Được người Việt chuộng, hàng Thái liên tục chiếm thị trường; GDP quý III-2017 tăng đột biến 7,46%: Vì đâu?; Mỹ chuyển hướng đánh vào thương mại Canada thay vì Mexico và Trung Quốc; Lạm phát Nhật Bản không tăng vì 'nặng gánh' an sinh xã hội
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 18-05-2017
- Cập nhật : 18/05/2017
Danh mục hàng hóa phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định ban hành Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập.
Theo đó, từ ngày 1/7/2017 các hàng hóa sau nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập gồm: Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm (mã hàng 2401, 2402, 2403); rượu (mã hàng 2204, 2205, 2206, 2207, 2208); bia; xe ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi; tàu bay, du thuyền; xăng các loại; điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống; hàng hóa phải kiểm dịch động vật, hàng hóa phải kiểm dịch thủy sản theo Danh mục do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định; phế liệu theo Danh mục do Thủ tướng Chính phủ quy định...
Quyết định nêu rõ, hàng hóa không thuộc Danh mục trên được làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập hoặc các địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu nhập theo quy định của Luật hải quan, Nghị định số 8/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ. Trường hợp hàng hóa có nhiều chủng loại (thuộc Danh mục và không thuộc Danh mục), chung vận đơn thì phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập.
Hàng hóa nhập khẩu thuộc Danh mục được làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập hoặc tại các địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu nhập trong các trường hợp sau: Thiết bị, máy móc, vật tư nhập khẩu để xây dựng nhà máy, công trình được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan nơi có nhà máy, công trình hoặc kho của nhà máy, công trình;
Nguyên liệu, vật tư, thiết bị, máy móc, linh kiện, phụ tùng để phục vụ gia công, sản xuất được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất; Hàng hoá tạm nhập để dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan nơi có hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm; Hàng hoá nhập khẩu vào cửa hàng miễn thuế được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan quản lý cửa hàng miễn thuế; Hàng hoá nhập khẩu vào khu phi thuế quan được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan quản lý khu phi thuế quan.
Một số hàng hóa khác cũng nằm trong Danh mục được làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập hoặc tại các địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu nhập gồm: Hàng hóa nhập khẩu phục vụ yêu cầu cứu trợ khẩn cấp theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật hải quan được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan nơi xảy ra thiên tai, dịch bệnh hoặc yêu cầu cứu trợ khẩn cấp;
Hàng hóa chuyên dùng nhập khẩu phục vụ an ninh, quốc phòng theo quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật hải quan được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan theo đề nghị của người khai hải quan; Xăng được đưa từ kho ngoại quan đến các địa điểm làm thủ tục hải quan nơi thương nhân có hệ thống kho xăng dầu; Hàng hóa nhập khẩu đóng chung container đưa về địa điểm thu gom hàng lẻ được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan quản lý địa điểm thu gom hàng lẻ; Các trường hợp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ(TTXVN)
----------------------------
Phát hiện đường dây nhập cá bơm tạp chất từ Trung Quốc
Cảnh sát Brazil vừa triệt phá một đường dây chuyên nhập khẩu cá được bơm tạp chất tăng trọng có xuất xứ từ Trung Quốc với mục đích tăng lợi nhuận.
Trong thông báo ngày 16/5, cảnh sát Brazil cho biết nhóm điều tra thuộc Sở Nông nghiệp tỉnh Santa Catarina ở miền Nam nước này đã phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh địa phương bán các loại cá được bơm tạp chất trà trộn cùng nhiều loại hải sản nhập khẩu khác. Kết quả điều tra của cảnh sát cho thấy số cá được bày bán ra thị trường đã bị tiêm nước và một số hóa chất không rõ nguồn gốc. Cảnh sát Brazil sau đó đã tịch thu toàn bộ số hàng này.
Theo đại diện của cảnh sát liên bang Brazil, Mauricio Todeschini, quy trình bơm tạp chất vào cá xuất khẩu được thực hiện tại Trung Quốc và kết quả điều tra cho thấy hoạt động này đã kéo dài suốt từ năm 2015 đến nay. Hiện chưa rõ số lượng cá đã được mua bán trên thị trường, song ông Mauricio Todeschini khẳng định các sản phẩm cá này đã được bán "trên cả nước Brazil".
Trước đó, hồi tháng 3, cảnh sát nước này đã phát giác bê bối thịt bẩn sau khi điều tra ra một đường dây nhận hối lộ, cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm thịt không đạt chất lượng được đưa ra tiêu thụ trên thị trường, cũng như cho phép các cơ sở sản xuất sử dụng chất cấm giúp các sản phẩm chế biến từ thịt có màu đẹp và mùi thơm.
Từ đó, nhà chức trách Brazil đã mở cuộc điều tra trên diện rộng nhằm phanh phui các hoạt động phi pháp tại các cơ sở đóng gói thịt ở nước này. Brazil là quốc gia xuất khẩu thịt bò và thịt gia cầm số một thế giới, đồng thời đứng thứ tư về xuất khẩu thịt lợn. Vụ bê bối xảy ra đúng lúc giới chức Brazil đang nỗ lực đẩy nhanh việc ký kết hiệp định tự do thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU). (TTXVN)
--------------------
China Eximbank giải ngân 18,25 triệu USD cho dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Cuối tuần vừa qua, China Eximbank (Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc) đã giải ngân 18,25 triệu USD cho dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Đây là số tiền còn lại trong tổng số 22,75 triệu USD đã đến hạn kỳ hạn thanh toán nhưng bị chậm giải ngân thời gian vừa qua. Hiện nguồn vốn này đã được chuyển cho Tổng thầu EPC và bắt đầu chi trả cho các thầu phụ.
Một trong số những toa tầu đầu tiên của tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông được chở từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hồi tháng 2/2017. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
Cũng theo ông Vũ Hồng Phương, hiện dự án đã đạt hơn 90% khối lượng xây lắp (chưa kể lắp đặt thiết bị) và đang trong giai đoạn chờ lắp đặt các thiết bị.
Tuy nhiên, thời gian gần đây do số tiền 18,25 triệu USD chậm được giải ngân, nên các nhà thầu phụ không còn khả năng ứng vốn dẫn đến tiến độ thi công bị cầm chừng, gây nguy cơ chậm tiến độ dự án.
Do đó, Ban Quản lý dự án Đường sắt cùng các đơn vị liên quan đã xây dựng quy trình thanh toán cho thầu phụ và kiểm soát công tác thanh toán của tổng thầu cho thầu phụ để đảm bảo nguồn tài chính cho các nhà thầu triển khai thi công. Đồng thời tiếp tục quyết liệt chỉ đạo Tổng thầu EPC và các nhà thầu phụ đẩy nhanh tiến độ để bù lại thời gian bị chậm.
Theo kế hoạch, cuối tháng 5/2017, nhà ga La Khê (Hà Đông) được mở cửa để phục vụ người dân tham quan nhà ga, đoàn tàu đầu tiên. Dự án bắt đầu đóng điện để vận hành thử từ tháng 10/2017 và khai thác thương mại từ quý II/2018.
Liên quan đến nguồn vốn cho dự án, ngày 11/5 vừa qua, Hiệp định vay ưu đãi, bổ sung 250,62 triệu USD cũng đã được Chính phủ ủy quyền cho Bộ Tài chính ký kết với China Eximbank. Khoản vay bổ sung này đã được hai bên bàn thảo, thống nhất từ cách đây 3 năm và đến nay chính thức được thông qua.(Baotintuc)
-------------------------------
Cá tra thương phẩm phải đáp ứng 4 điều kiện
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 55/2017/NĐ-CP quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH Hùng Cá (xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Theo đó, nuôi cá tra thương phẩm phải đáp ứng 4 điều kiện: Có địa điểm, diện tích nuôi cá tra phù hợp với quy hoạch về sử dụng đất của UBND cấp tỉnh; Có cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về nuôi cá tra thương phẩm, có hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt, có nơi xử lý chất thải, bùn thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và vệ sinh thú y; Đáp ứng các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; Có Giấy chứng nhận mã số nhận diện ao nuôi cá tra theo quy định.
Về mã số nhận diện ao nuôi, mã số gồm 11 số và có cấu trúc AA-BB-CCCC-DDD, trong đó: AA là mã số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương áp dụng trong quản lý nuôi trồng thủy sản; BB là mã số đối tượng nuôi (đối với cá tra là 01); CCCC là số thứ tự cơ sở nuôi được cấp từ 0001 đến 9999; DDD là số thứ tự ao nuôi của cơ sở nuôi cá tra, được cấp theo thứ tự từ 001 đến 999.
Cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản cấp tỉnh thực hiện cấp mã số nhận diện ao nuôi. Mỗi ao nuôi được cấp duy nhất một mã số nhận diện. Chủ cơ sở nuôi phải thực hiện đăng ký mã số nhận diện ao nuôi lần đầu hoặc đăng ký lại khi thay đổi chủ cơ sở nuôi hoặc thay đổi diện tích ao nuôi.
Nghị định cũng quy định rõ điều kiện chế biến cá tra, cụ thể phải đáp ứng các điều kiện: Đáp ứng các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh tại Điều 21 của Nghị định 66/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm; Đáp ứng các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong chế biến thủy sản; Có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp; Có hệ thống truy xuất nguồn gốc đáp ứng các quy định của pháp luật và đảm bảo khả năng truy xuất đến cơ sở nuôi; Sản phẩm cá tra xuất khẩu phải được chế biến từ cơ sở chế biến cá tra đáp ứng các điều kiện chế biến cá tra nêu trên.
Trường hợp tổ chức, cá nhân xuất khẩu sản phẩm cá tra không có cơ sở chế biến đáp ứng các điều kiện chế biến cá tra, phải đáp ứng một trong hai điều kiện: Có hợp đồng mua sản phẩm cá tra được chế biến tại cơ sở chế biến cá tra đáp ứng điều kiện chế biến cá tra nêu trên; có hợp đồng gia công, chế biến với chủ sở hữu cơ sở chế biến đáp ứng điều kiện chế biến cá tra.(TTXVN)