3/4 số người dùng không sẵn sàng đối phó với tội phạm mạng; Phòng cháy, chữa cháy chung cư, nhà cao tầng: Còn nhiều bất cập; EVN sẽ phát hành trái phiếu quốc tế từ năm 2018 hoặc 2019; Doanh nghiệp “khủng” ngành Nước và Môi trường chuẩn bị lên sàn
Tin kinh tế đọc nhanh tối 13-04-2017
- Cập nhật : 13/04/2017
3 tháng, VN nhập trên 4.000 tỉ đồng thuốc trừ sâu, trừ cỏ...
Theo Bộ NN&PTNT, trong ba tháng đầu năm 2017 VN đã nhập khẩu 183 triệu USD (trên 4.000 tỉ đồng) các loại thuốc trừ sâu, trừ bệnh, trừ cỏ...
Lượng nhập trên, theo Bộ NN&PTNT đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, nguồn nhập khẩu chủ yếu là từ Trung Quốc (chiếm trên 50% tổng nhập khẩu).
Năm 2016, VN nhập khẩu 736 triệu USD thuốc trừ sâu và nguyên liệu, tương đương 100.000 tấn để sử dụng trong nước, một phần chế biến tái xuất khẩu.
Trả lời Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, cho biết nhập khẩu thuốc trừ sâu và hóa chất bảo vệ thực vật của VN tăng liên tục trong vài chục năm qua do mở rộng diện tích canh tác và thâm canh ở nhiều loại cây trồng.
Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều hóa chất trong nông nghiệp, theo ông Nghĩa, đã để lại những hậu quả nặng nề cho môi trường đất, nước cũng như chất lượng nông sản của VN.(TT)
---------------------------------------
Cá ngừ Việt xuất sang Nhật muốn thuế 0% như Thái Lan
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) và các doanh nghiệp cá ngừ vừa có công văn gửi Bộ Công Thương ưu tiên rà soát mức thuế nhập khẩu vào Nhật Bản.
Qua đó nhằm đưa mức thuế nhập khẩu các sản phẩm cá ngừ từ Việt Nam về 0% như Nhật Bản đang áp dụng cho Thái Lan và Philippines.
Theo dữ liệu từ hải quan Nhật Bản và các đối tác tại Nhật Bản, đối với mặt hàng cá ngừ vằn đóng hộp xuất khẩu sang Nhật Bản, Thái Lan đã được hưởng mức thuế 0% từ năm 2012, trong khi Việt Nam đang bị áp mức thuế 6,4%. Đối với mặt hàng cá ngừ vây vàng đóng hộp và thăn/philê cá ngừ hấp đông lạnh xuất khẩu sang Nhật Bản, doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Việt Nam vẫn đang phải chịu mức thuế cao hơn 40% so với các nước Thái Lan, Philippines.(PLO)
--------------------------------
Mua vé máy bay của công ty bán vitamin, cả nghìn người Thái Lan bị lừa
Hơn 1.000 người Thái Lan trả tiền cho chuyến bay tới thành phố Osaka của Nhật Bản phát hiện đã bị lừa khi đến sân bay Suvarnabhumi ở thủ đô Bangkok tối 11/4.
Theo tờ “Bangkok Post”, các du khách trên đã trả khoảng 9.700 – 20.000 baht (tương đương 281-580 USD) cho một công ty trong nước gọi là Wealth Ever để du lịch tới Nhật Bản dự kiến từ ngày 13-15/4.
Tuy nhiên, sau đó không có nhân viên nào của công ty này đón khách tại sân bay như cam kết, thậm chí không đặt chuyến bay cho họ. Nhiều hành khách đã rời sân bay sau khi phát hiện bị lừa đảo, trong khi những người khác vẫn ở sân bay Suvarnabhumi do không có phương tiện trở về nhà trong dịp lễ hội Songkran.
Cảnh sát cho biết một nhóm khách khác đến sân bay ngày12/4 cũng có giao dịch tương tự với Wealth Ever. Cảnh sát Thái Lan đang thu thập bằng chứng trước khi có biện pháp xử lý công ty trên.
Được biết, Wealth Ever thường bán các loại vitamin bổ sung. Trong khi đó, Văn phòng của Ủy ban bảo vệ người tiêu dùng Thái Lan cho biết công ty Wealth Ever chưa từng đăng ký với ủy ban này về hoạt động kinh doanh các thực phẩm chức năng.(baoTintuc)
------------------------------------
Đại gia sân bay vượt kế hoạch lợi nhuận 5.600 tỷ đồng
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán giai đoạn từ ngày 1/4 đến hết năm tài chính 2016, tức từ khi doanh nghiệp này chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Trong 3 quý cuối năm, ACV ghi nhận 10.241 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt 3.111 tỷ đồng. Kết hợp với số liệu tài chính giai đoạn đầu năm, tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của “đại gia sân bay” đạt 13.540 tỷ đồng, tăng chưa đến 3% so với năm trước.
Trong đó, dịch vụ hàng không bao gồm cất hạ cánh, phục vụ hành khách, soi chiếu an ninh đóng góp 81,6% vào tổng doanh thu của công ty, tương đương 11.048 tỷ đồng. Nguồn thu còn lại đến từ dịch vụ phi hàng không (như cho thuê quảng cáo, mặt bằng, cung cấp tiện ích…) và bán hàng miễn thuế, lần lượt đạt khoảng 1.270 tỷ và 1.220 tỷ đồng.Lợi nhuận trước thuế đạt 7.742 tỷ đồng, tăng 240% so với năm trước và vượt xa kế hoạch lợi nhuận 2.056 tỷ đề ra tại đại hội cổ đông thường niên hồi đầu năm. Đáng chú ý là lợi nhuận trong quý I tăng đột biến, chiếm 60% tổng lợi nhuận cả năm nhờ ghi nhận các khoản hoàn nhập chi phí sửa chữa lớn theo chu kỳ từ năm 2012-2015 và chi phí trích trước tiền thuê đất trị giá gần 2.500 tỷ đồng.
Theo phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán TP HCM (HSC), hoạt động kinh doanh trong năm nay của ACV sẽ diễn tiến thuận lợi, nhất là khi Cục Hàng không có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải thông qua đề xuất tăng phí cất hạ cánh và một số phí dịch vụ sân bay khác đối với các chuyến bay nội địa. Nếu đề xuất phí dịch vụ cất hạ cánh tăng 15% trong những giờ cao điểm và phí soi chiếu an ninh tăng 33% so với mức hiện hành được phê duyệt trong năm nay, dự báo doanh thu của ACV có thêm 900 tỷ đồng và lợi nhuận sẽ tăng trưởng ít nhất 57%, lợi trừ khoản hoàn nhập nêu trên.
Bên cạnh đó, thương vụ bán 20% cổ phần cho Tập đoàn Sân bay Paris (ADP) cũng tiến triển thuận lợi sau hơn 2 năm đàm phán. Đầu tháng 3 vừa qua, tờ Nikkei Asia Review đưa tin Chính phủ đã thông qua thương vụ này. Theo đó, ACV dự kiến phát hành 65,9 triệu cổ phiếu sơ cấp và bán 382,7 triệu cổ phiếu thứ cấp từ vốn nhà nước cho ADP và số cổ phiếu này sẽ không được chuyển nhượng trong ít nhất 10 năm. Khi các giao dịch này hoàn tất, cổ phần nhà nước sẽ giảm từ 95,396% xuống 76,56%.
HSC đánh giá, nhiều khả năng Chính phủ mong muốn hoàn tất sớm thương vụ đình đám này bởi khi ADP trở thành đối tác chiến lược, hiệu quả hoạt động của ACV sẽ được cải thiện đáng kể và kế hoạch mở rộng trong thời gian tới của doanh nghiệp này có thể ít trở ngại hơn, đặc biệt là việc huy động vốn.(VNE)