tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 23-08-2018

  • Cập nhật : 23/08/2018

Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu dầu mỏ từ Iran bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ

Trung Quốc đang lờ đi những lệnh trừng phạt của Mỹ, sẽ sử dụng tàu chở dầu từ Iran để mua dầu thô của nước này. Động thái này đã tung ra một phao cứu trợ cho Tehran trong khi các công ty châu Âu như Total của Pháp rời khỏi Iran do lo sợ sự trả thù từ Washington.

Mỹ đang cố gắng dừng xuất khẩu dầu của Iran trong một nỗ lực buộc Tehran đàm phán một thỏa thuận hạt nhân mới và để hạn chế ảnh hưởng của họ ở Trung Đông.

Trung Quốc (nước đã cắt giảm nhập khẩu dầu thô từ Mỹ trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Washington) cho biết họ phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương và bảo vệ mối quan hệ của họ với Iran.

Trong ngày 20/8/2018, các nguồn tin trả lời Reuters rằng các khách hàng Trung Quốc mua dầu thô từ Iran đang bắt đầu chuyển lô hàng của họ sang các tàu thuộc sở hữu bởi công ty chở dầu quốc gia Iran (NITC) đối với gần như tất cả dầu nhập khẩu của họ.

Sự chuyển đổi này chứng minh rằng Trung Quốc, khách hàng mua dầu lớn nhất của Iran, muốn tiếp tục mua dầu thô từ nước này bất chấp các lệnh trừng phạt được tái áp đặt sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế năm 2015.

Tehran đã sử dụng một hệ thống tương tự từ năm 2012 tới năm 2016 để phá hoại các lệnh trừng phạt do phương Tây dẫn đầu, mà đã hạn chế xuất khẩu bằng cách làm gần như không có bảo hiểm vận chuyển cho việc kinh doanh với Iran.

Iran, nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 của OPEC, phụ thuộc vào doanh số bán dầu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và EU để tạo ra phần lớn doanh thu ngân sách và giữ nền kinh tế thịnh vượng.

Mỹ đã yêu cầu các khách hàng mua dầu từ Iran cắt giảm nhập khẩu xuống bằng 0 bắt đầu trong tháng 11/2018. Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và hầu hết các nước châu Âu đã sẵn sàng giảm hoạt động với Iran.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chính quyền của Trump đã nhận thức được kế hoạch tiếp tục hợp tác thương mại với Iran của Trung Quốc và nhấn mạnh rằng Washington hoàn toàn cam kết thực hiện các lệnh trừng phạt. Quan chức này cho biết “chúng tôi tiếp tục bàn luận về chính sách của Iran với các đối tác Trung Quốc và những hệ lụy của việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt của chúng tôi”.

Tập đoàn dầu Total của Pháp, trước đây là một trong những khách hàng lớn nhất châu Âu mua dầu từ Iran, cho biết họ không có lựa chọn nhưng dừng nhập khẩu và từ bỏ các dự án tại Iran để bảo vệ hoạt động của họ với Mỹ. Trong ngày 20/8, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh cho biết Total đã chính thức rời khỏi dự án khí đốt South Pars của Iran.

Total sau đó khẳng định họ đã thông báo cho chính quyền Iran rút khỏi dự án South Pars sau khi họ không đạt được sự miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Các quan chức Iran trước đó cho rằng CNPC của Trung Quốc có thể tiếp quản cổ phần của Total và Zanganeh cho biết tiến trình thay thế công ty của Pháp đang diễn ra.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhiều lần kêu gọi bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran và bảo vệ lợi ích của các công ty EU tại Iran.

Nhưng hầu hết các công ty châu Âu đã thừa nhận rằng họ sẽ buộc phải rời khỏi Tehran vì sợ các lệnh trừng phạt và mất quyền tiếp cận các hoạt động đòi hỏi USD.

Vòng trừng phạt đầu tiên của Mỹ có hiệu lực từ ngày 7/8/2018, bao gồm việc cắt đứt quan hệ với Iran và bất kỳ doanh nghiệp nào giao dịch với Iran từ hệ thống tài chính của Mỹ. Lệnh cấm mua dầu của Iran sẽ bắt đầu trong tháng 11/2018. Các công ty bảo hiểm, chủ yếu ở Mỹ hay ở châu Âu bắt đầu giảm kinh doanh với Iran để tuân thủ các lệnh trừng phạt.

