà Phấn không có mặt. Tòa yêu cầu bà Phấn ngày mai đến tòa.
SÁNG
Viện kiểm sát hỏi bị cáo Mai Hữu Khương
-Lúc nãy bị cáo yêu cầu xem nghị quyết HĐQT. Bây giờ chúng tôi cho bị cáo xem.
-Sở dĩ có 2 bản này là vì có 2 khoản giải ngân vào 2 ngày khác nhau.
Viện kiểm sát mời ông Trần Hiệp nhưng ông Hiệp không có mặt.
Viện kiểm sát hỏi Hoàng Đình Quyết
Viện kiểm sát yêu cầu Hoàng Đình Quyết xem các tên được khoanh tròn trong văn bản và nói rõ họ là ai.
-Khương là Mai Hữu Khương; Thúy là người phụ trách tài chính Tập đoàn Thiên Thanh
-Khoản 900 tỷ mà VNCB đầu tư mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh thông qua Lộc Việt. Theo cáo trạng thì gây thiệt hại 900 tỷ trái phiếu và 3 tỷ là phí. Bị cáo gặp ông Hà qua ai?
-Qua anh Mai.
-Khi gặp anh Hà thì bị cáo đàm phán mua trái phiếu của 3 doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp 300 tỷ đồng?
-Tôi xin trình bày là anh Mai đề xuất phương án mua trái phiếu và tôi đồng ý với phương án đó. Còn cụ thể thực hiện thế nào thì anh Mai làm việc với anh Hà. Tôi chỉ gặp anh Hà 5 phút để xác nhận việc đồng ý hay không còn không thực hiện về chi tiết. Tôi chỉ gặp 1 lần thôi và cũng không bàn thảo gì không.
Tôi không đùn đẩy trách nhiệm cho anh Mai nhưng tôi tin tưởng anh Mai. Tôi đồng ý về phương án còn thực hiện thì anh Mai sẽ tổ chức thực hiện.
-Những vấn đề về việc điều hành ngân hàng thì tôi không nắm rõ. Những chi tiết như vậy tôi không nắm được. Tôi giao cho anh Mai và tôi chịu trách nhiệm về việc đó.
Viện kiểm sát hỏi Phan Thành Mai
-Ông Hà có hỏi tình hình kinh doanh ngân hàng VNCB không?
-Anh Hà có yêu cầu cung cấp báo cáo tài chính đã kiểm toán nhưng bị cáo nói sẽ do người khác cung cấp.
-Anh Hà có yêu cầu cung cấp thông tin chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép VNCB mua trái phiếu không?
-Anh Hà không yêu cầu cung cấp thông tin này nhưng yêu cầu ngân hàng cung cấp đầy đủ giấy tờ, nghị quyết HĐQT.
-Anh Hà có biết anh Danh cũng là Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh hay không, theo cảm nhận của bị cáo?
-Thưa Hội đồng xét xử thì bị cáo không biết anh Hà có nghĩ gì không còn anh Hà không nói gì việc này. Hồ sơ thì có thể hiện đầy đủ.
Viện kiểm sát hỏi Mai Hữu Khương
-Bị cáo đưa hồ sơ phát hành trái phiếu cho ai?
-Cho chị Thanh.
-Bị cáo có gặp anh Hà không?
-Dạ không.
Viện kiểm sát cho biết ông Hà gặp bệnh hiểm nghèo không đến được và cũng không ủy quyền cho ai nên đã đọc bản khai của ông Hà liên quan đến việc ủy thác đầu tư trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh thông qua Lộc Việt.
Theo bản trình này thì ông Hà khai là có buổi gặp trong đó có ông Hà, ông Danh, ông Mai và một số người khác tôi không nhớ tên. Buổi họp này đã thông qua việc quỹ Lộc Việt nhận ủy thác đầu tư của Ngân hàng Đại Tín.
