tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 24-07-2018

  • Cập nhật : 24/07/2018

Bắc Ninh thu hồi 18.600 m2 đất từ Viglacera để giao cho Samsung

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ra quyết định thu hồi 18.623,0m2 đất đã giao cho Tổng công ty Thủy tinh và gốm xây dựng (nay là Tổng công ty Viglacera) để giao cho Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam.

Khu đất trên trước đó đã được Bắc Ninh cho Viglacera thuê để xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Yên Phong theo Quyết định số 790/QĐ-UBND ngày 24/6/2008, tại huyện Yên Phong (xã Yên Trung và xã Đông Tiến).

Bắc Ninh cho biết, việc giao khu đất thu hồi này cho Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam để công ty này xây dựng nhà ở cho công nhân (khu ký túc xá) Công ty TNHH SamSung Display Việt Nam theo chủ trương đầu tư đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 476/QĐ-UBND ngày 15/9/2017; Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mã số dự án 1008842323, chứng nhận thay đổi lần đầu ngày 15/9/2017.

Cụ thể, giao đất có thu tiền sử dụng đất để xây dựng nhà ở cho công nhân (khu ký túc xá) Công ty TNHH SamSung Display Việt Nam: 6.682,0m2, thời hạn giao đất: đến ngày 17/10/2055; thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm, là 11.941,0m2, gồm: đất cây xanh, cảnh quan 6.790,1m2, đất giao thông, bãi đỗ xe 5.150,9m2, và thời hạn thuê đất là đến ngày 17/10/2055.

UBND tỉnh Bắc Ninh cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan chức năng tổ chức bàn giao đất, ký hợp đồng thuê đất; xác định giá thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và hướng dẫn thực hiện các thủ tục theo quy định.

Tính đến thời điểm hiện tại, Samsung Việt Nam có khoảng 170.000 nhân viên đang làm việc. Ngay từ năm 2014, sau khi nhà máy Samsung Thái Nguyên đi vào hoạt động, lãnh đạo Samsung Việt Nam cho biết, do số lượng lao động tăng đột biến, nên Samsung đang gặp trở ngại rất lớn về nhà ở cho công nhân.

Các khu ký túc xá và nhà trọ xung quanh nhà máy không thể đủ cho công nhân ở, nhiều công nhân phải tìm những khu vực trọ ở xa nhà máy.

Theo Samsung Việt Nam, công ty không chỉ giải quyết nhà ở cho công nhân làm việc trực tiếp tại những nhà máy của Samsung, mà còn có hàng trăm doanh nghiệp vệ tinh của Samsung từ Hàn Quốc và Trung Quốc kéo theo vào đầu tư, do đó nhu cầu nhà ở cũng tăng lên rất lớn.

Thông tin từ Samsung Việt Nam cho biết, xuất khẩu quý 1/2018 của công ty, gồm Samsung Electronics Vietnam (SEV), Samsung Display Vietnam (SDV) tại Bắc Ninh; Samsung Electronics Vietnam Thainguyen (SEVT) tại Thái Nguyên; Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC) tại Tp.HCM; amsung Electro-Mechanics Việt Nam (SEMV) và Samsung SDI Việt Nam (SDIV), là khoảng 15 tỷ USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2017.(Vneconomy)
-----------------------

Tiến trình cổ phần hóa còn chậm

Theo Bộ Tài chính, để thúc đẩy nhanh hơn tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước những tháng cuối năm thì các cơ quan chức năng cần rà soát các luật có liên quan như Luật doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Cán bộ, công chức; Luật Phá sản…

Đồng thời, các bộ, ngành cần khẩn trương nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: nghị định về hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước; nghị định về quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu; nghị định về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích…

Đối với các doanh nghiệp thuộc diện phải cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2018 – 2020, cơ quan đại diện chủ sở hữu khẩn trương phấn đấu hoàn thành kế hoạch. Các doanh nghiệp có khả năng không hoàn thành kế hoạch cần kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các khó khăn, vướng mắc để xem xét, giải quyết.

Đồng thời, doanh nghiệp phải khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất đai theo quy định của luật đất đai, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi quyết định cổ phần hóa doanh nghiệp theo đúng quy định tại Nghị định 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2018, có 8 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa, tổng giá trị doanh nghiệp là 29.378 tỷ đồng, trong đó, giá trị vốn nhà nước là 15.162 tỷ đồng. Theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp.

Về thoái vốn, trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã thoái được 2.506 tỷ đồng, thu về 6.458 tỷ đồng. Theo Quyết định số 1232 của Thủ tướng Chính phủ thì năm 2017 có 135 doanh nghiệp, năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2018, chỉ có 5 đơn vị thực hiện thoái vốn. Lũy kế đến nay mới chỉ có 16 đơn vị thực hiện thoái vốn theo Quyết định 1232.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải nhận định, tiến độ triển khai cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước còn chậm.

Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân của tình trạng trên là do việc triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành cơ chế báo cáo ở một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự nghiêm túc.

Các doanh nghiệp cổ phần hóa còn tồn tại nhiều vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa cần phải có thời gian xử lý, làm kéo dài thời gian thực hiện. Bên cạnh đó, mặc dù cơ chế tháo gỡ đã ban hành đầy đủ nhưng khâu tổ chức thực hiện chưa đạt như kỳ vọng, đặc biệt là quá trình sắp xếp, xử lý đất đai khi cổ phần hóa còn rất chậm (TTXVN)
--------------------

Tăng trưởng kinh tế giảm phụ thuộc vào tín dụng

GDP sáu tháng đầu năm 2018 tăng trưởng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất trong vòng tám năm qua. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng chậm hơn so với cùng kỳ năm 2017.

Đến cuối tháng 6-2018, tín dụng tăng khoảng 6,5%, thấp hơn nhiều mức tăng cùng kỳ năm ngoái là 8,7% (số liệu ước tính của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia).

Sự phụ thuộc của tăng trưởng GDP vào tín dụng ngày càng giảm do đóng góp của khu vực FDI đối với nền kinh tế. Ảnh: Thành Hoa

Theo phân tích của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào vốn và lao động (do tốc độ tăng năng suất lao động - TFP còn rất khiêm tốn), nghĩa là về cơ bản, muốn tốc độ tăng GDP cao thì phải tăng đầu tư cao. Nguồn vốn nói chung và tín dụng nói riêng tác động thuận chiều đến tăng trưởng kinh tế. Đối với tín dụng, có giai đoạn số liệu này thậm chí được sử dụng để ước tính cho tăng trưởng kinh tế, ví dụ tín dụng thường phải tăng từ 1,5 lần hoặc 2 lần so với số liệu tăng trưởng GDP.

Nhưng sự so sánh này đến nay có lẽ không còn phù hợp. Nhớ lại năm 2017, tín dụng chỉ tăng 18,17% (thấp hơn mức tăng năm 2016 là 18,71%), trong khi tăng trưởng GDP vẫn đạt 6,81%, cao hơn mức tăng của các năm từ 2011-2016. Số liệu tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP trong sáu tháng đầu năm 2018 tiếp tục cho thấy tín dụng không phải là nhân tố quyết định đối với tăng trưởng kinh tế như trước.

Vậy điều gì ẩn sau diễn biến trái chiều giữa tốc độ tăng trưởng tín dụng và tốc độ tăng trưởng GDP hiện nay?

Thứ nhất, tín dụng tăng thấp nhưng tăng trưởng GDP ở mức khá cao cho thấy chất lượng dòng tín dụng ngày càng cải thiện. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cơ cấu tín dụng sáu tháng đầu năm 2018 tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo (tăng 7,7%), nông nghiệp - nông thôn (tăng 7,2%), doanh nghiệp nhỏ và vừa (tăng trên 3%). Tín dụng cho các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư chứng khoán, bất động sản tăng thấp. Như vậy, tín dụng đã chảy chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh để đóng góp cho tăng trưởng GDP chứ không còn tập trung vào các lĩnh vực đầu cơ như bất động sản, chứng khoán như nhiều năm trước. Điều này phù hợp với chủ trương điều hành của NHNN.

Kể từ năm 2017, NHNN đã ban hành Thông tư 19/2017/TT-NHNN quy định tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn sẽ giảm về mức 45% từ ngày 1-1-2018 và 40% từ ngày 1-1-2019, đồng thời quy định hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản là 200%. Đầu năm 2018, NHNN tiếp tục ban hành Công văn số 563/NHNNTTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng, cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản. Chủ trương nắn dòng vốn của NHNN đã phát huy hiệu quả.

Thứ hai, sự phụ thuộc của tăng trưởng GDP vào tín dụng ngày càng giảm do đóng góp của khu vực FDI đối với nền kinh tế. Trong sáu tháng đầu năm 2018, công nghiệp là ngành tăng trưởng tốt nhất với mức tăng 9,28%. Trong đó, tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến - chế tạo đạt 13,02%, là mức tăng cao nhất trong bảy năm gần đây. Đóng góp chính cho tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến - chế tạo là sản xuất thiết bị điện tử và linh kiện, đặc biệt là Samsung. Các doanh nghiệp FDI hầu như không vay (hoặc có vay nhưng vay vốn nước ngoài) nên mặc dù sản xuất, kinh doanh tăng trưởng nhưng không ảnh hưởng trực tiếp đến số liệu tín dụng trong nước.

Thứ ba, tác động của tăng trưởng tín dụng thường có độ trễ. Một số nghiên cứu kinh tế cho thấy độ trễ tác động của tín dụng đến tăng trưởng kinh tế là khoảng 4-6 tháng. Điều đó hàm ý tốc độ tăng trưởng tín dụng chững lại có thể báo hiệu cho một sự sụt giảm của tốc độ tăng trưởng kinh tế trong khoảng nửa năm sau. Tuy nhiên, dự báo này cần phải được đặt trong mối tương quan với các yếu tố khác vì như đã phân tích ở trên, tác động của tín dụng đối với tăng trưởng kinh tế giai đoạn hiện nay đã không còn mang tính quyết định.

GDP sáu tháng cuối năm 2018 dự kiến sẽ giảm nhiệt do sự chậm lại của ngành khai khoáng (điều kiện thời tiết về cuối năm mưa bão nhiều) và ngành công nghiệp chế biến - chế tạo sản phẩm linh kiện điện tử, quang học (do tăng trưởng của cùng kỳ năm 2017 quá cao). Trong khi đó, NHNN nhiều khả năng tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng có hiệu quả gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. Việc kiểm soát chặt chẽ dòng vốn sẽ tiếp tục được NHNN thực thi, đồng thời chính sách điều hành thị trường tiền tệ có thể sẽ thận trọng hơn trước những rủi ro về lạm phát, tỷ giá. (TBKTSG)
----------------------------

Hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng bị đề nghị phong toả tài sản

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa gửi văn bản đề nghị UBND TP Đà Nẵng cùng các sở, ngành liên quan xác minh và phong toả tài sản thuộc sở hữu của ông Trần Văn Minh (63 tuổi, Chủ tịch Đà Nẵng từ 2006-2011) và ông Văn Hữu Chiến (64 tuổi, cựu Chủ tịch Đà Nẵng từ 2011-2014).

Căn nhà ba tầng, có sân vườn rộngcủa ông Trần Văn Minh trên đường Lý Thường Kiệt (quận Hải Châu, Đà Nẵng). Ảnh: Nguyễn Đông.

Mở rộng điều tra vụ án Phan Văn Anh Vũ, ngày 17/4, Bộ Công an đã khởi tố hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng. Trong đó ông Minh bị bắt giam. Ông Chiến được tại ngoại.

Ông Minh và ông Chiến cùng bị khởi tố về các tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sảnnhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015) và Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai (Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015).

Các ông Nguyễn Điểu (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường); Trần Văn Toán (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Đà Nẵng) và Lê Cảnh Dương (nguyên Giám đốc Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng) về hành vi Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai (Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015).

Cùng với đề nghị tạm ngừng mọi hoạt động giao dịch liên quan đến hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng, Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đề nghị Đà Nẵng phối hợp rà soát, cung cấp thông tin, hồ sơ pháp lý và tạm dừng giao dịch đối với tài sản thuộc sở hữu của các ông Điểu, Toán, Dương.

Ngày 30-31/7, TAND Hà Nội dự kiến mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án "cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước" với bị can Phan Văn Anh Vũ và các đồng phạm. Theo điều 25 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.(Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục