Trong phiên đầu tuần thứ hai xét xử đại án Phạm Công Danh và 35 đồng phạm, tòa tiếp tục thẩm vấn các bị cáo liên quan đến viêc rút 5.190 tỷ đồng của nhóm Trần Ngọc Bích. Mặc dù đã xuất cảnh, nhưng sau khi có triệu tập của thư ký tòa, bà Trần Ngọc Bích, con gái của Chủ tịch Tân Hiệp Phát đã có mặt. HĐXX đã thẩm vấn bà Trần Ngọc Bích, người đại diện cho nhóm Tân Hiệp Phát.
Hàng loạt doanh nghiệp lên tiếng tố chồng ca sĩ Thu Minh “quỵt nợ”
- Cập nhật : 16/08/2016
(Phap luat)
Không chỉ công ty Gia Hân, nhiều doanh nghiệp khác cũng đã gửi đơn đến cơ quan chức năng tố cáo ông Otto, Giám đốc đại diện của Công ty Global Home, chồng ca sĩ Thu Minh về hành vi... “quỵt nợ”.
Gia Hân “phất cờ”
Công ty TNHH Gia Hân (trụ sở đóng tại P. Long Bình, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) do bà Nguyễn Thị Thu làm giám đốc là đơn vị đầu tiên gửi đơn tố cáo ông Otto De Jager (chồng ca sĩ Thu Minh, Giám đốc điều hành của Công ty Global Home) đến các cơ quan chức năng để “cầu cứu”. Công ty này cho rằng, ông Otto đã cố tình không thanh toán các khoản nợ đối với Gia Hân.
Theo đơn tố cáo, từ tháng 8/2012, Global có ký hợp đồng sản xuất và cung ứng hàng hóa với Gia Hân để mua bán bàn ghế gỗ thành phẩm xuất khẩu. Kể từ thời điểm này đến đầu năm 2015, việc giao dịch giữa hai công ty vẫn diễn ra bình thường.
Từ tháng 4 đến tháng 7/2015, Gia Hân đã cung ứng cho Global nhiều lô hàng nhưng sau đó ông Otto không chi trả công nợ. Chỉ trong một thời gian, khoản nợ đó đã lên đến hơn 493.000 USD, tương đương với hơn 11 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hữu Ngọc, đại diện của công ty Gia Hân cho biết, công ty này có đầy đủ chứng từ chứng minh hàng đã chuyển đi (giấy tờ hải quan). Tất cả các lô hàng xuất đi đều được kỹ thật viên của Global kiểm tra, xác nhận đủ tiêu chuẩn. Mặc dù vậy, Gia Hân vẫn không nhận được tiền chi trả số hàng đó từ phía đối tác.
Ông Ngọc cũng cho biết thêm, công ty Global Home còn đặt lô hàng trị giá 280.000 USD. Kỹ thuật viên của công ty này xác nhận, đóng dấu hợp chuẩn nhưng Global lại không lấy hàng. Điều này khiến công ty Gia Hân phải "điêu đứng" vì lô hàng tồn kho đó có giá trị rất lớn.
Do đó, từ giữa năm 2015 đến nay, Gia Hân liên tục liên lạc, tìm kiếm ông Otto để làm rõ việc công nợ, các hợp đồng mua – bán với hi vọng giải tỏa được áp lực kinh tế mà họ đang vướng phải. Mặc dù vậy, sau nhiều lần cố gắng, họ vẫn không thể gặp được ông Otto.
Không những thế, tháng 10/2015, ông Otto lại bất ngờ gửi thư điện tử đề nghị phía công ty Gia Hân chịu phạt 250.000 USD về việc xuất hàng không đúng quy chuẩn. Đến lúc này, 2 bên mới “ngồi lại với nhau” để giải quyết chuyện nợ nần.
Tuy nhiên, những cố gắng của Công ty TNHH Gia Hân vẫn chưa mang lại được kết quả như mong đợi. Đáng chú ý, chiều ngày 14/8 nhiều công nhân của công ty Gia Hân mang băng rôn đến tận trụ sở công ty Global để đòi nợ nhưng ông Otto vẫn “im hơi lặng tiếng”.
Được biết, giữa "tâm bão" dư luận nhưng ông Otto đã xuất cảnh khỏi Việt Nam. Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc hãng luật Giải phóng nhận định, có thể cặp đôi Otto - Thu Minh đã được tư vấn và chuẩn bị khá kỹ về điều khoản tranh chấp nói trên. Các luật sư bên nguyên đơn đã chậm chân, khi không yêu cầu toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, ngăn chặn xuất cảnh với chồng của ca sĩ Thu Minh khi ông này đang bị "tố" xù nợ nhiều hợp đồng, với giá trị lên đến cả trăm tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp “hưởng ứng”
Không chỉ công ty Gia Hân, mới đây, một số doanh nghiệp gỗ khác cũng đưa ra bằng chứng cho thấy công ty Global Home do ông Otto làm tổng giám đốc tại Việt Nam đang cố tình "trốn" nợ. Trong đó, có thể kể đến các thương vụ giữa Global Home với Công ty TNHH Sản xuất - xuất nhập khẩu gỗ Việt Mỹ (Biên Hoà, Đồng Nai) và Công ty Vinafor (Đà Nẵng)…
Công ty Việt Mỹ cũng đã làm đơn tố cáo Otto gửi đến cơ quan chức năng nhờ can thiệp đòi lại tiền. Đơn tố cáo cho thấy, trong năm 2012, công ty của ông Otto đã “xù” một khoản tiền mua hàng của công ty Việt Mỹ, lên đến 66.000 USD. Khi đối tác có dấu hiệu "xù nợ", phía công ty Việt Mỹ không ngừng truy tìm ông Otto để đòi nợ nhưng bất thành.
Không chỉ vậy, xí nghiệp chế biến gỗ Vinafor Đà Nẵng, trụ sở chính P. Hòa Khánh Bắc, Q. Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng cũng đã gửi đơn tố cáo ông Otto đến Cục C46 Bộ Công an.
Theo đó, đầu năm 2013, Vinafor hợp tác làm ăn với Global Home. Thời gian này, việc thực hiện hợp đồng diễn ra bình thường, nhưng từ giữa năm 2013 ông Otto “giở trò”, không nhận hàng nữa. Việc đột ngột “buông bỏ” nguồn hàng đã đặt cọc này của ông Otto khiến công ty Vinafor thiệt hại lớn khi phải ôm lô hàng trị giá hơn 200.000 USD. Đó là chưa kể thiệt hại do Vinafor nhập nguyên nhiên liệu về để sản xuất, thực hiện các hợp đồng trên.
Cũng giống như những nạn nhân khác, Vinafor phải cực lực trong thời gian dài tìm cách liên lạc, yêu cầu ông Otto thực hiện hợp đồng ký kết hay ít ra cũng gặp mặt để giải quyết vấn đề. Thế nhưng kết quả mà họ thu được đó là lá thư điện tử từ ông Otto. Trong thư ông Otto ép đối tác phải giảm từ 30% rồi 50% mới nhận hàng hay buộc Vinafor giao hàng tại kho ngoại quan ở TPHCM. Được biết, những điều kiện được ông Otto đặt ra vốn không thuộc điều khoản quy định trong hợp đồng.
Chiều 15/8, Global Home đã phát đi thông tin với báo chí rằng, họ vẫn giữ quan hệ hợp tác, làm ăn rất bình ổn với những đơn vị này. Không chỉ vậy, liên quan đến các khoản nợ đối với công ty Gia Hân, Global Home cũng nhấn mạnh, họ chỉ tạm dừng các khoản thanh toán cho các lô hàng khi phát hiện ra lỗi và yêu cầu Gia Hân thực hiện bồi thường sản phẩm lỗi.
“Gia Hân đã có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong việc thực hiện nghĩa vụ Hợp đồng Cung cấp hàng hoá với Global Home. Việc thương lượng với Gia Hân không đạt kết quả nên chúng tôi không còn chọn lựa nào khác ngoài việc hủy Hợp đồng cung cấp, hoàn trả mọi sản phẩm lỗi còn lại trong kho của Global Home tại Việt Nam và tạm ngừng khoản thanh toán cho công ty Gia Hân nhằm bù lại 1 phần nào các khoản thiệt hại của Global Home", đại diện của Công ty Global Home cho biết.
Không những thế, Global Home cũng chỉ rõ rằng phía Gia Hân đã "giả mạo dấu KCS/QC (Kiểm tra chất lượng sản phẩm) của Global Home; sử dụng gỗ chất lượng thấp khi gia công; sử dụng vật liệu hoàn thiện không đúng và bất hợp pháp, trong đó có Gasoline; giao nhiều container sản phẩm kém chất lượng cho Global Home”.