Nếu bong bóng tiền điện tử vỡ, thị trường chứng khoán cũng bị liên lụy; Sản lượng thép thô Nhật Bản có thể tăng ngay từ đầu năm 2018; Doanh nghiệp than khó, Bộ Công Thương cho xuất 200.000 tấn quặng "ế"; Nhiều mặt hàng tôm Việt Nam xuất sang EU hưởng thuế 0%
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 25-12-2017
- Cập nhật : 25/12/2017
Uber dọa kiện Cục Thuế TP.HCM ra toà
Trao đổi với PV, bà Lê Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho hay, đại diện Uber B.V đã gửi văn bản sẽ cân đối tài chính để nộp khoản thuế bị truy thu.
Tuy nhiên, sau đó Uber B.V sẽ tiếp tục thực hiện khiếu nại và khởi kiện ra toà nếu cần thiết.
"Quan điểm của Cục Thuế TP.HCM đã rõ, chúng tôi truy thu thuế là đúng, còn việc Uber kiện ra toà hay không thì quyền của họ nhưng điều đó cũng không thay đổi được việc truy thu thuế", bà Hương nói.
Trước đó, Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời chính thức về việc truy thu thuế Uber B.V. Tại văn bản gửi Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN liên quan đến chính sách và quản lý thuế của Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã bác khiếu nại của Uber B.V Hà Lan về quyết định truy thu 66,68 tỷ đồng thuế của Cục Thuế TP.HCM.
Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết trong quá trình thanh tra thuế Công ty TNHH Uber Việt Nam, Cục Thuế TP.HCM đã xác định Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan có thu nhập phát sinh tại Việt Nam, thông qua việc điều hành cung cấp dịch vụ vận chuyển khách hàng thông qua các đối tác lái xe.
Khách hàng thuê dịch vụ trực tiếp đặt xe trên ứng dụng Uber, Công ty Uber Hà Lan bố trí lái xe cung cấp dịch vụ vận chuyển cho khách hàng, quyết định đơn giá và trực tiếp nhận tiền thanh toán và quyết định chính sách khuyến mãi, giảm giá cho khách hàng.
Thu nhập của Uber B.V phát sinh từ Việt Nam thông qua các đối tác lái xe để cung cấp dịch vụ trong thời gian từ 6 đến 12 tháng liên tục.
Căn cứ theo quy định về xác định cơ sở thường trú của pháp luật Việt Nam, theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần ký giữa hai chính phủ và kết quả thanh tra thuế tại Công ty TNHH Uber Việt Nam, cơ quan thuế xác định các lái xe được xem là các cơ sở thường trú của Uber B.V Hà Lan tại Việt Nam.
Do Uber B.V Hà Lan có thu nhập phát sinh tại Việt Nam thông qua các cơ sở thường trú nên có nghĩa vụ nộp thuế nhà thầu theo quy định.
Liên quan đến định danh Uber, tòa án cấp cao nhất của Liên minh châu Âu (EU) ngày 20/12 ra phán quyết mang tính cột mốc nói rằng Uber cần được phân loại là một dịch vụ vận tải và chịu sự điều tiết như các hãng taxi khác. Đây được xem là một đòn giáng mạnh vào Uber, công ty gọi xe qua ứng dụng lớn nhất thế giới.
Tại Việt Nam, việc gọi Uber là taxi hay doanh nghiệp công nghệ vẫn chưa ngã ngũ dù còn chưa đầy 10 ngày nữa là thời điểm thí điểm hai năm đã hết.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cho rằng Uber cũng như Grab phải được quản lý như taxi vì loại hình này có bản chất hoạt động tương tự taxi, để tạo sự bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh vận tải.
Vị này cho rằng các đơn vị cung cấp phần mềm tham gia thí điểm xe hợp đồng điện tử cũng phải phối hợp xử lý phương tiện vi phạm, chia sẻ dữ liệu về biển kiểm soát xe và tài xế, định kỳ báo cáo dữ liệu và biến động đầu xe cho cơ quan quản lý thuế...
