Doanh nghiệp Mỹ lo ngại thỏa thuận của Tổng thống Trump với Trung Quốc; Apple có thể trở thành 'người giải cứu' Toshiba; Tổng thống Mỹ Donald Trump nhẹ giọng với kinh tế Đức, Trung Quốc; 2 tháng đầu năm 2017, người Việt đến Đài Loan tăng 90%
Tin kinh tế đọc nhanh tối 15-04-2017
- Cập nhật : 15/04/2017
Kiến nghị Thủ tướng cho "hoàn thiện thủ tục" dự án Tiên Sa tại Sơn Trà
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao UBND TP Đà Nẵng hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ pháp lý có liên quan để triển khai dự án Khu du lịch biển Tiên Sa trên núi Sơn Trà theo quy định pháp luật hiện hành.
Ngày 14/4, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ liên quan đến Dự án Khu du lịch biển Tiên Sa trên núi Sơn Trà gây xôn xao dư luận trong thời gian qua.
Báo cáo số 96/BC-UBND của Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng trình Thủ tướng Chính phủ gồm 4 nội dung: thông tin chung về dự án; cơ sở pháp lý; chi tiết về dự án; và nhận định sai phạm, công tác chỉ đạo xử lý của UBND TP.Đà Nẵng đối với dự án.
Văn bản trích dẫn thông tin về dự án, các quyết định, chủ trương đầu tư đã được phê duyệt và các hồ sơ pháp lý liên quan đến Dự án Khu du lịch biển Tiên Sa trên núi Sơn Trà. Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, về cơ bản chủ đầu tư đã tuân thủ đúng quy định về an ninh quốc phòng, quy hoạch đô thị, đất đai, nghĩa vụ tài chính, đánh giá tác động môi trường, thu hồi rừng và trồng rừng thay thế... Tuy nhiên, về thủ tục xây dựng, chủ đầu tư vi phạm về triển khai xây dựng một số hạng mục khi tiến hành thi công 40 khố móng các biệt thự và lắp đặt cốt thép cột của 40 biệt thự nêu trên khi chưa được phép xây dựng.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao UBND TP Đà Nẵng hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ pháp lý có liên quan để triển khai dự án theo quy định pháp luật hiện hành.
Về công tác đánh giá tác động môi trường, hiện chủ đầu tư đã triển khai thực hiện theo ý kiến kết luận của Sở TNMT Đà Nẵng tại Thông báo số 21/TB-STNMT ngày 17/2, và đã hoàn thành theo như đề nghị và nộp hồ sơ vào Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TNMT Đà Nẵng) để thẩm định, trình phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ngày nộp 5/4/2017, ngày trả kết quả 9/5/2017).
Liên quan đến thủ tục cấp phép xây dựng, ngoài việc hoàn thành công tác đánh giá tác động môi trường nêu trên, chủ đầu tư phải thực hiện các thủ tục về: thỏa thuận phương án kiến trúc các hạng mục công trình (phương án kiến trúc đã được thông qua tại cuộc họp do Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chủ trì ngày 12/4/2017); thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công trước khi nộp hồ sơ để Sở Xây dựng Đà Nẵng cấp phép theo quy định.
Trước những sai phạm trên, UBND TP đã chỉ đạo các đơn vị liên quan và đang xử lý vụ việc. Cụ thể, UBND quận Sơn Trà đã lập biên bản vi phạm hành chính, ngừng thi công (ngày 18/3/2017) và ban hành Quyết định 1340/QĐ-UBND ngày 20/3/2017 xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm c, Khoản 6, Điều 13 Nghị định 121/2013/CP của Chính phủ (mức xử phạt 40 triệu đồng, chủ đầu tư đã nộp phạt theo quy định).
Chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện việc ngừng thi công, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn tất các thủ tục về đầu tư xây dựng trước khi UBND TP.Đà Nẵng xem xét cho phép tiếp tục triển khai dự án.
