tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 05-12-2017

  • Cập nhật : 05/12/2017

Thu hút nhà đầu tư chiến lược vào cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Một trong những giải pháp để đạt mục tiêu của quá trình cổ phần hóa là thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào cổ phần hóa, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế tại Việt Nam, việc tìm kiếm các nhà đầu tư này luôn gặp thách thức, khó khăn, đòi hỏi nhiều thời gian và chi phí.

vietnam airlines la mot trong so it nhung tong cong ty nha nuoc quy mo lon tim kiem thanh cong duoc nha dau tu chien luoc nuoc ngoai. anh: huy hung/ttxvn

Vietnam Airlines là một trong số ít những tổng công ty nhà nước quy mô lớn tìm kiếm thành công được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Vốn nội bán mãi không hết

Mới đây, theo một ước tính của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), mức thoái vốn của Chính phủ tại các doanh nghiệp nhà nước từ nay đến năm 2020 là khoảng 4,35 tỷ USD và để thị trường hấp thụ được nguồn cung khổng lồ này, cần có nguồn lực của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài mang lại nhiều tác dụng tích cực, như giảm gánh nặng tài chính cho Nhà nước, cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cao kỹ năng quản trị và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp… 

“Chúng ta biết rằng, nhà đầu tư chiến lược không chỉ mang lại nguồn lực tài chính mới mà còn mang lại những giá trị gia tăng khác cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói. 

Nhưng để thu hút được nhà đầu tư chiến lược vào quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước tưởng dễ mà hóa khó. 

Báo cáo Cổ đông chiến lược trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của CIEM được đưa ra từ 46 tổng công ty doanh nghiệp nhà nước với số vốn 28.369 tỷ đồng được phê duyệt bán cho nhà đầu tư chiến lược cho thấy, chỉ có 12.762 tỷ đồng được bán ra, chỉ đạt chưa đến 50% số vốn bán ra cho nhà đầu tư chiến lược. Còn nếu xét về tỷ lệ bán được cho nhà đầu tư nước ngoài thì chỉ có 4/46 tổng công ty có mặt nhà đầu tư ngoại, chưa kể phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài mua tỷ lệ cổ phần rất thấp. 

Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao nhà đầu tư chiến lược lại chưa quan tâm đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa? 

Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội cho rằng các nhà đầu tư luôn muốn có sự thoải mái khi đầu tư vào một doanh nghiệp. Họ cần xem quy trình định giá doanh nghiệp có đúng chuẩn mực quốc tế hay không thì mới mạnh dạn tham gia vào quá trình cổ phần hóa. Do vậy, Chính phủ Việt Nam cần có những thay đổi để hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược. 

Chỉ ra nguyên nhân chính khiến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự thu hút các nhà đầu tư quốc tế, các chuyên gia kinh tế cho rằng đó là việc duy trì quy định hạn chế tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài trong một số ngành nghề và lĩnh vực. 

Ngoài ra, việc xác định giá trị doanh nghiệp và giá bán cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và chưa phản ánh đúng giá trị thực của doanh nghiệp cùng với việc thiếu công khai, minh bạch trong tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn cũng là những nguyên nhân khiến cho các nhà đầu tư quốc tế e ngại. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhà nước cũng kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài do bộc lộ nhiều nhược điểm nội tại như đầu tư dàn trải vào nhiều lĩnh vực, quản trị kém, nợ đọng cao, thiếu năng lực chuyên môn. 

Cuối cùng, thủ tục cổ phần hóa phức tạp, kéo dài thời gian và nhiều yêu cầu khó khả thi cũng khiến nhiều nhà đầu tư quốc tế quyết định không tham gia đầu tư vào quá trình này 

Vietnam Airlines là một trong số ít những tổng công ty nhà nước quy mô lớn tìm kiếm thành công được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Theo đó, Vietnam Airlines bán được 8,77% số cổ phần cho Hãng hàng không ANA của Nhật Bản với tổng giá trị ước tính trên 2.430 tỷ đồng sau 2 năm đàm phán chủ động và chuyên nghiệp. 

