FED tìm nhà đầu tư cho 4,48 nghìn tỷ USD nợ công của Mỹ; ANZ bán mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam cho Shinhan; Những ngân hàng nào sẽ sớm xóa nợ tại VAMC?; Ngành ngân hàng ngầm 8,5 nghìn tỷ USD của Trung Quốc trở lại mạnh mẽ
Tin kinh tế đọc nhanh tối 20-04-2017
- Cập nhật : 20/04/2017
Thanh tra lao động tại 500 doanh nghiệp ngành điện tử
Ngày 18.4, tại Vĩnh Phúc, Bộ LĐ-TB-XH đã phát động chiến dịch thanh tra lao động thường niên do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Theo ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh thanh tra Bộ LĐ-TB-XH, năm nay chiến dịch diễn ra từ tháng 4 - 12 với mục tiêu thanh tra, kiểm tra khoảng 500 doanh nghiệp (DN) tại 3 miền, tập trung vào các vấn đề tuân thủ các quy định pháp luật trong lĩnh vực lao động như: hợp đồng lao động, đối thoại và thương lượng tập thể, làm thêm giờ, tiền lương, bảo hiểm xã hội và an toàn vệ sinh lao động…
Hiện VN có trên 1.000 DN điện tử với hơn 400.000 lao động, tăng gấp 7 lần so với năm 2005. Kết quả khảo sát do Bộ LĐ-TB-XH và ILO thực hiện trong năm 2016 cho thấy, vi phạm về thời gian làm việc và nghỉ ngơi là vi phạm phổ biến trong các DN điện tử tại VN.
Việc làm thêm giờ quá nhiều là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn lao động tại các DN điện tử. Các nguyên nhân khác bao gồm: thiếu đào tạo về an toàn và sức khỏe lao động, không đủ trang thiết bị bảo hộ lao động cá nhân và người sử dụng lao động không áp dụng các giải pháp để cải thiện điều kiện làm việc. Ngoài ra, còn có những vi phạm pháp luật lao động về tiền lương, tiền làm thêm giờ, đóng bảo hiểm và phụ cấp làm việc trong ngày nghỉ lễ...(thanhnien)
-------------------------------------------
Kinh doanh khó khăn, Mai Linh đổ lỗi cho Uber và Grab
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Mai Linh trong năm 2016 âm gần 84 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 5 năm gần đây.
Trong thông điệp gửi các cổ đông mới công bố, ông Hồ Huy - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh đã nhắc đến Uber và Grab như một trong số những nguyên nhân chính khiến 2016 trở thành một năm khó khăn của Mai Linh và các hãng taxi truyền thống.
Người đứng đầu của Mai Linh cho rằng, hoạt động của Uber và Grab tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM đã khiến thị trường taxi cạnh tranh khốc liệt, trong đó sự bất bình đẳng về thuế và các điều kiện kinh doanh khác đã gây thiệt hại lớn cho doanh thu của mình cũng như các hãng taxi truyền thống khác."Theo số liệu chính thức, chỉ trong vòng vài năm trở lại đây số lượng taxi Uber và Grab ở TP HCM đã lên tới 21.000 xe, nếu kể cả xe chạy “lụi” không đăng ký ước tính phải đến 25.000 xe (trong khi quy hoạch taxi của TP HCM đến nay chỉ cho phép tổng cộng 11.000 - 12.000 xe) làm trật tự giao thông đô thị bị phá vỡ, kẹt xe nghiêm trọng, nhà nước thất thu thuế…", Chủ tịch Mai Linh cho biết.
Chủ tịch Mai Linh cho rằng sự xuất hiện ngày càng nhiều của Uber và Grab tại những thành phố lớn là nguyên nhân dẫn đến tình cảnh khó khăn của các hãng taxi truyền thống.
Năm 2016 cũng là năm Mai Linh ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh thấp nhất trong 5 năm gần đây. Mặc dù doanh thu của hãng taxi này tiếp tục tăng hơn 32% so với năm trước nhưng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh âm gần 84 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với mức 326 triệu của năm 2015.
Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Mai Linh năm 2016 cũng giảm gần 70% còn gần 43 tỷ đồng. So với kế hoạch đã đề ra từ đầu năm, doanh thu của hãng taxi này vượt gần 15% nhưng lợi nhuận chỉ đạt hơn một nửa.
Mai Linh miền Bắc - doanh nghiệp do tập đoàn sở hữu 47,86% cũng chịu cảnh tương tự. Năm 2016 mặc dù doanh thu của Mai Linh miền Bắc đạt gần 1.120 tỷ đồng, tăng hơn 4% cùng kỳ nhưng lợi nhuận hợp nhất giảm hơn 22% còn gần 34 tỷ.
Dù kinh doanh khó khăn, 2 khoản mục chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp của Mai Linh, cũng như một số công ty con trong hệ thống tiếp tục gia tăng so với năm trước.
Báo cáo tài chính của doanh nghiệp này cho biết, tổng nghĩa vụ nợ tính đến hết năm 2016 đạt hơn 90% tổng tài sản, gấp hơn 9 lần vốn chủ sở hữu. Theo ban lãnh đạo Mai Linh, nợ ngân hàng và thuê tài chính gia tăng do công ty tăng đầu tư thêm xe. Tuy nhiên, ban lãnh đạo cho rằng điều này là phù hợp với giai đoạn thị trường hiện tại.
Mới đây, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, MCK: VNS) cũng đã thống nhất tiếp tục cắt giảm hàng loạt chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận trong năm 2017 do sự cạnh tranh thị phần ngày càng quyết liệt từ các hãng taxi công nghệ.
Đây là năm thứ ba liên tiếp công ty cắt giảm chỉ tiêu kinh doanh. Trước đó vào năm 2015, công ty đặt mục tiêu kế hoạch lợi nhuận giảm xấp xỉ 16,5% so với năm trước, sau một năm thì mức giảm đã tăng lên 20%.(VNE)
------------------------------------
Nhật Bản nuôi bò Kobe tại Quảng Bình
Ngày 19-4, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết đoàn doanh nghiệp tỉnh Hyogo (Nhật Bản) đã thống nhất đầu tư dự án nuôi bò Kobe tại Quảng Bình, địa điểm dự kiến nằm trên địa bàn huyện Quảng Trạch hoặc Tuyên Hóa.
Trước mắt tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư về địa điểm mặt bằng xây dựng trang trại, thủ tục đầu tư…
Thực hiện nhanh gọn việc kiểm dịch đàn bò của dự án, tạo điều kiện thuận lợi nhằm thông quan cho đàn bò 5.000 con trong vòng không quá 24 giờ để đưa về trang trại chăn nuôi khi dự án đi vào hoạt động.
Tỉnh Quảng Bình chọn khu vực làm trang trại của dự án có diện tích khoảng 500ha, thuận lợi cho chăn nuôi và giao thương, có địa thế cao và thoát nước tốt để bảo đảm không bị ngập lụt trong mùa mưa bão.
Về vùng đất chuyên trồng cây làm thức ăn cho bò, tỉnh có khoảng 2.200ha ở các địa phương gần nơi thực hiện dự án là Quảng Châu, Quảng Thạch, Quảng Xuân (huyện Quảng Trạch); Mai Hóa, Tiến Hóa, Phong Hóa (huyện Tuyên Hóa)…
Ngoài ra, tỉnh có trên 54.000ha đất trồng lúa, cho lượng rơm bình quân 3,5 tấn/ha, tương ứng khoảng 189.000 tấn rơm/năm, làm thức ăn cho bò. (TT)
------------------------------------
Philippines công bố chiến lược phát triển 'Dutertenomics'
Chính phủ Philippines ngày 18/4 đã công bố chiến lược phát triển mang tên "Dutertenomics", hứa hẹn sẽ mang lại sự phát triển đột phá về cơ sở hạ tầng trong nước.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại Hội nghị doanh nghiệp Philippines - Qatar ở Doha ngày 15/4. Ảnh: EPA/TTXVN
Tại một diễn đàn được tổ chức ở thủ đô Manila trong ngày 18/4, Bộ trưởng Tài chính Philippines, Carlos Dominguez cho rằng đối với một đất nước có nhiều đảo như Philippines, cơ sở hạ tầng yếu kém đang làm suy yếu nền kinh tế. Ông Dominguez nhấn mạnh thực tế trong thập kỷ qua khi Philippines không chú trọng tới phát triển cơ sở hạ tầng đất nước, thì các quốc gia láng giềng đã nhanh chóng xây dựng cho mình cơ sở vững chắc. Điều này khiến Philippines dần mất đi sức cạnh tranh.
Tại diễn đàn, 6 cơ quan chính phủ liên quan tới cơ sở hạ tầng đã cũng nhất trí về chương trình "Dutertenomics" với sự tham gia của các bộ, ngành như tài chính, ngân sách, giao thông vận tải, công trình công cộng, phát triển kinh tế...
Chiến lược "Dutertenomics" được đặt theo tên của Tổng thống Rodrigo Duterte, cũng chú trọng tới mục tiêu giảm tỷ lệ đói nghèo xuống còn 14% đến năm 2022 so với mức 21,6% trong năm 2015, thông qua biện pháp tạo việc làm và đầu tư vào nguồn nhân lực. Truyền thông địa phương cho biết chính quyền Philippines sẽ tập trung thực hiện và hoàn tất tới 55 dự án quan trọng và và mang tính đổi mới trước năm 2022, nhằm đưa Philippines hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.(TTXVN)