tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 13-04-2017

  • Cập nhật : 13/04/2017

Toshiba lo 'khó tồn tại'

Trong báo cáo tài chính công bố cuối ngày 11/4, hãng này đã lỗ 4,8 tỷ USD trong 9 tháng cuối năm ngoái.

Sau nhiều lần trì hoãn, Toshiba vừa công bố báo cáo tài chính, dù chưa được kiểm toán. Đại gia điện tử Nhật Bản lỗ tổng cộng 532,3 tỷ yen (4,8 tỷ USD) giai đoạn tháng 4 - tháng 12 năm ngoái. Trước đó, họ ước tính khoản lỗ có thể lên tới 1.000 tỷ yen trong tài khóa 2016 (kết thúc vào tháng 3 năm nay).

Toshiba đã 2 lần hoãn công bố báo cáo tài chính. Nếu tiếp tục lỡ hẹn hôm nay, họ sẽ bị rút niêm yết trên sàn Tokyo.Giới chức tài chính Nhật Bản đã cho công ty này thêm thời gian để đánh giá tác động từ việc làm ăn yếu kém của mảng điện hạt nhân tại Mỹ - Westinghouse Electric. Công ty này đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tháng trước.

co dong tham du cuoc hop bat thuong cua toshiba cuoi thang truoc. anh: reuters

Cổ đông tham dự cuộc họp bất thường của Toshiba cuối tháng trước. Ảnh: Reuters

"Tình hình tài chính của công ty có thể sẽ trở nên nghiêm trọng" vì các vấn đề tại Westinghouse, báo cáo cho biết, "Nhiều sự kiện và tình huống có thể làm dấy lên câu hỏi về khả năng hoạt động liên tục". Báo cáo này được công bố chỉ một ngày sau khi Foxconn (Đài Loan) tuyên bố có thể trả tới 27 tỷ USD cho mảng chip nhớ của Toshiba.

Đến nay, Toshiba vẫn khẳng định cần thêm thời gian để điều tra nghi vấn gian lận tài chính của các lãnh đạo Westinghouse, nhằm tính toán ảnh hưởng của việc này. Cơ quan kiểm toán của Toshiba - PwC Aarata hôm nay cho biết họ vẫn chưa hoàn tất việc đánh giá báo cáo của Toshiba. Vì vậy, họ cũng chưa thể khẳng định các số liệu có cần chỉnh sửa hay không.

Cổ phiếu Toshiba đã giảm mạnh năm nay và mất hơn nửa giá trị từ cuối tháng 12 năm ngoái, khi thông tin về khoản thiệt hại nhiều tỷ USD tại Westinghouse lần đầu được công bố. Hôm nay, mã này tiếp tục giảm thêm 2,69%. Báo cáo tài chính của Toshiba được công bố sau khi thị trường Nhật Bản đóng cửa.

Việc công bố đã giúp giảm nhẹ phần nào áp lực cho Toshiba. Tuy nhiên, cổ phiếu hãng này vẫn có thể bị rút niêm yết, tùy vào kết quả cuộc điều tra của họ.

Toshiba đang lâm vào khủng hoảng, chỉ hai năm sau khi danh tiếng hãng này bị ảnh hưởng nặng nề vì scandal thổi phồng lợi nhuận hơn 1,2 tỷ USD. Sau việc này, hãng đã nhanh chóng sa thải các lãnh đạo cấp cao và cam kết cải thiện quản trị doanh nghiệp. (VNE)
-----------------------------------------------

Malaysia thu hồi thêm 3 mỹ phẩm độc hại

Tờ The Star ngày 12.4 đưa tin Bộ Y tế Malaysia ra quyết định thu hồi 3 loại mỹ phẩm sản xuất nội địa chứa thành phần độc hại.  

Cụ thể, sản phẩm Tati Skincare Night Cream chứa thủy ngân, sản phẩm Tati Skincare Treatment Cream và Moleek Anti Pigmentation Cream chứa cả hydroquinone lẫn tretinoin.

“Tất cả những cơ sở phải dừng bán và phân phối các sản phẩm này ngay lập tức”, ông Noor Hisham Abdullah, đại diện Bộ Y tế Malaysia thông báo.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân ngừng sử dụng các sản phẩm nói trên  và tham vấn với bác sĩ nếu họ từng bị khó chịu khi sử dụng chúng.

Ông Noor Hisham cảnh báo tiếp xúc với thủy ngân có thể gây suy thận và tác hại đến hệ thần kinh. “Thủy ngân cũng tác động đến quá trình phát triển não bộ ở thai nhi và trẻ sơ sinh”, ông nói thêm.

Tại Malaysia, các chất hydroquinone và tretinoin có thể dùng trong y tế nhưng phải đăng ký với Cục Quản lý dược và sử dụng dưới sự giám sát của chuyên gia y tế.

Hydroquinone ngăn cản quá trình hình thành sắc tố da và giảm khả năng bảo vệ trước các tia cực tím, làm tăng nguy cơ ung thư. Tretinoin cũng gây kích ứng và khó chịu cũng như ăn mòn làm da nhạy cảm với ánh nắng.

Trước đó vào tháng 3, Malaysia đã thu hồi 8 loại mỹ phẩm sản xuất nội địa chứa các hóa chất độc hại trên. Cụ thể, các loại Moleek Day Cream, Adel Miracle Flawless Serum, Ah Beauty Night Cream bị phát hiện chứa thủy ngân, NDZ UV Whitening chứa hydroquinone còn Snow Cream Normal, Snow Cream Sensitif, Dnars Nar Cream Sensitif và Ellfie Night Cream chứa cả hydroquinone lẫn tretinoin.

Theo tìm hiểu của Thanh Niên vào tháng 3, mỹ phẩm Malaysia vào Việt Nam hiện nay không nhiều và chưa phổ biến. Tìm kiếm trên các kênh bán sản phẩm trên mạng và khảo sát sơ bộ một vài điểm bán mỹ phẩm ở chợ, bước đầu chưa thấy thông tin nào về các dòng sản phẩm bị cấm nói trên tại Việt Nam.(TN)
----------------------------------------

Từ 14.4, áp dụng thuế chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu

Theo quyết định của Bộ Công thương, từ ngày 14.4 hải quan sẽ chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với sản phẩm thép mạ nhập khẩu vào VN có xuất xứ từ Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông) và Hàn Quốc.

Mức thuế CBPG được áp dụng từ 3,17% đến 38,34% cho các công ty cụ thể xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp vào VN. Riêng mức thuế CBPG dành cho các nhà sản xuất và xuất khẩu khác của Hàn Quốc là 19%. Đây là một số sản phẩm thép carbon cán phẳng ở dạng cuộn và không phải dạng cuộn, chứa hàm lượng carbon dưới 0,6% tính theo trọng lượng, có tráng, mạ hay phủ kim loại chống gỉ như kẽm hoặc nhôm hoặc các hợp kim gốc sắt theo tất cả các phương pháp phủ kẽm hợp kim gốc sắt, bất kể độ dày và chiều rộng. Thép mạ thường được dùng làm vật liệu xây dựng, bộ phận ô tô, vách ngăn, khung lưng tủ lạnh, vỏ máy vi tính, ống thông gió, vách sau máy điều hòa không khí, kim loại có tráng men, ống, đai thùng đồ nội thất, cửa ra vào, thanh trượt...(thanhnien)
-------------------------------------

Vốn ngoại rót mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam

Kết thúc phiên giao dịch 11.4, các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tiếp tục mua ròng hơn 311 tỉ đồng trên sàn TP.HCM, góp phần đưa chỉ số VN-Index vượt thành công mức 730 điểm.

    Điều này thể hiện sự quan tâm mạnh của khối ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

    Cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index trong phiên này chỉ dao động nhẹ. Các cổ phiếu (CP) lớn trên thị trường vẫn phân hóa tương đối mạnh, tuy nhiên, do nhận được lực đỡ từ một số mã trụ cột nên hai chỉ số đều duy trì được sắc xanh. Cuối phiên chỉ số VN-Index tăng thêm 1,46 điểm lên mức 731,33 điểm và chỉ số HNX-Index tăng 0,2 điểm lên 90,63 điểm. Thanh khoản cả hai sàn vẫn ở mức rất cao với 296,38 triệu CP và chứng chỉ quỹ được giao dịch thành công, đạt tổng trị giá 4.589,36 tỉ đồng.

    Đáng chú ý, khối ngoại cũng giao dịch tích cực ở phiên hôm nay với việc mua vào 13,64 triệu CP, trị giá 564 tỉ đồng, trong khi bán ra chỉ hơn 6,1 triệu CP, trị giá 252,97 tỉ đồng trên sàn TP.HCM. Như vậy tổng khối lượng mua ròng đạt 6,8 triệu CP với trị giá hơn 311 tỉ đồng. Ngược lại trên sàn Hà Nội, khối ngoại bán ròng trở lại 604.637 CP trị giá hơn 3 tỉ đồng.

    Trong phiên đầu tuần 10.4, khối ngoại giao dịch cũng khá tích cực khi mua ròng đạt gần 6 triệu CP, tương ứng giá trị mua ròng đạt 293,3 tỉ đồng. Hoạt động mua ròng của các NĐTNN diễn ra liên tục kể từ đầu năm đến nay. Chỉ tính riêng trong tháng 3 qua, giá trị mua ròng của NĐTNN đạt cao nhất từ đầu năm với 303 triệu USD. Tính chung 3 tháng đầu năm 2017, tổng giá trị mua ròng của NĐTNN đạt 554 triệu USD, trong đó gồm 418 triệu USD trái phiếu và 136 triệu USD cổ phiếu. Hiện tỷ lệ sở hữu nước ngoài của khối ngoại trên thị trường CP ước đạt 19,2% và trên thị trường trái phiếu ước đạt 6,2%.

     

    Trở về

    Bài cùng chuyên mục