Cơ quan chức năng Đà Nẵng đã xử phạt 40 triệu đồng và cho tồn tại đối với 40 móng biệt thự xây trái phép tại Khu du lịch biển Tiên Sa trên núi Sơn Trà
“UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở TNMT, UBND quận Sơn Trà và các đơn vị liên quan căn cứ nhiệm vụ được giao để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đối với các hạng mục được xây dựng dở dang khi chưa được cấp phép sẽ được xử lý theo quy định tại Khoản 2, Điều 12, Nghị định 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị.
Cụ thể, trường hợp chủ đầu tư ngừng thi công theo biên bản nêu trên, đồng thời hoàn thành các thủ tục liên quan đến cấp phép xây dựng thì Sở Xây dựng xem xét cấp phép theo quy định.
Trường hợp chủ đầu tư không ngừng thi công theo biên bản nêu trên thì UBND quận Sơn Trà chỉ đạo UBND phường Thọ Quang ban hành quyết định đình chỉ thi công. Trong thời gian 60 ngày kể từ ngày đình chỉ thi công, chủ đầu tư không xuất trình được giấy phép xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp thì bị cương chế tháo dỡ theo quy định”, báo cáo gửi Thủ tướng nêu.
"Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao UBND TP Đà Nẵng hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ pháp lý có liên quan để triển khai dự án theo quy định pháp luật hiện hành", Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng kiến nghị.(Viettimes)
---------------------------------
Phát hiện doanh nghiệp khai giá ô tô thấp để trốn thuế
Thời gian qua, qua công tác kiểm tra, cơ quan Hải quan phát hiện có một số trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu ô tô trốn thuế bằng cách đã khai báo giá nhập khẩu thấp hơn so với dữ liệu giá cơ sở của cơ quan Hải quan.
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Phó Cục trưởng Cục thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết, theo quy định của Thông tư 38 Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, thì doanh nghiệp nhập khẩu sẽ tự kê khai, khai báo giá trị hàng hóa sau đó Hải quan sẽ kiểm tra trị giá khai báo của doanh nghiệp xem có khớp với dữ liệu giá cơ sở của Hải quan.
Trong trường hợp có nghi vấn về gian lận trong khai báo, ví dụ như doanh nghiệp khai báo giá nhập khẩu thấp hơn so với dữ liệu giá cơ sở của cơ quan Hải quan thì cơ quan Hải quan sẽ thực hiện kiểm tra và áp dụng các biện pháp xử lý bảo đảm việc thực hiện thu ngân sách nhà nước (NSNN).
“Thời gian vừa qua, qua công tác kiểm tra, cơ quan Hải quan cũng đã phát hiện thấy có một số trường hợp doanh nghiệp khai báo hàng nhập khẩu thấp hơn so với dữ liệu giá cơ sở của cơ quan Hải quan. Đối với những trường hợp này thì cơ quan Hải quan sau khi xác định nghi vấn, đồng thời thực hiện các biện pháp nghiệp vụ trong đó có thực hiện tham vấn cũng như kiểm tra sau thông quan nhằm kiểm soát. Nếu phát hiện doanh nghiệp cố tình vi phạm sẽ thực hiện xử phạt theo quy định”, ông Nguyễn Hoàng Tuấn khẳng định.
Theo đại diện ngành Hải quan, công tác chống gian lận về giá là công tác thường xuyên của ngành Hải quan nhằm ngăn tình trạng doanh nghiệp lách quy định dẫn đến việc gian lận trong kê khai và trốn thuế.
Phó Cục trưởng Cục thuế xuất nhập khẩu Nguyễn Hoàng Tuấn cho biết thêm: “Thời gian qua Tổng cục Hải quan cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo đơn vị thực hiện rà soát các mức giá khai báo nhập khẩu ô tô của doanh nghiệp để xem mức giá mà doanh nghiệp kê khai có khớp với mức giá cơ sở mà Hải quan đưa ra hay không.