Sự chuyên nghiệp này thể hiện qua việc thuê tư vấn quốc tế, xác định giá trị doanh nghiệp phù hợp với thông lệ quốc tế, chuẩn bị hồ sơ chào bán minh bạch, mở hệ thống Data room (phòng dữ liệu ảo) để nhà đầu tư tiềm năng truy cập, hoàn tất các điều kiện tiên quyết để nhà đầu tư chuyển tiền mua cổ phần… 

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp vào cũng có được “may mắn” thành công như Vietnam Airlines. Thực tế đã chứng minh, vụ rao bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược tại các doanh nghiệp lớn như MobiFone, PV Oil, Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) đã bị trì hoãn từ 1 - 2 năm đến 10 năm nay. Hay số lượng cổ phần được bán ra rất ít với mức giá cao hơn thị trường như trường hợp bán cổ phần của Vinamilk. Việc này cũng hạn chế về quyền kiểm soát, quyền điều hành, hạn chế quyền chuyển nhượng hay khả năng sinh lời... của các nhà đầu tư chiến lược.

Mong muốn nhiều đột phá 

Theo đánh giá của ông Adam Sitkoff, để thu hút các nhà đầu tư đến từ các nước tốt hơn, chẳng hạn như các thành viên đến từ Hoa Kỳ thì Việt Nam cần lưu ý một số điểm như, nhà đầu tư muốn các quyết định của Chính phủ được đưa ra nhanh hơn nữa và có sự bình đẳng cho các thành phần doanh nghiệp tham gia. 

Ngoài ra, cũng muốn hủy bỏ hoặc nới rộng tỷ lệ cổ phần đối với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, cần đảm bảo sự công bằng giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước để họ có quyền tạo ra sự phát triển tốt hơn cho doanh nghiệp… 

Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách đổi mới doanh nghiệp Nhà nước (CIEM) cũng cho rằng, bên cạnh việc đảm bảo tính công khai, minh bạch thông tin trong quá trình cổ phần hóa thì cần nâng cao vai trò của nhà đầu tư chiến lược vào quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa. 

Theo ông Phạm Đức Trung, trong khung khổ pháp luật hiện hành về quản trị doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp linh hoạt, đa dạng để thu hút các nhà đầu tư chiến lược tham gia vào quản lý, điều hành doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Các hình thức thu hút có thể là cam kết trong quá trình đàm phán và tổ chức thực hiện cam kết với sự tham gia quyết định của cổ đông chiến lược vào các quyết định điều hành doanh nghiệp (về sản phẩm, thị trường, công nghệ…) không phụ thuộc vào tỷ lệ sở hữu, nếu thấy cần thiết và quan trọng. 

Thừa nhận tất cả các lý do trên, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, nhà đầu tư nước ngoài quan ngại khi mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam vì cơ quan quản lý chưa thể hiện bằng văn bản quy định. Trong giai đoạn 2011 - 2015, chỉ thấy từng phương án riêng lẻ được công bố nên nhà đầu tư không biết lập kế hoạch để chuẩn bị. 

Cũng theo kỳ vọng của ông Đặng Quyết Tiến, việc công bố về danh mục, lộ trình thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vừa rồi của Chính phủ là câu trả lời cho cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài, nhằm chuyển tải thông điệp về sự rõ ràng, minh bạch để nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn. 

“Một thay đổi quan trọng là khi doanh nghiệp có quyết định cổ phần hóa sẽ phải đăng tải thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Tài chính”, ông Đặng Quyết Tiến cho biết thêm.(TTXVN)
--------------------------

Tín dụng 11 tháng tăng 15,3%, cho vay tiêu dùng tiếp tục "nóng"

Tỷ trọng dư nợ tín dụng bất động sản giảm. Trong khi đó, tín dụng tiêu dùng ước tăng khoảng 59% so với cuối năm 2016. Hơn một nửa tín dụng tiêu dùng là đáp ứng nhu cầu liên quan đến nhà ở.

Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia mới đây cho biết tổng tín dụng ước tính đến cuối tháng 11/2017 tăng 2,8% so với tháng trước và tăng 15,3% so với đầu năm. Trong khi cùng kỳ năm 2016, tín dụng tăng 15,6% so với đầu năm.

Như vậy, tín dụng được đẩy nhanh hơn trong tháng 11/2017 nhưng vẫn thấp hơn mức cùng kỳ.

Theo kỳ hạn, tỷ trọng tín dụng trung dài hạn tiếp tục giảm từ 55,1% cuối năm 2016 xuống 53,8%. Trong khi đó, tỷ trọng tín dụng ngắn hạn tăng từ 44,9% lên 48,7%. Đến cuối tháng 11, tín dụng trung dài hạn ước chỉ tăng 12,7% so với cuối năm 2016; trong khi cùng kỳ tăng 15,9%. Tăng trưởng tín dụng ngắn hạn ước đạt 18,6% trong khi cùng kỳ đạt 15,2%.

Tín dụng nội tệ chiếm khoảng 91,8% tổng tín dụng. Tín dụng ngoại tệ tăng chậm lại trong tháng 11. Dù vậy, so với cùng kỳ, tốc độ tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ vẫn cao hơn, ước đạt 12,3%. Tín dụng bằng VND ước tăng 15,6% (cùng kỳ 2016 tăng 16,6%).

Cơ cấu tín dụng theo ngành nghề kinh tế chuyển động theo hướng giảm đáng kể cho vay vào hoạt động kinh doanh bất động sản, xây dựng. Tỷ trọng tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp khoảng 8,1%.


Tỷ trọng tín dụng vào bất động sản và xây dựng giảm từ 17.1% xuống 15,5%

Trong khi đó tín dụng tiêu dùng tiếp tục đà tăng trưởng cao. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ước tăng khoảng 59% so với cuối năm 2016.

Cho vay phục vụ nhu cầu mua nhà để ở; thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng, sửa chữa nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở chiếm tỷ trọng 52,9% (cuối năm 2016 là 49,5%), cho vay mua trang thiết bị gia đình chiếm 15,3%; cho vay mua phương tiện đi lại chiếm 8,3%.(NDH)
-----------------------------

Tencent 'bao vây' các hãng công nghệ lớn của Mỹ

Ông chủ Tencent Pony Ma không phải là người hay phô trương chiến lược kinh doanh như tỉ phú Jack Ma của Alibaba hay doanh nhân người Nhật Masayoshi Son.

Ngược lại, ông Pony Ma thực hiện chiến lược thông qua các khoản đầu tư của mình một cách lặng lẽ. Theo CNBC, Tencent đã và đang rót vốn lớn vào nhiều doanh nghiệp phương Tây, song không gây ồn ào. Cụ thể, công ty Trung Quốc mua 5% cổ phần Tesla, 10% cổ phần Snap, đầu tư vào Essential Products và mới đây, hoán đổi cổ phiếu 10% với Spotify.

Các khoản đầu tư vào Tesla, Spotify và Essential Products nói trên lạc lõng so với hoạt động cốt lõi của Tencent, vốn là việc phát triển ứng dụng nhắn tin We Chat và trò chơi điện tử. Dù vậy, chúng có cùng điểm chung. Các hãng mà Tencent rót vốn đều là một trong số ít doanh nghiệp được xem là đối thủ của những ông lớn như Facebook, Apple, Amazon và Google.

Tên tuổi Tencent có thể không lớn ở Mỹ, song gần đây, nó trở thành hãng công nghệ đầu tiên của châu Á được định giá hơn 500 tỉ USD, không kém cạnh so với Facebook, Amazon. Tencent cũng có quan hệ hợp tác và cạnh tranh song hành với các hãng internet lớn của Mỹ.

Amazon hỗ trợ Tencent trong khoản đầu tư vào mẫu điện thoại mới của Essential. Tencent hậu thuẫn "League of Legends", điểm nóng trên nền tảng trò chơi của Amazon. Cùng lúc, Tencent mở ứng dụng cạnh tranh với dịch vụ Amazon Web Services của Amazon.

Giới phân tích chỉ ra rằng sự phổ biến của We Chat ở Đại lục là thách thức lớn với Apple, hãng cố gắng lập nền tảng nhắn tin của riêng mình, đã và đang hợp tác với giới quản lý Trung Quốc. Quan hệ giữa Facebook và Tencent có lẽ mang tính cạnh tranh cao nhất. Theo bài báo trên Bloomberg, CEO Facebook Mark Zuckerberg quay lưng với việc đàm phán đề nghị mua lại WhatsApp từ Tencent trong khi ông Ma vừa phục hồi sau ca phẫu thuật.

Ngoài việc thâu tóm cổ phần Tesla, Tencent cũng có dự án xe tự lái, nền tảng chẩn đoán y tế, dịch vụ quảng cáo và các dự án lớn khác có thể quen thuộc với bất kỳ nhà đầu tư nào rót vốn vào Alphabet, công ty mẹ của Google.

