tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

1 mảnh đất có 5 mức giá, chênh nhau hàng nghìn tỷ đồng

  • Cập nhật : 14/08/2016

(Phap luat)

Tài sản đảm bảo mà các công ty của Phạm Công Danh dùng để thế chấp vay vốn VNCB 5.000 tỷ đồng có nhiều mức định giá khác nhau, từ 1.260 tỷ đến 6.000 tỷ, thậm chí có cả mức 10.000 tỷ khi tính cả giá trị hình thành trong tương lai.

Vụ án Phạm Công Danh và 35 đồng phạm gây thất thoát nghìn tỷ tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) đã qua hơn 3 tuần xét xử. Trong vụ án đáng lưu ý có khoản vay 5.000 tỷ đồng ở VNCB mà theo cáo trạng, Phạm Công Danh đã sử dụng pháp nhân của 12 công ty do Danh lập ra và 2 công ty khác qua mối quan hệ để xây dựng các bộ hồ sơ kinh doanh mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống, lập các biên bản họp HĐQT không có thật; Chỉ đạo định giá nâng giá các lô đất thuộc Sân vận động Chi Lăng và lô đất tại 209 Trường Chinh, TP. Đà Nẵng lên nhiều lần làm tài sản đảm bảo. Đến khi vụ án xảy ra, khoản vay này mới tất toán được 300 tỷ đồng, còn dư nợ gốc 4.700 tỷ.

Tài sản thế chấp là các lô đất tại Sân vận động Chi Lăng gồm các lô số 4, 5, 6, 7, 8, 13, 14. Theo định giá của Công ty cổ phần Thông tin và thẩm định giá miền Nam, giá trị các lô đất này khoảng 2.600 tỷ đồng. Trong khi đó, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự xác định những lô đất này trị giá khoảng 1.260 tỷ đồng. Theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo, Viện KSND tối cao áp dụng giá trị 2.600 tỷ đồng đối với khu đất để khấu trừ nghĩa vụ tín dụng, làm căn cứ để tính trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Danh và các đồng phạm.

Tuy nhiên tại tòa, các bị cáo khai rằng, cũng các lô đất này trước đó được dùng để làm tài sản thế chấp cho khoản vay 4.700 tỷ đồng tại BIDV lại được ngân hàng BIDV và một số ngân hàng khác định giá lên tới 6.000 tỷ đồng (100 triệu đồng/m2). Hiện phần nợ của BIDV bên Tập đoàn Thiên Thanh mới trả được 2.600 tỷ do Phạm Công Danh lấy tiền từ khoản vay VNCB để trả nợ thay cho các công ty con của mình.

Còn DATC – công ty xử lý nợ của Bộ Tài chính – lại định giá các lô đất và tài sản hình thành trong tương lai lên đến 10.000 tỷ.

Liên quan đến nguồn gốc khu đất này, tại phần trả lời thẩm vấn luật sư tuần trước, Phạm Công Danh khai rằng bị cáo đã nhiều năm khảo sát ở khu vực miền Trung với mong muốn xây dựng trung tâm thương mại chuyên về xây dựng. Trong phần quy hoạch, ông ta có đề nghị lãnh đạo Đà Nẵng một khu đất để xây dựng. Đà Nẵng đã giới thiệu một số vị trí, nhưng không phù hợp. Về khu đất SVĐ Chi Lăng, phải một thời gian sau Đà Nẵng mới đồng ý nếu nhà đầu tư có năng lực, trả tiền cùng một lúc.

Việc trả tiền khu đất được ông Danh chuyển hơn 1.200 tỷ đồng vào ngân sách của Đà Nẵng, còn việc bồi thường cho các hộ dân, Phạm Công Danh phối hợp với UBND quận Hải Châu. Có những hộ khu đất theo bị cáo Danh, đền bù lên đến 100 triệu đồng/m2.

Ngoài ra, Phạm Công Danh còn khai rằng có đối tác đã trả bị cáo lô đất trên tới 250 triệu USD, tương đương hơn 5.000 tỷ, nhưng bị cáo chưa có cơ hội bán. Chính vì thế ông Danh đã xin HĐXX được gặp người nhà để bàn việc bán lô đất này khắc phục hậu quả cao nhất, vì bị cáo tin tưởng sẽ bán được giá hơn so với ngân hàng.

Như vậy, cùng một mảnh đất là sân vận động Chi Lăng, đã có tới 5 mức giá khác nhau. Tòa sẽ áp dụng mức định giá nào để xác định thiệt hại của vụ án sẽ được sáng tỏ hơn tại phiên luận tội trước khi tòa bước vào tranh tụng ngày 16/8 tới.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục