tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 15-04-2017

  • Cập nhật : 15/04/2017

3/4 số người dùng không sẵn sàng đối phó với tội phạm mạng

Theo thống kê trong nửa sau của năm 2016, 39% người trả lời không sử dụng các giải pháp bảo vệ trên các thiết bị được kết nối và 29% đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công mạng trong vài tháng qua, đặc biệt, 74% người dùng không tin rằng họ có thể trở thành mục tiêu của tội phạm mạng, 

wi-fi la ket noi hien dang duoc tin tac khai thac nhieu nhat. anh minh hoa: internet.

Wi-Fi là kết nối hiện đang được tin tặc khai thác nhiều nhất. Ảnh minh hoạ: Internet.

Kaspersky Lab vừa cập nhật Kaspersky Cybersecurity Index - một bộ chỉ số cho phép đánh giá mức độ rủi ro với người dùng Internet trên toàn thế giới. Chỉ số nửa sau của năm 2016 cho thấy một xu hướng tích cực: Số người quan tâm đến an toàn và sẵn sàng tự bảo vệ mình chống lại các cuộc tấn công mạng đang gia tăng không ngừng.

Chỉ số này dựa trên một cuộc khảo sát trực tuyến của người dùng internet trên khắp thế giới, thực hiện bởi Kaspersky 2 lần/năm. Trong nửa sau 2016 đã thu được 17.377 phản hồi từ 28 quốc gia.

Theo đó, chỉ số toàn cầu trong nửa sau của năm (Unconcerned-Unprotected-Affected) là 74 - 39 - 29, tức là, 74% người dùng không tin rằng họ có thể trở thành mục tiêu của tội phạm mạng, 39% người trả lời không sử dụng các giải pháp bảo vệ trên tất cả các thiết bị được kết nối của họ, và 29% số người được khảo sát đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công mạng trong vài tháng qua. Các chỉ số này trước đó là 79 - 40 - 29, tức là 6 tháng trước nhiều người tin là mình dễ bị xâm nhập nhưng vẫn trong tình trạng không được bảo vệ.

Bên cạnh đó, báo cáo cho biết, số lượng người dùng gặp phải phần mềm độc hại đã giảm từ 22% xuống 20%, chi phí để khắc phục hậu quả sự lây nhiễm đã giảm từ 121$ xuống còn 92$. Tuy nhiên, tỉ lệ những người trở thành nạn nhân của các mối đe dọa khác đã tăng lên, ví dụ: Số lượng người dùng bị ảnh hưởng bởi ransomware, lừa đảo, trộm cắp và rò rỉ dữ liệu, đồng thời, số tiền trung bình bị đánh cắp bởi những kẻ lừa đảo trực tuyến đã tăng từ 472 USD lên 482 USD.

Ngoài chỉ số và các tổn thất tài chính, báo cáo còn có thêm những thông tin giúp tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh về người dùng internet hiện nay. Ví dụ, thống kê cho thấy số thiết bị trung bình kết nối Internet trong một gia đình tiếp tục tăng (trong nửa đầu năm mỗi gia đình có 5,9 thiết bị, trong khi nửa cuối năm con số này đã đạt 6,3), ngày càng có nhiều người sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến (59% trong nửa đầu năm so với 77% trong nửa cuối năm), mua hàng trực tuyến (73% so với 90%) và sử dụng các hệ thống thanh toán online (44% so với 65%).(Viettimes)
--------------------------------------------

Phòng cháy, chữa cháy chung cư, nhà cao tầng: Còn nhiều bất cập

Từ đầu năm 2017 đến nay, hàng loạt chung cư tại TP Hồ Chí Minh chưa được thẩm duyệt phương án phòng cháy và chữa cháy nhưng đã tổ chức đưa dân cư vào sinh sống. Trên địa bàn thành phố có hàng nghìn nhà cao tầng và công tác phòng cháy, chữa cháy tại đây vẫn còn nhiều bất cập chưa thể giải quyết dứt điểm.

