Khuyến khích doanh nghiệp dầu khí Nga mở rộng đầu tư vào Việt Nam; FPT báo lợi nhuận trước thuế 904 tỷ đồng sau 4 tháng; Doanh nghiệp nước ngoài bức xúc với các rào cản pháp lý; 82% triệu phú đánh giá hiện tại là giai đoạn khó lường nhất lịch sử
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 18-05-2017
- Cập nhật : 18/05/2017
Tập đoàn Mỹ muốn xây đô thị thông minh tại Củ Chi
Tin về siêu dự án của Tuần Châu tại Củ Chi chưa lắng xuống thì một doanh nghiệp khác cũng được chấp thuận chủ trương xây đô thị thông minh tại đây.
Mới đây, UBND TPHCM cho biết đã chấp thuận chủ trương cho Tập đoàn Dimora (Mỹ) phối hợp với Ban Quản lý Khu đô thị Tây Bắc và Sở Thông tin Truyền thông nghiên cứu, khảo sát và xây dựng Đề án thí điểm xây dựng đô thị thông minh tại Khu Đô thị Tây Bắc (Củ Chi).
Sở Thông tin Truyền thông được giao giới thiệu cho Tập đoàn Dimora những vấn đề liên quan đến giải pháp công nghệ mang tính đồng bộ với kỹ thuật của thành phố.
Ngoài ra, Tập đoàn Dimora cũng đề nghị hợp tác với TP.HCM để thí điểm phương tiện vận tải hành khách chạy bằng điện. Trước đề nghị trên, UBND TP.HCM giao Sở Giao thông Vận tải hỗ trợ, hướng dẫn Dimora thực hiện các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật.
Tại buổi làm việc với Tập đoàn Dimora về các giải pháp thực hiện Đề án thành phố thông minh, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến hoan nghênh tập đoàn này đã có đề nghị hợp tác với TP.HCM về thí điểm phương tiện vận tải hành khách chạy bằng điện. Đồng thời, TP.HCM cũng đã chấp thuận chủ trương cho tập đoàn này phối hợp cùng các sở ngành liên quan khảo sát, xây dựng thí điểm xây dựng đô thị thông minh tại Khu đô thị Tây Bắc và báo cáo phương án cụ thể cho UBND TP.HCM.
Đây không phải là lần đầu tiên trong năm nay huyện Củ Chi đón thông tin về việc đầu tư xây dựng các dự án khu đô thị trên địa bàn. Cách đây hơn một tháng, Tập đoàn Tuần Châu cũng đề nghị với UBND TP.HCM làm đại lộ ven sông Sài Gòn, không phải giải tỏa nhà dân mà tận dụng đất ven sông, đất bãi bồi.
Dự án được thực hiện theo hình thức BT. TP.HCM hoàn trả đất theo giá trị tương ứng tại hai siêu dự án là Saigon New City ở Củ Chi và Saigon MarinaCity ở Cần Giờ rộng hơn 1.400 ha và một số mặt bằng khác. Tổng mức đầu tư dự kiến cho các dự án này vào khoảng 65.000 tỷ đồng.
Đến nay, tính khả thi của các siêu dự án này vẫn chưa thực sự rõ ràng. Tuy nhiên trên cơ sở thông tin ban đầu đó của Tập đoàn Tuần Châu, giá đất ở Khu đô thị Tây Bắc đang được đẩy lên chóng mặt.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay giá nhà đất ở Củ Chi ở khu vực giáp ranh với quận 12, Hóc Môn, Bình Dương và gần các tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 22, trung tâm hành chính huyện hoặc dọc bờ sông Sài Gòn... đang tăng cực nóng, có nơi tăng gần 70%.
