Có thể thịt cũng phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt?; Nhật đối đầu với khoản nợ công gần 10.000 tỉ USD; Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai (Hà Nội); Bài học đội vốn metro
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 24-12-2017
- Cập nhật : 24/12/2017
Tăng cường nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh
Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt trước sự tác động của con người, làm gia tăng hàm lượng khí nhà kính dẫn đến gia tăng hiệu ứng nhà kính của khí quyển, nên chính sách tăng trưởng xanh đang được Chính phủ và các bộ, ngành chú trọng áp dụng. Bộ Tài chính hiện cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp tăng trưởng xanh bằng các chính sách tài chính.
Sáng 21/12 tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra hội thảo “Chính sách tài chính hỗ trợ tăng trưởng xanh” do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phối hợp với Đại học Tài chính - Marketing tổ chức.
Tại hội thảo, ông Trương Bá Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết, tăng trưởng xanh được xác định là một chiến lược nhằm hướng đến phát triển bền vững. Để thực hiện các nhiệm vụ của chiến lược tăng trưởng xanh, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020.
Bên cạnh đó, Quyết định số 2183/QĐ-BTC ngày 20/10/2015 của Bộ Tài chính ban hành kế hoạch hành động của ngành Tài chính thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 cũng đã xác định định hướng điều chỉnh chung, phương thức tổ chức thực hiện, cách thức phân bổ, sử dụng các nguồn lực tài chính nhằm hướng tới thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, các chính sách tài chính hỗ trợ tăng trưởng xanh ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào nhóm chính sách thuế, chính sách chi ngân sách nhà nước và chính sách tín dụng.
Cụ thể là, các chính sách thuế, phí từng bước được hoàn thiện theo hướng chú trọng khuyến khích đầu tư, sản xuất theo công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Ưu tiên các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến bảo vệ môi trường. Chính sách tín dụng xanh được đẩy mạnh thông qua các kênh cho vay hỗ trợ lãi suất đối với hoạt động dự án bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch.
Phạm trù “Kinh tế xanh” mới xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2010, kể từ sau Hội Nghị của chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) tại Nairobi, Kenya. Tuy nhiên những chính sách “bảo vệ môi trường” ở Việt Nam đã được nhiều doanh nghiệp tự nguyện hưởng ứng, điển hình Công ty cổ phần Đầu tư & Xây dựng Phúc Khang (Phuc Khang Corporation) đã đầu tư để đảm bảo cho dự án “xanh” ngay từ khâu thiết kế, xây dựng và vận hành.
Nhiều "ông lớn" bất động sản ngoài hưởng ứng ra còn coi việc đầu tư dự án mang tiêu chuẩn “xanh” vừa là xu thế, vừa là thú chơi đẳng cấp, vào kiến trúc xanh trong các dự án cao cấp như chuỗi dự án Vinhomes Paradise của Tập đoàn Vingroup, Lake view Quận 2 của Tập đoàn Novaland, dự án Saigon Mystery Villas tại Quận 2 của Tập đoàn Hưng Thịnh...
Bên cạnh đó, nhiều tên tuổi khác đang rục rịch tấn công phân khúc xanh này như Him Lam, An Gia Skyline của An Gia Investment, chuỗi căn hộ Opal của Tập đoàn Đất Xanh, dự án Kingdom 101 thuộc Tập đoàn Hoa Lâm, FLC Garden (Hà Nội)… Dự án hướng tới sự thân thiện với thiên nhiên nhờ đó bảo vệ được hệ sinh thái, bảo vệ môi trường sống của con người.
Ông Bùi Duy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế miền Nam chia sẻ: "Tăng trưởng xanh là quá trình tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa trên những ngành sản xuất và công nghệ thân thiện với môi trường, giảm thiểu phát thải cac-bon, giảm ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học".
Tại hội thảo ông Phạm Quốc Việt, giảng viên Đại học Tài chính - Marketing đề nghị, Chính phủ và các Bộ, ngành cần tổng hợp các số liệu liên quan đến thu và chi NSNN liên quan đến môi trường, tăng trưởng xanh... có chính sách trợ cấp cho hoạt động công nghệ xanh. Công bố danh sách các doanh nghiệp gây ô nhiễm quốc gia, vùng, địa phương cũng như khuyến khích các doanh nghiệp có sản phẩm xanh thân thiện môi trường.
Bên cạnh áp dụng thuế và phí cho đầu vào hoặc đầu ra của quá trình sản xuất gây suy thoái môi trường, cũng nên trợ cấp thuế cho các hoạt động thân thiện với môi trường. Nhà nước cũng cần đưa ra các chính sách hỗ trợ công nghệ xanh, các quy định chỉ đạo và kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp có tác động đến môi trường.(TCTC)
--------------------------
Xuất khẩu rau quả năm 2017 dẫn đầu các mặt hàng nông sản
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nối tiếp đà tăng trưởng của những năm gần đây, xuất khẩu rau quả năm 2017 tiếp tục ghi dấu ấn với tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đứng đầu trong tất cả các mặt hàng nông sản xuất khẩu với con số 3,514 tỷ USD.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Hiệp hội ước tính kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 12/ 2017 ước đạt 335,862 triệu USD. Tính chung, năm 2017 xuất khẩu rau quả ước đạt hơn 3,514 tỷ USD, tăng 43,02% so với cùng kỳ 2016.
Trong đó, 10 thị trường xuất khẩu rau quả năm 2017 của Việt Nam gồm: Trung quốc (75,6%); Nhật Bản (3,64%); Hoa Kỳ (2,94%); Hàn Quốc (2,59%); Hà Lan (1,81%); Malaysia (1,43%); Đài Loan (1,33%); Thái Lan (1,03%); UAE (1,01%); Nga (0,85%); Thị trường khác (7,77%).
Như vậy, ngành rau củ quả đã xuất khẩu vượt lúa gạo và cả dầu khí. Đạt được con số xuất khẩu nói trên là do, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã cố gắng trong công tác đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
Nhận định về thị trường rau quả trong thời gian tới, Hiệp hội cho hay, tiềm năng của thị trường thế giới cũng như sự thay đổi của chuỗi giá trị rau quả Việt Nam cho thấy, xuất khẩu rau quả rất hứa hẹn.
Ngay tại thị trường trong nước, với hệ thống rau quả ngày càng chuyên nghiệp, có truy xuất nguồn gốc nhãn mác cung ứng cho các đô thị lớn đang tăng trưởng rất nhanh.
Đây là một tín hiệu đáng mừng, một bước tiến quan trọng để ngành rau quả đang chuyển sang hướng chuyên nghiệp hóa, đảm bảo cung cho thị trường đô thị lớn và xuất khẩu.
Năm 2018, khi đà thị trường chưa có dấu hiệu suy giảm, thì dự báo ngành rau quả sẽ đạt mức tăng trưởng như năm 2017 thậm chí là hơn.
Trong năm 2018 và các năm tiếp theo, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng rau quả, an toàn thực phẩm để có mức giá cả cạnh tranh tại các thị trường truyền thống, từ đó, tăng kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần chuyển đổi đầu tư vào chế biến, đây là giải pháp giúp ổn định hàng hóa, có quanh năm và bán được giá trị hàng hóa cao hơn. Song song với đó là việc tích cực khơi thông thêm nhiều thị trường mới.
Cũng theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2017, rau quả nhập khẩu ước đạt hơn 1,555 tỷ USD tăng 68,12 % so với cùng kỳ 2016. Như vậy, trong cả năm 2017, rau quả ước xuất siêu hơn 1,958 tỷ USD. (KT&DB)
----------------------------
Đánh giá rủi ro trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng
Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ với 70% nằm trong độ tuổi lao động được đánh giá là thị trường tiêu dùng lớn và nhiều tiềm năng cho lĩnh vực cho vay tín dụng. Kinh tế vĩ mô ổn định làm cho rủi ro vay nợ giảm cũng là yếu tố thuận lợi cho việc phát triển tín dụng tiêu dùng. Đây là thông tin tại Hội thảo Báo cáo tín dụng phục vụ tài chính tiêu dùng do Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) và Công ty Tài chính quốc tế (IFC) - Thành viên Ngân hàng Thế giới tổ chức ngày 19/12.
Theo Tổng Giám đốc CIC Đỗ Hoàng Phong, một trong những nguyên nhân khiến ngày càng nhiều người lựa chọn hình thức vay tiêu dùng từ các công ty tài chính bởi thủ tục đơn giản, chỉ cần giấy tờ tùy thân như chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ cá nhân khác...
Đặc biệt, khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ với thời gian giải ngân khá nhanh, thậm chí chỉ trong vài chục phút. Với sự phát triển các sản phẩm, dịch vụ cho vay tiêu dùng hiện nay, đối tượng có lợi nhất là người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc dễ dàng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ cho vay tiêu dùng với thời gian nhanh chóng, thủ tục đơn giản dẫn đến một số rủi ro về nợ quá hạn, nợ xấu.
Dẫn chứng cụ thể, một số chuyên gia chỉ ra rằng, rủi ro tín dụng tiêu dùng chính là việc khách hàng không trả đúng hẹn và đủ số tiền vay xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau. Khi đó rủi ro tín dụng tiêu dùng đã lớn dần và rơi vào cấp độ cao hơn, đó là khi khách hàng cố ý không trả nợ, trả nợ nửa chừng, không tất toán xong hợp đồng vay...
Đồng thời có có thể kể đến một số rủi ro phổ biến trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng hiện nay là báo cáo thông tin sai sót của khách hàng, dùng tài khoản của người khác đi vay tín dụng tiêu dùng...(ĐBND)
----------------------
Tác động của tăng giá điện lên lạm phát là khá thấp
Liên quan vấn đề tăng giá điện từ ngày 1/12/2017, ông Franz Gerner, Trưởng nhóm Năng lượng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, việc đưa ra mức giá phản ánh đúng chi phí và hợp lý chính là chính sách kinh tế đúng đắn.
Phóng viên: Theo quan sát của ông, giá điện tại Việt Nam hiện ở mức nào so với khu vực và thế giới?
Ông Franz Gerner: Các nước có tiềm năng về năng lượng và giá thành sản xuất điện khác nhau. Trong trường hợp Việt Nam, lượng điện có thể sản xuất từ các nguồn rẻ tiền như thủy điện, than, khí đã bị khai thác tới hạn. Tất cả sản lượng điện sản xuất mới từ than nhập khẩu và trữ lượng khí trong nước đều sẽ có giá thành cao hơn.
Tuy mức giá thành khác nhau như vậy, nhưng giá điện sinh hoạt, giá điện kinh doanh và giá điện công nghiệp bán ra tại Việt Nam hiện nay tương đối thấp so với một số nước có cùng trình độ phát triển (GDP/người) trong khu vực và trên thế giới. Có thể so sánh, giá điện tại Campuchia, Lào, Philippines và Indonesia lần lượt là 19 UScent/kWh, 9 UScent/kWh, 14,6 UScent/kWh và 7,3 UScent/kWh.
Giá bán lẻ điện mới ước tính làm chỉ số giá tăng 0,1% trong năm 2018 và giảm mức tăng GDP là 0,166%. Ông đánh giá thế nào về tác động này?
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tác động của tăng giá điện lên lạm phát là khá thấp, nhất là khi áp dụng mức tăng giá từ từ. Nguyên nhân là, chi phí tiền điện chỉ chiếm 2,5% giỏ hàng tiêu dùng, mặc dù tác động đó có thể còn lan truyền đôi chút sang các loại hàng hóa và dịch vụ khác có tiêu thụ điện trong sản xuất. Hiện nay, lạm phát khá thấp. Đây chính là điều kiện thuận lợi để tăng giá điện.