Chưa thẩm duyệt, vẫn cho dân vào ở

Theo thống kê của Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) TP Hồ Chí Minh, hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 1.000 nhà cao từ 5 tầng trở lên, trong đó có 605 nhà cao trên 10 tầng. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện hàng loạt sai phạm về bảo đảm an toàn PCCC tại các chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn. Cụ thể, quý I-2017, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã phát hiện 7 chung cư chưa được nghiệm thu kỹ thuật, an toàn PCCC nhưng đã đưa vào sử dụng, thậm chí có cả chung cư đang trong quá trình thi công...

Đơn cử như vụ việc chung cư Nguyễn Quyền (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân), dù chưa được thẩm duyệt các phương án bảo đảm an toàn PCCC song chủ đầu tư đã cho 156 hộ dân vào sinh sống. Mặc dù Phòng PCCC quận Bình Tân đã gửi thông báo về việc kiểm tra, phúc tra điều kiện an toàn PCCC nhưng chủ đầu tư chung cư vẫn không hợp tác, cố ý gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh đã phải báo cáo lãnh đạo UBND thành phố về vụ việc để xin ý kiến chỉ đạo giải quyết. Vụ cháy mới đây xảy ra ngày 1-4 một căn hộ tại chung cư Cửu Long (phường 13, quận Bình Thạnh) tuy không gây thiệt hại về người nhưng đã làm thiệt hại nhiều tài sản, chính là tiếng chuông báo động cho sự mất an toàn PCCC tại các chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện nay.

Một bất cập nữa là trong buổi làm việc với HĐND TP Hồ Chí Minh vừa qua, Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC thành phố cho biết, hiện nay xe thang chữa cháy của Cảnh sát PCCC chỉ tiếp cận được đến tầng 20 (khoảng 50-70m)... Thành phố lại không có phương tiện tiếp cận đám cháy từ trên cao nên rất nguy hiểm nếu xảy ra đám cháy tại các chung cư lớn có độ cao vượt quá khả năng tiếp cận của xe thang.

Xử lý nghiêm trường hợp cố tình vi phạm

Theo Đại tá Lê Tấn Bửu, Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị được đầu tư trang bị hiện đại nhất cả nước. Việc xe thang chỉ tiếp cận được đến tầng 20 không phải do thiết bị chữa cháy lạc hậu, các nước trên thế giới cũng sử dụng những phương tiện với phạm vi chữa cháy như vậy.

Với những công trình có độ cao lớn hơn, hướng tiếp cận đám cháy phải là từ trên không hay từ thang máy chữa cháy, cầu thang bộ. Để chữa cháy hiệu quả, các nhà cao tầng phải bảo đảm các điều kiện như: Có hệ thống thang dành riêng cho PCCC, có nguồn chữa cháy tại chỗ từ các trụ nước, bình chữa cháy hay hệ thống báo, chữa cháy tự động.

Trước những vi phạm về an toàn PCCC, Đại tá Trần Thanh Châu, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh cho rằng cần đưa ra biện pháp xử lý nghiêm với những tòa nhà không bảo đảm an toàn PCCC. Công trình xây dựng phải bảo đảm hệ thống chữa cháy đúng quy định thì mới cấp phép và cho phép chủ đầu tư bán căn hộ cho người dân. Mùa khô đang ở giai đoạn đỉnh điểm, cần chủ động phòng ngừa, ngăn chặn chứ không đợi sự cố xảy ra rồi... chạy theo đám cháy.

Theo Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh, quý I-2017 trên địa bàn thành phố đã xảy ra 485 sự cố cháy nổ, giảm 358 vụ (42%), nhưng tăng về số người chết và bị thương, so với cùng kỳ năm 2016.(HNM)
-----------------------------------------

EVN sẽ phát hành trái phiếu quốc tế từ năm 2018 hoặc 2019

Dự kiến từ nay đến năm 2020, mỗi năm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần huy động khoảng 5-6 tỷ USD tiền vốn để đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện trọng điểm. Để giải quyết vấn đề này, EVN đang dự tính phát hành trái phiếu quốc tế và thế chấp bản thân các dự án để vay vốn

anh minh hoa. nguon internet

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Được biết, ngành điện vẫn là một trong những ngành được Chính phủ cho phép bảo lãnh, nhưng Nghị định số 04/2017/NĐ-CP mới ban hành của Chính phủ giảm mức bảo lãnh Chính phủ từ 80% xuống còn không quá 70% tổng mức đầu tư tùy theo mức độ quan trọng của chương trình, dự án.