Về phía Bộ Giao thông Vận tải, đơn vị này cho biết sẽ tham mưu cho Chính phủ theo hướng tạo môi trường kinh doanh vận tải có điều kiện và các đơn vị tham gia phải tuân thủ các điều kiện này.
"Con tàu chỉ đi trên đường ray, nếu đi "trật" phải tuýt còi ngay. Thời gian tới, sẽ có những quy định ngặt nghèo, cụ thể hơn", Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ khẳng định và cho biết thêm,thời gian tới phải thường xuyên kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải đối với Uber, Grab; cần thiết yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký kinh doanh tại Việt Nam.(Vneconomy)
---------------------------
iPhone đã thay đổi cục diện ngành công nghệ châu Á như thế nào?
Từ khi thế giới bắt đầu biết đến iPhone, đã có hơn 1,2 tỷ chiếc iPhone được bán ra trên toàn thế giới, iPhone làm thay đổi Apple và phần lớn ngành công nghệ châu Á.
Năm 2006, tập đoàn Hồng Hải muốn đẩy mạnh phát triển mảng điện tử tiêu dùng dù ở thời điểm đó rất ít tập đoàn Đài Loan biết điều gì đang chờ đợi họ.
Ở thời điểm đó, Hồng Hải chủ yếu kiếm được tiền nhờ lắp ráp máy tính cá nhân cho nhiều công ty lớn của Mỹ như Dell.
Tuy nhiên chỉ với một hợp đồng sản xuất mới, hoạt động kinh doanh của Hồng Hải đã thay đổi bước ngoặt.
Hồng Hải ký hợp đồng sản xuất điện thoại iPhone cho Apple, tập đoàn cũng thay đổi chóng mặt tính từ thời điểm đó.
Trong thập kỷ tiếp theo, iPhone đã giúp cho doanh thu của Foxconn tăng từ 38 tỷ USD lên 145 tỷ USD, Hồng Hải trở thành một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới. Trong lúc đó, Dell, một thời từng là khách hàng lớn của Hồng Hải, nay kinh doanh ngày một sa sút khi máy tính bảng và điện thoại thông minh ngày một trở nên phổ biến.
Tháng 9/2017, Apple công bố điện thoại iPhone X kỷ niệm 10 năm tính từ lần ra mắt chiếc iPhone đầu tiên trên thế giới. Từ khi thế giới bắt đầu biết đến iPhone, đã có hơn 1,2 tỷ chiếc iPhone được bán ra trên toàn thế giới, iPhone làm thay đổi Apple và phần lớn ngành công nghệ châu Á.
Không chỉ biến Hồng Hải thành người khổng lồ, iPhone cũng đã giúp cho hãng sản xuất thấu kính Largan Precision trở thành công ty lớn, trong khi đó nhiều hãng điện tử lớn khác như Acer hay Nintendo đã chịu nhiều thua lỗ.
Trong suốt chặng đường phát triển 10 năm qua, Apple và những nhà cung cấp tại châu Á của hãng đã phải chịu nhiều chỉ trích về việc sử dụng lao động trong khu vực, chính vì vậy hệ thống các nhà cung cấp như Hồng Hải buộc phải thích ứng và điều chỉnh chính sách.
Giờ đây, hãng sản xuất điện thoại iPhone cũng như nhiều nhà cung cấp cho hãng đang đối diện với nhiều thách thức giống như ngành sản xuất máy tính cá nhân từng đối diện cách đây 10 năm.
Từ khi công bố cho đến nay, iPhone X vẫn là chiếc điện thoại bán chạy, ước tính đến cuối năm nay, Apple sẽ bán được khoảng 32 triệu chiếc iPhone X, theo tính toán của Arthur Liao và công ty chứng khoán Fubon.
Tuy nhiên chiếc điện thoại một thời được coi như đỉnh cao công nghệ nay đã trở thành một sản phẩm dần bình thường. Nhu cầu đang tăng chậm lại, cùng lúc đó iPhone phải cạnh tranh với nhiều dòng sản phẩm giá rẻ do Trung Quốc sản xuất. Nhiều nhà cung cấp của Apple đang bắt đầu nói đến khi nào thì Apple sẽ trở thành một tên tuổi cũ kỹ và lạc hậu trong làng công nghệ thế giới.
“Ngành nào rồi cũng thay đổi. Chúng ta sẽ không mãi mãi sống trong kỷ nguyên điện thoại thông minh. Ngành sản xuất điện thoại thông minh đã tăng trưởng được 10 năm. Nhiều người đang hỏi chúng tôi đến khi nào nó sẽ chững lại như ngành sản xuất máy tính”, chủ tịch công ty sản xuất Pegatron, ông Tung Tzu-hsien, chia sr.
Ông Tung cho biết đến hiện tại, ông chưa thấy sản phẩm công nghệ nào có thể thách thức sự tồn tại của điện thoại thông minh, thế nhưng ông nhấn mạnh rằng thời đại Internet sẽ sản sinh ra thêm nhiều sản phẩm khác cải tiến hơn.
Theo kết quả nghiên cứu của công ty IDC, thị trường điện thoại thông minh sẽ có tốc độ tăng trưởng trung bình 3,3%/năm trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2021, trong khi đó tốc độ tăng trưởng của năm 2015 đạt 10,4%. Doanh số bán điện thoại iPhone tăng 2,3% trong năm tài khóa gần nhất.
Năm 2016, Apple bán 215,4 triệu chiếc iPhone và giành được 14,5% thị phần thị trường iPhone toàn cầu. Doanh số bán hàng của Apple như vậy thấp hơn nhiều so với con số 309,4 triệu chiếc điện thoại mà Samsung đã bán ra toàn cầu, theo tính toán của công ty nghiên cứu Strategy Analytics.
“Thị trường điện thoại thông minh toàn cầu đang phát triển gần đạt ngưỡng. Chúng ta sẽ vẫn có được mức tăng trưởng 3 đến 4%/năm từ nay trở đi, nhưng chúng ta sẽ không còn có thể có lại tốc độ tăng trưởng ấn tượng như những năm trước”, chuyên gia phân tích tại ICD, ông Sean Kao, nhận xét.
Ít ai còn nhớ rằng khi iPhone mới được bán ra thị trường, Apple đã hạ giá bán 200USD/sản phẩm xuống 399USD để giành được những khách hàng còn đang căn cơ. Tuy nhiên doanh số bán hàng của Apple tăng đến hơn chín lần và đến năm 2017 đạt 229,23 tỷ USD.
Giá trị vốn hóa thị trường hiện được tính toán ở mức 895 tỷ USD đang khiến nhiều nhà đầu tư trên thị trường đặt câu hỏi sau bao lâu nữa Apple sẽ trở thành công ty 1 nghìn tỷ USD.
Sự ra đời của iPhone đã mở ra cuộc cạnh tranh mới về công nghệ giữa các nhà cung cấp và khuyến khích thêm nhiều công ty mới mở rộng nhanh chóng công việc kinh doanh.
Apple cũng hưởng lợi khi mà nhiều công ty đối thủ buộc phải cố gắng trông chờ vào việc bán nhiều sản phẩm giá rẻ để hưởng chút lãi ít ỏi trong khi Apple chỉ cần bán số lượng sản phẩm nhất định cũng đã thừa lãi cao.
Apple lãi cao kéo theo nhiều công ty hưởng lợi bao gồm Samsung của Hàn Quốc, hãng cung cấp mà hình OLED và công ty sản xuất chip TSM của Đài Loan.
Khoảng hơn 70% trong số hơn 200 nhà cung cấp linh kiện cho Apple đến từ châu Á, nhóm các công ty Đài Loan chiếm khoảng 20% trong tổng các nhà cung cấp trên, số lượng các công ty Trung Quốc trong hệ thống các nhà cung cấp đang tăng lên nhanh chóng.
Để có thể thích ứng với việc nhu cầu iPhone tăng cao trong thập kỷ qua, các nhà cung cấp linh kiện châu Á đã tuyển dụng thêm hàng trăm nghìn công nhân, ví như riêng Hồng Hải tuyển đến gần 1 triệu người làm việc.
Sự trỗi dậy của iPhone diễn ra cùng lúc với sự đi xuống của nhiều công ty công nghệ châu Á. Nhiều thương hiệu máy tính như Acer của Đài Loan rơi vào cuộc chiến tranh giá cả đầy khốc liệt.
Và khi mà điện thoại iPhone tích hợp thêm nhiều tính năng khác như chụp ảnh, nghe nhạc hay chơi trò chơi điện tử, công việc kinh doanh của nhiều hãng sản xuất trò chơi hay máy ảnh cũng khó khăn theo.
Nhiều hãng điện tử lớn của Nhật bao gồm Sony, Nintendo, Toshiba, Canon và Nikon đều đã gặp khó khăn. Giờ đây, Sony đang kiếm được nguồn thu không hề nhỏ từ sản xuất linh kiện cho camera của iPhone.(Bizlive)
------------------------
Vốn ngoại giải ngân đạt kỷ lục
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, tính chung cả năm 2017, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đã giải ngân được 17,5 tỉ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Đây là mức thực hiện cao nhất từ trước đến nay trong việc thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam.
Báo cáo này cũng cho thấy, cả năm 2017, tổng nguồn vốn FDI đăng ký vào các dự án mới, tăng thêm ở các dự án cũ và góp vốn mua cổ phần đạt 35,88 tỉ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2016. Đây cũng là mức vốn FDI cao nhất kể từ năm 2009 đến nay. Lũy kế đến hết năm 2017, cả nước hiện có 24.748 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 318,72 tỉ USD. Tổng vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 172,35 tỉ USD, bằng 54% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu thu hút vốn đầu tư FDI với 186,1 tỉ USD, chiếm 58,4% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 53,1 tỉ USD (chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư) và thứ ba là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí nước với 20,8 tỉ USD (chiếm 6,5% tổng vốn đầu tư).
Trong năm 2017 đã có 115 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 9,11 tỉ USD, chiếm 25,4% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 8,49 tỉ USD, chiếm 23,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5,3 tỉ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư(Thanhnien)
-----------------------------------
Châu Á lo ngại vì chính sách thuế mới của Mỹ
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo thuế doanh nghiệp thấp không còn là lợi thế thu hút đầu tư trong khu vực.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/12 chính thức ký thông qua luật cải cách thuế với nội dung đáng chú ý nhất là giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống chỉ còn 21%. Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump nhấn mạnh chính sách này sẽ tạo nhiều việc làm và thu hút đầu tư nước ngoài đến Mỹ. “Rất nhiều điều sắp xảy ra ở Mỹ. Chúng ta sắp đưa các công ty trở lại. Họ đã bắt đầu trở lại rồi”, lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất thế giới phát biểu.
Trước chính sách thuế mới của Mỹ, nhiều nền kinh tế châu Á đang gấp rút điều chỉnh các chính sách nhằm đối phó với làn sóng công ty Mỹ rút về nước và xu hướng các công ty trong nước muốn đầu tư vào Mỹ. Một minh chứng cho phát biểu của Tổng thống Trump là Broadcom, tập đoàn bán dẫn lớn thứ 5 thế giới đã quyết định dời trụ sở chính từ Singapore về Mỹ. Theo tờ Nikkei Asian Review, Tổng giám đốc Broadcom Hock Tan là một trong những người tiên phong đón đầu chính sách này khi quyết định dời trụ sở từ tháng 11, lúc các nghị sĩ Mỹ vẫn đang thảo luận về mức giảm thuế. “Chính sách cải cách thuế sẽ tạo sân chơi cân bằng trên toàn cầu và cho phép chúng tôi cạnh tranh hiệu quả trên thị trường thế giới. Quyết định chuyển về Mỹ sẽ mang lại 20 tỷ USD (454.245 tỷ đồng) doanh thu hằng năm cho đất nước này”, ông Tan phát biểu tại một sự kiện ở Nhà Trắng.
