Tính sơ bộ, chỉ 4 khách hàng đã nợ Ngân hàng Xây dựng tới hơn 24.000 tỷ.
Nguồn cơn nào đẩy đưa Phạm Công Danh đến bờ vực thẳm?
- Cập nhật : 03/08/2016
Mua ngân hàng nhưng mục tiêu nhắm đến là các bất động sản, song tất cả đã nằm ngoài dự liệu của Phạm Công Danh.
Đại án Phạm Công Danh và các đồng phạm gây thất thoát hơn 9.000 tỷ ở Ngân hàng Xây dựng (VNCB) đã qua nửa tháng xét xử. Những lời khai của các bị cáo tại tòa đã làm rõ thêm câu chuyện “tày đình” xảy ra ở ngân hàng xấu đến mức vô phương cứu chữa mà Ngân hàng Nhà nước đã phải mua lại toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng.
Nhưng sâu thẳm câu chuyện, thứ mà người ta quan tâm nhất vẫn là nguồn cơn nào khiến các bị cáo, ở đây nhân vật chính là Phạm Công Danh, lại làm liều đến thế.
Không có chuyên môn nghiệp vụ nhưng làm chủ ngân hàng
Theo lời khai của Phạm Công Danh thì Danh không có chuyên môn và nghiệp vụ ngân hàng. Danh xuất thân từ dân xây dựng, rồi học thêm quản trị kinh doanh theo chương trình vừa học vừa làm. Tuy nhiên, Phạm Công Danh lại không biết học ở đâu, ai đào tạo bởi “trí nhớ kém”.
Trước đó, Phạm Công Danh có khai là thạc sỹ kinh doanh Úc, thời gian học 1987-1991 tại TP.HCM song lý lịch bị can được xác định từ 1982-1990 là thời gian Danh làm sản xuất tại Quảng Ngãi. Đại học kinh tế tài chính TP.HCM cũng xác minh không có học sinh nào tên Phạm Công Danh. Hội đồng xét xử hoài nghi Phạm Công Danh đã sử dụng bằng giả, nếu có đủ bằng chứng thì Viện kiểm sát sẽ truy tố tội dùng bằng giả.
Không có nghiệp vụ, không biết gì về ngân hàng nhưng Danh lại có ý định làm một ngân hàng mới, sau khi gặp Hà Văn Thắm nói chuyện và được giới thiệu TrustBank, Danh chấp nhận chi 500 tỷ cho Hà Văn Thắm để mua lại cổ phần của nhóm bà Hứa Thị Phấn, rồi nhờ người đứng tên cho hợp lý để sở hữu gần 85% cổ phần của TrustBank và trở thành chủ tịch nhà băng này vào năm 2013.
Cũng chính vì không hiểu biết về ngân hàng nên Danh đã làm điều mà nhiều người kinh doanh ngân hàng không dám nghĩ đến đó là đi vay ngoài lãi suất tới 3-4%/tháng tức tương đương trên dưới 40%/năm để chi trả phần lãi ngoài cho khách gửi tiền. Có thời điểm, Danh phải trả lãi ngoài tới 6-7%, cũng có lần Danh khai trả nhóm Trần Ngọc Bích đến 2.500 tỷ. Không biết con số cụ thể là bao nhiêu, chỉ biết rằng theo lời khai của Phạm Công Danh thì đã có rất rất nhiều tiền trả cho phần lãi ngoài ấy.
Không có tiền, không có khả năng vẫn cố tái cơ cấu ngân hàng âm vốn hơn 2.800 tỷ, lỗ lũy kế hơn 6.000 tỷ
Lời khai cho thấy, Phạm Công Danh mua lại ngân hàng từ nhóm Phú Mỹ (nhóm bà Hứa Thị Phấn) với giá hơn 4.600 tỷ đồng. Thời điểm đó, kết luận của thanh tra cho thấy ngân hàng Đại Tín đã âm vốn hơn 2.800 tỷ đồng và lỗ lũy kế hơn 6.000 tỷ.
Trong hồ sơ tái cơ cấu ngân hàng có danh sách hơn 20 người và một tổ chức được đưa vào, tuy nhiên những người này không có tiền, Danh chỉ đưa vào để hợp thức hóa danh sách trình Ngân hàng nhà nước và Chính phủ để tái cơ cấu.
Khi vào làm chủ ngân hàng, Danh đã bị sốc vì không ngờ ngân hàng lại xấu đến mức đó, thanh khoản thiếu hụt khi chỉ cần rút 1-2 tỷ ra là đã khó, ngân hàng lại trong diện kiểm soát đặc biệt không được tăng trưởng tín dụng, trong khi nợ khó đòi và nợ xấu cao, dư nợ lại tập trung ở một nhóm khách hàng lên tới 95%.
Danh cho biết đã có lúc muốn buông xuôi, muốn bỏ ngân hàng dù đã chi rất nhiều tiền trả lãi ngoài, chi cả 500 tỷ cho Hà Văn Thắm. "Tôi đã báo cáo không có khả năng làm dù đã bỏ vào số tiền lớn, việc này chỉ có Ngân hàng Nhà nước mới làm được. Nhưng khi mang hồ sơ ra báo cáo thì được chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước lúc đó động viên, nói rằng không phải lập ngân hàng mới mà chỉ là tái cơ cấu ngân hàng. Lúc đó, tôi đấu tranh không nổi", ông Danh nói trước tòa.
Danh nói thêm, "Gần như tôi không có hiểu biết gì tài chính tín dụng, trong khi lúc đó có nhiều người hiểu về ngân hàng và đã từng làm ngân hàng... Đây là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến vụ án này” và ông xin lỗi các đồng nghiệp ở Tập đoàn Thiên Thanh vì bị liên lụy.
Bị lừa?
Phạm Công Danh cho rằng, nguồn cơn của tất cả các sự việc cho đến ngày hôm nay xuất phát từ phía nhóm bà Hứa Thị Phấn.
Theo thỏa thuận hai bên, Phạm Công Danh mua lại ngân hàng từ phía bà Phấn, bao gồm cả các bất động sản mà nhóm bà Phấn đang sở hữu. Tổng giá trị của thương vụ là 4.600 tỷ đồng.
Ông Danh tính toán mua lại các bất động sản của nhóm 30 công ty mà bà Phấn đại diện, khi thị trường lên sẽ bán. Tính toán của Phan Thành Mai và Danh cho thấy các tài sản sẽ giúp lãi khoảng 700 tỷ.
Nhưng khi đã trả cho bà Phấn 3.600 tỷ đồng, tương đương 80% số tiền phải trả, các tài sản kia vẫn chưa được trả cho Phạm Công Danh. "Đây là sai lầm của tôi. Tài sản kia tôi không bán được vì 30 doanh nghiệp kia không ủy quyền cho bà Phấn và cũng không chịu ủy quyền cho tôi, nên khi tôi trả nợ khoảng 3.600 tỷ rồi thì tôi không chuyển nữa” –Danh khai tại tòa ngày 29/7.
Song vấn đề ở chỗ, Phạm Công Danh đã dùng tiền của ngân hàng Xây dựng, bao gồm cả tiền từ nhóm Trần Ngọc Bích, để trả cho nhóm bà Phấn. Do không lấy được tài sản để bán, tất cả không như dự liệu nên Danh đã "chết" tại đây.
“Khi đó bị cáo vay tiền của nhóm bà Trần Ngọc Bích để trả cho nhóm bà Hứa Thị Phấn, rồi hi vọng lấy được tài sản của bà Hứa Thị Phấn để thế chấp ngân hàng hoặc bán đi để trả tiền cho nhóm bà Bích, nhưng nhóm bà Phấn không chịu giao tài sản nên bị cáo không còn tiền trả cho nhóm bà Bích nên tiếp tục vay tiền của nhóm bà Bích để trả những khoản vay trước đó” - bị cáo Danh khai tại tòa chiều ngày 2/8.
Cũng tại tòa ngày hôm qua, Phạm Công Danh đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giúp Danh lấy lại tài sản từ phía nhóm bà Phấn. “Tôi mong Hội đồng xét xử xem xét lấy khoản tiền này về cho ngân hàng vì đây là nguồn cơn cho mọi vấn đề hiện tại” – Danh nói.
Ngọc Toàn
Theo Trí thức trẻ/CafeF