tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Phiên tòa 11/8: Phạm Công Danh mất bình tĩnh, đề nghị luật sư hỏi tiền liên quan bà Bích thì mới trả lời

  • Cập nhật : 11/08/2016

(Phap luat)

Quỹ Lộc Việt chỉ được dùng tiền ngân hàng VNCB để đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp mà Ngân hàng chỉ định

  • 11:1311/08/2016

    Luật sư Bùi Thị Mai (bảo vệ quyền lợi cho Quỹ Lộc Việt) tham gia xét hỏi.

    -Ông cho biết Đại Tín ký với Quỹ Lộc Việt là hợp đồng quản lý danh mục đầu tư. Với tên hợp đồng này thì có phải là nhiệm vụ của công ty quản lý quỹ Lộc Việt không?

    -Căn cứ đăng ký kinh doanh của Quỹ Lộc Việt mà bị cáo đọc thời điểm đó thì có chức năng này.

    -Anh có thể cho biết Quản lý danh mục đầu tư ở đây có nghĩa là gì?

    -Đại Tín có nhu cầu ủy thác đầu tư để tạo lợi nhuận cho ngân hàng.

    -Theo hợp đồng thì quỹ Lộc Việt có được dùng tiền để đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp nào không?

    -Không, theo chỉ định của Ngân hàng.

    -Thế Quỹ Lộc Việt có được thực hiện gì khác nữa không?

    -Có phụ lục hợp đồng nêu rõ.

    -Tất cả điều khoản hợp đồng cho thấy thì việc đầu tư này là theo chỉ định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì liệu quỹ Lộc Việt có rủi ro gì không?

    -Theo điều khoản hợp đồng thì trong trường hợp xấu nhất thì Ngân hàng xây dựng sẽ nhận lại toàn bộ số trái phiếu đã ủy thác đầu tư.

    -Hiện tại hợp đồng đã kết thúc chưa?

    -Hợp đồng có thời hạn 2 năm.

    -Hợp đồng có thời hạn 2 năm và kết thúc vào tháng 5/2015 đúng không? Tức đến giờ đã quá hạn và đang xử lý các hậu quả của hợp đồng?

    -Thưa đúng.

  • Phạm Công Danh phản ứng gay gắt với cách hỏi của luật sư
  • 10:4311/08/2016

    Luật sư Thụy Uyên tiếp tục xét hỏi. Luật sư hỏi bị cáo Phạm Công Danh

    -Ông có thể cho biết tổng số tiền chi lãi ngoài cho các khách hàng của VNCB là bao nhiêu không ạ? 

    -Hầu hết câu trả lời đã được trả lời rồi, anh Mai cũng đã trả lời rồi. Tôi không trả lời câu hỏi này. Đề nghị luật sư hỏi đúng trọng tâm.

    -Theo cáo trạng và một số lời khai của các bị cáo khác thì tiền chi lãi ngoài cho nhóm Trần Ngọc Bích là 2.500 tỷ thì lấy từ đâu?

    -Tôi không trả lời câu hỏi này.

    -Tôi hiểu là ông không nhớ?

    -Tôi có biết thì tôi cũng không trả lời câu hỏi này.

    Luật sư hỏi thêm một số câu liên quan tiền của ông Danh. Ông Danh trả lời là ông có rất nhiều tiền, không thể nhớ hết. Đề nghị luật sư hỏi tiền liên quan bà Bích thì mới trả lời.

    -Tại lời khai của ông thì ông cho rằng bà Bích cho ông vay 5.190 tỷ thì sao đến tháng 4/2014 nhóm bà Bích yêu cầu dùng tiền trong tài khoản của bà Bích để trả nợ thì ngân hàng không thông báo trong tài khoản bà Bích không có tiền? Vì sao trong nghị quyết HĐQT liên quan đến việc xử lý tài khoản bà Bích lại không đưa ra thông tin trong tài khoản bà Bích không có tiền? Có phải cố tình che giấu thông tin?

    -Những câu hỏi này tôi đã trả lời và tôi khẳng định rằng chủ trương của tôi về điều hành, quản trị là tôi giao cho anh Mai. 

    Bị cáo Danh mất bình tĩnh, nói to tại tòa vì cách hỏi của luật sư mang tính truy vấn. Tòa nhắc nhở ông Danh về thái độ và nhắc ông Danh chỗ nào không muốn trả lời thì nói rõ không trả lời câu hỏi này, phải giữ bình tĩnh.

    Luật sư Uyên hỏi Vũ Anh Tuấn

    -Ông có yêu cầu chuyển tiền của bà Bích không?

    -Tôi không có tiền, không phải tiền của tôi thì tôi sao lại có quyền yêu cầu ạ.

  • Luật sư hỏi việc thành lập tổ giám sát đặc biệt tại VNCB nhằm mục đích gì?
  • 10:2411/08/2016

    Hội đồng xét xử mời luật sư Thắm bảo vệ quyền lợi cho Sacombank. 

    Vị luật sư này cho biết các vấn đề định hỏi thì các luật sư khác cũng đã hỏi rồi nên không tham gia xét hỏi.

    Hội đồng xét xử mời luật sư Thúy Hạnh bảo vệ quyền lợi cho Agribank Láng Hạ. Luật sư không có mặt.

    Hội đồng xét xử mời luật sư Thụy Uyên bảo vệ quyền lợi cho nhóm bà Bích.

    Luật sư Uyên hỏi đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 

    -Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra quyết định đưa VNCB vào diện kiểm soát đặc biệt vào thời điểm nào?

    -29/7/2014. 

    -Như vậy, Quyết định số 14/2/2012 về việc thành lập tổ giám sát đặc biệt tại VNCB nhằm mục đích gì?

    -Vì VNCB lúc đó được xác định là ngân hàng yếu kém vì vậy cần thành lập tổ giám sát đặc biệt để ngân hàng xây dựng làm đúng quy định pháp luật và để tránh thất thoát tài sản của ngân hàng.

    -Vậy tôi hiểu rằng VNCB bị giám sát đặc biệt do gặp khó khăn trong các khoản chi trả nên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lập tổ giám sát để giúp VNCB vượt qua khó khăn nhằm đảm bảo an toàn của tổ chức tín dụng đúng không ạ?

    -Thưa Hội đồng xét xử là về thực trạng của VNCB thì ông Thảo đã trả lời tại phiên tòa, tôi không nhắc lại.

    -Trong trường hợp VNCB gặp khó khăn thanh khoản thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có hỗ trợ gì cho ngân hàng không?

    -Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì tùy trường hợp mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hỗ trợ tổ chức tín dụng trong trường hợp khó khăn thanh khoản.

    -Khi ngân hàng vào diện bị giám sát đặc biệt thì những giao dịch nào phải thông qua tổ giám sát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại ngân hàng? Cụ thể ở đây thì các khoản vay, khoản chi tiêu nào phải thông qua giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam?

    -Kính thưa Hội đồng xét xử thì việc giám sát VNCB theo quyết định 12 và trong cáo trạng cũng đề cập đến quyết định 12 như thế nào nên tôi xin phép không trả lời. 

    -Vậy một số trường hợp cụ thể gồm VNCB huy động từ nhóm bà Trần Ngọc Bích 124 sổ tiết kiệm, các khoản chi trả lãi, khoản vay 5.190 tỷ, khoản vay 300 tỷ có phải thông qua tổ giám sát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại VNCB không ạ?

    -Kính thưa Hội đồng xét xử là về quyết định 12 thì tôi đã trả lời rồi ạ.

    -Theo tôi được biết thì 27/6/2013 thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã gỡ bỏ trần lãi suất huy động, thông tin này đúng không ạ?

    -Việc này không liên quan cáo trạng nên tôi không trả lời.

    -Vì đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không trả lời trực tiếp vào câu hỏi nên tôi cung cấp. Tại quyết định số 15 ngày 27/6/2013 thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã gỡ bỏ trần lãi suất theo đó lãi suất tiền gửi từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng quyết định dựa trên nhu cầu thị trường.

    Trả lời đại biểu Quốc Hội, thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình xác nhận kiểm soát tình hình của các tổ chức tín dụng yếu kém. Năm 2013 các tổ chức tín dụng yếu kém được loại bỏ về cơ bản. 

    Trong vụ án này, các bị cáo đã cho rằng để cứu thanh khoản của VNCB nên đã huy động vượt trần lãi suất và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có tổ giám sát đặc biệt tại VNCB thì theo bà VNCB có cần phải huy động vượt trần lãi suất để cứu thanh khoản không?

    -Kính thưa Hội đồng xét xử thì với việc huy động vượt trần lãi suất thì tôi đã trả lời rất rõ ở các phiên trả lời trước, xin phép không trả lời lại.

    -Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thường xuyên kiểm tra, thanh tra các tổ chức tín dụng có huy động vượt trần. Xin bà cho biết VNCB đã từng bị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phạt vì huy động vượt trần lãi suất không ạ?

    -Về thanh tra, kiểm tra việc huy động vượt trần lãi suất thì tôi cũng đã trả lời rồi. Xin phép không trả lời lại. 

    Đối với tại VNCB thì tôi cung cấp cho luật sư công văn chỉ đạo VNCB về việc lãi suất huy động. Những câu hỏi khác tôi đã trả lời rồi.

  • Người trả lãi cho nhóm Trần Ngọc Bích có lưu đầy đủ số liệu
  • 09:5411/08/2016

    Luật sư hỏi bà Thu Hương-nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh khai chuyển tiền lãi cho nhóm Trần Ngọc Bích

    -Ngoài nhóm bà Trần Ngọc Bích thì chị có chuyển tiền lãi ngoài cho khách hàng nào khác?

    -Tôi chỉ chuyển tiền lãi ngoài cho nhóm bà Trần Ngọc Bích.

    -Tiền trả cho nhóm bà Bích thì bà nhận từ ai?

    -Một số khoản thì tôi nhận trực tiếp bằng tiền mặt từ anh Danh. Một số khoản chuyển khoản thì anh Danh chỉ đạo cho tôi chuyển từ đâu đến đâu.

    -Chị có lưu giữ số tiền nhận từ anh Danh?

    -Tôi chuyển tiền cho ai thì tôi lưu giữ, báo cáo anh Danh.

    -Tức tiền vào thì chị không có lưu, chị chỉ lưu khoản tiền chuyển ra cho ai?

    -Tôi đã trả lời. Liên quan đến nhóm bà Bích thì tôi chi khoản tiền nào cho nhóm này thì tôi lưu số liệu.

  • Phan Thành Mai "xin không trả lời" hầu hết câu hỏi của luật sư của nhóm Trần Ngọc Bích
  • 09:4911/08/2016

    Luật sư của nhóm Trần Ngọc Bích hỏi Phan Thành Mai

    -Các chỉ số tài chính của VNCB thế nào?

    -Câu này bị cáo đã trả lời nhiều lần, bị cáo xin không trả lời lại. 

    -VNCB có báo cáo về tình hình ngân hàng không?

    -Câu này động đến quyền lợi của bị cáo, bị cáo không trả lời.

    -Nhiều lần VNCB gặp khó khăn thanh khoản, ông có đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hỗ trợ khó khăn thanh khoản không?

    -VNCB lúc đó khó khăn thanh khoản, có chuẩn bị trình Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xin tái cấp vốn nhưng chưa trình.

    -Theo ông thì VNCB huy động vượt trần lãi suất thì có vi phạm quy định không?

    -Bị cáo xin không trả lời câu hỏi này.

    -VNCB đã bao giờ bị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phạt huy động lãi vượt trần?

    - Bị cáo xin không trả lời câu hỏi này.

    -Trong các phiên xử trước thì ông có nói rằng rất nhiều chi nhánh đòi chi lãi ngoài, có bằng chứng gì việc khách hàng yêu cầu chi lãi ngoài không?

    -Những câu hỏi này thì bị cáo đã trả lời ở các phiên trước, xin không trả lời lại.

    -Tổng huy động cuối năm 2013 là bao nhiêu?

    -Tất cả có trong báo cáo kiểm toán.

    -Ông không nhớ thì tôi nói cho ông biết là hơn 31 nghìn tỷ đồng. Ông cho biết tất cả khoản huy động này đều phải chi lãi ngoài?

    -Câu này động đến quyền lợi của bị cáo, bị cáo xin không trả lời câu hỏi này.

    -Tổng số tiền lãi ngoài đã chi năm 2013 là bao nhiêu?

    - Bị cáo xin không trả lời câu hỏi này.

    -Tổng số tiền lãi ngoài ông trả lời đã chi cho nhóm Trần Ngọc Bích là bao nhiêu?

    -Bị cáo đã trả lời câu hỏi này, xin phép không trả lời lại.

    -Trong các phiên trước thì ông cho rằng tiền chi lãi ngoài cho nhóm Trần Ngọc Bích là 2.500 tỷ. Với con số này thì tổng tiền huy động từ nhóm bà Bích phải trên 62 nghìn tỷ. Ông có thấy số liệu không hợp lý?

    -Bị cáo cũng đã trả lời. Tính toán của bị cáo không phải chỉ trong năm 2013 và đã trả lời ở các phiên trước, không trả lời lại.

    -Trong vụ án này thì ông Phạm Công Danh và các bị cáo khác khai thì phải chi ngoài cầm cố sổ tiết kiệm cùng với chênh lệch tiền gửi và vay chỉ 0,5-1,25%. Như vậy là lỗ. Ông nói sao về vấn đề này?

    -Tôi xin phép không trả lời vì câu hỏi quá dài và không rõ ý.

    -Các ngân hàng khác cuối năm thường thực hiện xác nhận số dư tiền gửi của các khách hàng lớn. VNCB và công ty kiểm toán Earst and Young có thực hiện việc này không?

    -Theo bị cáo biết thì ngân hàng có gửi số dư tới khách hàng bằng nhiều phương thức.

    -Có 3 hồ sơ vay không có chữ ký thì Earst and Young năm 2013 có kiểm toán và phát hiện ra vấn đề không?

    -Tất cả hồ sơ có lưu ở ngân hàng và tôi không trả lời thêm vấn đề này.

  • Đại diện nhóm Trần Ngọc Bích: "Đã bảo không vay là không vay"
  • 09:2011/08/2016

    Luật sư của VNCB hỏi ông Trần Đình Khánh, ông Dũng, bà Dung (nhóm bà Bích). 

    Bà Thảo là người đại diện theo pháp luật của nhóm bà Bích lên trả lời.

    Luật sư hỏi ngày 21/6/2013 thì ông Khánh và ông Dũng có đến ngân hàng làm việc không, bà Thảo trả lời giao dịch với ngân hàng thì đương nhiên phải làm việc với ngân hàng.

    Luật sư hỏi câu hỏi tương tự trên với bà Dung và cũng nhận câu trả lời tương tự.

    Luật sư hỏi tiếp là bà Dung có vay ngân hàng không thì bà Thảo cho biết những người này trong nhóm bà Bích không vay.

    Luật sư hỏi vì sao trong bản fax từ Tân Hiệp Phát có chữ ký bên vay của bà Dung. Bà Thảo lớn tiếng với luật sư rằng: Đã bảo không vay là không vay, việc này đã khẳng định nhiều lần còn đề nghị Hội đồng xét xử xem chữ ký trên bản fax vì sao có thì làm rõ.

    Luật sư đem thêm bằng chứng là hợp đồng mở thẻ vào ngày hôm đó, cho bà Thảo xem chữ ký của bà Dung. Bà Thảo khẳng định việc này không liên quan đến việc vay.

    Bà Thảo tiếp tục lớn tiếng tại Hội đồng xét xử. Bà Thảo cho rằng vay thì cần có chứng từ vay hợp lệ chứ không thể đưa ra những thứ không liên quan để quy kết.

    Luật sư hỏi bà Trần Ngọc Bích. Bà Thảo cũng đứng lên với vai trò người đại diện.

    Câu trả lời của bà Thảo vẫn giữ nguyên như các thông tin chúng tôi đã đưa trước đó rằng bà Bích không có yêu cầu chuyển tiền.

     Luật sư hỏi bị cáo Hoàng Đình Quyết - phó giám đốc chi nhánh VNCB Sài Gòn

    Ông Quyết khẳng định là câu trả lời của bà Thảo là không chính xác. 

    Theo bị cáo Quyết thì bà Bích và nhóm bà Bích chỉ đến ngân hàng 1 lần trong giai đoạn bị cáo phụ trách chi nhánh Sài Gòn. Toàn bộ hồ sơ, chứng từ của những người nhóm bà Bích đều làm việc qua ông Vũ Anh Tuấn nên không thể có chuyện những người nhóm bà Bích đến làm việc với ngân hàng.

  • Nhóm bà Bích chưa trả chữ ký nhưng đã có bản fax, chuyển tiền theo yêu cầu của người nhóm bà Bích
  • 08:5711/08/2016

    Sáng nay, phiên tòa xét xử ông Phạm Công Danh và các đồng phạm gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại VNCB tiếp tục làm việc với phiên xét hỏi của luật sư bảo vệ quyền lợi cho các bên có quyền lợi liên quan.

    bi cao hoang dinh quyet

    Bị cáo Hoàng Đình Quyết

     

    Luật sư Đại bảo vệ quyền lợi cho VNCB hỏi bị cáo Hoàng Đình Quyết.