Và trong hoạt động rà soát mà ngành Hải quan tập trung thực hiện trong thời gian vừa qua cho thấy, tình trạng nhập khẩu xe ô tô từ Ấn Độ và từ các nước ASEAN tăng nhiều, do vậy chúng tôi đã tập trung rà soát đồng thời chỉ đạo lực lượng Hải quan các địa phương giám sát chặt chẽ chống gian lận trong việc nhập khẩu xe gây thất thoát thuế”.
Tuy nhiên, đại diện Hải quan cũng cho biết, đến nay ngành Hải quan cũng chưa phát hiện ra trường hợp nào vi phạm gian lận xuất xứ xe nhập khẩu.
Nhưng để ngăn chặn tình trạng gian lận có thể xảy ra, Tổng cục Hải quan đã có công văn chỉ đạo cục Hải quan các tỉnh, thành phố để tăng cường công tác kiểm tra xuất xứ đối với mặt hàng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu khi áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt.
Cụ thể, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị hải quan địa phương thực hiện đúng quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, lưu ý kiểm tra việc đáp ứng các tiêu chí xuất xứ của ASEAN đối với ô tô nguyên chiếc nhập khẩu trong quá trình làm thủ tục hải quan để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt.
Đồng thời, yêu cầu các đơn vị thực hiện đúng các quy định của Bộ Công Thương hướng dẫn về Giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa (C/O) hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt và các quy trình kiểm tra xác định xuất xứ ban hành kèm theo Quyết định 4286/QĐ-TCHQ ngày 31/12/2015 của Tổng cục Hải quan và các công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Trong trường hợp có nghi vấn liên quan đến tính hợp lệ của C/O, các thông tin khai báo C/O hay xuất xứ thực tế của hàng hóa nhập khẩu như có dấu hiệu giả mạo chữ ký, con dấu C/O, thông tin khai báo hàng hóa không phù hợp…, thì các cục Hải quan tỉnh, thành phố phải gửi báo cáo và hồ sơ liên quan về Tổng cục Hải quan để tiến hành xác minh.
Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu, đối với những trường hợp hàng hóa trong thời gian chờ kết quả xác minh thì không được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt mà áp dụng theo mức thuế suất ưu đãi MFN.(Infonet)
---------------------------------
Kết quả xử lý sau thanh tra tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam
Văn phòng Bộ Công Thương vừa chính thức công bố kết quả xử lý thanh tra tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).Theo đó, kể từ năm 2011, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước việc xếp loại doanh nghiệp thực hiện theo quyết định số 224/2006/QĐ-TTg ngày 6/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 115/2007/TT-BTC ngày 25/9/2007 của Bộ Tài chính.Vì vậy, Bộ Công Thương có thẩm quyền xếp loại doanh nghiệp đối với Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam; đối với các công ty xăng dầu thành viên, việc xếp loại doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam.
Ngày 16/5/2011, Tổng công ty có Công văn số 0678/XD-CVHĐQT về việc đề nghị xếp loại doanh nghiệp năm 2010. Sau khi xem xét và có ý kiến thỏa thuận của Bộ Tài chính tại Công văn số 8863/BTC-TCDN ngày 6/7/2011, Bộ Công Thương đã xếp loại doanh nghiệp loại A năm 2010 đối với Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam là theo thẩm quyền và đảm bảo quy định.
Tiếp đó, ngày 15/6/2012, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam có văn bản số 0917/PLX-HĐQT về việc đề nghị xếp loại doanh nghiệp năm 2011. Sau khi có văn bản giải trình của Tập đoàn (Công văn số 1409/PLX-TCKT ngày 11/9/2012 ) và ý kiến của Bộ Tài chính (Công văn số 5591/BTC-TCDN ngày 6/5/2013 về việc xếp loại doanh nghiệp năm 2011), Bộ Công Thương đã có Quyết định xếp loại doanh nghiệp loại A năm 2011 đối với Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam là theo thẩm quyền và đảm bảo quy định.
