tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 25-07-2018

  • Cập nhật : 25/07/2018

Nga bán tháo trái phiếu Mỹ vì đoán ông lớn suy thoái

Đường cong lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ có xu hướng bị nắn thẳng và báo hiệu cho một cuộc suy thoái.

Nga đã đột ngột bán đi phần lớn số trái phiếu Chính phủ Mỹ và không thuộc danh sách 33 chủ nợ lớn nhất của Mỹ kể từ tháng 5/2018.

Số liệu của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy, Nga hiện chỉ còn nắm giữ 14,9 tỉ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ.

nga lo my chuan bi doi pho voi suy thoai kinh te.

Nga lo Mỹ chuẩn bị đối phó với suy thoái kinh tế.

Các nhà phân tích tài chính Nga ủng hộ quyết định này của Ngân hàng Trung ương Nga, theo RT.

Vladimir Rojankovski, một chuyên gia tại Trung tâm tài chính quốc tế ở Moscow cho biết, đường cong lợi suất của Kho bạc Mỹ đang bị nắn thẳng, là một dấu hiệu cho thấy một cuộc suy thoái.

"Đường cong lợi nhuận của Kho bạc Mỹ đang thay đổi khiến chúng được đánh giá là ít hấp dẫn hơn trong việc lựa chọn các khoản đầu tư" - chuyên gia Rojankovski nhận xét.

Đường cong lợi suất thể hiện chênh lệch lãi suất giữa trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm. Đây được cho là công cụ dự báo khủng hoảng rất tốt. Cứ mỗi lần đường cong lợi suất bị thẳng dần ra (tức chênh lệch bằng 0), khủng hoảng xuất hiện. Đó là trường hợp của năm 1989, 2001, và 2007. 
 
Hiện nay, đường cong lợi suất đang là 0.27%, thấp hơn cả cuộc khủng hoảng năm 2008.

Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng sự tăng giá của đồng USD (sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ- FED liên tục nâng lãi suất) có thể không bền vững, xét tới thâm hụt ngân sách và khối nợ của Mỹ ngày càng lớn.

Đồng USD tăng giá nhanh đã gia tăng sức ép lên các thị trường mới nổi có những khoản nợ lớn bằng đồng tiền này, đồng thời đặt ra nguy cơ một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đến sớm hơn.

Ông Rojankovski ca ngợi động thái bán phần lớn trái phiếu chính phủ Mỹ của Nga nhằm đa dạng hóa dự trữ của mình nhưng đồng thời cảnh báo giá vàng có thể được điều chỉnh trên thị trường giống như dầu.

"Trong trường hợp có sự suy giảm toàn cầu của các nhà đầu tư trong trái phiếu ở Kho bạc Mỹ, tôi hy vọng sự gia tăng hoạt động đầu cơ vào kim loại quý như vàng nhằm giảm sự tăng giá ảo về giá trị thị trường của vàng" - ông Rojankovski nói.

Theo quan điểm của bà Zhanna Kulakova, nhà tư vấn tài chính tại TeleTrade, cả hai lý do chính trị và kinh tế đã tác động đến quyết định của Ngân hàng Trung ương Nga.

"Ngân hàng Trung ương có thể đã nghĩ rằng họ sẽ đóng băng số trái phiếu Mỹ mà họ nắm giữ liên quan đến các căng thẳng địa chính trị. Bộ Tài chính Nga đã có sự điều tiết, được công bố vào mùa xuân năm nay rằng họ có kế hoạch đa dạng hóa dự trữ của mình" - bà Zhanna Kulakova nhận xét.

Vị nữ chuyên gia cho rằng, Ngân hàng trung ương Nga có thể tái đầu tư số tiền đó vào việc mua trái phiếu và vàng của Trung Quốc.

"Vàng là tài sản hữu hình không thể khấu hao hết trong mọi trường hợp. Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính hoặc chính trị toàn cầu, vàng cũng dễ bị biến động giá theo thời gian nhưng sẽ hữu ích hơn nhiều so với chứng khoán hoặc tiền mặt" - bà Kulakova cho biết.

Nhà phân tích lưu ý rằng việc Nga bán đi số lớn trái phiếu Mỹ có tác động trực tiếp đến đồng USD.

“Trung Quốc - nơi nắm giữ số trái phiếu lớn nhất ở Kho bạc Mỹ (khoảng 1.200 tỷ USD), có thể ảnh hưởng đến tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu của Mỹ. Nếu bạn bán một lượng lớn trên thị trường, thì tỷ giá USD sẽ bị lung lay” - bà Kulakova nói.(ĐVO)
----------------------

Sầu riêng Thái mượn Việt Nam sang TQ: Lo nỗi sầu chung

Doanh nghiệp Việt Nam được chút lãi lời nhưng việc nhập sầu riêng của Thái Lan rồi xuất sang Trung Quốc sẽ đưa ra tín hiệu sai về thị trường.

Tờ Nikkei của Nhật cho biết, trong năm 2017, xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan có sự thay đổi mạnh mẽ khi Việt Nam vượt mặt Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu sầu riêng lớn nhất của Thái Lan.

Trong năm 2017, lượng xuất khẩu sầu riêng từ Thái Lan sang Trung Quốc giảm 29% trong khi đó xuất khẩu sang Việt Nam tăng gấp ba lần lên 256.000 tấn. Con số này cao gấp 26 lần so với ba năm trước đó.

Theo Hiệp hội Các nhà xuất khẩu tỉnh Chanthaburi, trong số sầu riêng xuất sang Việt Nam, có đến 80% hoặc 90% sầu riêng được tái xuất sang Trung Quốc.

Điều này đồng nghĩa với việc Thái Lan chỉ đang mượn Việt Nam là nơi để tạm nhập và tái xuất sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.

Bình luận về tình trạng này, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) khẳng định, hoạt động tạm nhập tái xuất là bình thường và được pháp luật cho phép, doanh nghiệp thấy có lãi thì làm.

Có thể xuất khẩu trực tiếp sầu riêng của Thái Lan sang Trung Quốc gặp khó khăn, không xuất được nhiều do quan hệ thương mại, logistics, vận chuyển, chuỗi cung ứng... có vấn đề. Các nhà kinh doanh thấy rằng xuất khẩu sầu riêng trực tiếp từ Thái Lan sang Trung Quốc không lãi bằng xuất từ Việt Nam vừa nhanh vừa nhiều nên nhập sầu riêng Thái Lan về Việt Nam rồi bán sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, hiện tượng trên chứng tỏ chính sách của Việt Nam có vấn đề, có thể ở một khâu nào đó như khâu sản xuất, khâu thương mại, hoặc khâu quản lý, kinh doanh..., hoặc tất cả các khâu.

"Các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp, Bộ Công thương nghĩ gì về hiện tượng ấy? Thị trường Trung Quốc có nhu cầu sầu riêng lớn, nhập nhiều, có thể xuất khẩu được, tại sao Bộ Nông nghiệp không phát triển? Còn Bộ Công thương phải xem lại việc khai thác thị trường Trung Quốc thế nào, quản lý thế nào để hàng nước ngoài đội lốt xuất xứ Việt Nam rồi xuất khẩu qua Trung Quốc.

Đáng lẽ thấy thị trường như vậy thì cơ quan chức năng phải tổ chức lại sản xuất ở Việt Nam. Nếu giống kém thì tìm giống tốt, chăm sóc, bảo quản, xuất khẩu... ra sao, tất cả phải được tổ chức. Bởi quản lý ở Việt Nam quá kém nên mới khiến thị trường biến dạng như thế.

Sự quản lý yếu kém này thể hiện ở nhiều mặt hàng, từ gạo đến trái cây, thịt lợn... Tất nhiên, cũng phải thừa nhận sản xuất, kinh doanh của Việt Nam còn tự phát, Nhà nước không tổ chức được.", ông Nam nhận xét.

thai lan muon viet nam de xuat khau sau rieng sang trung quoc. anh: nikkei

Thái Lan mượn Việt Nam để xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Ảnh: Nikkei

Cũng theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, không chỉ sầu riêng, mà nhiều loại trái cây khác của Thái Lan cũng được nhập khẩu vào Việt Nam rồi xuất khẩu 100% sang  Trung Quốc.

Đáng lo là việc tạm nhập tái xuất ấy được tính vào kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam, gây nhầm lẫn về số liệu cũng như nhu cầu của thị trường. Hệ quả là, nông dân nhầm tưởng về tiềm năng xuất khẩu trái cây của Việt Nam, đổ xô đi trồng những loại trái cây đó và sẽ lãnh đủ.

"Nhà quản lý ham thành tích thì sẽ lấy những con số đó để kê khai. Với doanh nghiệp cũng không có vấn đề gì vì đã kinh doanh thì phải tìm được hàng, có hàng thì phải có nơi mua thì họ mới bán được để có chênh lệch.

Nhưng thực chất chúng ta có gì? Xuất khẩu được nhiều nhưng thực ra chỉ là xuất hộ cho nước khác, rồi ngộ nhận đó là nhờ sản xuất của mình phát triển, trong khi thực ra sản xuất lại kém.

Lo ngại hơn, người nông dân sẽ phải trả giá. Khi "bé cái nhầm" về tiềm năng của thị trường, lại không có quản lý, hướng dẫn, điều tiết, người nông dân sẽ làm theo cảm nhận của họ, mà cảm nhận ấy nhiều khi là sai, không đúng quy luật thị trường, cuối cùng người nông dân lãnh đủ", PGS.TS Nguyễn Văn Nam phân tích.

Vị chuyên gia dẫn lại trường hợp của sầu riêng làm ví dụ. Theo đó, thời gian qua, nhiều tờ báo đưa tin, do giá sầu riêng tăng mạnh, nông dân các tỉnh Tây Nguyên đổ xô trồng loại cây này nên nhu cầu cây giống lớn, các vườn ươm mạnh tay thu mua sầu riêng hạt để ươm giống, đẩy giá hạt sầu riêng cao gấp 5-6 lần so với năm ngoái.

Đặt câu hỏi về mối liên hệ giữa việc xuất khẩu sầu riêng từ Việt Nam tăng mạnh với việc người dân đua nhau trồng sầu riêng, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho biết: "Không loại trừ khả năng nông dân ngộ nhận sầu riêng làm ăn tốt, thi nhau trồng, trong khi đó cơ quan quản lý không quản lý được giống, không quản lý được chăm sóc, chất lượng, cuối cùng kịch bản khó tránh là cung vượt quá cầu, nông dân trồng xong không bán được và lãnh đủ.

Tình trạng ấy trước đây đã xảy ra rất nhiều, với nhiều loại cây và giờ đến lượt sầu riêng".

Từ đây, vị chuyên gia nhấn mạnh, phải xem xét lại những vấn đề này, từ quản lý tạm nhập tái xuất đến việc tổ chức lại sản xuất trong nước sau khi nắm bắt được nhu cầu của thị trường. Hướng dẫn người dân trồng loại sầu riêng gì, loại nào, chất lượng, chăm sóc ra sao, tổ chức sản xuất, thu mua, chuỗi cung ứng... Có như vậy sản phẩm sản xuất ra mới bán được.

"Những việc này phụ thuộc vào nhà quản lý. Nếu cứ để xảy ra hiện tượng này thì doanh nghiệp dẫu được chút lãi nhưng nó lại đưa ra  tín hiệu sai về thị trường, từ đó nhiều ngành phải trả giá và cuối cùng khốn khổ nhất vẫn là người nông dân", ông Nam cảnh báo.(Baodatviet)
----------------------

Xin khai thác 100.000 tấn quặng bán cho Trung Quốc: Không dễ

Khai thác khoáng sản là loại hình sản xuất, kinh có điều kiện, khai thác phải có kế hoạch, không phải doanh nghiệp muốn xin là được.

Liên quan tới thông tin một doanh nghiệp có trụ sở hoạt động tại tỉnh Lào Cai xin khai thác 100.000 tấn quặng sắt từ mỏ Quý Xa để đem bán cho đối tác của mình ở Trung Quốc, ông Đỗ Trường Giang - Giám đốc Sở Công thương Lào Cai khẳng định, chưa nhận được kiến nghị nào từ phía doanh nghiệp.

doanh nghiep xin khai thac 100.000 tan quang sat de ban cho trung quoc. anh minh hoa

Doanh nghiệp xin khai thác 100.000 tấn quặng sắt để bán cho Trung Quốc. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, ông Giang cũng nhấn mạnh, mỏ quặng Quý Xa đã được Bộ Công thương cấp phép độc quyền cho Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM) được quyền khai thác tại quặng này trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2020.

Theo ông Giang, khai thác khoáng sản là loại hình kinh doanh có điều kiện, do đó, việc khai thác phải có kế hoạch rất cụ thể.

Mỏ Quý Xa đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác với công suất khai thác 3 triệu tấn mỗi năm.

Đây là dự án mà Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) liên danh với Trung Quốc với tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng. Sau 2 năm đi vào hoạt động, lỗ lũy kế của VTM đã lên tới 1.077 tỷ đồng. 

Dự án cũng đang là một trong 12 doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính thuộc ngành Công Thương đang được Chính phủ cũng như các bộ ngành tập trung tháo gỡ.

Dự án chủ yếu cung cấp quặng sắt là nguyên liệu cho Nhà máy Gang thép Lào Cai, với khối lượng tiêu thụ trong nước khoảng 2,3 triệu tấn/năm, doanh nghiệp này đã có đề xuất xin được xuất khẩu 700.000 tấn quặng còn dư thừa so với công suất được cấp phép nhằm tháo gỡ khó khăn. 

Riêng Liên doanh Việt - Trung xuất khẩu 200.000 tấn, số còn lại do hai đối tác khác đã được Chính phủ cấp phép xuất khẩu.

"Đây là chủ trương của Chính phủ nhằm giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, khi doanh nghiệp đã hoạt động ổn định, việc xuất khẩu quặng thô cũng phải được xem xét lại", ông Giang cho biết.

Ông Giang nói rõ, các đối tác khác chỉ có thể hợp tác mua lại sản phẩm của Liên doanh Việt - Trung để xuất khẩu hoặc phục vụ sản xuất, các doanh nghiệp chưa được cấp quyền khai thác không được thực hiện khai thác tại mỏ này.

Về phía địa phương, Giám đốc Sở Công thương Lào Cai cho biết, nếu nhận được đề xuất từ phía doanh nghiệp, Sở sẽ xem xét 3 vấn đề.

"Thứ nhất, cần phải xem xét quyền khai thác của doanh nghiệp này.

Thứ hai, phải xem xét đề xuất của doanh nghiệp dựa trên cơ sở nào? Nếu là khó khăn thì khó khăn kiểu gì?

Thứ ba, việc khai thác hiện mới được cấp độc quyền cho Liên doanh Việt - Trung, trong trường hợp có đối tác mới xin khai thác thì phải xem xét hợp đồng giữa các bên sẽ được thực hiện thế nào? Chính phủ có cho phép không?...

Nếu nhận được đề xuất từ doanh nghiệp, Sở sẽ xem xét, đánh giá đầy đủ các yếu tố trên để có báo cáo tham mưu cho địa phương trước khi trình Chính phủ", ông Giang nói.(Baodatviet)

Trở về

Bài cùng chuyên mục