Khi năm 2017 đang dần kết thúc, Tencent ngày càng lộ rõ là mối đe dọa với các hãng công nghệ lớn của Mỹ. Theo hãng tin Mỹ, công ty đang đứng sau những cái tên có sức nặng trung bình ở Thung lũng Silicon, và sẵn sàng hành động.(Thanhnien)
--------------------------

TP.HCM: Xem xét tăng thuế rượu, bia, thuốc lá

TP.HCM có thể xem xét bổ sung một số loại thuế, phí vừa để điều tiết hành vi người tiêu dùng vừa góp phần tăng nguồn thu.

Kỳ họp lần thứ 6 HĐND TP.HCM diễn ra ngày ngày 4.12. Tại đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, thành phố hoàn thành và vượt mức 17/20 chỉ tiêu của kế hoạch năm 2017, chỉ còn 2 chỉ tiêu chưa đạt đó là tốc độ tăng trưởng đạt 8,25% so với kế hoạch 8,4% - 8,7%; chỉ tiêu thành lập doanh nghiệp mới đã thành lập được 41.217 doanh nghiệp so với chỉ tiêu 50.000 doanh nghiệp đạt tỷ lệ hơn 82%; còn một chỉ tiêu là xác định vị trí xếp hạng môi trường cạnh tranh đầu tư và cải cách hành chính của TP chưa đạt do chờ đến năm 2018 mới đánh giá.

Điểm nổi bật trong thời gian qua là TP huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 365.700 tỷ đồng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GRDP 8,25%, đạt quy mô 1.060.608 tỷ đồng.

“Như vậy, năm 2017, cứ bình quân mỗi ngày TP đặt ra GRDP là 2.900 tỷ đồng. Về đầu tư năm 2017 có 365 ngày thì tổng đầu tư là 365.700 tỷ đồng, bình quân mỗi ngày TP đầu tư 1.000 tỷ đồng. Về thu ngân sách năm 2017 đạt 348.000 tỷ đồng, tức mỗi ngày TP thu ngân sách 953 tỷ đồng. Năm 2018 quy mô kinh tế sẽ lớn hơn và trách nhiệm nhiều hơn nữa”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.

Ông Thiện Nhân cho biết Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố.

Nghị quyết của Quốc hội đề cập đến các lĩnh vực cho thành phố gồm: quản lý đất đai, quản lý đầu tư, quản lý ngân sách, quản lý tài chính ngân sách nhà nước, cơ chế ủy quyền. Chặng hạn, diện tích đất nông nghiệp cho trồng lúa đã được xác định nhưng quá trình phát triển có sự thay đổi phát triển đô thị thì cần phải điều chỉnh nhưng cần phải xin phép Thủ tướng. Do đó, khi Quốc hội cho phép HĐND thành phố quyết định điều này thì sẽ giúp triển khai công việc nhanh chóng hơn.

Đối với cơ chế tài chính, Bí thư Thiện Nhân phân tích trong nhiệm kỳ tới thành phố được phân chia tỷ lệ ngân sách để lại là 18% (giảm so với 23% trong nhiệm kỳ trước), tỷ lệ này không thay đổi và không làm ảnh hưởng ngân sách trung ương nên Quốc hội thấy rằng cần phải tạo điều kiện để thành phố có nguồn thu lớn hơn, chống thất thu bằng nội lực song song với việc trung ương để lại một số khoản thu mà lâu nay được điều tiết về trung ương.

"Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực từ 15/1/2018 và thời điểm này trở đi HĐND thành phố sẽ làm nhiều việc để thực hiện cơ chế thí điểm này. Chẳng hạn, thành phố có thể xem xét bổ sung một số loại phí hoặc mức phí trên địa bàn thành phố vừa để điều tiết hành vi người tiêu dùng vừa góp phần tăng nguồn thu. Ngoài ra, có thể tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng như rượu, bia, thuốc lá hoặc thuế môi trường", ông Thiện Nhân nói.

Ông Thiện Nhân đề nghị UBND thành phố có thể trước tháng 6/2018 trình một số đề xuất liên quan đến phí, thuế nói trên để HĐND thành phố thông qua gắn với lấy ý kiến của người dân, chuyên gia để có thể áp dụng từ giữa năm 2018.

Theo báo cáo của UBND thành phố, trong năm 2017, TP thu ngân sách đạt 347.982 tỉ đồng, tăng gần 13% so với năm 2016. Trong năm 2018 kế hoạch thành phố sẽ thu đạt 376.780 tỉ đồng, tăng 8,28% so với thực hiện năm 2017.(NCĐT)

Trở về

Bài cùng chuyên mục