tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 24-06-2018

  • Cập nhật : 24/06/2018

Doanh nghiệp Nhật đổ hàng chục tỷ USD phát triển công nghệ ô tô

Các hãng xe Nhật như Toyota Motor, Nissan Motor, Honda Motor, Suzuki Motor và Mazda Motor đang dành ra ngân sách nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn chưa từng có.

anh: upi

Ảnh: UPI

Các hãng xe hàng đầu của Nhật có kế hoạch chi tiêu kỷ lục 2,95 nghìn tỷ yên, tương đương 26,8 tỷ USD vào các kế hoạch nghiên cứu và phát triển cho năm tài khóa 2018 trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu tăng cao và công nghệ thông tin được sử dụng ngày một nhiều trong ngành ô tô.

Phần lớn tiền sẽ được đầu tư để phát triển ô tô kết nối, xe tự lái, phương tiện chia sẻ và chạy điện - những thách thức này lớn đến nỗi các hãng ô tô đang cố gắng cạnh tranh để có thể đối đầu với các công ty công nghệ lớn có tiềm lực tài chính mạnh như Google.

Các hãng xe Nhật như Toyota Motor, Nissan Motor, Honda Motor, Suzuki Motor và Mazda Motor đang dành ra ngân sách nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn chưa từng có. Ngân sách nghiên cứu của Mitsubishi Motors hiện lớn nhất từ năm 2003. Nếu tính cả ngân sách R&D của Subaru, tổng ngân sách nghiên cứu hẳn sẽ tăng khoảng 1,3 tỷ USD và như vậy có năm tăng thứ 2 liên tiếp.

Trong năm tài khóa hiện tại, Toyota đã dành ra 9,8 tỷ USD riêng cho hoạt động R&D. Hiện tại Toyota đang làm việc với nhiều đối tác. Trong tháng 3/2018, Toyota thông báo thành lập liên doanh với nhóm các nhà cung cấp phụ tùng bao gồm Denso và Aisin Seiki. Ba công ty này dự kiến sẽ dành ra 2,7 tỷ USD cho ngân sách R&D trong vài năm tới.

Toyota cũng đã cùng với Mazda và Denso thành lập một bộ phận riêng để phát triển các công nghệ cốt lõi phát triển các thiết bị điện. Suzuki và Subaru cũng tham gia vào chương trình này. Toyota ngoài ra cũng hợp tác với Panasonic để phát triển các loại pin. 

Các đối thủ Âu Mỹ đang chi tiêu mạnh tay vào hoạt động R&D hơn cả các công ty Nhật. Năm tài khóa 2017, ngân sách R&D của Volkswagen đạt 11,6 tỷ euro, tương đương 13,4 tỷ USD, gần tương đương với tổng ngân sách R&D của 7 hãng xe Nhật. 

Khi công nghệ thông tin được ứng dụng ngày một nhiều trong ngành ô tô, Alphabet – công ty mẹ của Google tiêu 16,6 tỷ USD cho hoạt động R&D trong năm ngoái, trong khi đó Apple chi tiêu vào hoạt động này ước khoảng 11,5 tỷ USD.

Những khoản chi tiêu trên bao gồm cả nhiều khoản không dành cho ngành ô tô, thế nhưng Chủ tịch của Toyota, ông Akio Toyoda, từng nói rằng chi tiêu của các công ty công nghệ vào phát triển ô tô thậm chí còn cao hơn vài lần so với chính các công ty ô tô.(Bizlive)
-------------------------

Nội bộ chính quyền Mỹ bất đồng sâu sắc về chính sách với Trung Quốc

Trong nội bộ chính quyền Tổng thống Trump hiện nay đang tồn tại nhiều quan điểm về việc như thế nào được coi là một chiến thắng trước Trung Quốc.

Một số quan chức Nhà Trắng đang cố gắng tái khởi động các cuộc đối thoại với Trung Quốc nhằm ngăn rủi ro chiến tranh thương mại trước khi các biện pháp thuế quan mới mà Mỹ đánh vào hàng Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực vào ngày 6/7/2018, theo 3 người có hiểu biết về vụ việc này.

Số quan chức này sẵn sàng hợp tác nhằm chống lại những người có quan điểm cứng rắn trong chính quyền.

Thành viên của Hội đồng kinh tế quốc gia (NEC) đã có những kết nối với các cựu quan chức chính phủ Mỹ và Trung Quốc trong những ngày gần đây nhằm đánh giá về cơ hội để có được những cuộc đối thoại cấp cao trong khoảng 2 tuần tới. Thành viên của NEC thậm chí còn tính tới sẽ mời Phó Chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn tham gia các cuộc đối thoại trước thời hạn áp dụng của các biện pháp thuế quan. 

Những nỗ lực trên cho thấy nhiều quan chức Mỹ đang cố gắng hoãn lại việc áp dụng đánh thuế với khoảng 34 tỷ USD hàng Trung Quốc chứ không muốn có một cuộc chiến tranh thương mại nổ ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. 

Dù vậy, cơ hội có những cuộc đàm phán trong ngắn hạn khá thấp khi mà nhiều người phản đối chính quyền muốn trừng phạt Bắc Kinh. Cũng không có dấu hiệu gì cho thấy Tổng thống Donald Trump sẽ bớt cứng rắn trong các vấn đề liên quan đến Trung Quốc.

Chính quyền Mỹ đã tuyên bố rằng sau ngày 6/7/2018, chính sách thuế với thêm khoảng 16 tỷ USD hàng Trung Quốc sẽ chính thức được áp dụng sau khoảng thời gian nhận phản hồi từ công chúng. Tuần qua, thị trường chứng khoán Mỹ đã chịu tác động xấu từ những lời đe dọa về các biện pháp thuế quan, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã có nhiều phiên giảm liên tiếp.

Sau khi Trung Quốc nhanh chóng đáp trả Mỹ bằng các biện pháp thuế quan áp với giá trị hàng hóa tương đương nhập khẩu từ Mỹ, và lộ trình cũng giống phía Mỹ, trong ngày thứ Hai, Tổng thống Trump đã yêu cầu văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ tiếp tục tính đến việc đánh thuế thêm với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc. Nhóm mặt hàng này sẽ phải chịu thuế 10%. Chính quyền chưa công bố mốc thời gian cụ thể cho các chính sách thuế mới.

Trong nội bộ chính quyền Tổng thống Trump hiện nay đang tồn tại nhiều quan điểm về việc như thế nào được coi là một chiến thắng. Người có quan điểm cứng rắn như Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và tư vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro đang hối thúc để đưa ra những thay đổi cấu trúc đối với chính sách liên quan đến các vấn đề Trung Quốc. 

Trong khi đó Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và giám đốc NEC Larry Kudlow muốn hướng đến thỏa thuận làm giảm thâm hụt thương mại 2 chiều.(Bizlive)
---------------------------

EU áp thuế lên hàng hóa Mỹ để đáp trả

EU hôm nay bắt đầu áp thuế với các sản phẩm từ Mỹ như bourbon, quần jean và xe máy đáp trả chính sách của Tổng thống Donald Trump.

Thuế sẽ có hiệu lực từ 0h ngày 22/6 (giờ Brussels), theo thông báo từ Liên minh châu Âu (EU).

EU sẽ áp thuế với các hàng hóa Mỹ trị giá 2,8 tỷ euro (3,3 tỷ USD), trong đó có rượu bourbon, quần jean, xe máy, việt quất, nước ép việt quất, nước ép cam, ngô ngọt, bơ lạc, đồ trang điểm và sản phẩm thép.

Đây là động thái đáp trả việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên báo áp thuế 25% với thép và 10% với nhôm nhập khẩu từ EU, Canada và Mexico.

Cao ủy về thương mại EU Cecilia Malmstrom nói họ “không còn lựa chọn nào khác” ngoài áp thuế trả đũa “quyết định đơn phương và phi lý của Mỹ”.

Quyết định của EU được cho là sẽ khiến thị trường chứng khoán thế giới, vốn đã xấu đi do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, thêm biến động.

“Chúng ta đã có một cuộc chiến thương mại. Và nó là một cuộc chiến thương mại đang leo thang”, Robert Bergqvist, kinh tế trưởng tại SEB, nói.(NDH)
--------------------------

Tập đoàn lớn thứ 3 Hàn Quốc muốn làm cổ đông chiến lược của Vinalines

Ông Cho Hyo Sung - Phó chủ tịch Tập đoàn SK Group trong buổi làm việc ngày 12/6 với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã bày tỏ mối quan tâm đến quá trình cổ phần hóa Vinalines sắp tới và mong muốn tham gia trở thành nhà đầu tư chiến lược.

Quyền Tổng giám đốc Vinalines ông Nguyễn Cảnh Tĩnh đã hoan nghênh và rất mong được cùng hợp tác với tập đoàn SK. Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh cũng giới thiệu một số nội dung chủ yếu của việc IPO Vinalines vào quý 3 năm nay.

Theo phương án cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Vinalines sẽ chào bán 207,9 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 14,8% vốn điều lệ; cổ phần bán đấu giá công khai là 280,9 triệu cổ phần, chiếm 20% vốn. Như vậy Nhà nước sẽ nắm 65% cổ phần tại Vinalines và các nhà đầu tư bên ngoài được mua không quá 35% vốn.

Vinalines tiếp lãnh đạo SK Group

Việc bán đấu giá công khai ra công chúng lần đầu (IPO) sẽ được thực hiện tại Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hà Nội và Vinalines dự kiến tiến hành IPO trong tháng 9/2018. Giá khởi điểm 10.000 đồng/cp, Vinalines được định giá 14.046 tỷ đồng.

Trong hai năm gần đây, tình hình sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã có nhiều khởi sắc. Năm 2017 sản lượng vận tải biển của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đạt gần 25 triệu tấn, tăng gần 7% so với kế hoạch. Tổng doanh thu đạt gần 16.000 tỷ đồng, tăng gần 15% so với kế hoạch năm. Lợi nhuận hợp nhất của Công ty mẹ đạt 515 tỷ đồng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

SK Group là tập đoàn kinh tế kinh doanh đa ngành lớn thứ ba Hàn Quốc với gần 100 chi nhánh, công ty con và hơn 100 văn phòng trên khắp thế giới, tổng doanh thu hơn 70 tỷ USD. Tháng 11/2017, Chủ tịch SK Group đã có chuyến thăm Việt Nam và hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Thủ tướng Chính phủ đã hoan nghênh và khuyến khích tập đoàn SK tham gia vào quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam.(NDH)

Trở về

Bài cùng chuyên mục