Một quỹ nghìn tỷ USD của Singapore muốn mua cổ phiếu Sabeco; Uber lỗ gần 1,5 tỷ USD trong quý III; Giá thép vẫn giữ ở mức cao, quặng sắt lần đầu giảm sau 8 phiên; Bộ Công an lo ngại đề xuất bổ sung mỏ làm xi măng của Bầu Thụy
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 28-11-2017
- Cập nhật : 28/11/2017
Quỹ đầu tư UAE đặt cược 700 triệu USD vào sự tăng trưởng của Trung Quốc
Một trong những quỹ đầu tư lớn nhất thế giới đã đổ vốn lớn vào Trung Quốc vì tin tưởng và sự tăng trưởng liên tục của nền kinh tế nước này.
Mubadala, quỹ đầu tư có trụ sở tại thủ đô Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) với vốn tài sản đang được quản lý trị giá khoảng 125 tỉ USD, đã đầu tư vào Trung Quốc bằng cách hợp tác với Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Cơ quan Quản lý Ngoại hối Trung Quốc để thành lập Quỹ đầu tư liên doanh UAE - Trung Quốc.
Giám đốc điều hành Mubadala, ông Khaldoon Al Mubarak, chia sẻ với CNBC cuối tuần qua rằng, quỹ đã triển khai hơn 700 triệu USD để đặt cược vào sự tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. “Chúng tôi tin rằng Trung Quốc là một nền kinh tế sẽ liên tục phát triển với tốc độ tăng trưởng ấn tượng và nhiều cơ hội hấp dẫn”, ông Khaldoon Al Mubarak nói.
Ông Khaldoon Al Mubarak còn cho biết thêm rằng công ty của ông cũng đầu tư vào quỹ Vision Bank trị giá 93 tỉ USD của SoftBank, tập đoàn viễn thông lớn thứ hai Nhật Bản. Được biết quỹ này đang bơm tiền mặt vào các công ty Đại lục, đặc biệt là các công ty công nghệ.
Trong khi thị trường đang chứng kiến nỗ lực gây quỹ của Uber, thì Mubadala lại đang nhìn vào một đối thủ khổng lồ của hãng chia sẻ xe có trụ sở tại Mỹ. Một trong số những công ty mà Mubadala ủng hộ thông qua quỹ của SoftBank là Didi Chuxing, “đại gia” của thị trường chia sẻ xe Trung Quốc.
“Tôi nghĩ đó là một công ty tuyệt vời. Jean Liu, chủ tịch của Didi Chuxing đã làm một công việc rất đáng ngưỡng mộ. Công ty này có không gian thị trường mà chúng tôi cho rằng sẽ còn có nhiều tăng trưởng trong tương lai”, ông Khaldoon Al Mubarak nhận định.(Thanhnien)
----------------------------
Thuế linh kiện, phụ tùng ô tô chính thức về 0%
Căn cứ kết quả kiểm tra hồ sơ đề nghị áp dụng mức thuế suất 0% của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện để được áp dụng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 125/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2017 về Biểu thuế XK, Biểu thuế NK ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế NK ngoài hạn ngạch thuế quan.
Một trong những nội dung quan trọng của Nghị định này là việc bổ sung nội dung về thuế suất thuế NK ưu đãi đối với linh kiện ô tô NK. Theo đó từ ngày 1-1-2018, các linh kiện ô tô NK thuộc nhóm hàng 98.49 trong Biểu thuế NK sẽ áp dụng mức thuế suất ưu đãi là 0%.
Để được hưởng mức thuế xuất ưu đãi nhà sản xuất phải đáp ứng một số điều kiện. Ví dụ nhóm xe chở người dưới 9 chỗ, có dung tích xi lanh từ 2.000 cc trở xuống, tiêu hao nhiên liệu dưới 7lít/100km, tiêu chuẩn khí thải mức 4 (giai đoạn 2018-2021), mức 5 từ năm 2022 trở đi; xe tải có tổng trọng lượng có tải từ 5 tấn trở xuống, tiêu chuẩn khí thải mức 4 (giai đoạn 2018-2021), mức 5 từ năm 2022 trở đi.
Cũng theo quy định mới, đối tượng áp dụng chương trình ưu đãi thuế là doanh nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định của Chính phủ về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Căn cứ kết quả kiểm tra hồ sơ đề nghị áp dụng mức thuế suất 0% của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện để được áp dụng
Theo nguồn tin của Báo Hải quan, biểu thuế NK ưu đãi cụ thể cho các dòng thuế cụ thể đang được cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính rà soát lần cuối trước khi được phát hành rộng rãi.