Năm 2012, cơ quan thuế đã kiểm tra và ban hành các quyết định xử phạt vi phạm trong việc chấp hành pháp luật thuế đối với 31 công ty xăng dầu thành viên. Các quyết định xử phạt hành chính này đều xảy ra sau thời điểm nộp báo cáo xếp loại doanh nghiệp nên không thực hiện hồi tố để xếp loại cho doanh nghiệp đã được xếp loại năm 2010, năm 2011 mà được làm căn cứ xếp loại doanh nghiệp năm 2012.
Cùng với đó, thực hiện Công văn số 1990/VPCP-V.I, Bộ Công Thương ban hành văn bản số 2945/BCT-TTB ngày 5/4/2016 yêu cầu Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam tổ chức họp kiểm điểm cá nhân, tập thể và các công ty đã để xảy ra các tồn tại, vi phạm và khẩn trương thực hiện các kiến nghị nêu trong Kết luận thanh tra số 1571/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ.
Mặt khác, thực hiện Thông báo số 2280/TB-TTCP ngày 1/9/2016 của Thanh tra Chính phủ và ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại Công văn số 8011/VPCP-V.I ngày 23/9/2016 của Văn phòng Chính phủ thông báo về việc xử lý sau thanh tra tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.
Cùng đó, Bộ Công Thương cũng đã ban hành văn bản số 8948/BCT-TTB ngày 23/9/2016 yêu cầu Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam tập trung thực hiện kết luận, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ và báo cáo kết quả thực hiện theo quy định. Theo Văn phòng Bộ Công Thương, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã có báo cáo số 1271/LLX-HĐQT ngày 26/10/2016 về việc thực hiện Kết luận thanh tra. Tuy nhiên, còn một số nội dung chưa được triển khai thực hiện.
Vì vậy, ngày 5/12/2016, Bộ đã có Công văn số 563/TTB-TH yêu cầu Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với các tập thể và cá nhân liên quan và báo cáo kết quả thực hiện.
Ngày 16/12/2016, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã có Công văn số 1583/PLX-HĐQT yêu cầu các cá nhân, đơn vị trực thuộc thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ.
Theo đó, các đơn vị thành viên (Công ty cổ phần vận tải Xăng dầu VIPCO, Công ty Xăng dầu Khu vực II, Công ty Xăng dầu Khu vực III, Công ty Xăng dầu Tây Nam Bộ, Công ty Xăng dầu Khu vực I, Công ty Xăng dầu B12, Công ty Xăng dầu Khu vực V, Công ty Xăng dầu Phú Khánh) đã thực hiện kiểm điểm trách nhiệm về các nội dung liên quan của kết luận thanh tra.
Đặc biệt, các phòng, ban chức năng (Ban Chiến lược và Đầu tư, Phòng Kinh doanh, Phòng Kỹ thuật, Phòng Tổ chức nhân sự, Phòng Đầu tư, Ban Tài chính của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) cũng đã triển khai kiểm điểm và báo cáo kết quả kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan.
Ngày 11/1/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có Công văn số 257/BCT-TTB nghiêm khắc phê bình Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam chậm trễ trong việc thực hiện các nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ và yêu cầu khẩn trương thực hiện đầy đủ nghiêm túc các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.
Cùng ngày 11/1/2017, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân theo kết luận luận của Thanh tra Chính phủ dưới sự chứng kiến của đại diện Lãnh đạo Bộ và các Vụ chức năng thuộc Bộ Công Thương đã xác định trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân liên quan đến khuyết điểm, vi phạm trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, quản lý hoạt động kinh doanh.
Văn phòng Bộ Công Thương nhấn mạnh: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các kiến nghị tại Thông báo số 2280/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ; đã kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến khuyết điểm, thiếu sót. Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cũng đã nghiêm túc rút kinh nghiệm trong quản lý điều hành theo kết luận của Thanh tra Chính phủ đồng thời chỉ đạo, quán triệt các đơn vị thành viên nghiêm túc triển khai thực hiện.(baotintuc)