Châu Á giảm lợi thế
Singapore và Hồng Kông trước nay luôn thu hút nhiều tập đoàn toàn cầu đầu tư. Với những nền kinh tế có quỹ đất giới hạn thì chính sách thuế ưu đãi là điều không thể thiếu để thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Tại Singapore, Tập đoàn Broadcom lâu nay vẫn hưởng thuế doanh nghiệp 17%, chưa đến phân nửa thuế suất nếu đặt trụ sở tại Mỹ trước đây. Tuy nhiên, với việc Mỹ giảm thuế doanh nghiệp xuống còn 21% thì ranh giới này trở nên mong manh. Tương tự, thuế doanh nghiệp 16,5% của Hồng Kông cũng bị giảm lợi thế.
Ngay cả các công ty ở châu Á cũng rất quan tâm đến chính sách thuế mới của Mỹ. Công ty trang thiết bị quốc phòng Singapore Technologies Engineering rất ủng hộ và cho rằng chính sách này sẽ đem lại lợi nhuận cho chi nhánh của công ty ở Mỹ, vốn đóng góp khoảng 23% doanh thu. Bà Lina Poe, Trưởng bộ phận truyền thông và đầu tư, cho biết công ty sẽ đánh giá cơ hội tăng vốn đầu tư vào Mỹ trong thời gian tới.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc cũng đang bị cuốn vào “trò chơi thuế” của ông chủ Nhà Trắng. Theo tờ The New York Times, nhờ lợi thế về đội ngũ lao động, cơ sở hạ tầng và một số ưu đãi, Trung Quốc đánh thuế doanh nghiệp 25%, chưa kể bảo hiểm xã hội cho người lao động và các khoản khác. Tuần trước, Thứ trưởng Tài chính Chu Quang Diệu cam kết sẽ “có biện pháp chủ động” nhằm đối phó với việc Mỹ cải cách thuế. “Tác động bên ngoài từ việc thay đổi chính sách thuế của nền kinh tế lớn nhất thế giới là không thể xem thường”, ông Chu nhận định.
Thêm ưu đãi đầu tư
Trước chính sách cải cách thuế lớn nhất 30 năm qua của Mỹ, việc các nền kinh tế châu Á phải đối phó thế nào đang trở thành vấn đề nóng hổi trong khu vực. Chuyên gia Andrew Choy tại Công ty kiểm toán Ernst & Young ở Trung Quốc cho rằng dù ông Chu không tiết lộ chi tiết các biện pháp đối phó của Trung Quốc nhưng nhiều khả năng nước này sẽ cải cách các quy định liên quan đến doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có thể hoãn một số khoản thuế nào đó nếu doanh nghiệp nước ngoài cam kết tái đầu tư, ông Choy nhận định. Trong khi đó, ông Junichi Fujii, Giám đốc cấp cao về dịch vụ thuế tại Công ty PricewaterhouseCoopers nhận định Malaysia và Indonesia vốn có thuế doanh nghiệp cao hơn mức 21% của Mỹ cũng sẽ buộc phải có các biện pháp đối phó.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng ngoài lợi thế thấp trước đây thì các nước châu Á còn có nhiều chính sách miễn giảm và ưu đãi về thuế. Ngoài thuế ra thì còn nhiều yếu tố như môi trường đầu tư thân thiện, quy định về đầu tư, hạ tầng, nhân lực và nhiều yếu tố khác. Đồng quan điểm này, bà Praveen Randhawa thuộc Hội đồng phát triển kinh tế Singapore nhận định rằng phải chờ thêm thời gian nữa mới có thể xác định chính xác tác động của chính sách ở Mỹ đối với các công ty ở Singapore cũng như châu Á và trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đều có chung nhận định rằng đã đến lúc các nền kinh tế châu Á cần nhìn lại toàn bộ khả năng cạnh tranh của mình.(Thanhnien)