Theo đề nghị của ông Danh, quỹ Lộc Việt sẽ nhận ủy thác đầu tư 900 tỷ đồng của Ngân hàng Đại Tín để đầu tư mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh. Nhưng, căn cứ quy định đầu tư của Qũy Lộc Việt không cho phép một khoản đầu tư quá 300 tỷ đồng nên tôi (Hà) đã đề nghị ông Danh là quỹ Lộc Việt sẽ đầu tư vào trái phiếu của 3 doanh nghiệp. Hai trong 3 doanh nghiệp này do ông Hà thành lập, đứng ra điều hành còn 1 doanh nghiệp Minh Quang do ông Vũ Viết Minh Quân điều hành. 3 doanh nghiệp này cam kết dùng tiền bán trái phiếu cho quỹ Lộc Việt để mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh.
Lúc đó, 3 doanh nghiệp này chưa có hoạt động phát hành trái phiếu mà theo chỉ đạo của tôi thì các công ty này mới làm thủ tục phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tôi đã chỉ đạo cho bà Phạm Hoài Thanh-trưởng phòng rủi ro của quỹ Lộc Việt-chuẩn bị hồ sơ phát hành trái phiếu theo đúng quy định.
Viện kiểm sát cho biết, căn cứ các quy định về phát hành trái phiếu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và quy định ủy thác và thực hiện ủy thác đầu tư trái phiếu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, qua các lời khai của các bên thì hành vi của ông Hà và một số người liên quan có dấu hiệu phạm tội, cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng với vai trò giúp sức cho bị cáo Phạm Công Danh. Do đó VKS sẽ xem xét và kiến nghị với Hội đồng xét xử để xem xét xử lý trong một vụ án khác.
Sau giờ nghỉ giải lao, tòa tiếp tục. Hội đồng xét xử hỏi bị cáo Phạm Công Danh là việc gặp người thân gia đình có đi đến kết quả nào không.
Danh nói:
-Thưa Hội đồng xét xử, tôi có gặp Trung là em trai tôi thì em tôi cho biết là sẽ đàm phán với các đối tác và có kết quả sớm nhất. Về giá bán thì phải cao hơn giá của bên thẩm định cao nhất mà tòa đã đưa ra là 2.600 tỷ.
(Theo cáo trạng, các lô đất được định giá có lợi nhất cho bị cáo là 2.600 tỷ đồng. Một định giá khác của lô đất này là 1.260 tỷ đồng. Tuy nhiên tại tòa ngày 29/7, khi được hỏi bị cáo chọn bản định giá nào, ông Danh trả lời: "Nếu được chọn, tôi không lựa chọn bất kỳ bản định giá nào. Bởi lẽ, đã từng có nhà đầu tư trả tôi 10 lô đất đến 250 triệu USD, nhưng vì điều kiện khách quan nên tôi không có thời gian đàm phán và bán được".)
-Dạ có. Nhưng bị cáo nói với em bị cáo là cần tìm nhiều đối tác chứ không chỉ một đối tác.
Tòa mời ông Phạm Công Trung (em trai bị cáo Phạm Công Danh) nhưng không có mặt. Hội đồng xét xử yêu cầu 4 vị luật sư, ông Trung và bà Chi (vợ ông Danh) phải gửi lại biên bản buổi gặp mặt với bị cáo Danh.
Viện kiểm sát hỏi Phạm Công Danh về việc nợ chứng từ, chữ ký
Bị cáo Danh đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lý do vì sao anh Quyết (Hoàng Đình Quyết) cho nợ chứng từ, nguồn cơn việc cho nợ từ đâu. Ông Danh khẳng định không hề chỉ đạo việc cho nợ này. Mong Hội đồng xét xử xem lại toàn bộ hồ sơ xem có chỉ đạo, văn bản nào về việc cho nợ chứng từ không.
Ông Danh cũng cho biết việc xoay tiền trả nợ, trả lãi đã khiến bị cáo quá bận rộn, có nhiều khi mấy tháng không xuống ngân hàng thì không thể là chỉ đạo như thế được.