Cơn sốt đất tại Củ Chi vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm, thông tin tiếp theo về việc thí điểm xây dựng đô thị thông minh tại Khu đô thị Tây Bắc có thể sẽ kích thích đà tăng giá nhà đất tại đây lên cao hơn nữa.(Zing)
-------------------------
Kết nối thương nhân xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc
Ngày 16/5, tại Cao Bằng, Bộ Công Thương phối hợp với tỉnh Cao Bằng tổ chức kết nối thương nhân xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Trong những năm qua, hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới Việt - Trung đã đạt được những kết quả như: xây dựng được những cơ chế, chính sách về thương mại biên giới; thiết lập được những cơ chế hợp tác song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Điều này đã làm cho kim ngạch thương mại biên giới tăng trưởng cao; mặt hàng trao đổi qua biên giới được mở rộng; phát triển thương nhân hoạt động thương mại biên giới. Hạ tầng kỹ thuật cửa khẩu biên giới cũng được đầu tư phát triển; thủ tục hành chính tại cửa khẩu biên giới cũng như dịch vụ hỗ trợ thương mại biên giới ngày càng được tăng cường.
Tuy nhiên, cơ cấu hàng hóa trong thương mại biên giới còn nhiều hạn chế; hạ tầng kỹ thuật khu vực cửa khẩu còn yếu kém; thương nhân chưa được khuyến khích phát triển. Vì vậy, để quản lý và khuyến khích hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt - Trung, các đại biểu cho rằng cần phân cấp cho UBND các tỉnh quản lý và khuyến khích doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt - Trung.
Ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi (Bộ Công Thương) đề nghị lãnh đạo UBND 7 tỉnh của Việt Nam có chung đường biên giới với Trung Quốc cần thành lập Hiệp hội kinh doanh xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt - Trung. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế cung cấp thông tin riêng cho doanh nghiệp, đồng thời đa dạng hóa loại hình doanh nghiệp và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp hoạt động thương mại biên giới.
Theo ông Vị Hiện Cường, Phó trưởng phòng Mậu dịch đối ngoại, Sở Thương mại, Khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây, Trung Quốc), hai bên cần tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm thu hút đầu tư; khuyến khích mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; nâng cao giá trị xuất nhập khẩu nhất là các mặt hàng nông lâm hải sản qua các cửa khẩu biên giới. Các tỉnh của Việt Nam có chung đường biên giới với Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước trong trao đổi hàng hoá và xây dựng kế hoạch kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp
Tại hội nghị, Bộ Công Thương và tỉnh Quảng Tây đã ký các bản ghi nhớ về: thiết lập cơ chế luân phiên tổ chức Hội đàm để trao đổi thông tin và giải quyết các vấn đề liên quan đến việc hợp tác phát triển thương mại biên giới; hợp tác thành lập sàn giao dịch điện tử để phục vụ thương mại biên giới hai bên Việt Nam - Trung Quốc; hợp tác về lĩnh vực trồng trọt, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp Trung Quốc... (TTXVN)
------------------------------
World Bank tài trợ 155 triệu USD cho giáo dục đại học Việt Nam
Dự án nhằm tăng năng lực nghiên cứu, giảng dạy và thể chế của ba đại học tự chủ và cải thiện quản lý hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Hôm 15/5, Ban Giám đốc điều hành của Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã phê duyệt khoản tín dụng 155 triệu USD để tăng cường năng lực nghiên cứu, giảng dạy và thể chế của ba trường đại học tự chủ và cải thiện quản lý hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam.
Dự án có tổng trị giá 174 triệu USD, trong đó, Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), quỹ của Ngân hàng Thế giới cho các nước thu nhập thấp, sẽ cung cấp 155 triệu USD, phía Chính phủ Việt Nam cung cấp khoản tài trợ còn lại.
Hơn 150.000 sinh viên và 3.900 cán bộ giảng dạy của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, và Trường Đại học Công nghiệp TPHCM sẽ được hưởng lợi từ những khoản đầu tư trên. Khoảng 600.000 sinh viên và 27.000 giảng viên từ các cơ sở giáo dục đại học khác cũng sẽ được tiếp cận nguồn tài nguyên học tập nghiên cứu phong phú, thông qua quyền truy cập vào thư viện điện tử dùng chung đặt tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Ngân hàng Thế giới cho biết.
"Lợi ích của giáo dục đại học tại Việt Nam được thể hiện rõ qua các con số sinh viên nhập học tăng gấp 17 lần từ năm 1991", ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nói và cho biết thêm rẳng Việt Nam cần tăng năng suất lao động, và chuyển dịch của người lao động tới các ngành nghề có năng suất cao hơn.
"Giải quyết những vấn đề này cần có kỹ năng và năng lực mới, cũng như tăng tiếp cận và chất lượng giáo dục đại học. Đây là những yếu tố chính mà dự án này hướng tới", ông Ousmane cho biết.
Dự án sẽ hỗ trợ tài chính cho các cơ sở vật chất và thiết bị mới để giảng dạy và nghiên cứu, cũng như các hệ thống tăng cường quản lý giáo dục đại học. Các trường đại học khoa học và công nghệ cũng như các trường đại học có định hướng nghiên cứu đều được hưởng lợi ích từ dự án, qua đó các bài học thu được có thể áp dụng cho việc hoàn thiện các chính sách về tự chủ và đảm bảo chất lượng cho các trường đại học.(NCĐT)
---------------------------------------
Nhiều nhà đầu tư hạ tầng Hồng Kông đến Việt Nam
Hồng Kông sẵn sàng hỗ trợ và tạo điều kiện cho các dự án cơ sở hạ tầng nằm trong diện quy hoạch cho Việt Nam.
Hôm 11/5, Chủ tịch Vincent HS Lo của Hội đồng Phát triển Thương mại Hồng Kông (Hong Kong Trade Development Council – HKTDC) dẫn đầu phái đoàn gồm khoảng 40 nhà đầu tư và chuyên gia có tầm ảnh hưởng lớn từ Hồng Kông và Trung Quốc đại lục trong lĩnh vực tài chính, tư vấn, kiến trúc, năng lượng, xử lý nước và chất thải, kỹ thuật và xây dựng, luật và kế toán, giao thông vận tải và các lĩnh vực khác.
Phái đoàn đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đón tiếp vào ngày 10/5 và có nhiều cuộc gặp quan trọng với các quan chức chính phủ cùng các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam, nhằm thúc đẩy mối quan hệ đối tác chặt chẽ hơn giữa Hồng Kông và Việt Nam trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng. Chủ tịch HKTDC, ông Vincent HS Lo cho biết, Hồng Kông rất sẵn sàng hỗ trợ và tạo điều kiện cho các dự án cơ sở hạ tầng như mạng lưới đường sắt và đường bộ, các hệ thống cảng hàng không, biển và sông nằm trong diện quy hoạch cho Việt Nam.
Ông cho biết, Hồng Kông gần đây tham gia nhiều các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam bao gồm phát triển bất động sản, các nhà máy điện và hệ thống kiểm soát lũ lụt. Với mạng lưới quốc tế và hệ thống kiểm soát tài chính tốt, hệ thống pháp lý công bằng và cởi mở cùng khả năng kết nối tới các nhà đầu tư trên khắp thế giới, Hồng Kông có thể giúp các chủ dự án tại Việt Nam nâng cao năng lực tài chính hay tìm kiếm các nhà đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng với nhiều quy mô khác nhau.
Năm 2016, Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hồng Kông trong khu vực ASEAN, với tổng trị giá xuất khẩu là 9,25 tỷ USD. Ngoài ra, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hồng Kông trong khu vực ASEAN với tổng giá trị hợp tác thương mại song phương đạt 16,2 tỷ USD trong năm ngoái.
Cushman & Wakefield vừa công bố báo cáo dòng vốn đầu tư quý I/2017 với dự báo, lượng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản khu vực châu Á - Thái Bình Dương được kỳ vọng sẽ vượt 611 tỷ USD vào năm 2017. Cùng với Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Vốn đầu tư từ Hong Kong hiện là nguồn vốn tích cực nhất cho lĩnh vực bất động sản Việt Nam. Các nhà đầu tư Hồng Kông đầu tư vốn chủ yếu vào hình thức 100% vốn nước ngoài. Trong năm 2014, các nhà đầu tư Hồng Kông có 45 dự án bất động sản tại Việt Nam với số vốn đầu tư đăng ký xấp xỉ 2,5 tỷ USD.
Mới đây, Tập đoàn Geleximco và Công ty TNHH Hong Kong United Investoer Holding vừa đề nghị Bộ Giao thông cho phép tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông lớn ước tính tổng chi phí đầu tư lên tới gần 50 tỷ USD.(NCĐT)