Để bảo vệ các nguồn cung của họ, công ty kinh doanh dầu mỏ nhà nước Zhuhai Zhenrong và Sinopec, nhà máy lọc dầu lớn nhất châu Á, đã kích hoạt một điều khoản trong các thỏa thuận cung cấp dài hạn với tập đoàn Dầu quốc gia Iran ( NIOC) cho phép họ sử dụng tàu chở dầu do NITC vận hành.

Giá dầu theo các thỏa thuận dài hạn đã được thay đổi thành cơ sở giao hàng tại tàu (cảng đến quy định) từ điều khoản FOB (giao hàng lên tàu tại cảng bốc hàng quy định) trước đó, nghĩa là Iran sẽ chi trả tất cả các chi phí và rủi ro của việc cung cấp dầu thô cũng như xử lý bảo hiểm.

Trong tháng 7/2018, tất cả 17 tàu chở dầu mang dầu từ Iran sang Trung Quốc được điều hành bởi NITC, theo số liệu vận chuyển của Thomson Reuters Eikon. Trong tháng 6/2018, 8 trong số 19 tàu được Trung Quốc điều hành.

Tháng trước, các tàu này nạp khoảng 23,8 triệu thùng dầu thô và khí ngưng tụ tới Trung Quốc, hay khoảng 767.000 thùng/ngày. Trong tháng 6/2018, nạp 19,8 triệu thùng hay 660.000 thùng/ngày. Trong năm 2017, Trung Quốc đã nhập trung bình 623.000 thùng/ngày, theo số liệu của hải quan.

Không rõ Iran sẽ cung cấp bảo hiểm cho việc mua dầu của Trung Quốc thế nào, với trị giá dầu mỏ 1,5 tỷ USD mỗi tháng. Bảo hiểm thường gồm bảo hiểm cho lô hàng dầu mỏ, trách nhiệm bên thứ ba và ô nhiễm.(VITIC)
----------------------------

Trung Quốc thay đổi thuế nhập khẩu gạo

 Bộ Tài chính Trung Quốc đã thông báo thay đổi thuế nhập khẩu gạo kể từ 1/7/2018, áp dụng với 14 chủng loại.

Theo đó, các sản phẩm gạo nhập khẩu từ một số nước sẽ tuân thủ thuế suất cụ thể theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Hải quan Thế giới và các hiệp định thương mại tự do song phương.

Thuế suất đối với thóc, gạo lức, gạo tấm, bột gạo mịn và bột gạo thô và gạo nhập khẩu từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ lần lượt là 50%, 50%, 5%, 40% và 5%.

Chính sách thuế mới sẽ không ảnh hưởng tới thuế MFN đối với mặt hàng gạo, hạn ngạch nhập khẩu gạo có thuế quan và thuế suất thông thường.

Theo Bộ Tài chính nước này, việc điều chỉnh thuế quan dựa trên những thay đổi về tiêu chuẩn của ngành gạo trong nước, và nhằm đáp ứng nhu cầu về phát triển thương mại. Đồng thời, việc điều chỉnh thuế suất cũng phù hợp với các điều khoản của các hiệp định đa phương và song phương, nhằm thực hiện các cam kết của Trung Quốc với WTO, và bảo đảm trật tự thương mại giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.(VITIC)
-------------------

Dự kiến IIP năm 2018 của ngành khai khoáng bằng 92,1-93,6% so với cùng kỳ

Theo Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành công nghiệp khai khoáng dù gặp nhiều khó khăn song hầu hết các đơn vị đã nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch sản xuất đề ra và dự kiến cả năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của ngành bằng khoảng 92,1-93,6% so với cùng kỳ năm 2017, giá trị gia tăng (VA) bằng khoảng 92% so với năm 2017.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, ngành khai thác khoáng sản có những thuận lợi như: giá dầu thô, giá một số loại khoáng sản tăng, tình hình tiêu thụ ngành than tăng hơn so với cùng kỳ… Bên cạnh đó, nhờ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp khoáng sản của Chính phủ, một số loại khoáng sản đã tiêu thụ được lượng tồn kho nên hầu hết các đơn vị trong ngành đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch sản xuất trong 6 tháng, tạo đà cho việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2018.

Cụ thể, với ngành dầu khí, tính chung 6 tháng, sản lượng khai thác dầu thô đạt 7,1 triệu tấn, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2017 nhưng đã vượt 3% so với kế hoạch 6 tháng và bằng 54,3% kế hoạch năm 2018 (trong đó khai thác dầu ở trong nước 6 tháng đạt 6,2 triệu tấn, vượt 2,5% - tương đương vượt 152 nghìn tấn so với kế hoạch 6 tháng).

Với việc giá dầu thô trung bình 6 tháng qua là 73 USD/thùng, vượt 18,6 USD/thùng – tương đương 30,1% so với giá dầu trung bình 6 tháng đầu năm 2017 (là 54,4 USD/thùng) đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thành vượt mức kế hoạch các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Trong đó, doanh thu toàn tập đoàn vượt 21% kế hoạch, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2017; nộp ngân sách nhà nước vượt 48,9% kế hoạch, tăng 19,5% so với cùng kỳ 2017.

Bên cạnh đó, do thời tiết thuận lợi nên công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí tiếp tục được triển khai theo đúng kế hoạch đề ra. Đáng chú ý là đã có 01 phát hiện dầu khí mới tại giếng Mèo Trắng Đông – 1X (lô 09-1 của VietsoPetro) và đã đưa được mỏ Bunga Pakma - PM3CAA vào khai thác từ ngày 12/5/2018, sớm hơn so với kế hoạch 1 tháng 19 ngày.

Cùng với dầu khí, ngành than cũng cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất theo kế hoạch và có bước tăng trưởng so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng than sạch ước đạt 22,42 triệu tấn, tăng 11,1% so với cùng kỳ, trong đó, Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (TKV) đạt 19,37 triệu tấn, tăng 10,5% so với cùng kỳ.

Tình hình tiêu thụ của ngành cũng gặp nhiều thuận lợi, lượng tồn kho giảm nhiều so với đầu năm, đến ngày 30/6 tồn kho của TKV là 6,55 triệu tấn, giảm 2,47 triệu tấn so với đầu năm.

Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm 2018 là thời điểm bước vào mùa mưa lũ, do đó, hoạt động khai thác của ngành sẽ gặp khó khăn hơn. Hơn nữa, điều kiện khai thác của các mỏ ngày càng khó khăn do các mỏ ngày càng khai thác xuống sâu và đi xa hơn, làm tăng cung độ vận chuyển, tăng hệ số bóc đất đá đối với các mỏ lộ thiên. Với các mỏ hầm lo, tình trạng gia tăng áp lực mỏ lớn do khí và nước nên đã làm tăng chi phí sản xuất than trong nước. Ngoài ra, các loại thuế, phí liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh than liên tục tăng trong những năm gần đây dẫn đến giá thành sản xuất một tấn than tăng đã làm giảm sức cạnh tranh của than sản xuất trong nước so với than nhập khẩu.

Đối với một số loại khoáng sản khác, do thị trường quốc tế có dấu hiệu phục hồi, cùng với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp khoáng sản của Chính phủ đã phát huy tác dụng, một số doanh nghiệp khoáng sản hoạt động trong lĩnh vực titan, quặng sắt tiêu thụ được các sản phẩm tồn kho.

Đặc biệt, giá bán Alumin trên thị trường tăng cao nhất từ trước đến nay nên hoạt động sản xuất kinh doanh của hai dự án Alumin Tân Rai và Nhân Cơ đã có những chuyển biến tích cực, sản phẩm sản xuất ra được tiêu thụ và xuất khẩu với giá cao, góp phần vào tăng trưởng của nhóm ngành khai khoáng.

Với những kết quả khả quan và những hiệu ứng tích cực từ triển vọng lạc quan về tăng trưởng kinh tế và thương mại trong nước và trên thế giới, đặc biệt là Chính sách công nghiệp quốc gia mới ban hành, Bộ Công Thương dự kiến chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2018 của ngành khai khoáng bằng khoảng 92,1-93,6% so với cùng kỳ năm 2017, giá trị gia tăng bằng khoảng 92% so với năm 2017.

Trong đó với ngành khai thác dầu, khí, phấn đấu năm 2018 khai thác bằng số sản lượng kế hoạch giao là 11,31 triệu tấn dầu và 9,6 tỷ m3 khí.

Với ngành than, Bộ Công Thương dự kiến kế hoạch sản lượng khai thác than năm 2018 đạt 40 triệu tấn (riêng sản lượng khai thác của TKV và Tổng công ty Đông Bắc là 38,37 triệu tấn). Các khoáng sản khác, như: quặng Apatit, Alumina và quặng sắt, dự kiến sản lượng khai thác cả năm 2018 lần lượt là 5 triệu tấn; 1,230 triệu tấn và 4 triệu tấn.(Baocongthuong)

Trở về

Bài cùng chuyên mục