-Khoản tiền 3,2 tỷ đồng trả công làm đề án tái cơ cấu ngân hàng lấy từ đâu?
-Trước đây tôi không nhớ. Trước đây tôi có làm việc với anh Mai nhiều và mong muốn lập một ngân hàng mới. Tôi nhớ không phải trả cho anh Mai một lần mà nhiều lần. Tôi không nhớ rõ là 2,8 tỷ hay 3,2 tỷ hay 4 tỷ. Anh Mai cũng không phải chỉ một mình mà một nhóm. Việc trả tiền cho phí tư vấn cho đề án này tôi chuyển cho anh Mai từ trước khi tiếp quản ngân hàng. Tiền này là tiền cá nhân tôi.
-Đây là đề án tái cơ cấu ngân hàng sao không dùng tiền ngân hàng mà dùng tiền cá nhân?
-Vì lúc đó là xảy ra trước khi tiếp quản ngân hàng. Khi tiếp cận thì tiền phí trả lãi ngoài đã phải liên tục lo nên tôi không còn lo khoản đó nữa.
Tòa tạm nghỉ giải lao. Cho phép bị cáo Danh gặp người thân như đã đồng ý sáng nay.
Sáng nay, phiên toà xét xử Phạm Công Danh tiếp tục. Hôm qua, ông Danh đã khẳng định mọi giao dịch liên quan nhóm Trần Ngọc Bích là do Phạm Thị Trang trực tiếp xử lý. Ông Danh cũng xin lỗi bà Bích, ông Thanh là những khách hàng của ông về những rắc rối gặp phải và mong muốn có cơ hội được làm việc với nhóm này để khắc phục hậu quả.
Hôm qua, ông Danh cũng xin được gặp em trai và vợ cùng người bên Tập đoàn Thiên Thanh để bàn việc khắc phục hậu quả. Đề xuất này đã được tòa chấp thuận sáng nay sau khi nhận được đơn của bà Chi, ông Trung…về việc xin phép được gặp ông Danh.
-Quan hệ giữa nhóm bà Bích và ngân hàng không liên quan đến bị cáo đúng không?
-Theo tôi biết thì quan hệ giữa nhóm bà Bích với ngân hàng VNCB có từ lâu. Lúc đầu tôi cũng không hề biết nhóm bà Bích như tôi đã khai báo. Tôi không muốn đổ cho anh Mai nhưng việc điều hành ngân hàng tôi giao cho anh Mai. Tôi cũng nói anh Mai là có những khách hàng lớn thì quan tâm đến họ.
Còn về câu hỏi của Viện kiểm sát thì tôi xin trả lời là không chỉ nhóm bà Bích mà những nhóm khác có điều kiện như bà Bích thì cũng được tạo điều kiện giao dịch.
Tôi cũng xin khẳng định là không chỉ nhóm bà Bích mà nhóm khác tôi có thể vay được như thế thì tôi cũng sẽ vay. Việc tôi vay bà Bích tôi khẳng định không liên quan đến ngân hàng.
-Tức bị cáo khẳng định quan hệ vay nợ giữa ông và bà Bích không liên quan đến ngân hàng đúng không? Thế tại sao ông không dùng tiền của ông để trả nợ cho ông Thanh để tất toán nợ mà lại xoay tiền lòng vòng, dùng tiền ngân hàng trả nợ cá nhân như tôi đã trình bày?
Ở đây, thưa Viện kiểm sát, nếu gọi là dùng tiền ngân hàng để trả nợ cá nhân là không đúng vì đây là tiền cá nhân tôi vay nợ bà Bích chứ không phải vay ngân hàng. Chỉ là tiền bà Bích vay ngân hàng thôi. Còn việc vay nợ giữa bà Bích với ngân hàng là thế chấp sổ tiết kiệm và hoàn toàn đúng luật.
Theo Trí thức trẻ/CafeF