Khai trước tòa, Phạm Công Danh khẳng định đã có người hỏi mua 10 lô đất tại TP Đà Nẵng với giá 250 triệu USD và không chọn mức giá thẩm định mà một số tổ chức khác đã từng định giá trước đó (1.260 tỷ và 2.600 tỷ).
Phiên tòa chiều 3/8: 21 ngân hàng Tòa triệu tập đều không có mặt
- Cập nhật : 03/08/2016
Tòa mời Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng Tp. HCM, Bình Dương, Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng. Không ai có mặt. Tòa yêu cầu Thư ký tòa tiếp tục triệu tập và cho biết đã được tỉnh đồng ý cho triệu tập.
Tòa mời đại diện Ngân hàng Việt Á; VPBank; BIDV-HCM; SHB; Sacombank (Phương Nam cũ sáp nhập vào Sacombank); Bản Việt; Kiên Long; Hàng Hải; Liên Việt; Eximbank; MBBank; Oceanbank; Sacombank; SeABank; VIB; Vietinbank; ACB; Vietcombank; BIDV; Agribank. 21 ngân hàng không có mặt.
Đề nghị thư ký tòa triệu tập và ngày mai xét hỏi. Tòa cũng yêu cầu ngày mai VNCB phải có mặt.
Viện kiểm sát mời bà Trần Ngọc Bích hoặc đại diện Number 1 Hà Nam
Ông Nguyễn Thu Thanh là đại diện Number 1 Hà Nam.
-Viện kiểm sát hỏi hợp đồng mua bán vật liệu với Thành Trí.
-Công ty của tôi ký với Thành Trí nhưng chưa thực hiện. Hiện tại đã hết thời hạn hợp đồng.
-Công ty có nghiên cứu tiềm lực đối tác khi ký hợp đồng lớn hơn 203 tỷ đồng không? Có phải là hợp đồng hợp thức hóa để ông Phạm Công Danh rút tiền?
-Dạ tôi xin khẳng định hợp đồng này có thực. Khi đối tác giao hết nguyên vật liệu thì 30 ngày sau mới thanh toán.
Viện kiểm sát mời bị cáo Nguyễn Tấn Thành
Viện kiểm sát đọc các hợp đồng mà Nguyễn Tấn Thành ký với các doanh nghiệp khác như Number1 Hà Nam; Thành Trí…Bị cáo Nguyễn Tấn Thành trả lời có ký nhiều hợp đồng nhưng không biết nội dung.
Về 2 khoản vay có phải công chứng, Viện kiểm sát hỏi có đi cùng Bùi Thị Hà Thu, Hoàng Đình Quyết không thì bị cáo Thành cũng không biết, không nhớ.
Sau phần xét hỏi các bị cáo liên quan 3 hồ sơ vay mà Tổ giám sát NHNN không đồng ý, Bị cáo Danh giơ tay xin phát biểu và được Hội đồng xét xử cho phép.
Ông Danh xin đưa thêm thông tin liên quan bà Sáu Phấn. Ông Danh nói:
Về việc lý do vì sao không trả hết tiền cho nhóm bà Phấn thì tôi xin trả lời như sau: Sau khi tôi trả tiền khoảng 3.600 tỷ cho bà Sáu Phấn thì bà Sáu Phấn cũng không chuyển giao được tài sản cho tôi. Ngay sau đó thì tôi nhận được đơn của công ty Phương Trang là một trong số những doanh nghiệp trong nhóm Phú Mỹ yêu cầu không được giải chấp bất cứ tài sản nào của doanh nghiệp này cả. Sau đó thì tôi được biết là mấy chục công ty trong nhóm Phú Mỹ không có ủy quyền cho bà Phấn xử lý.
Hội đồng xét xử cho biết những ý kiến của bị cáo Danh sẽ được chuyển cho bên công an xem xét xử lý trong vụ án khác giữa mối quan hệ giữa Tập đoàn Thiên Thanh và nhóm Phú Mỹ. Phạm vi vụ án này chỉ làm rõ vấn đề về dòng tiền cho vay như thế nào.
Viện kiểm sát mời bị cáo Trần Thanh Tùng. Bị cáo Tùng là người ký hàng loạt hợp đồng cung cấp vật liệu xây dựng cho nhiều doanh nghiệp. Bị cáo Tùng cũng ký hợp đồng vay vốn tại chi nhánh VNCB Sài Gòn. Bị cáo Tùng khai cô Trang (Nguyễn Thị Quỳnh Trang) đưa ký và ký. Ký trước rồi đối tác mới ký và không biết nội dung.
Viện kiểm sát mời bị cáo Trần Văn Bình. Bị cáo Bình là giám đốc Trung Dung. Bị cáo Bình cũng không biết nội dung ký kết. Tập đoàn Thiên Thanh bảo ký thì ký thôi.
-Bị cáo có nhớ hợp đồng vay của Quang Đại, Nhất Nhất Vinh, An Phát. Những hồ sơ này đã xin ý kiến tổ giám sát trong đó có hồ sơ này và tổ giám sát không đồng ý. Bị cáo có biết không?
-Bị cáo biết có trình lên tổ giám sát nhưng đồng ý hay không thì bị cáo không biết.
Viện kiểm sát hỏi Phan Thành Mai
-3 hồ sơ này đã trình tổ giám sát chưa?
-Dạ thưa. Có trình. Lúc đó VNCB đang xin tăng tín dụng 10 nghìn tỷ và 2014 có thể được tăng room tín dụng. Hầu hết khoản cho vay này tổ tín dụng đều phê là ngân hàng làm theo tình trạng của ngân hàng…Không phê cụ thể.
-Tại sao 3 hồ sơ trên tổ giám sát không đồng ý nhưng vẫn cho vay?
-Vì lúc đó nhiều khả năng VNCB được tăng room tín dụng năm 2014 nên việc cho vay cũng cân đối được. Lúc đó cũng cần tiền trả BIDV nên VNCB ký duyệt cho vay.
Chiều nay 3/8, Tòa án nhân dân Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử vụ Phạm Công Danh
Sau khi mời ông Hoàng Văn Toàn, nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín hỏi về việc xét duyệt các khoản vay từ chi nhánh gửi lên, Viện kiểm sát tiến hành mời bà Trần Ngọc Bích - Giám đốc Number 1 Hà Nam.
Sáng nay VKS cũng mời bà Bích nhưng bà Bích không có mặt. Chiều nay, Viện kiểm sát hỏi người được bà Bích ủy quyền.
-Ai là người cung cấp vật liệu xây dựng?
-Trong qua trình ký thì có gặp công ty Hương Việt không?
-Dạ không ạ.
-Không gặp làm sao lại ký?
-Là bà Trần Ngọc Bích ký và tôi là người thực hiện.
-Vì sao lại ký hợp đồng mà không thực hiện?
-Có ký hợp đồng cung cấp vật liệu xây dựng nhưng sau đó chúng tôi thay đổi kế hoạch đầu tư nên chưa thực hiện.
Theo cáo trạng, công ty Hương Việt là 1 trong 12 công ty đã lập hồ sơ vay vốn với phương án kinh doanh, trả nợ khống; lập các hợp đồng chuyển nhượng bất động sản và hợp đồng mua, bán nguyên vật liệu khống; không tiến hành thực tế hồ sơ vay; các lô đất thuộc Sân Vận động Chi Lăng và đất tại 209 Trường Chinh, TP. Đà Nẵng đã được đảm bảo cho khoản vay 4.700 tỷ đồng tại BIDV (chưa được giải chấp), nhưng vẫn được dùng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại VNCB; nâng khống giá trị tài sản đảm bảo lên nhiều lần so với giá trị thực tế.
Có 10 công ty, trong đó có công ty Hương Việt được VNCB cho vay tổng cộng 3.750 tỷ đồng (Hương Việt vay 350 tỷ đồng). Các công ty trên ký hợp đồng mua vật liệu xây dựng với các công ty cung ứng (đầu vào) và bán lại nguyên vật liệu đã mua với các công ty khác (đầu ra). Phương án vay vốn và trả nợ vay là từ doanh thu và lợi nhuận của việc kinh doanh vật liệu xây dựng. Toàn bộ số tiền mà VNCB đã cho 10 công ty trên vay đều được chuyển về tài khoản của tập đoàn Thiên Thanh, hòa chung vào nhau để Phạm Công Danh chi trả BIDV 2.600 tỷ đồng và tiền "chăm sóc khách hàng".
Viện kiểm sát hỏi những doanh nghiệp có giám đốc "hờ" liên quan đến khoản vật liệu xây dựng và vay vốn. Tất cả những "giám đốc hờ" đều trả lời không biết. Không biết cả hợp đồng vật liệu xây dựng lẫn việc ký hợp đồng tín dụng, ký do Tập đoàn Thiên Thanh bảo ký.
Trả lời tại Tòa sáng 3/8, bà Phấn cho biết Ngân hàng Đại Tín là nhóm bà chuyển giao là chuyển cho ông Hà Văn Thắm. Ông Thắm chuyển giao cho ông Danh. Sau đó ông Thắm mới có 1 buổi gặp với bà Phấn và ông Danh.
Tại buổi gặp, ông Thắm nói đã chuyển giao ngân hàng cho ông Danh, ông Danh giàu lắm và sẽ làm cho ngân hàng tốt hơn. Bà Phấn cho biết bà cũng không nhận được gì từ điều này, chỉ xin sự bình yên cho những người nhân viên cũ.
Khi chuyển giao, bà Phấn đã chuyển các bất động sản. Tổng thỏa thuận 4.700 tỷ, nhưng ông Danh mới chuyển hơn 3.600 tỷ. Theo thỏa thuận, tiền này chỉ dùng để thanh toán các hợp đồng tín dụng, bà không được rút tiền này ra cho đến khi giải quyết xong các hợp đồng tín dụng.
Trong các tài sản phải chuyển giao còn 24ha đất Nhà Bè và 9ha đất ở Quận 2 nhóm bà Phấn chưa chuyển cho ông Danh, vì theo bà Phấn VNCB không cho bà lấy tài sản này ra để chuyển giao. Gần như toàn bộ các khu đất này là đất nông nghiệp, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng.
Khi được hỏi bà có biết các mảnh đất nông nghiệp đó giá bao nhiêu tiền không thì bà Phấn trả lời không đánh giá được vì còn phải tùy thuộc vào vị trí.
Theo quy định, đất nông nghiệp là dùng để trồng trọt, cấy lúa, muốn chuyển đổi được phải thực hiện hàng loạt nghĩa vụ với Nhà nước để chuyển đổi thành đất dự án.
Tại tòa ngày 2/8, Phạm Công Danh nói rằng giá trị của các khu đất mà phía bà Phấn chưa trả cho Danh có giá trị rất lớn.
Tuy nhiên do đây là đất nông nghiệp chưa chuyển đổi nên giá trị thực tế chắc chắn không như Danh kỳ vọng.
Liên quan khoản tiền hơn 3.600 tỷ đồng, bà Phấn cho biết mọi người hiểu lầm rằng khoản tiền đó trả cho bà, nhưng khoản tiền này được chuyển vào một tài khoản ở ngân hàng Đại Tín để trả nợ cho nợ của nhóm Phú Mỹ đã vay để đầu tư bất động sản trước đó. Khi rời khỏi ngân hàng, bà hoàn toàn tay trắng. Vì thế nếu có đòi 3.600 tỷ thì bà cũng không có để trả vì bà không cầm số tiền này.
Theo Trí thức trẻ/CafeF