Đối với tăng trưởng GDP, hiện có hai hiệu ứng trái ngược. Một mặt, giá điện tăng sẽ giúp các công ty sản xuất điện cải thiện tình hình tài chính. Nhờ vậy, Chính phủ có thể cắt giảm hỗ trợ cho các doanh nghiệp này.
Mặt khác, giá điện tăng sẽ làm tăng chi phí sản xuất, nhất là những ngành tiêu thụ nhiều điện năng. Các ngành này sẽ chịu một số tác động ngắn hạn, nhưng về lâu dài, tăng giá điện sẽ buộc khách hàng điều chỉnh cách sử dụng điện của mình. Họ sẽ chuyển sang sử dụng điện lệch giờ cao điểm để được hưởng giá thấp hơn, hay áp dụng các biện pháp tăng cường tiết kiệm điện. Như vậy sẽ góp phần tăng năng suất lao động.
Tiêu thụ điện trong giai đoạn 2016 - 2020 vẫn ở mức cao, đồng nghĩa với đòi hỏi đầu tư vào ngành điện sẽ khá lớn. Theo ông, mức giá hiện nay có hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài để họ sẵn sàng bỏ vốn vào ngành điện?
Mô hình cấp vốn ngành điện trước đây của Việt Nam dựa chủ yếu vào đầu tư công, nhưng hiện nay sẽ không khả thi do Chính phủ không tiếp tục bảo lãnh cho EVN đi vay vốn từ các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính quốc tế.
Chiến lược chung về giá điện của Bộ Công thương là đảm bảo cho EVN có đủ lãi để bù đắp đủ chi phí hoạt động và hoàn trả vốn vay. Do dựa chủ yếu vào thủy điện, nên năm nào có lượng mưa đạt mức trung bình thì EVN có lãi. Trong khi đó, nhu cầu vốn đầu tư của EVN và ngành điện rất lớn, khoảng 4 - 7 tỷ USD/năm từ nay tới năm 2030. Con số này chưa thể hiện trong giá điện và cái khó của EVN cũng như ngành điện là làm sao thu hút được vốn thương mại và sự tham gia đầu tư của khu vực tư nhân.
Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ nhiều điện nhất khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, do vậy, tăng cường tiết kiệm sử dụng điện là cách rẻ tiền nhất để tránh phải nâng công suất phát điện trong tình hình nhu cầu sử dụng điện tăng cao.
Đồng thời với việc tiết kiệm điện, muốn huy động các nguồn mới đầu tư vào hạ tầng điện lực, cần áp dụng một số chính sách mới xoay quanh 3 trụ cột: phát động một chương trình được xây dựng kỹ lưỡng về phát triển các nhà máy phát điện độc lập theo hình thức đối tác công - tư (PPP) để qua đó xây dựng lòng tin đối với nhà đầu tư tư nhân; chuẩn bị cho EVN và các công ty thành viên đạt tiêu chuẩn vay vốn doanh nghiệp; thực hiện một chương trình nâng cao khả năng cấp vốn bằng đồng nội tệ và tăng cường phát triển thị trường vốn trong nước.
Hiện đã có một số dự án đầu tư trong ngành điện theo hình thức BOT. Tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án này vẫn còn chậm. Ông nhìn nhận vấn đề này ra sao?
Việt Nam đã thu hút thành công các dự án BOT điện khí và điện than từ các nhà đầu tư quốc tế. Gần đây, Việt Nam đã cập nhật và cải thiện khung đối tác PPP, nhưng vẫn chưa được chấp nhận rộng rãi. Chính phủ và các nhà đầu tư còn nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề phân bổ rủi ro trong các dự án PPP và BOT. Điều đó đã làm chậm quá trình xây dựng dự án. Do chưa có khung PPP chuẩn hóa, nên thu hút vốn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là thu hút vốn nước ngoài.(Baodautu)