Nới lỏng điều kiện cho kinh doanh bảo hiểm; Khai thông đầu tư nước ngoài vào các dự án PPP; Thị trường nào Việt Nam nhập siêu và xuất siêu trên 1 tỷ USD?; 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 120,15 tỷ USD
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 23-06-2018
- Cập nhật : 23/06/2018
Bộ Thương mại Mỹ điều tra thép "trục lợi" sau thuế quan
Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cho biết, Bộ Thương mại Mỹ đang điều tra việc tăng giá thép gần đây để xác định liệu một số doanh nghiệp tham gia thị trường có "trục lợi bất hợp pháp" từ các mức thuế mới.
Bộ trưởng Ross nói với Ủy ban Tài chính Thượng viện rằng giá thép trên thị trường Mỹ đã tăng cao hơn mức thuế 25% do Tổng thống Trump đặt ra, có thể là do "hoạt động đầu cơ" và một số thị trường trung gian đang giữ lại hàng tồn kho.
Giá thép cuộn cán nóng kỳ hạn tháng 6 của Mỹ ngày 20/6 được báo giá ở mức 902 USD/tấn trên sàn giao dịch New York, tăng 53% so với mức giá 589 USD/tấn một năm trước.
Bộ trưởng Ross cho biết, không có lý do gì để giá thép tăng nhiều hơn tỷ lệ phần trăm của thuế quan và đó là những gì đã xảy ra. Rõ ràng đây là kết quả của hành vi gây rối của những doanh nghiệp tham gia trong ngành.
Bộ trưởng không nêu tên bất kỳ bên nào chịu trách nhiệm về việc tăng giá. Tuy nhiên, ông cho biết việc khởi động lại một số nhà máy trong nước sẽ giúp giảm bớt bất kỳ hạn chế nguồn cung nào vào cuối năm nay, dẫn đến việc khởi động lại các dự án khai thác lò luyện kim ở thành phố Granite, Illinois.
Ông cũng cho biết, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa ra quyết định đối với 98 yêu cầu về loại trừ sản phẩm thép của các công ty, trong đó phê duyệt 41 và từ chối 56.
Bộ Thương mại Mỹ đã nhận được hơn 20.000 yêu cầu loại trừ sản phẩm thép, với gần 4.000 đơn phản đối. Đối với nhôm, Bộ Thương mại đã nhận được 2.503 yêu cầu loại trừ sản phẩm với 98 phản đối.
Ông Ross cho biết, trong trường hợp loại trừ sản phẩm được chấp nhận, các công ty sẽ được hoàn lại các mức thuế mà họ phải trả khi nhập khẩu thép và nhôm.
Ngoài mức thuế 25% đối với thép, chính quyền Trump áp đặt mức thuế 10% đối với hàng nhập khẩu thép từ một số quốc gia nhất định.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết các yêu cầu loại trừ thép được đưa ra vào ngày 20/6 bao gồm 7 công ty khác nhau nhập khẩu các sản phẩm thép từ Nhật Bản, Thụy Điển, Bỉ, Đức và Trung Quốc.
Các công ty bao gồm nhà sản xuất dao cạo Schick Manufacturing Inc, nhà sản xuất dao cắt Nachi America, nhà cung cấp thép đặc biệt Hankev International, nhà sản xuất dây Zapp Precision Wire và nhà sản xuất thiết bị nhà máy thép Woodings Industrial Corp.
Bộ trưởng Ross cũng cho biết Bộ Thương mại Mỹ đang trong giai đoạn đầu của điều tra an ninh quốc gia Mục 232 đối với ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu, và không có quyết định nào liên quan đến việc thuế quan có được đảm bảo hay không.
Ông Ross cho biết, Bộ Thương mại Mỹ đã cố gắng tiến hành điều tra theo một cách rất cởi mở và minh bạch, "chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để tránh bất kỳ hậu quả không mong muốn nào xảy ra."(Thoidai)
---------------------------
Vỡ mộng đại dự án cao su
Hàng ngàn hecta rừng tự nhiên đã bị bức tử để nhường chỗ cho doanh nghiệp trồng cây cao su nhưng sau đó, cây chết hoặc kém phát triển, doanh nghiệp lại tìm cách chuyển đổi sang cây trồng khác.
Ngày 19-6, ông Kpah Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, xác nhận đã nhận được văn bản phản hồi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) về việc tỉnh này đề xuất xử lý diện tích cây cao su trồng trên đất rừng nghèo đã chết hoặc kém phát triển trên địa bàn. Tuy nhiên, chưa rõ nội dung phản hồi do ông bận họp nên chưa thể trả lời.
Phá gần 30.000 ha rừng
Từ hàng chục năm trước, do được mệnh danh "vàng trắng" nên hàng loạt doanh nghiệp (DN) đua nhau xin dự án để trồng cây cao su trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Các dự án này được DN vẽ ra như bức tranh đẹp nên tỉnh đồng ý cho chuyển đổi hàng chục ngàn hecta rừng "nghèo" để trồng cao su.
Thực hiện chủ trương phát triển cây cao su vùng Tây Nguyên đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020, UBND tỉnh Gai Lai đã cho phép 16 DN triển khai 44 dự án trồng cây cao su. Tổng diện tích được cho phép chuyển đổi sang trồng cây cao su là 32.405,5 ha. Trong đó, 29.188 ha đất có rừng tự nhiên và 3.217,5 ha chưa có rừng. Tỉnh đã thu hồi 1322,8 ha giao cho đơn vị khác quản lý. Diện tích đã trồng cây cao su 25.346,4 ha, trong đó có tới 49,95% cây chết, kém phát triển.
Diện tích cây cao su ở xã Ia Blứ, huyện Chư Pứh, tỉnh Gia Lai đã trồng nhiều năm nhưng kém phát triển hoặc chết
Năm 2015, qua giám sát, HĐND tỉnh Gia Lai kết luận có tới 10,2% diện tích cây cao su chết và kém phát triển; 65% diện tích cây có tỉ lệ sống thấp, kém phát triển; đặc biệt, gần 2.100 ha rừng dù đã khai thác, tận thu hàng ngàn mét khối gỗ nhưng lại không trồng cây cao su.
Chẳng hạn, tại huyện Đức Cơ, cây cao su chậm phát triển, dù đã đến tuổi khai thác nhưng thân chỉ bằng cổ tay. Còn tại huyện Chư Pứh, diện tích cây cao su hầu như èo uột, kém phát triển. Số diện tích cây kém phát triển ở các địa phương khác như Chư Prông, Ia Pa… do ít được các DN đầu tư, chăm sóc, thậm chí có dấu hiệu bỏ mặc.
Ông Lê Quang Vang - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blứ, huyện Chư Pứh - thừa nhận trên địa bàn có 7 DN trồng cao su từ việc chuyển đổi rừng nghèo. Vừa qua, lực lượng chức năng kiểm tra 3/7 DN thì thấy diện tích cây cao su trồng không đạt hiệu quả, như còi cọc, cháy và chết khoảng 700 ha. "Nhiều nơi có cây cao su chết. Cây trồng từ năm 2009 nhưng nay có chỗ thân chỉ bằng bắp tay. Nguyên nhân không hiệu quả do trồng trên đất không phù hợp" - ông Vang đúc kết.
Tự ý chuyển đổi
Theo UBND tỉnh Gia Lai, việc cây cao su chết, kém phát triển chủ yếu là do đất đai, thổ nhưỡng không phù hợp; tầng đất canh tác chỉ sâu khoảng 50 cm, thành phần đất cơ giới không phù hợp nên cây chỉ sinh trưởng được trong 2-3 năm đầu, những năm sau không phát triển.
Thấy trồng cây cao su không hiệu quả, nhiều DN "chán đời", tự ý chuyển đổi mục đích (trên một phần diện tích) từ cây cao su sang trồng loại cây khác. Một trong những DN đi đầu là Công ty CP Trồng rừng công nghiệp Gia Lai (thuộc Công ty Hoàng Anh Gia Lai) được giao 1.526 ha đất tại huyện Ia Pa để trồng cao su. Tuy nhiên, mới trồng một phần diện tích nhưng cây cao su rất kém phát triển nên công ty chuyển sang trồng mía và xây dựng trang trại nuôi bò.
Ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Gia Lai, cho biết UBND tỉnh đã có văn bản gửi cấp trên kiến nghị cho phép các DN được trồng các loại cây khác trên diện tích cây cao su bị chết tập trung theo lô, đám và trên diện tích kém phát triển mà trước đây trồng trên diện tích đất chưa có rừng; các DN có diện tích cây cao su kém phát triển, bị chết đã trồng trên đất có rừng được thay đổi cơ cấu cây trồng khác bao gồm cây lâm nghiệp, cây nông nghiệp hoặc cây công nghiệp khác; đối với diện tích cây cao su chết, kém phát triển xin chuyển qua trồng các loại cây khác không phải mục đích lâm nghiệp, các chủ đầu tư phải thực hiện trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế vào quỹ phát triển rừng của tỉnh…
Một đại biểu HĐND tỉnh Gia Lai đặt vấn đề trước khi thực hiện, các dự án được nghiên cứu như thế nào mà để dẫn đến tình trạng cây cao su chết, kém phát triển do đất đai không phù hợp. Cây cao su chết thì mục đích tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương không đạt được. Đặc biệt, các DN tự ý chuyển đổi cây trồng so với mục đích ban đầu đã kéo theo nhiều vấn đề khác, như trái luật buộc các cơ quan quản lý nhà nước phải giải quyết.(NLĐ)
--------------------
TP.HCM trông vào xe sang về cuối năm để bù giảm thu ngân sách
Với lượng xe sang đã được các doanh nghiệp nhập khẩu lên kế hoạch, ước tính Cục Hải quan TP.HCM có thể thu ngân sách Nhà nước thêm khoảng 3.000-4.000 tỉ đồng vào những tháng cuối năm.
Xe hơi về VN vẫn đang nhỏ giọt khiến cơ quan hải quan đang giảm thu - Ảnh: N.Bình
Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Đinh Ngọc Thắng cho biết dự kiến cuối quý 3 và đầu quý 4-2018, một lượng lớn ô tô dòng sang nhập khẩu từ châu Âu và Bắc Mỹ sẽ vào Việt Nam theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.
Với lượng xe đã được các doanh nghiệp nhập khẩu lên kế hoạch, ước tính Cục Hải quan TP.HCM có thể thu ngân sách Nhà nước thêm khoảng 3.000-4.000 tì đồng, giải quyết phần nào tình trạng giảm thu hiện nay của đơn vị này.
Theo Cục Hải quan TP, 5 tháng đầu năm 2018m kim ngạch ô tô nhập khẩu dưới 9 chỗ của cả nước đạt khoảng 248 triệu USD, riêng TP.HCM chỉ đạt 21,512 triệu USD, chỉ chiếm 8,67% tổng kim ngạch mặt hàng này cả nước.
Điều này cho thấy ô tô về TP.HCM đang ít hơn nhiều địa phương khác, tác động vào số thu ngân sách Nhà nước của Cục hải quan TP.HCM.
Theo đó, thu ngân sách Nhà nước từ ô tô của đơn vị hiện chỉ đạt xấp xỉ 2.000 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lên đến 7.400 tỉ đồng.
Ngoài ra, các dòng thuế FTA có hiệu lực từ đầu năm 2018 cũng làm cho mỗi tháng, hải quan TP.HCM thất thu thêm 700 đến 800 thỉ đồng. Riêng trong 5 tháng 2018 giảm thu từ các dòng thuề FTA đã lên khoảng 4.000 tỉ đồng.
Như vậy, chỉ trong 6 tháng đầu năm, Hải quan TP.HCM giảm thu lên đến 9.400 tỉ đồng, chỉ đạt gần 50.100 tỉ đồng, trong khi chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước được giao, năm 2018 cho Hải quan TP.HCM phải thu được 108.000 tỉ đồng.(Tuoitre)
-------------------------
Thêm 43 cơ sở đào tạo lái xe
Bộ GTVT vừa ban hành Quyết định bổ sung quy hoạch cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ và trung tâm sát hạch lái xe cơ giới.
Cơ sở đào tạo sát hạch lái xe ở quận 7 (TP.HCM) - ĐÀO NGỌC THẠCH
Theo đó, Bộ GTVT quy hoạch đến ngày 31.12.2018, trên cả nước sẽ có tổng số 386 cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ, trong đó mở mới 43 cơ sở; còn lại nâng cấp 343 cơ sở để tăng năng lực, lưu lượng đào tạo.
Đồng thời, mở mới 36 trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ để phù hợp với quy hoạch toàn quốc có tổng số 155 trung tâm trong năm nay.
Trước đó, UBND TP.HCM cũng vừa kiến nghị Bộ GTVT cho phép TP mở thêm 3 cơ sở đào tạo lái xe, quy mô tối thiểu 500 học viên. Các cơ sở này được bố trí nằm ngoài khu trung tâm TP, không gây ùn tắc giao thông, ưu tiên nơi chưa có cơ sở đào tạo lái xe.
Theo UBND TP, hiện tổng số ô tô trên địa bàn mà TP quản lý là hơn 675.000 xe, tổng số giấy phép lái ô tô cấp mới gần 154.000. Quy hoạch đến năm 2020 TP sẽ có 57 cơ sở đào tạo lái xe trên tổng số dân khoảng 10 triệu người là chưa phù hợp. Phải nâng lên thành 60 cơ sở mới có thể đáp ứng nhu cầu.(Thanhnien)