CEO J.P. Morgan Chase nêu hai rủi ro lớn nhất với nền kinh tế; Tập trung cho tăng trưởng đi kèm kiểm soát lạm phát; Lộ diện siêu dự án bất động sản hơn 4 tỷ USD tại Hà Nội và 2 tỷ USD ở Huế
Tin kinh tế đọc nhanh tối 31-07-2018
- Cập nhật : 31/07/2018
BMW tăng giá xe ở Trung Quốc vì căng thẳng thương mại
Công ty buộc phải chuyển một phần chi phí sang khách hàng để giảm áp lực thuế quan.
Hãng xe Đức BMW vừa tăng giá của 2 loại xe thể thao phổ biến tại Trung Quốc - thị trường lớn nhất thế giới sau khi nước này đánh thuế lên hàng nhập khẩu do Mỹ sản xuất. Giá của các mẫu X5 và X6 sẽ cao hơn 4% và 7% từ 30/7.
Thay đổi giá được thực hiện vì "thuế nhập khẩu tăng đối với ôtô do Mỹ sản xuất", một phát ngôn viên của BMW nói.
Bắc Kinh đưa ra mức thuế mới đối với xe Mỹ hồi đầu tháng để trả đũa đòn tấn công của Washington đối với 34 tỷ USD xuất khẩu của Trung Quốc. BMW là hãng ôtô lớn thứ 2 tăng giá tại Trung Quốc, sau Tesla.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất của BMW. Công ty bán 560.000 xe trong năm ngoái - hơn cả tổng doanh số của thị trường Mỹ và Đức. Trong số đó, khoảng 81.000 xe được xuất khẩu từ nhà máy ở Nam Carolina, tạo ra khoảng 2,4 tỷ USD doanh thu. Đây là nhà máy BMW lớn nhất thế giới.
Công ty cũng chế tạo ôtô tại Trung Quốc thông qua liên doanh với Brilliance Automotive. Những xe này không phải chịu thuế nhập khẩu.
Trước đó, BMW công bố kế hoạch tăng sản lượng tại quốc gia châu Á với lý do nhu cầu tăng. Hãng cũng cho biết không cắt giảm sản xuất hoặc việc làm của Nam Carolina vì các kế hoạch mở rộng của Trung Quốc.
Mức tăng giá lên tới 7% có nghĩa là BMW vẫn đang tự chịu một phần chi phí thuế, Tú Lê - giám đốc công ty nghiên cứu thị trường Sino Auto Insights - nhận định. Đây có thể là chiến lược "làm khó" các đối thủ ở Trung Quốc. Những hãng xe này khó có thể tăng giá hơn vì sẽ mất lợi thế cạnh tranh, nhưng nếu không tăng hoặc tăng ít hơn sẽ bị tổn thất nặng.
Nếu mức thuế vẫn được duy trì trong thời gian dài, ông Tú dự đoán BMW có thể chuyển sản xuất SUV từ Mỹ sang châu Âu để hưởng thuế suất thấp hơn.
Các hãng sản xuất có phương pháp khác nhau để đối mặt với việc tăng thuế. Tesla tăng giá xe lên khoảng 20% vì hiện không sản xuất tại Trung Quốc. Ford nói rằng hãng hiện không có kế hoạch đẩy chi phí thuế lên người mua và sẽ duy trì giá.
Tháng trước, Daimler cảnh báo rằng thuế quan mới của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận, dẫn đến "doanh số bán SUV ít hơn dự kiến và chi phí cao hơn". Tuy nhiên, công ty sẽ không chuyển hoàn toàn những chi phí này sang phía khách hàng. (NDH)
--------------------
Thành phố Hồ Chí Minh huy động vốn hơn 2.135 nghìn tỷ đồng
Tổng vốn huy động trên địa bàn TP.HCM đến đầu tháng 7/2018 đạt 2.135,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,69% so với tháng trước; đồng thời, tăng 13,83% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh, tổng vốn huy động trên địa bàn thành phố đến đầu tháng 7/2018 đạt 2.135,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,69% so với tháng trước (chỉ số này của tháng trước tăng 0,83%); đồng thời, tăng 13,83% so với tháng cùng kỳ.
Trong đó, vốn huy động của các Ngân hàng Thương mại cổ phần chiếm 51,74% tổng vốn huy động, tăng 11,04% so tháng cùng kỳ. Tiền gửi tiết kiệm chiếm tỷ trọng 46,58% tổng vốn huy động, tăng 6,26% so với tháng cùng kỳ.
Còn theo loại tiền gửi, vốn huy động bằng ngoại tệ chiếm 10,72%, tăng 4,77% so tháng cùng kỳ. Vốn huy động VNĐ tiếp tục tăng trưởng nhanh và chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng nguồn vốn với mức 89,28%, tăng 15,02% so tháng cùng kỳ.
Tính đến đầu tháng 7/2018, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 1.912,5 nghìn tỷ đồng, tăng 16,73% so với tháng cùng kỳ và tăng 8,59% so với tháng 12/2017. Trong đó, dư nợ tín dụng của các Ngân hàng Thương mại cổ phần đạt 1.002,48 nghìn tỷ đồng, chiếm 52,42% tổng dư nợ, tăng 12,6% so tháng cùng kỳ.
Đại diện Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh cho biết, dự ước dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với các năm trước. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố nói riêng, cả nước nói chung.
Ở lĩnh vực ngân sách, trong 7 tháng năm 2018, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước của Tp. Hồ Chí Minh ước thực hiện 214.447 tỷ đồng, đạt 56,92% dự toán, tăng 7,17% so cùng kỳ; trong đó, thu nội địa 142.556 tỷ đồng, tăng 10,18% so cùng kỳ; thu từ dầu thô 13.824 tỷ đồng (tăng 41,74%); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 58.000 tỷ đồng (giảm 4,86%).
Riêng thu cân đối ngân sách địa phương 7 tháng năm 2018 của Tp. Hồ Chí Minh ước thực hiện 44.657 tỷ đồng, đạt 57,49% dự toán, tăng 1,95% so cùng kỳ năm 2017.(TTXVN)
-------------------------
Điều tra hành vi lẩn tránh thuế đối với thép dây, thép cuộn nhập khẩu
Bộ Công Thương mới đây đã ban hành Quyết định số 2622/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm thép được nhập khẩu vào Việt Nam.
Hàng hóa bị điều tra là sản phẩm thép dây và thép cuộn mang mã HS: 7213.91.90, 7213.99.90, 7217.10.10, 7217.10.29, 7229.90.99, 9839.10.00 và 9839.20.00 được nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước, vùng lãnh thổ khác nhau.
Sản phẩm thép dây, thép cuộn nhập khẩu bị nghi lẩn tránh thuế. Ảnh minh họa
Sau khi xem xét Hồ sơ yêu cầu của Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Hải Dương và Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên, Bộ Công Thương cho biết có dấu hiệu cho thấy các sản phẩm trên có lượng nhập khẩu gia tăng đáng kể từ khi Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ vào ngày 18/7/2016.
Bên cạnh đó, các sản phẩm bị điều tra có sự khác biệt không đáng kể so với hàng hóa đang bị áp dụng biện pháp tự vệ. Ngoài ra, Bộ cũng xác định xuất hiện dấu hiệu cho thấy có sự giảm hiệu quả của biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực, cũng như có dấu hiệu về hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Cục Phòng vệ thương mại sẽ ban hành bản câu hỏi điều tra nhằm thu thập số liệu phục vụ điều tra. Quá trình điều tra sẽ kéo dài ít nhất 6 tháng kể từ ngày có quyết định điều tra.(NDH)