Ngoài ra, giá than đầu vào liên tục gia tăng (chỉ tính riêng từ ngày 24/12/2016 đến nay đã tăng 7%) nhưng chưa được đưa vào cân đối trong giá bán điện hiện hành khiến chi phí sản xuất điện đội lên hàng nghìn tỷ cũng đang gây ra khó khăn về nguồn vốn cho EVN.

Tuy nhiên, theo tính toán của EVN, để duy trì tiến độ các dự án nguồn điện trọng điểm và công trình cấp bách từ nay đến 2020, trung bình mỗi năm EVN sẽ cần phải huy động vốn đầu tư khoảng 5-6 tỉ USD.

Được biết, hiện mỗi năm trái phiếu Chính phủ chỉ có thể huy động khoảng 2 tỷ USD.

Để có thể huy động nguồn vốn lớn như vậy, EVN đang tính đến phương pháp dùng hợp đồng mua bán điện, cùng với tài sản hình thành nhà máy để thế chấp vay ngân hàng không cần bảo lãnh chính phủ đối với những dự án nguồn điện lớn.

EVN cũng sẽ tính đến phương án thành lập các công ty hạch toán phụ thuộc, ký hợp đồng mua bán điện dài hạn với các tổng công ty điện lực, dùng hợp đồng mua bán điện đó cùng với tài sản để hình thành nhà máy làm thế chấp vay ngân hàng không có bảo lãnh chính phủ. 

Với phương án này, EVN sẽ có thể chủ động trong việc thu xếp vốn cho các dự án, đảm bảo kế hoạch thu xếp đủ vốn để bù đắp tăng trưởng điện trong tương lai và đầu tư mới. 

Bên cạnh đó, EVN cũng phải đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp để tất cả các đơn vị của tập đoàn đảm bảo được các chỉ tiêu tài chính và đạt được mục tiêu tự phát hành trái phiếu, không cần bảo lãnh chính phủ.

Ngoài ra, EVN cho biết sẽ tính đến việc phát hành trái phiếu nước ngoài để tăng thêm nguồn vốn. Dự kiến đến năm 2018 - 2019, EVN phải phát hành trái phiếu quốc tế. 

"Đây là giải pháp huy động vốn vẫn thường được sử dụng trên thị trường quốc tế, nhưng còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Vì vậy, EVN sẽ tăng cường làm việc với các tổ chức tài chính quốc tế và trong nước xây dựng chuẩn mực, để có thể triển khai phương án này trong thời gian tới", đại diện EVN cho biết.(Viettimes)
------------------------------

Doanh nghiệp “khủng” ngành Nước và Môi trường chuẩn bị lên sàn

Hiện tại, Biwase đang sở hữu cổ phần của hàng loạt doanh nghiệp như: CTCP Nước Thủ Dầu Một (TDM) (26%), CTCP Tái chế Vật Liệu Xanh (25%); CTCP Cấp nước Đồng Nai (DNW) (20%).

Giữa tháng 3/2017, CTCP Nước – Môi trường Bình Dương (Biwase) chốt danh sách cổ đông để chuẩn bị đăng ký giao dịch Upcom hoặc lên sàn niêm yết chính thức. Phiên đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) của Biwase tổ chức vào ngày 10/08/2016 là một trong những thương vụ IPO lớn trong ngành Nước và xử lý Nước thải ở Việt Nam. Đã có hơn 283 nhà đầu tư đăng ký đấu giá mua gần 62 triệu cp - gấp 3 lần lượng chào bán (trong đó có 269 NĐT cá nhân trong nước, 9 tổ chức trong nước và 5 tổ chức nước ngoài). Đây cũng đang là một trong những cái tên được mong chờ trên sàn chứng khoán trong năm 2017.

Vậy doanh nghiệp này có gì “hot”?

