Hàng loạt các doanh nghiệp “ngôi sao” một thời bất ngờ báo lỗ ngàn tỷ khiến cổ phiếu giảm giá cả chục lần. Túi tiền của rất nhiều nhà đầu tư bốc hơi cùng với sự sa cơ của đại gia.
VCCI kiến nghị bãi bỏ điều luật khiến Nguyễn Hà Đông cũng bị ngồi tù
- Cập nhật : 10/08/2016
(Dieu luat)
Kiến nghị bãi bỏ điều 292 trong Bộ luật Hình sự, VCCI cho biết, điều luật này tác động rất lớn đến việc kinh doanh các dịch vụ trên mạng tại Việt Nam hiện nay khi hình sự hóa nhiều hành vi vốn chỉ nên xử lý hành chính như cung cấp trò chơi điện tử trên mạng mà không có giấy phép.
Công văn 1951 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị bãi bỏ Điều 292 trong Bộ luật Hình sự và phi hình sự hóa các hành vi cung cấp dịch vụ không có/không đúng giấy phép đối với sàn giao dịch thương mại điện tử; trò chơi điện tử trên mạng; trung gian thanh toán; các dịch vụ khác, bao gồm trang thông tin điện tử, mạng xã hội, dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông.
Điều 292 của Bộ luật Hình sự quy định tội phạm đối với các hành vi cung cấp dịch vụ trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép.
Trong khi đó, theo VCCI, đối với các startups trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phương pháp kinh doanh thường có đặc điểm đó là làm ra sản phẩm thử nghiệm (có thể là website, ứng dụng, trò chơi…). Sản phẩm này được cung cấp thử nghiệm cho người dùng và nghiên cứu phản hồi của người dùng. Tỷ lệ thành công rất nhỏ, nhưng đổi lại là nếu thành công thì mang lại lợi nhuận lớn.
Sau khi thử nghiệm sản phẩm mà có thành công bước đầu, nhà sáng lập mới bắt đầu tính đến việc đầu tư sâu hơn nhằm thương mại hóa sản phẩm như quảng cáo để thu hút thêm người dùng, bán quảng cáo trên sản phẩm của mình… Trong đó bao gồm cả việc thực hiện các thủ tục pháp lý.
Điều này có được phải đi kèm với chi phí gia nhập thị trường thấp. Nếu chi phí gia nhập thị trường tăng cao thì số lượng các sản phẩm được làm ra sẽ giảm mạnh.
"Không ai bỏ tiền đi đăng ký, xin phép cho một sản phẩm mà có thể sẽ phải vứt bỏ hoàn toàn trong vài tuần tới. Việc yêu cầu sản phẩm phải đăng ký/cấp phép chính là việc làm gia tăng chi phí gia nhập thị trường từ đó cản trở đáng kể ngành này", VCCI nhận định.
Cũng theo VCCI, điều 292 không phân biệt về động cơ và mục đích của việc phạm tội và cũng xử lý cả trường hợp người phạm tội có doanh thu (mà không chỉ dừng lại ở thu lợi bất chính). Đây cũng là một đặc thù vì nhiều điều luật khác liên quan đến mạng viễn thông, mạng internet luôn có yếu tố động cơ mục đích.
Ví dụ, Điều 290 nhắm vào các hành vi có động cơ chiếm đoạt tài sản, Điều 291 nhắm vào các hành vi có yếu tố thu lợi bất chính (chứ không phải chỉ là có doanh thu). Như vậy, điều 292 đã có phạm vi xử lý rộng hơn nhiều so với các tội danh khác.
VCCI cũng cho rằng, điều 292 đã quy định quá rộng khi xử lý hình sự ngay cả hành vi kinh doanh có nguy cơ gây nguy hiểm cho xã hội thấp.
Cụ thể, điều 292 xử lý hành vi "cung cấp một trong các dịch vụ sau đây trên mạng máy tính, mạng viễn thông không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép". Nếu chỉ cần điều chỉnh cách tiếp cận thành "không làm thủ tục xin phép hoặc điều chỉnh giấy phép trước khi cung cấp một trong các dịch vụ sau đây trên mạng máy tính, mạng viễn thông" thì sẽ thấy ngay đây chỉ nên bị xử lý hành chính vì đã thiếu sót về thủ tục hành chính.
"Do đó, có thể nói điều 292 đã hình sự hóa một vi phạm hành chính, tương tự như hành vi kinh doanh mà không đăng ký kinh doanh trong Tội kinh doanh trái phép của Bộ luật Hình sự năm 1999", VCCI nhận định.
Điều 292 xác định yếu tố địa điểm, phương pháp, công cụ phạm tội là trên mạng máy tính, mạng viễn thông. Song theo VCCI, đây có lẽ là tội danh rất đặc biệt của Bộ luật Hình sự do yếu tố không gian phạm tội được coi là yếu tố chính để phân biệt với các tội khác.
Trong 6 hành vi được liệt kê tại Điều 292, nhiều hành vi chỉ có thể thực hiện trên nền tảng mạng máy tính, mạng viễn thông như thương mại điện tử, trung gian thanh toán, trò chơi điện tử trên mạng, các dịch vụ khác trên mạng. Song, vẫn có 2 hành vi có thể được thực hiện không nhất thiết trên mạng là kinh doanh đa cấp và kinh doanh vàng tài khoản (về lý thuyết, vẫn có thể kinh doanh vàng tài khoản thông qua đặt lệnh trực tiếp tại sàn mà không cần mạng máy tính).
Do đó, VCCI cho rằng, việc phân biệt hành vi như Điều 292 sẽ khiến các doanh nghiệp nảy sinh câu hỏi: Vì sao chính sách hình sự của Nhà nước lại phân biệt đối xử giữa kinh doanh trên mạng và kinh doanh không trên mạng?
Lãnh đạo VCCI cũng chỉ ra rằng, lĩnh vực công nghệ thông tin đang là hướng phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp làm trong lĩnh vực này như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân… Lĩnh vực công nghệ thông tin và sản phẩm phần mềm không yêu cầu vốn đầu tư lớn về cơ sở vật chất, mà chủ yếu là các yếu tố về nguồn nhân lực. Do đó, đây được coi là hướng đi có triển vọng của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập.
Thế nhưng, với điều 292 được nhiều người ví là "tội kinh doanh trái phép được chuyển lên mạng" đã tạo không ít tâm lý lo lắng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cũng như nhiều doanh nghiệp khác có sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính trong hoạt động kinh doanh của mình.
Trong văn bản trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, VCCI nhấn mạnh: "Điều 292 tác động rất lớn đến việc kinh doanh các dịch vụ trên mạng tại Việt Nam hiện nay, bởi điều luật này đã hình sự hóa nhiều hành vi vốn chỉ nên xử lý hành chính, ví dụ như cung cấp trò chơi điện tử trên mạng mà không có giấy phép. Thực tế, điều luật này không phù hợp với cách thức kinh doanh trong lĩnh vực thông tin, đặc biệt là các dịch vụ mới, các start-ups."