Trước đó, nhiều chuyên gia cho rằng việc miễn giảm thuế linh kiện phụ tùng giúp thúc đẩy tăng tỉ lệ nội địa hóa ô tô trong nước.
Đây là chính sách có thể tạo thuận lợi cho DN sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam tăng sức cạnh tranh với ô tô nhập khẩu từ các nước ASEAN sẽ tràn vào Việt Nam khi thuế nhập về 0 vào đầu năm tới.
Việc miễn thuế TTĐB đối với phần linh kiện, phụ tùng sản xuất tại Việt Nam sẽ giúp các DN trong nước giảm giá thành sản xuất, từ đó giảm được giá bán.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc miễn giảm thuế linh kiện phụ tùng giúp thúc đẩy tăng tỉ lệ nội địa hóa ô tô trong nước, tạo thuận lợi cho DN sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam tăng sức cạnh tranh với ô tô nhập khẩu từ các nước ASEAN sẽ tràn vào Việt Nam khi thuế nhập về 0 vào đầu năm tới.
----------------------------------
Xuất khẩu nông sản đạt kỷ lục mới
Qua 11 tháng năm 2017, giá trị xuất khẩu nông sản đã đạt 33,14 tỷ USD, tăng tới 13,8% so với cùng kỳ năm 2016. Đóng góp vào mức tăng trưởng kỷ lục này là nhờ các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực là thủy sản, rau quả, gạo, cao su….
Theo báo cáo tháng 11 vừa công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 11 năm 2017 ước đạt gần 3 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2017 đạt 33,14 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, rau quả có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh nhất. Theo báo cáo, giá trị xuất khẩu hàng rau quả 11 tháng năm 2017 ước đạt 3,16 tỷ USD, tăng 43,2% so với cùng kỳ năm 2016. Chỉ riêng tháng 11, giá trị xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 292 triệu USD.
Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2017 với thị phần lần lượt là 75,6%, 3,6%, 2,9%, và 2,6%. Trong 10 tháng đầu năm 2017, các thị trường có giá trị xuất khẩu hàng rau quả tăng mạnh là Nhật Bản (67,6%), Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (56,9%), và Trung Quốc (52,7%).
Gạo cũng là một trong những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 11 năm 2017 ước đạt 389.000 tấn với giá trị đạt 192 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 11 tháng đầu năm 2017 ước đạt 5,49 triệu tấn và 2,48 tỷ USD, tăng 23,4% về khối lượng và tăng 24,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2017 với 39,8% thị phần.
Còn với mặt hàng cao su, giá cao su xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2017 đạt 1.680,4 USD/tấn, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2016. Do giá cao su tăng mạnh nên khối lượng xuất khẩu cao su 11 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1,21 triệu tấn và 2,01 tỷ USD, chỉ tăng 8,2% về khối lượng nhưng tăng tới 38,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Chỉ riêng tháng 11, khối lượng xuất khẩu cao su ước đạt 143.000 tấn với giá trị đạt 210 triệu USD, đưa. Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2017, chiếm thị phần lần lượt 63,1%, 5,7% và 4,0%.
Mặt hàng thủy sản cũng là một điểm sáng của xuất khẩu khi giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 11 năm 2017 ước đạt 728 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu thủy sản 11 tháng đầu năm 2017 ước đạt 7,57 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2016.
Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2017, chiếm 58,2% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 10 tháng đầu năm 2017, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Trung Quốc (67,9%), Hà Lan (47,5%), Anh (35%), Hàn Quốc (29,5%), Nhật Bản (22,2%), và Canada (22,7%).
Ngoài ra, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam cũng có mức tăng nhẹ là chè (tăng 10,2% về khối lượng, 8,9% về giá trị ), hạt điều (tăng 1% về khối lượng, 23,2% về giá trị) , gỗ (tăng 10,5%)...
Tuy nhiên, một số sản phẩm chủ lực có mức giảm mạnh là cà phê (giảm 22,5% về khối lượng, 3,8% về giá trị), tiêu (tăng 20,1% về khối lượng nhưng giảm tới 21,7% về giá trị)…
Cũng theo Bộ NN&PTNT, giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản trong tháng 11 năm 2017 ước đạt 2,05 tỷ USD, đưa giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản trong 11 tháng đầu năm 2017 đạt 25,21 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, ước tính nhập khẩu các 10 mặt hàng nông sản chính đạt 19,64 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2016.(Baotintuc)
----------------------
Thanh tra Tài chính 67 ngàn cuộc, kiến nghị thu hồi 12.470 tỷ đồng
Các đoàn thanh tra của Bộ Tài chính đã phát hiện và kiến nghị thu hồi 12.470 nghìn tỷ đồng sai phạm, xử phạt vi phạm hành chính 2.225 tỷ đồng; số tiền đã thu nộp ngân sách Nhà nước 8.928 tỷ đồng.
Ảnh minh họa.
Bộ Tài chính vừa có báo cáo cho biết, trong quý III và 9 tháng đầu năm 2017, Thanh tra ngành Tài chính đã thực hiện 67.186 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra 354.426 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế và 10.022 vụ bắt giữ qua điều tra chống buôn lậu; kiến nghị xử lý tài chính 13.600 tỷ đồng.
Theo đó, các đoàn thanh tra đã phát hiện và kiến nghị thu hồi 12.470 tỷ đồng, kiến nghị khác 1.137 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính 2.225 tỷ đồng; số tiền đã thu nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) là 8.928 tỷ đồng.
Qua thanh tra, đã kiến nghị yêu cầu rà soát đôn đốc thu hồi nợ thuế và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp có vi phạm; chấn chỉnh công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng, công tác khảo sát, thiết kế, dự toán, công tác đấu thầu và các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án...
Đồng thời, kiến nghị với các Bộ, ngành, địa phương bổ sung các quy trình, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý, điều hành, cơ chế chính sách đảm bảo đúng pháp luật và phù hợp với thực tế.
Kết quả thanh tra, kiểm tra theo từng lĩnh vực, 9 tháng đầu năm 2017, Thanh tra Bộ Tài chính đã thực hiện 15 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch năm 2017 gồm: 14 cuộc thanh tra, 1 cuộc kiểm tra, lưu hành 31 kết luận. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính 1.991 tỷ đồng.
Trong khi đó, thanh tra hành chính, Thanh tra Bộ Tài chính đã thực hiện 7 cuộc thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị nội ngành (bao gồm 5 cuộc thanh tra và 2 cuộc kiểm tra). Kết quả của 3 kết luận thanh tra hành chính, 2 báo cáo kết quả kiểm tra đã lưu hành trong 9 tháng năm 2017 kiến nghị xử lý về tài chính 81 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo, trong 9 tháng đầu năm, cơ quan thuế các cấp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 57.935 cuộc thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp và kiểm tra 354.426 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Số thuế xử lý tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 11.597 tỷ đồng.
Toàn hệ thống Hải quan cũng đã thực hiện 95 cuộc thanh tra (gồm 93 cuộc theo kế hoạch và 02 cuộc đột xuất) tại 95 đơn vị. Tổng số tiền kiến nghị truy thu là 31,9 tỷ đồng, số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 4,6 tỷ đồng. Số tiền đã thu nộp NSNN là 27,3 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, theo Bộ Tài chính, qua thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm trong quản lý, thực hiện chính sách chế độ về tài chính, ngân sách. Điển hình như trong công tác quản lý và điều hành ngân sách, tại các địa phương còn tình trạng bố trí vốn ngân sách cho dự án vượt quá thời gian quy định; chưa thực hiện giao dự toán thu NSNN đối với một số khoản thu thuộc thẩm quyền của địa phương; chưa bố trí phần vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh cho một số dự án...
Cũng theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong công tác quản lý tài chính, ngân sách Bộ, ngành, công tác lập dự toán còn chậm so với thời gian quy định, thiếu báo cáo thuyết minh chi tiết, thiếu nguồn thu và chưa sát với năm trước liền kề; giao dự toán thu phí, lệ phí cho các đơn vị trực thuộc chưa phù hợp; điều chỉnh kinh phí một số nhiệm vụ chi không thường xuyên khi chưa có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính; thu một số khoản phí và lệ phí cao hơn mức quy định…
Bộ Tài chính cũng chỉ ra rằng, trong công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản phát hiện nhiều tồn tại, sai phạm như: Lập và phê duyệt tổng mức đầu tư chưa chính xác; lập, phê duyệt dự toán chưa chính xác dẫn tới giá trúng thầu phải giảm trừ khối lượng; phê duyệt quyết toán, thanh toán không đúng; nghiệm thu thanh toán tăng không đúng...
Trong công tác quản lý tài chính tại các doanh nghiệp còn tình trạng xây dựng phương án tăng vốn điều lệ không đúng với nhu cầu vốn thực tế; hạch toán thiếu doanh thu, thu nhập khác, hạch toán không đúng lợi nhuận...(Bizlive)