tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 24-07-2018

  • Cập nhật : 24/07/2018

Giá nông sản Mỹ tăng mạnh trong tuần qua

Giá nông sản trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT, Mỹ) tăng mạnh trong tuần giao dịch vừa qua, khi các nhà đầu tư dự đoán nhu cầu đối với nguồn cung nông sản từ Mỹ tăng.

Diễn biến thị trường nông sản tuần qua. Ảnh: EPA

Khép lại tuần giao dịch kết thúc vào ngày 20/7, giá ngô giao tháng 12/2018 tăng 4,02% (14,25 xu Mỹ) lên 3,69 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 9/2018 tăng 3,82% (19 xu Mỹ) lên 5,16 USD/bushel. Giá đậu tương giao tháng 11/2018 tăng 3,66% (30,5 xu Mỹ) lên 8,6475 USD/bushel. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg, 1 bushel ngô = 25,4 kg). 

Báo cáo mới nhất về diễn biến mùa màng của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA)chỉ ra rằng 72% diện tích ngô Mỹ đang trong điều kiện tốt/ xuất sắc, giảm chút ít so với mức đánh giá đưa ra hồi tuần trước là 75%. Trong tuần qua, thông tin cho thấy sản lượng ethanol theo tuần của Mỹ tăng 3% cũng đã hỗ trợ giá ngô – vốn được dùng làm nguyên liệu để sản xuất ethanol. 

Giá lúa mỳ giao kỳ hạn tăng gần 4% trong tuần qua, chủ yếu nhờ sản lượng lúa mỳ toàn cầu sụt giảm đúng như dự kiến. Giá lúa mỳ tại Liên minh châu Âu (EU) cũng tăng do sản lượng lúa mỳ giảm tại Pháp và Đức, trong khi chất lượng lúa mỳ tại Nga cũng giảm do thời tiết có mưa ở nước này. Ngành lúa mỳ Australia hiện đang đối mặt với tình trạng khô hạn. Các nhà giao dịch kỳ vọng lúa mỳ Mỹ có thể gia tăng thị phần trên thị trường thế giới giữa bối cảnh nhu cầu đối với nông sản này gia tăng. 

Các nhà quan sát thị trường hiện đã nhận thấy chênh lệch ngày càng lớn giữa giá xuất khẩu đậu tương của Mỹ và Brazil khi giá đậu tương Brazil hiện cao hơn gần 24% so với giá đậu tương Mỹ. Đây có thể là nguyên nhân chính dẫn đến việc doanh số bán đậu tương Mỹ tăng 59% trong một tuần lên 252.300 tấn, theo dữ liệu từ USDA. Mức này vẫn thấp hơn mức trung bình trong bốn tuần trước đó 22%. 

USDA đánh giá 69% diện tích đậu tương Mỹ ở trong điều kiện tốt/ xuất sắc, giảm so với mức 71% đánh giá một tuần trước đó. 

AgResource, một công ty nghiên cứu về nông nghiệp đặt trụ sở tại Chicago, dự đoán xu hướng giá nông sản mạnh sẽ tiếp tục đến đầu năm 2019. (TTXVN)
-----------------

Tôm, cá cùng gặp khó ở Trung Đông

Hai sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cùng vướng rào cản kỹ thuật tại 2 thị trường quan trọng ở khu vực Trung Đông.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Trong 6 tháng đầu năm nay xuất khẩu cá tra vào thị trường Ả Rập Xê Út giảm trên 60%, chỉ còn 10,6 triệu USD. Đây là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất ở khu vực Trung Đông, năm 2017 nhập khẩu đến 53,4 triệu USD, cao gấp đôi so với 2 thị trường xếp kế tiếp là UAE và Ai Cập.

Tuy nhiên từ tháng 1.2018, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Ả Rập Xê Út (SFDA) tạm đình chỉ nhập khẩu các sản phẩm cá, giáp xác và các sản phẩm thủy sản khác từ Việt Nam. Lý do của việc tạm đình chỉ này được đưa ra căn cứ vào “Báo cáo quý về tình hình dịch bệnh thủy sản khu vực Thái Bình Dương” của Tổ chức OIE và trên kết quả chuyến công tác của SFDA tại Việt Nam vào cuối năm 2017. Việc đình chỉ này gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Đông.

SFDA còn yêu cầu Việt Nam phê chuẩn “Chương trình chăn nuôi Halal”, theo đó các lô hàng thủy sản xuất khẩu sang thị trường Ả Rập Xê Út phải kèm Giấy chứng nhận Halal theo mẫu. Thậm chí thức ăn thủy sản sử dụng tại các cơ sở sản xuất giống, cơ sở nuôi trồng phải đáp ứng yêu cầu thức ăn Halal. Đối với cơ sở nuôi, sản xuất giống, SFDA yêu cầu cơ sở sản xuất giống phải có chứng nhận ASC hoặc GAP, cơ sở nuôi phải có chứng nhận ASC, GlobalGAP hoặc GMP.