Biwase có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, đang quản lý mạng lưới cấp nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương và không có sự cạnh tranh của các doanh nghiệp cùng ngành nghề. Theo số liệu từ Hiệp hội cấp thoát nước Việt Nam, Biwase đứng thứ 3 toàn quốc về công suất cấp nước với 383.000 m³/ngày đêm, với tỷ lệ thất thoát nước khoảng 7% - giảm mạnh so với mức trước đây là 37,2% vào năm 2002, đứng thứ 3 tại khu vực về hiệu quả công suất, sau Singapore (5,5%) và tốt hơn Nhật Bản (8%). Do đó, giá dịch vụ cấp nước của Biwase luôn ở mức cạnh tranh trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Hàng năm doanh thu của Biwase tăng trưởng khoảng 15%, trong đó nguồn thu lớn đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh nước sạch, chiếm trên 80%. Trong năm 2015, tổng doanh thu từ sản xuất nước sạch đạt hơn 721 tỷ đồng - tăng mạnh so với mức 588 tỷ đồng trong năm 2014, chiếm 56% tổng doanh thu cả năm.

Đóng góp hơn 20% vào tổng doanh thu của Biwase là hoạt động xử lý rác thải và sản xuất các sản phẩm từ rác. Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương do DN này vận hành được tài trợ nguồn vốn từ các tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Thế Giới ... gồm 2 hạng mục chính: Khu xử lý rác sinh hoạt tái chế thành phân compost với nhà máy sản xuất phân compost có công suất 420 tấn/ngày và nhà máy xử lý nước rỉ rác với công suất 480 m3/giờ; Khu xử lý rác công nghiệp và công nghiệp nguy hại có công suất xử lý 500 tấn/ngày.

Sản phẩm đầu ra như phân compost thương hiệu con voi Bình Dương được các miệt vườn miền Tây và các đồn điền cao su rất ưa chuộng. Bên cạnh đó, khu liên hợp này còn sử dụng các chất thải trong quá trình xử lý rác như xỉ tro, bùn thải để sản xuất bê tông từ bùn thải, gạch con sâu, gạch tự chèn, gạch terrazzo...

Hiện tại, Biwase đang sở hữu cổ phần của hàng loạt doanh nghiệp như: CTCP Nước Thủ Dầu Một (TDM) (26%), CTCP Tái chế Vật Liệu Xanh (25%); CTCP Cấp nước Đồng Nai (DNW) (20%). Trong đó đang chú ý, sở hữu 43,15% CTCP Đầu tư - Xây dựng Chánh Phú Hòa - Đơn vị khai thác và quản lý một trong những Hoa viên nghĩa trang lớn nhất cả nước. CTCP Đầu tư Xây dựng Chánh Phú Hòa đang đầu tư kinh doanh công viên nghĩa trang và các dịch vụ phục vụ tang lễ tại Hoa viên nghĩa trang Bình Dương có diện tích hơn 200ha cách nội đô tp.HCM 40 km. Đây là một ngành tiềm năng trong tương lai với biên lợi nhuận cao từ 30% - 40%

Kết thúc năm 2015, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 170,5 tỷ đồng tương đương EPS là 1.649 đồng. Với 9 tháng đầu năm 2016 đạt 150 tỷ đồng sau thuế, ước tính cả năm 2016 có thể đạt khoảng 180 tỷ đồng sau thuế.

Theo đánh giá của giới đầu tư, hiện nay, tỉnh Bình Dương có 28 khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung có tổng diện tích hơn 8.700 ha với hơn 1.200 doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động có tổng vốn đăng ký hơn 15 tỷ USD. Tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa của tỉnh Bình Dương thuộc nhóm cao nhất cả nước, dự báo tăng trưởng của các hoạt động cung cấp nước sạch, xử lý môi trường của Biwase sẽ đạt bình quân 17%/năm cho tới năm 2025.

Được xem là doanh nghiệp đầu ngành nước và xử lý nước thải tại khu vực Bình Dương nói riêng và có quy mô lớn trong nước nói chung, quả thực Biwase đang có lợi thế kinh doanh lớn khi nằm trong một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về phát triển khu công nghiệp quy mô.(cafeF)

 

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục