Singapore muốn tham gia 'Con đường tơ lụa mới' của Trung Quốc; Cổ phiếu hai 'ông lớn' ngành bia nổi sóng; Vì sao người nước ngoài mua nhà tại TP HCM chưa được cấp "giấy đỏ"?; Nhật Bản cam kết hỗ trợ 1 tỷ USD thúc đẩy các mục tiêu phát triển
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 18-07-2017
- Cập nhật : 18/07/2017
Sản xuất phục hồi, kinh tế Trung Quốc tăng vượt dự đoán
Kinh tế Trung Quốc trong quý II giữ đà tăng trưởng từ quý trước, nhờ thương mại toàn cầu và cầu trong nước tăng trưởng khiến hoạt động sản xuất khởi sắc.
GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng 6,9% trong quý II so với cùng kỳ năm trước, vượt mức 6,8% do Bloomberg khảo sát.
Một số chỉ tiêu chính do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố cũng vượt dự báo của Bloomberg:
- Sản xuất công nghiệp tăng 7,6% trong tháng Sáu so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức dự báo là 6,5%.
- Đầu tư vào tài sản cố định tăng 8,6% trong 6 tháng đầu năm, so với mức ước tính là 8,5%.
- Doanh số bán lẻ tăng vọt 11% trong tháng Sáu so với năm trước, cao hơn mức ước tính là 10,6% của Bloomberg.
Theo Bloomberg, tốc độ tăng trưởng thể hiện sức bền bỉ của kinh tế Trung Quốc, do hoạt động sản xuất vẫn tăng đều ngay cả khi Chính phủ nước này muốn giảm tín dụng tăng trưởng nóng và đổ vào các lĩnh vực đầu cơ, dẫn tới tốc độ tăng cung tiền giảm.
Mức tăng trưởng cho thấy lĩnh vực xuất nhập khẩu vẫn là lực đỡ chính, và sự giảm nhiệt của thị trường bất động sản vẫn chưa tác động nhiều.
Cơ quan thống kê Trung Quốc cho rằng mức tăng trưởng trong quý II là “nền tảng vững chắc” để nước này đạt mục tiêu tăng trưởng của cả năm ở mức 6,5% hoặc hơn.
Số liệu tăng trưởng cho thấy chủ trương giảm đòn bẩy tài chính của chính quyền diễn ra đúng thời điểm và được cân nhắc để không gây ra tác động nhiều đến nền kinh tế thực, theo Rob Subbaraman, kinh tế gia trưởng tại Nomura Holdings Inc.
“Kích thích tài khóa vẫn là một động lực tăng trưởng quan trọng. Nó cũng cho thấy các dấu hiệu tái cân bằng, thể hiện sự tăng tốc của ngành bán lẻ”, Subbaraman bình luận thêm.
Trong khi đó, Christopher Balding, Phó Giáo sư tại Trường Kinh tế HSBC thuộc Đại học Peking ở Thâm Quyến, lưu ý rằng kinh tế Trung Quốc vẫn dựa nhiều vào tín dụng và đầu tư vào tài sản cố định.
“Dù giới chức cấp cao đưa ra nhiều tuyên bố, nhưng mô hình tăng trưởng của Trung Quốc không có gì thay đổi cả”, vị này nói thêm.(Bizlive)
----------------------
Lạ kỳ hiện tượng không xài tiền mặt ở Trung Quốc
Một cuộc thử nghiệm kinh tế táo bạo đang diễn ra tại Trung Quốc với ý định để nước này nhanh chóng loại bỏ việc dùng tiền giấy và tiền xu trong thanh toán và giao dịch.
Một tài xế dùng ứng dụng Alipay để trả phí trên đường cao tốc tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc - Ảnh: AFP
Theo báo New York Times ngày 17-7, cư dân tại các thành phố lớn ở Trung Quốc hầu hết đang sử dụng điện thoại thông minh để thanh toán cho các cuộc mua bán.
Chẳng hạn khi đến nhà hàng, nhân viên phục vụ sẽ hỏi thực khách muốn thanh toán qua ứng dụng trả tiền WeChat hay Alipay trước khi đề cập đến tiền mặt như sự lựa chọn thứ ba.
Sự chuyển đổi diễn ra khá nhanh bởi 3 năm trước đây, hầu hết người dân Trung Quốc đều vẫn dùng tiền mặt.
"Nhìn từ quan điểm công nghệ, đây có lẽ là một trong những đổi mới quan trọng nhất xảy ra lần đầu tiên tại Trung Quốc và cho đến thời điểm này nó chỉ có duy nhất ở Trung Quốc" - ông Richard Lim, giám đốc quản lý của công ty đầu tư vốn GSR Ventures, nhận định.
Hai tập đoàn Trung Quốc là Tencent (điều hành ứng dụng WeChat) và Alibaba (ứng dụng Alipay) đang đứng trên đỉnh của mỏ vàng này.
Cả hai công ty trên đều có thể kiếm tiền từ các giao dịch, buộc các công ty khác dùng ứng dụng thanh toán của họ và thu thập tất cả các dữ liệu giao dịch được dùng trong hệ thống thanh toán mới này cho mục đích quảng cáo.
Tuy nhiên, tờ Straits Times cho rằng có một số rắc rối tiềm năng trong việc sử dụng rộng rãi hình thức thanh toán trực tuyến này. Đó là vì Trung Quốc xây dựng toàn bộ nền kinh tế tiêu dùng xoay quanh hai nền tảng thanh toán qua điện thoại thông minh của khối tư nhân.
Chính điều này đang dần khiến người tiêu dùng không thể tiếp cận với các mạng lưới chi trả khác cũng như tình trạng độc tôn đó ngăn chặn các công ty khác nhảy vào ngành dịch vụ béo bở này.
Ở mức độ đơn giản nhất, việc thanh toán trực tuyến qua 2 ứng dụng trên sẽ khiến người nước ngoài đến Trung Quốc gặp khó khăn do không thể mở tài khoản ngân hàng nên rất khó để biến chiếc điện thoại của họ thành một "chiếc ví điện tử".
Nói rộng ra, điều này cũng gây ảnh hưởng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các công ty nước ngoài đang hy vọng bán hàng cho người tiêu dùng tại Trung Quốc nay phải giao kèo với Alibaba và Tencent hoặc chịu nguy cơ không thể giao dịch được.
Tương tự, các công ty Trung Quốc phải dựa vào Alibaba và Tencent để xây dựng các hệ thống thanh toán để giải quyết với phần còn lại của thế giới đến nay vẫn thông qua Facebook, Google và thẻ tín dụng.(Tuoitre)
---------------------
Tăng trưởng GDP quí 2 của Trung Quốc vượt dự báo
Reutersđưa tin Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc ngày 17-7 công bố các số liệu kinh tế cho thấy GDP của nước này trong quí 2-2017 tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này tương đương với mức tăng quí 1-2017 nhưng vượt mức dự báo 6,8% mà các chuyên gia.
Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong quí này tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, đầu tư tài sản cố định tăng 8,6% trong sáu tháng đầu năm. Hai chỉ số này đều tăng vượt mức kỳ vọng. Trong quí 2, doanh thu bán lẻ của Trung Quốc tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái và là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ tháng 12-2015, vượt mức dự báo 10,6% của các nhà phân tích.
Dữ liệu công bố vào tuần trước cũng cho thấy kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 6-2017 đều tăng so với một năm trước đó. Các số liệu tích cực này đã góp phần bù đắp sự yếu kém của các khu vực khác của nền kinh tế trong quí 2.
Xét tốc độ tăng trưởng theo quí, GDP của Trung Quốc trong quí này tăng 1,7% so với mức tăng trưởng 1,3% của quí trước.
Tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm vượt mức kỳ vọng nhờ xuất khẩu phục hồi và xây dựng bất động sản bùng nổ. Dù vậy, nhiều nhà phân tích dự báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ yếu đi vào cuối năm nay khi các biện pháp chính sách nhằm kiềm chế giá nhà đất đang nóng sốt và khối nợ đang phình to nhanh chóng của nền kinh tế sẽ tác động mạnh đến tăng trưởng.
“Nhìn tổng thể, nền kinh tế tiếp tục cho thấy đà tăng vững vàng trong nửa đầu năm nay... nhưng các bất ổn quốc tế còn tương đối lớn và sự tích lũy dài hạn trong nước về những mất cân đối cấu trúc vẫn còn”, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố.
Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm 2017, thấp hơn so với mức tăng trưởng đạt được 6,7% vào năm ngoái.(TBKTSG)
-------------------------
Lọc dầu Dung Quất sẽ nợ gần 58.000 tỷ sau nâng cấp
Công ty TNHH Một thành viên Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) mới đây đã có tờ trình gửi Bộ Công Thương về dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất.
BSR là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), và là đơn vị chịu trách nhiệm vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Muốn Chính phủ bảo lãnh vay
Theo tờ trình của BSR, dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất cần tổng vốn đầu tư 1,806 tỷ USD, trong đó vốn chủ sở hữu/vốn vay tối thiểu là 30%/70%, tức phải vay thêm khoảng 1,26 tỷ USD (28.715 tỷ đồng).
Dự kiến, vốn chủ sở hữu do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) cấp, vốn vay thì từ các nguồn tín dụng xuất khẩu, vay thương mại từ các ngân hàng trong và ngoài nước.
Theo báo cáo tài chính tính đến 31/12/2016, BSR có tổng tài sản 61.319 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả là 28.951 tỷ đồng, tăng gần 1.900 tỷ so với năm trước. Nợ ngắn hạn là 14.645 tỷ, nợ dài hạn khoảng 14.306 tỷ đồng. Theo BSR, tỷ lệ nợ/tổng tài sản là 50/50, đây là tỷ lệ tốt đối với doanh nghiệp sản xuất.
Như vậy, sau khi nâng cấp và mở rộng nhà máy, khoản nợ vay với nợ phải trả của công ty có thể lên tới 57.666 tỷ đồng.
Trao đổi với VnEconomy, Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên cho biết, số tiền vay 1,26 tỷ USD cho dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất là phù hợp với quyết định phê duyệt của Thủ tướng.
“Công ty đã có kế hoạch về phương án dòng tiền của dự án, trong đó dòng thu vào và chi ra cân đối trả đúng hạn nợ dài hạn, gồm nợ cũ 28.951 tỷ và nợ mới 28.715 tỷ. Đồng thời, công ty cũng cố gắng tìm kiếm nguồn vay có chi phí thấp nhất và thời gian vay dài hạn, trong đó ưu tiên nguồn vay tín dụng xuất khẩu”, ông Nguyên cho hay.
Ông Nguyên cũng mong muốn Chính phủ bảo lãnh cho khoản vay của công ty. “Chúng tôi mong muốn được bảo lãnh của Chính phủ để có cơ hội tiếp cận được nguồn tiền vay tối ưu cho dự án. Hiện nay công ty không bị áp lực về nguồn vay cho dự án, song vẫn cân nhắc để có được nguồn vốn vay lãi suất thấp và thời gian vay dài hạn”, ông nói.
Theo báo cáo tài chính, năm 2016, doanh thu của BSR đạt 73.598 tỷ đồng, trong khi năm trước ở mức 95.064 tỷ, do giá dầu giảm. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế vẫn đạt 4.492 tỷ, dù giảm đáng kể so với mức 6.169 tỷ năm trước đó.
Hiện xăng của Dung Quất đang có lợi thế hơn về thuế so với xăng nhập khẩu. Tuy nhiên lợi thế này sẽ bị san bằng khi theo lộ trình năm 2024, thuế nhập khẩu xăng về 0% theo quy định của các hiệp định thương mại tự do.
Nâng cấp để sản xuất xăng dầu Euro 4
Nhằm hạn chế phát thải các khí độc hại gây ô nhiễm không khí, đặc biệt là tại các đô thị lớn, năm 2011, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 49 về việc quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải tại Việt Nam.
Theo đó từ 1/1/2017, xăng dầu trong nước phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4. Quy định là vậy, song đến nay tiêu chuẩn Euro 4 vẫn chưa được thực thi quyết liệt. Nguyên nhân bởi nhiên liệu trong nước vẫn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn Euro 4, và trên 45 triệu động cơ ôtô, xe máy hiện nay cũng đang dùng nhiện liệu Euro 2.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất đến nay mới chỉ cho ra sản phẩm xăng dầu đạt mức Euro 3 với xăng RON 95 và mức Euro 2 đối với các sản phẩm còn lại.
"Sản phẩm của nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện nay không thể đáp ứng được tiêu chuẩn Euro 4, Euro 5 theo lộ trình khí thải tại Quyết định 49. Nhưng sau khi hoàn thành nâng cấp mở rộng dự kiến năm 2021, công suất chế biến nhà máy tăng lên 8,5 triệu tấn dầu thô/năm và chất lượng sản phẩm xăng dầu sẽ đáp ứng chỉ tiêu chất lượng Euro 5”, Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên cho hay.
Trong bối cảnh BSR dự kiến phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) vào cuối năm 2017, nhà máy lọc dầu Dung Quất được định giá 3,2 tỷ USD (72.879 tỷ đồng), Nhà nước dự kiến sẽ nắm dưới 50% vốn tại đây.(Vneconomy)