Cũng tại khu vực Trung Đông, mới đây Kuwait ngừng thông quan tôm Việt Nam. Việc ngưng thông quan này bắt đầu từ ngày 17.5.2018. Nguyên nhân là một số sản phẩm tôm và động vật giáp xác (tươi, ướp lạnh, đông lạnh, đã qua xử lý) có xuất xứ từ Việt Nam xuất hiện virus bệnh đốm trắng (WSSV) và bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS).(Thanhnien)
-------------------------

Sản lượng nông sản xuất khẩu chủ chốt của Brazil có thể giảm do hạn hán

Các chuyên gia kinh tế dự báo hạn hán tại khu vực miền Trung Brazil có nguy cơ làm giảm sản lượng cà phê và mía đường của nước này trong năm tới nếu không có mưa nhiều vào các tháng cuối năm nay.

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Nam Mỹ, các cánh đồng trồng cà phê và mía đường của Brazil đang bước vào vụ thu hoạch, song hoạt động sản xuất và trồng trọt các loại cây trên có thể bị ảnh hưởng trong niên vụ tới nếu tình trạng hạn hạn kéo dài không dừng lại vào tháng 9 tới.

Ngày 22/7, chuyên gia công ty tư vấn kinh tế Job Economía e Planejamento, ông Julio Borges, cho biết lượng mưa trong tháng 4 và tháng này tại Brazil ghi nhận ở mức dưới trung bình, ảnh hưởng tới vụ thu hoạch mía hiện nay và sản lượng mía của niên vụ tới sẽ phụ thuộc vào lượng mưa trong mùa Hè.

Trong khi đó, công ty chuyên cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế INTL FCStone Inc cảnh báo do điều kiện thời tiết khô hạn bất thường, các nhà máy sản xuất mía đường tại miền Trung Brazil có thể giảm năng suất hoạt động xuống mức thấp nhất trong 4 vụ thu hoạch.

Theo Dịch vụ Thời tiết nông nghiệp Thomson Reuters, lượng mưa ghi nhận tại thành phố miền Trung Ribeirão Preto trong 4 tháng qua ở mức thấp kỷ lục 157 mm, trong khi con số đó tại bang trồng cà phê quan trọng của Brazil Minas Gerais là từ 63-128mm, dưới mức trung bình trong 3 tháng gần đây.

Các chuyên gia nghiên cứu của tổ chức Fundação Procafé hy vọng mưa nhiều vào mùa Hè và mùa mưa bắt đầu vào tháng 9 tới sẽ đảm bảo hoạt động trồng trọt và sản xuất mía và cà phê của nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh phát triển tốt trong năm 2019.

Brazil là nước xuất khẩu cà phê số một thế giới và đứng đầu về xuất khẩu cà phê hòa tan.

Trong năm 2017, sản lượng loại nông phẩm này của Brazil đạt 44,97 triệu bao, giảm mạnh so với năm trước, do rơi vào năm giảm của chu kỳ sản xuất cà phê Arabica và do khí hậu khô hơn thường lệ.

Thị trường dự báo thu hoạch cà phê của Brazil trong năm 2018 sẽ đạt kỷ lục hơn 53 triệu bao.(Bnews)
----------------------

Samsung Heavy làm ăn thất bát trong quý II

Samsung Heavy Industries Co., nhà đóng tàu lớn thứ ba thế giới về doanh thu, đã lỗ ròng trong quý II/2018 do chi phí tăng và một số khoản lỗ bất thường.

Samsung Heavy cho biết trong ba tháng của quý vừa kết thúc đã lỗ ròng 142,7 tỷ won (126 triệu USD), so với mức lợi nhuận ròng 22,7 tỷ won trong cùng kỳ năm ngoái. 
Samsung Heavy cho hay chi phí cố định tăng và những thiệt hại do việc giao chậm trễ một tàu khoan cho Ocean Rig đã ảnh hưởng đến lợi nhuận trong quý II. 

Doanh số bán trong quý II của Samsung Heavy giảm 41,4% xuống 1.340 tỷ won, trong bối cảnh các nhà đóng tàu Hàn Quốc đã và đang phải vật lộn với tình trạng cung vượt cầu và các đơn đặt hàng giảm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. 

Cùng ngày, Samsung Heavy thông báo đã ký một thỏa thuận trị giá 370 triệu USD để đóng ba tàu chuyên dụng cho một nhà vận tải ở Bắc Mỹ. Dự kiến, Samsung sẽ giao các tàu trên cho khách hàng vào tháng 12/2020 nhưng từ chối tiết lộ tên khách hàng và tính năng của các tàu chuyên dụng. 

Samsung Heavy cho biết thêm kể từ đầu năm 2018 đến nay họ đã nhận được các đơn đặt hàng (đóng khoảng 29 tàu) trị giá 2,9 tỷ USD.(Bnews)

Trở về

Bài cùng chuyên mục