    -Tháng 6/2012 ông làm giám đốc chi nhánh Sài Gòn?

    -Bị cáo chưa bao giờ làm giám đốc chi nhánh Sài Gòn. Bị cáo làm phó giám đốc chi nhánh.

    -Nhóm bà Trần Ngọc Bích gửi tiền vào VNCB từ lúc nào?

    -Từ khoảng tháng 7/2012. Lúc này bà Bích thực hiện gửi tiền và có mang theo anh Vũ Anh Tuấn, anh Lộc giới thiệu là người nhóm bà Bích và sau này sẽ thay bà Bích thực hiện các giao dịch khác. Lúc đó bà tự chủ động đến ngân hàng nhưng theo tôi biết thì có người bên Tập đoàn Thiên Thanh làm việc với bà Bích.

    -Khi giới thiệu anh Tuấn và anh Lộc thì ai là người tiếp?

    -Cả bị cáo và nhân viên của bị cáo.

    -Thế khi nhóm bà Bích có nhu cầu rút tiền thì ai là người tiếp?

    -Như bị cáo đã nói thì bị cáo là quản lý chung và nhân viên của bị cáo thực hiện.

    -Giai đoạn tháng 6-12/2012 thì nhóm bà Bích vay khoảng bao nhiêu tiền?

    -Bị cáo không nhớ rõ lắm, khoảng 7-800 tỷ.

    -Khi cho vay thì bị cáo có báo cáo ai không?

    -Việc cho vay cầm cố sổ tiết kiệm thì thuộc quyền hạn của bị cáo. Bị cáo không phải báo cáo ai trước khi thực hiện. Bị cáo có báo cáo sau. Sau này bị cáo có phải báo cáo trước vì nó liên quan đến room tín dụng.

    -Khoản vay ngày 21/6 cũng như 30/7 thì chuyển trả như thế nào?

    -Theo bị cáo biết thì đã có chuyển trả cho ngân hàng còn cụ thể thì bị cáo không biết. Lúc đó bị cáo cũng chuyển sang chi nhánh Lam Giang nhưng bị cáo vẫn thường xuyên hỏi chi nhánh Sài Gòn về chứng từ bà Bích nợ và cũng thường xuyên nhắn anh Vũ Anh Tuấn việc trả chứng từ.

    Luật sư hỏi bị cáo Mai Hữu Khương

    -Tháng 12/2013 anh được điều động về chi nhánh SG?

    -Thưa đúng.

    -Khi tiếp quản thì anh làm việc với ai nhóm bà Bích?

    -Bị cáo có làm việc với anh Vũ Anh Tuấn và bà Bích.

    -Các hồ sơ vay sau đó thì thế nào?

    -Vẫn tiếp tục. Chữ ký thì anh Vũ Anh Tuấn thường nợ 1-2 ngày sau trả.

    -Mở sổ tiết kiệm thì có giao lại cho khách hàng không?

    -Khi mở sổ tiết kiệm thì ngân hàng luôn luôn giao sổ cho khách hàng.

    -Hợp đồng nợ chữ ký đang xét xử thì nhóm bà Bích đã trả lại cho ngân hàng chưa?

    -Như bị cáo đã nói thì nhóm bà Bích chưa trả chữ ký cho ngân hàng nhưng đã có bản fax.

    -Thế việc chuyển tiền đi là theo lệnh của ai?

    -Theo yêu cầu của anh Vũ Anh Tuấn.

    -Ai là người thực hiện chuyển?

    -Anh Tuấn làm việc trực tiếp với phòng kế toán nên bị cáo không biết.

  • Nội dung phiên tòa ngày 10/8
  • 08:0611/08/2016

    Ngày 10/8 phiên xử các bị cáo gây thất thoát hơn 9.000 tỷ tại ngân hàng Xây Dựng (VNCB) tiếp tục với phần đặt câu hỏi của các luật sư với nhóm bị cáo nguyên là lãnh đạo VNCB liên quan đến vấn đề nâng cấp hệ thống Core Banking.

    Cáo trạng và lời khai của các bị cáo tại phiên tòa cho thấy tại thời điểm năm 2013 VNCB rơi vào khủng hoảng trầm trọng khi không có đủ tiền để "chăm sóc khách hàng" (thực chất là trả lãi vượt trần).

    Do đó bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) đã nghĩ ra cách nâng cấp hệ thống Corebanking để rút ra 63 tỷ nhằm thực hiện việc này.

    Tại phiên xử ngày 10/8 bị cáo Mai tiếp tục khẳng định nhu cầu nâng cấp hệ thống Corebanking là có thực và xuất phát từ đề án tái cơ cấu VNCB do chính Mai viết. Cũng theo bị cáo thì thực tế đã có công ty nước ngoài vào chạy thử phần mềm này.

    Trả lời câu hỏi của luật sư về việc tại sao lại nhận ký hợp đồng nâng cấp với công ty An Phát (công ty con của bị cáo Danh) bị cáo Mai cho rằng do đây là công ty "anh Danh đưa sang" nên tin tưởng. Bị cáo Mai cũng cho rằng khi đó không biết đây là công ty của ông Danh.

    Nguyên Tổng giám đốc VNCB còn cho biết số tiền bỏ ra để làm phương án, nâng cấp hệ thống đều do ông Danh chi trả vì khi đó VNCB đang chịu sự giám sát của Ngân hành Nhà nước nên không thể rút tiền.

    Trong phiên xử này bị cáo Mai cùng các bị cáo nguyên là lãnh đạo VNCB cũng đồng loạt cho rằng Tổ giám sát và Quyết định 12 của Ngân hàng Nhà nước đã gây ra khó khăn cho VNCB.

    "Theo Quyết định 12 VNCB chỉ được huy động tiền, không được phép cho vay và tất cả các khoản giao dịch có giá trị trên 5 tỷ phải được Tổ giám sát đồng ý".

    Theo bị cáo Mai, VNCB đôi khi làm việc cả Thứ 7 và Chủ nhật nhưng Tổ giám sát lại hoạt động theo giờ hành chính, do đó có trường hợp khách hàng tới rút tiền nhưng không được, mà phải đợi đến tuần sau.

    Bị cáo Mai cũng lấy 1 ví dụ cho thấy có khách hàng gửi vào ngân hàng 15 tỷ sau đó muốn cầm cố sổ tiết kiệm để vay lại 7 tỷ nhưng không được duyệt, dù đây là "giao dịch rất an toàn" – theo lời của Mai.

    Cuối cùng khách hàng cũng được vay ra sau một cuộc họp giữa HĐQT và Tổ giám sát, tuy nhiên rất mất thời gian.

    "Dù biết VNCB rơi vào tình trạng bị kiểm soát thì phải thế nhưng thực sự gây khó khăn, ách tắc cho hoạt động của ngân hàng" – bị cáo Mai nói và cho biết thêm rằng điều này khiến khách hàng mất niềm tin và đã đến tận trụ sở để xem ngân hàng còn hoạt động hay không.

    Ngoài ra bị cáo Mai còn xác nhận vào thời điểm đó VNCB lỗ tới 6 tỷ đồng mỗi ngày hoạt động và các khoản chi ra đều là tiền của bị cáo Danh và tập đoàn Thiên Thanh.

    Liên quan đến Quyết định 12, trả lời luật sư bị cáo Mai cho rằng việc VNCB ủy thác đầu tư 900 tỷ cho quỹ Lộc Việt (để mua cổ phiếu của tập đoàn Thiên Thanh) là không thực hiện được theo quyết định 12.

    Bị cáo cũng thừa nhận tại thời điểm đó đang phải chịu áp lực lớn để tạo ra nguồn tiền nên sau khi tính toán thì thấy rằng "ủy thác là hoạt động khả quan nhất".

    "Khi đó nếu chúng tôi ủy thác qua các công ty tín dụng thì phải xin ý kiến của Ngân hàng Nhà nước, còn qua các công ty quản lý quỹ thì không" – bị cáo Mai cho hay và khẳng định việc đầu tư này "có hiệu quả".

    Phạm Công Danh nói hợp đồng với bà Phấn không có hiệu lực, nếu được đề nghị bà Phấn trả lại Danh 3.600 tỷ15:4011/08/2016

    Luật sư bảo vệ cho bà Hứa Thị Phấn hỏi ông Phạm Công Danh

    -Trong lần trả lời trước thì ông cho rằng có thể có sự hiểu lầm, nhầm lẫn giữa ông và bà Phấn. Ông giải thích ra sao về việc này?

    -Như lúc nãy thì ông Mai cũng có trả lời rồi. Bà Phấn có lẽ hiểu nhầm là tôi chuyển hết tiền rồi thì tất cả các tài sản mới được chuyển giao cho tôi. Thực tế có nhiều khoản không có tài sản đảm bảo thì tôi không thể thanh toán được. Tôi hiểu rằng tôi chuyển 80% tiền vào rồi để lấy những tài sản có đăng ký giao dịch đảm bảo rồi mới dùng các tài sản đó sử dụng và rồi trả tiếp khoản 20%.

    Tôi cũng xin nói thêm, Luật sư là người đi theo vụ việc này từ những ngày đầu, Luật sư hiểu rõ là không phải tôi không muốn thực hiện nghĩa vụ chuyển tiền của tôi mà là có đơn từ khiếu kiện cho rằng nhóm bà Phấn còn nhiều giao dịch đang tranh chấp, không được giải chấp các tài sản kia ra nên tôi không thể nào lấy được tài sản ra. Thậm chí tôi có trả 100% rồi thì cũng không thể lấy tài sản ra.

    Tôi cho rằng hợp đồng này với tôi không có hiệu lực. Tiền này nếu được thì bà Sáu Phấn trả lại cho tôi.

    84% cổ phần bà Phấn bán cho ông Danh giá 2.521 tỷ
  • 15:3111/08/2016

     Luật sư Nguyễn Công Trung bảo vệ quyền lợi của bà Hứa Thị Phấn lên hỏi.

    Luật sư hỏi Phan Thành Mai

    -Ông là người đã soạn thảo đề án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín. Biên bản thỏa thuận ký kết ngày 6/6/2012, Ông soạn thảo trên cơ sở nào? Có phải soạn dựa trên giao dịch giữa bà Phấn và ông Thắm?

    -Biên bản đó không liên quan đến giao dịch giữa bà Phấn và ông Thắm mà dựa trên mấy gạch đầu dòng của ông Hoàng Văn Toàn là chủ tịch HĐQT cũ của Đại Tín.

    -Trong biên bản 6/6 có 3 phụ lục, ông có nhớ không?

    -Bị cáo xác nhận điều này.

    -Hôm trước thì ông Toàn trả lời có sự nhầm lẫn giữa biên bản thỏa thuận và hợp đồng chuyển giao. Biên bản này có phải là cơ sở để ông làm đề xuất chủ trương không?

    -Thưa đúng.

    -Sau này có 2 phụ lục 4, 5 trong đó có phụ lục về gia hạn thanh toán?

    -Thưa, cũng lâu rồi bị cáo không còn nhớ.

    -Trong hợp đồng ngày …..có phần chuyển nhượng cổ phần không?

    -Thưa có.

    -Giá trị chuyển nhượng cổ phần hơn 84% có giá trị 2.521 tỷ. Cơ sở nào để ghi ra giá này trong gói chuyển giao quyền và nghĩa vụ hơn 4.700 tỷ?

    -Lâu quá rồi thì bị cáo không còn nhớ những chi tiết nên xin phép không trả lời câu hỏi này. Chỉ có điều là không có quy định nào quy định ông Danh phải chuyển hết tiền mới được nhận chuyển giao tài sản.

    Luật sư có lẽ chưa nắm hết những vấn đề bị cáo đã trả lời tại các phiên trước trong đó khoản tiền 3.600 tỷ có 650 tỷ trả gốc+lãi các khoản vay tức đã đủ điều kiện để chuyển giao tài sản cho ông Danh. Chỉ có những phần còn lại là chưa trả gốc và lãi vay. Trên cơ sở hợp tác đồng thuận trả tiền đến đâu trả tài sản liên quan đến đấy. Khi ông Danh đã trả đầy đủ để lấy tài sản ra nhưng vẫn không lấy được.

    -Ông có tham gia cuộc họp trước ĐHCĐ 3 ngày, tại Ngân hàng Nhà nước TP. HCM thì ông có mặt không?

    -Đa phần các cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước trong năm 2013 thì bị cáo đều có mặt. Còn cụ thể cuộc họp nào thì luật sư nói rõ hơn, bị cáo không nhớ.

    -Sau này nhóm bà Phấn có đơn lên Ngân hàng Nhà nước để khiếu nại việc ông Danh chưa trả hết tiền liên quan nhóm Phú Mỹ và Ngân hàng Nhà nước Long An đã có văn bản yêu cầu ông Danh thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ trước 30/10/2013.

    Luật sư cho bị cáo Mai xem lại nội dung văn bản. Phan Thành Mai đề nghị luật sư đọc lại văn bản vì không có ý đó. Tòa yêu cầu luật sư đọc.

    -Bị cáo Phan Thành Mai: Thưa Hội đồng xét xử, qua văn bản luật sư đọc thì đây là Ngân hàng Nhà nước Long An yêu cầu giải thích 3 điểm chứ không có ý kết luận vụ việc giữa ông Danh và bà Phấn.

    -Hội đồng xét xử: Bị cáo Mai trả lời rõ vấn đề việc ông Danh trả tiền cho bà Phấn.

    -Trong việc này bị cáo chỉ ở mức người chứng kiến nên nói vấn đề này trên góc độ bị cáo biết như sau: Bị cáo Danh đã trả tiền 3.600 tỷ nhưng không rút được tài sản ra. 

    Khách phải tìm hiểu quy trình nội bộ ngân hàng?
  • 15:1111/08/2016

    Chiều nay 11/8, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm tiếp tục.

    Luật sư Trần Minh Hải bảo vệ quyền và nghĩa vụ cho bên liên quan là Quỹ Lộc Việt  mở đầu phiên xét hỏi.

    Luật sư Hải hỏi đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để xác định các luật liên quan đến Quỹ Lộc Việt.

    -Theo quy định của các tổ chức tín dụng thì mua bán trái phiếu có thuộc hoạt động ngân hàng không?

    -Tổ chức tín dụng nếu được cấp phép thì được.

    -Việc ủy thác mua bán trái phiếu doanh nghiệp có thuộc nghiệp vụ ngân hàng không?

    -Tương tự như trên, nếu trong đăng ký kinh doanh của các tổ chức tín dụng có thì sẽ được.

    -Tại trang 32 của cáo trạng có nhắc đến vấn đề ủy thác và giao dịch ủy thác thì ghi rằng ủy thác chưa được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…Giao dịch giữa VNCB có phải hỏi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không?

    -Tôi xin nhắc lại là nếu được phép hoạt động thì không cần hỏi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam còn đối với ngân hàng Đại Tín thì chưa nên phải hỏi.

    -Cho phép tôi được hỏi là VNCB tiền thân là Đại Tín, Đại Tín có tiền thân là ngân hàng nông thôn. Ngân hàng nông thôn đã có giấy phép?

    -Chỗ này luật sư chưa hiểu. Giấy phép thành lập ngân hàng khác giấy phép giao dịch ủy thác đầu tư.

    -Ngân hàng nông thôn thành lập từ mấy chục năm về trước, trên giấy phép chỉ ghi là được thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng thì có được thực hiện không?

    -Việc này đã được ghi rõ trong luật các tổ chức tín dụng, tôi xin phép không trả lời câu hỏi này.

    -Khi một doanh nghiệp giao dịch với một ngân hàng đang được giám sát đặc biệt thì có tin tưởng được rằng các giao dịch này đang diễn ra dưới sự giám sát an toàn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được không?

    -Tôi xin phép không trả lời câu hỏi này.

    -Khi giao dịch với ngân hàng thì có quy định nội bộ nào của VNCB quy định khách hàng phải tìm hiểu quy trình nội bộ ngân hàng?

    -Không có quy định nào như thế nhưng trong quan hệ dân sự thì để bảo vệ cho chính bản thân mình thì đối tác nên tìm hiểu.

    -Trong giao dịch thì khách hàng có nghĩa vụ tìm hiểu, đọc kỹ, hiểu rõ quy trình quy chế nội bộ để hiểu ngân hàng không?

    -Ở đây có thể chia ra mấy luận điểm. Theo tôi thì khách hàng không cần tìm hiểu quy trình, quy chế nội bộ. Nếu có chỉ dẫn trong hợp đồng thì khách hàng phải tìm hiểu.

    -Có quy định nào thì ngân hàng tìm hiểu thực hiện đúng quy trình nội bộ để tư vấn ngược lại cho khách hàng không?

    -Tôi nghĩ câu hỏi của anh đã có rõ câu trả lời rồi.

    -Nếu trong giao dịch, nếu có giao dịch mà ngân hàng thực hiện sai quy trình nghiệp vụ nội bộ thì khách hàng phải chịu trách nhiệm hay ngân hàng?

    -Câu hỏi của Luật sư quá rộng và liên quan đến phán quyết của tòa án nên tôi xin phép không trả lời.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục