Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đề nghị chỉnh sửa 9 luật; Trump dọa đối tác thương mại: Từ bỏ rào cản bảo hộ hoặc đối mặt biện pháp đáp trả; Triều Tiên có thể chọn mô hình kinh tế nào trong tương lai?; Ngân hàng siết vốn bất động sản, giảm lãi suất huy động
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 24-06-2018
- Cập nhật : 24/06/2018
TP HCM sẽ có 5 tập đoàn bán lẻ hàng đầu
Nếu quy hoạch thành công, đến năm 2025, TP HCM sẽ có vị trí vững chắc trên bản đồ thương mại của khu vực Đông Nam Á
Sở Công Thương TP HCM đã phối hợp với các sở, ngành và Viện Nghiên cứu Phát triển TP tổ chức hội nghị công bố quy hoạch phát triển ngành thương mại TP HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vào sáng 22-6.
Đẩy mạnh các kênh phân phối hiện đại
Tại hội nghị, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết quy hoạch phát triển ngành thương mại TP đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 bao gồm cả thương mại nội địa lẫn xuất nhập khẩu, logistics. Lâu nay, TP HCM chưa có quy hoạch này, chỉ có Quyết định 17 của UBND TP ban hành quy hoạch định hướng phát triển hệ thống chợ - siêu thị - trung tâm thương mại trên địa bàn giai đoạn 2009-2015. Vì vậy, quy hoạch tổng thể ngành thương mại sẽ cung cấp những dữ liệu cơ bản để doanh nghiệp (DN) tham khảo cũng như định hướng kế hoạch phát triển.
TP HCM sẽ đẩy mạnh phát triển các kênh phân phối hiện đại, phấn đấu đến năm 2030 đạt 60% Ảnh: TẤN THẠNH
Đối với lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, TP HCM đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng từ 8,55%-11,53%/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2020; từ năm 2021-2025 tăng trưởng 10,89%-14,02%/năm; từ năm 2026-2030 tăng trưởng 6,82%-9,06%/năm. TP HCM sẽ thiết lập môi trường pháp lý thuận lợi giúp các DN bán lẻ cạnh tranh lành mạnh, có điều kiện phát triển nhanh, để đến giai đoạn 2025-2030 hình thành tối thiểu 5 tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Việt Nam.
TP HCM hiện có 207 siêu thị, 43 trung tâm thương mại và 1.100 cửa hàng tiện lợi, chiếm tỉ trọng 21% ngành bán lẻ. Theo mục tiêu đến năm 2020, tỉ trọng bán lẻ hàng hóa theo các loại hình phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị...) đạt tối thiểu 40%, năm 2025 đạt 50% và năm 2030 đạt 60%.
Ngoài ra, TP HCM sẽ xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên cơ sở cân đối hài hòa nhu cầu phát triển và tính khả thi của từng dự án cụ thể.
Xác định bán buôn, bán lẻ là lĩnh vực hoạt động căn bản, thường xuyên, giúp tạo nên vị thế "đầu tàu" cho ngành thương mại TP HCM, từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn năm 2030, TP tiếp tục khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển hệ thống phân phối gắn kết với phát triển du lịch. TP HCM còn khuyến khích phát triển giao dịch thương mại trên thiết bị di động; đẩy mạnh kết hợp đan xen giữa thương mại điện tử với các loại hình phân phối hiện hữu, tạo thành phương thức phân phối đa kênh.
Song song đó, TP HCM khuyến khích DN đầu tư phát triển các chuỗi cửa hàng hiện đại, kinh doanh tổng hợp (cửa hàng tiện lợi) hoặc chuyên doanh lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, phục vụ nhu cầu hằng ngày của người dân khu vực vùng ven, ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất, chung cư xây mới để thay thế và đẩy lùi các điểm kinh doanh tự phát. Đồng thời, khuyến khích các hộ kinh doanh bán lẻ hoạt động chưa hiệu quả chuyển đổi sang mô hình cửa hàng bán lẻ hiện đại.
Nguy cơ bị thâu tóm
Theo ông Hà Ngọc Sơn, Trưởng Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu - Sở Công Thương TP HCM, TP có lợi thế về thương mại dịch vụ do có vị trí địa lý đặc biệt, có đầy đủ dịch vụ hỗ trợ hạ tầng thương mại, nguồn nhân lực chất lượng cao… Quy mô kinh tế TP HCM ngày càng lớn.
Việc hội nhập sâu rộng vào sân chơi thế giới giúp Việt Nam có cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang các nước và ngược lại, hàng hóa các nước đổ vào Việt Nam. Các nhà sản xuất - kinh doanh quốc tế khai thác cơ hội làm ăn ở Việt Nam đã tác động ngược lại vào nền kinh tế nước ta, trong đó có TP HCM.
Tuy nhiên, vấn đề của ngành thương mại TP HCM là cơ sở hạ tầng kỹ thuật của kênh mua sắm hiện đại đã xuống cấp, quản lý lỗi thời. Nhiều nhà bán lẻ ngoại đầu tư chiếm thị phần dẫn đến cạnh tranh thị trường gay gắt và nguy cơ DN Việt Nam bị thâu tóm.
"Các DN trong nước đang gặp áp lực cạnh tranh với DN nước ngoài nhưng Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ theo lộ trình cam kết WTO. Chúng tôi cố gắng sử dụng công cụ kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) để kiểm soát sự phát triển mạng lưới bán lẻ nước ngoài tại TP HCM" - ông Hà Ngọc Sơn cho biết.
Theo ông Sơn, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đang diễn ra nhanh và mạnh hơn. Dễ thấy nhất là xu hướng chuyển dịch nguyên liệu và nhân công. Sản xuất trên địa bàn TP bắt đầu dịch chuyển về các tỉnh có nguồn nguyên liệu, nhân công rẻ hơn và mặt bằng phù hợp hơn. Sắp tới, ngành dệt may, da giày cũng sẽ dần dịch chuyển về các tỉnh. Vì vậy, TP HCM sẽ ưu tiên xuất khẩu mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường để tận dụng cơ hội mở cửa và lộ trình cắt giảm thuế quan với các thị trường mà Việt Nam ký kết hợp tác.
TP HCM cũng sẽ hình thành mạng lưới trung tâm logistics trung chuyển, cung cấp hàng hóa cho hệ thống phân phối trong nội thành; phát triển các trung tâm logistics phục vụ trung chuyển hàng hóa giữa TP với các tỉnh, thành và xuất nhập khẩu để góp phần kéo giảm chi phí sản xuất, lưu thông hàng hóa. TP định hướng lĩnh vực logistics sẽ giữ vai trò nền tảng, tạo sự ổn định, tăng sức cạnh tranh cho toàn ngành thương mại; bán lẻ là hoạt động căn bản, thường xuyên; xúc tiến thương mại và bán buôn là động lực phát triển và thương mại điện tử là mũi đột phá.
Để thực hiện quy hoạch, TP HCM dự kiến triển khai 5 nhóm giải pháp về phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ hỗ trợ thương mại, nguồn vốn, đào tạo nhân lực và nâng cao chất lượng quản lý nhà nước. Trong đó, nguồn lực chính phát triển ngành thương mại sẽ huy động chủ yếu từ khối dân doanh; cơ quan nhà nước chỉ định hướng phát triển để tập trung làm tốt nhiệm vụ kiến tạo, củng cố môi trường kinh doanh thuận lợi, công bằng, bảo vệ quyền, lợi hợp pháp của các chủ thể kinh doanh và người tiêu dùng. (NLĐ)
---------------------------
Sẽ chi trên 545 tỷ đồng để xóa đói đến năm 2025
Ngày 12/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-TTg về Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025. Theo đó, đến năm 2025, sẽ chi trên 545 tỷ đồng cho việc xóa nạn đói. Kinh phí thực hiện chương trình sẽ được lấy từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo; các chương trình mục tiêu, dự án; nguồn vốn sự nghiệp hàng năm và nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.
Chương trình “Không còn nạn đói” là sáng kiến của Tổng Thư ký Liên hợp quốc đưa ra nhằm mục tiêu: (i) 100% dân cư có đủ lương thực quanh năm; (ii) Không còn trẻ em dưới 2 tuổi bị suy dinh dưỡng; (iii) Toàn bộ các hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững; (iv) 100% nông hộ nhỏ tăng năng suất và thu nhập đặc biệt là phụ nữ; và (v) Không còn tổn thất, lãng phí lương thực, thực phẩm.
Đây là Chương trình phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững (SDG2) xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và phát triển nông nghiệp bền vững đã được Chính phủ Việt Nam cam kết thực hiện phù hợp với Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững đang thực hiện tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ đã cam kết với Liên hợp quốc tham gia và triển khai có hiệu quả chương trình này tại Việt Nam, xây dựng và thực hiện Chương trình “Không còn nạn đói” ở Việt Nam. Theo đó, các mục tiêu được cam kết cụ thể như: Đến năm 2025, cơ bản các hộ có đủ lương thực, thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng quanh năm (Giảm tỷ lệ hộ gia đình có mức năng lượng ăn vào bình quân đầu người dưới 1.800 Kcal dưới 5%); Giảm suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới hai tuổi (Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 2 tuổi toàn quốc xuống dưới 20%); Phát triển hệ thống lương thực thực phẩm bền vững (100% hộ tham gia chương trình được tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã và liên kết sản xuất)…
Tổng kinh phí để thực hiện chương trình này là 545,11 tỷ đồng và được chia làm 2 giai đoạn. Cụ thể gồm:
- Giai đoạn 2018 – 2020 là 33,95 tỷ đồng, bao gồm: Nguồn vốn lồng ghép: 14,80 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo; Nguồn vốn huy động: 7,20 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức Quốc tế; Nguồn ngân sách nhà nước: 11,95 tỷ đồng.
- Giai đoạn 2021 – 2025 là 511,16 tỷ đồng, bao gồm: Nguồn vốn lồng ghép: 299,20 tỷ đồng từ nguồn các chương trình, dự án trong giai đoạn 2021-2025; Nguồn vốn huy động: 54,5 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức Quốc tế; Nguồn ngân sách nhà nước: 157,460 tỷ đồng.
Kinh phí thực hiện Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025 được lấy từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo; Các chương trình mục tiêu, dự án; Nguồn vốn sự nghiệp hàng năm và nguồn hỗ trợ của các tổ chức Quốc tế.
Quyết định số 712/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 12/6/2018.(TCTC)
-------------------------
TP. Đà Lạt vào “tầm ngắm” của nhà đầu tư bất động sản
Sau thời gian dài lắng xuống, thị trường bất động sản (BĐS) Đà Lạt đã sôi động trở lại. Nguyên nhân do được chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông đã kéo theo thị trường BĐS thu hút được sự quan tâm của khách hàng và nhiều nhà đầu tư BĐS.
Sức bật từ hạ tầng
Trước đây, Đà Lạt gần như bị cô lập so với các tỉnh lân cận. Nguyên nhân là do sự đi lại khó khăn với TP. Hồ Chí Minh - đô thị lớn nhất nước, thiếu kết nối với các địa phương lân cận và không có đường bay thẳng đi quốc tế. Điều này khiến thị trường BĐS Đà Lạt không có bệ phóng để phát triển.
Hiện nay, hệ thống giao thông kết nối với TP. Hồ Chí Minh đã được đầu tư nâng cấp khang trang hơn rất nhiều. Cụ thể, từ TP. Hồ Chí Minh đi Đà Lạt hiện chỉ mất 4 giờ đồng hồ. Trong tương lai gần, tuyến cao tốc Dầu Giây – Bảo Lộc – Liên Khương hoàn thành sẽ mở cánh cửa cho Đà Lạt dễ dàng kết nối với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ.
Bên cạnh đó, những tuyến đường kết nối với Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu cũng đã được mở rộng hoàn thiện và dễ dàng di chuyển. Trong đó Đà Lạt nằm ở vị trí trung tâm và sở hữu sự khác biệt so với 3 địa phương còn lại. Đặc biệt, sân bay Liên Khương trở thành sân bay quốc tế đã phá vỡ thế “cô độc” của Đà Lạt trên bản đồ hàng không, tạo điều kiện thu hút du khách du lịch và “chia lửa” lượng khách du lịch quốc tế đến miền Nam Trung Bộ của sân bay Cam Ranh.
Ngoài ra, Đà lạt còn là điểm đến lý tưởng của khách du lịch. Theo báo cáo của Sở VH, TT&DL tỉnh Lâm Đồng, năm 2017 lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt – Lâm Đồng tăng đột biến. Tính đến cuối năm 2017, Đà Lạt đã đón trên 5,8 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước (tăng 7,8% so với năm 2016). Lượng khách nội địa đạt 5.4 triệu lượt (tăng 6,3%), năm nay khách quốc tế đến Đà Lạt – Lâm Đồng tăng khá cao với 400 nghìn lượt khách (tăng 35,6% so với năm 2016). Trong đó, có khoảng 4 triệu lượt khách lưu trú (tăng 10,3%), trung bình 2,1 ngày lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch trên địa bàn ước đạt 10.530 tỷ đồng (tăng 7,8% so với năm 2016).
Số khách sạn 4 – 5 sao ở Đà Lạt luôn đạt công suất lấp đầy cao. Mùa cao điểm vào các dịp lễ tết đạt đến 95%, thậm chí tình trạng "cháy phòng" cũng diễn ra thường xuyên.
Cơn lốc đổ bộ của nhà đầu tư
Trong thời gian qua, nhiều chủ đầu tư lớn trên thị trường BĐS đã thể hiện tham vọng tiến về Đà Lạt. Điển hình là nhiều dự án nhà ở, trung tâm thương mại, khu nghĩ dưỡng có quy mô lớn. Đơn cử như khu đô thị Nam Đà Lạt hay khu phức hợp nghỉ dưỡng rộng hơn 250 ha tại hồ Tuyền Lâm, hay như sự kiện mới đây nhất, chủ đầu tư STC Corporation vừa chính thức trình làng thành phố Đà Lạt dự án Hometel đầu tay Sungarden Đà Lạt tọa lạc tại số 2 Nam Hồ, Thành phố Đà Lạt…
Theo đó, Sungarden Đà Lạt là chuỗi căn hộ hometel (Căn hộ Hometel là sự kết hợp của căn hộ để ở (Home) và khách sạn (Hotel) tạo lên một loại căn hộ Hometel mới được sở hữu lâu dài và có chất lượng dịch vụ tiện nghi đầy đủ như một khách sạn) được quy hoạch đồng bộ với đầy đủ các yếu tố tiện ích, tiện lợi trong việc ở và đi lại; tọa lạc tại số 2 Nam Hồ, Thành phố Đà Lạt.
Dự án nằm trên khu đất có tổng diện tích 2.909,75 m2. Quy mô 3 Block với 134 căn hộ có diện tích từ 58,3 m2 đến 79,76 m2. Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Quản lý Đầu tư STC (STC INVEST) - trực thuộc hệ thống STC CORPORATION. Đơn vị tư vấn giám sát là Công ty TNHH Tư Vấn STC (SQC). Tổng thầu thi công là Công ty TNHH Xây Lắp Phương Nam (SCC). Đơn vị phân phối là Công ty TNHH Dịch vụ Địa ốc STC (SRC).
Việc sở hữu vị trí lý tưởng nằm trên “trục di sản Đà Lạt” với những công trình kiến trúc lâu đời nổi tiếng, gần Hồ Xuân Hương, Hồ Than Thở, Dinh I, Dinh III Bảo Đại… và một số thắng cảnh: Chùa Linh Sơn, Chùa Linh Phước, Thiền Viện Trúc Lâm, Lang Biang, Thung lũng Tình yêu,….., Sun Garden Đà Lạt ngày càng mang lại giá trị vượt trội, tỉ suất lợi nhuận cao.
Theo các chuyên gia, Đà Lạt hiện tại đang hội đủ các yếu tố để phát triển thị trường BĐS. Đặc biệt là khi hạ tầng mở lối đã phá vỡ mọi khoảng cách, Đà Lạt sẽ hút các nhà phát triển BĐS và nhà đầu tư cá nhân muốn tìm một thị trường mới hấp dẫn hơn so với các thị trường truyền thống.
Thêm vào đó, sau khi triển khai chủ trương về "Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030" của Chính phủ, các dự án đầu tư vào hạ tầng đang được triển khai nhộn nhịp. Việc này đã "thổi" một làn gió mới vào thị trường BĐS Đà Lạt trong những năm gần đây.(KTNT)