Vĩnh Phúc tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sang thị trường Nga; Làm sao để đảm bảo công bằng cho các đối tượng kinh doanh qua mạng?; Doanh thu bán lẻ cả nước đạt hơn 1,93 triệu tỉ đồng; Gian nan vật liệu xây không nung
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 04-09-2017
- Cập nhật : 04/09/2017
Ông chủ Lenovo mua ngân hàng Luxembourg với giá 1,76 tỉ USD
Legend Holdings cho biết họ sẽ mua 90% cổ phần tại ngân hàng Banque Internationale à Luxembourg với giá 1,48 tỉ euro (khoảng 1,76 tỉ USD), theo South China Morning Post.
Legend Holdings là công ty cổ phần đầu tư của Trung Quốc, sở hữu các công ty con trong lĩnh vực tài chính, nông nghiệp và công nghệ thông tin, trong đó có Lenovo, thương hiệu máy tính cá nhân lớn nhất Trung Quốc.
“Việc mua phần lớn cổ phần của ngân hàng Banque Internationale à Luxembourg là chiến lược đầu tư quan trọng và thú vị. Dịch vụ tài chính là một trong những ngành trọng điểm của Legend Holdings”, Liu Chuanzhi, chủ tịch kiêm nhà sáng lập Legend Holdings, nói.
Banque Internationale à Luxembourg là ngân hàng đa chức năng lâu đời nhất ở Luxembourg, có nhiều hoạt động liên quan đến ngành bán lẻ, tư nhân và doanh nghiệp. Ban quản lý của ngân hàng vẫn sẽ được duy trì sau khi mua lại, nhưng Legend tuyên bố rằng tập đoàn sẽ đầu tư thêm vào thương hiệu và nhân viên của ngân hàng.
“Thỏa thuận mua lại ngân hàng của Luxembourg với chiến lược rõ ràng, đặc biệt là những giá trị tiềm năng mà nó mang lại cho Trung Quốc, tiếp tục giành được sự ủng hộ”, David Brown, người đứng đầu dịch vụ giao dịch tại PwC Trung Quốc - Hồng Kông, cho hay.
Sự tự tin trong việc đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Trung Quốc ít nhiều đã bị suy giảm trong năm nay do những quy định chặt chẽ hơn từ phía chính phủ vừa được ban hành vào tháng trước, nhằm ngăn chặn tình trạng dòng vốn trong nước chảy ra bên ngoài. Tuy nhiên, các dịch vụ tài chính không nằm trong danh sách bị hạn chế. Hơn nữa, trên thực tế các định chế tài chính ở nước ngoài, đặc biệt ở châu Âu, là mục tiêu hấp dẫn đối với các công ty Đại lục trong việc mở rộng xâm nhập vào thị trường châu Âu.
Tập đoàn khổng lồ HNA của Trung Quốc hiện nắm giữ gần 10% cổ phần tại Deutsche Bank, ngân hàng tư nhân lớn nhất Đức. Trong khi đó hãng dược phẩm nhà nước Fosun sở hữu gần 25% cổ phần trong ngân hàng lớn nhất Bồ Đào Nha BCP.
Theo phân tích của công ty kiểm toán PwC, những hạn chế trong việc mua lại các doanh nghiệp ở nước ngoài đã khiến giá trị sáp nhập và mua lại (M&A) của Đại lục giảm trong sáu tháng đầu năm nay, xuống còn 64,4 tỉ USD, ít hơn gần một nửa so với mức 130,9 tỉ USD của năm ngoái. Tuy nhiên, tính toán này phần nào đã bị ảnh hưởng bởi thương vụ mua lại Syngenta, hãng sản xuất thuốc trừ sâu của Thụy Sĩ, với giá 43 tỉ USD của Tập đoàn Hóa chất Quốc gia Trung Quốc (ChemChina), cũng như một số giao dịch trong nửa đầu năm nay.(Thanhnien)
-----------------------
Đông Nam Á đón nhận tin vui về tăng trưởng kinh tế
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều nước Đông Nam Á trong quý II/2017 là nhanh hơn dự báo của thị trường, tình hình phát triển tổng thể khiến mọi người vui mừng, bất chấp những nhân tố không xác định bên ngoài như động thái chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhịp độ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ngoài ra, thị trường cũng quan tâm đến ảnh hưởng của việc điều chỉnh cơ cấu kinh tế Trung Quốc đối với các nước Đông Nam Á.
Tăng trưởng kinh tế của Philippines là điểm sáng nhất trong các nước Đông Nam Á, đạt 6,5%, chỉ xếp sau Trung Quốc, quốc gia đứng đầu châu Á. Theo Cục Thống kê Nhà nước Philippines, việc thực thi quy mô các dự án hạ tầng chi tiêu công cộng và đà phục hồi nhanh chóng của nông nghiệp đã giúp tăng trưởng kinh tế trong quý II nước này tăng 0,1 điểm phần trăm so với quý I, cao hơn dự báo thị trường.
Các tòa nhà đang được xây dựng tại thủ đô Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN
Quan chức cao cấp phụ trách công việc quy hoạch kinh tế Cục Thống kê Nhà nước Philippines cho biết tăng trưởng kinh tế trong cả năm của nước này có thể đạt 7,5%. Thậm chí, mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% trong nhiệm kỳ Tổng thống Philippines Duterter cũng có thể được thực hiện.
Trong quý II/2017, tăng trưởng kinh tế của Malaysia đạt 5,8%, cao hơn dự báo thị trường trước đó là 5,4%, đồng thời lập kỷ lục trong hơn hai năm qua. Ngân hàng Trung ương Malaysia sẽ nâng dự báo tăng trưởng kinh tế trong cả năm lên đến 4,8%, so với mức dự báo trước đó chỉ là 4,3%.
Theo giới phân tích, nguyên nhân giúp kinh tế Malaysia phục hồi nhanh chóng là nhu cầu trong nước mạnh mẽ cùng xuất khẩu tăng tốc, tăng trưởng của nhiều ngành nghề như xây dựng, chế tạo, dịch vụ… đều tăng rõ rệt, lạm phát giảm tới mức khá ôn hòa là 4%, đồng ringgit Malaysia lũy kế tăng giá 4,5% so với đồng USD trong sáu tháng đầu năm nay.
Tăng trưởng kinh tế của Thái Lan cũng đạt 3,7%, lập kỷ lục trong hơn bốn năm nay, cao hơn nhiều so với dự báo thị trường trước đó là 3,2%. Khác với cách làm kích cầu trong nước của các nước khác, tăng trưởng kinh tế của Thái Lan, nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, chủ yếu dựa vào đà xuất khẩu mạnh, ngành du lịch phát triển nhanh chóng và đồng baht tăng mạnh vững chắc. Một số nhà phân tích thậm chí còn cho rằng tăng trưởng kinh tế trong cả năm của Thái Lan có thể đạt 4%.(TTXVN)
-------------------------
Sau đề xuất tăng thuế VAT, Bộ Tài chính muốn giảm một loạt thuế, phí
Mới đây, Bộ Tài chính liên tục phát đi các thông báo về việc giảm thuế, phí sau khi dư luận không đồng tình với đề xuất tăng thuế VAT lên 12%.
Sau khi đưa ra đề xuất tăng thuế VAT lên 12% không thuyết phục được dư luận, Bộ Tài chính liên tục phát đi những thông báo về việc giảm thuế phí.
Cụ thể, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc điều chỉnh giảm mức thu phí kiểm định đối với tất cả các chất chữa cháy, vật liệu, chất chống cháy, trang phục, thiết bị bảo hộ cá nhân, phương tiện cứu người từ 20% đến 50% tùy từng loại phương tiện.
Đồng thời, mức thu phí đối với việc công chứng hợp đồng mua bán tài sản đấu giá cũng được Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh giảm 10%.
Trước đó, Bộ Tài chính cũng lấy ý kiến để giảm phí thẩm định cấp giấy chứng nhận thực phẩm xuất khẩu, phí thẩm định xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản quy định; khi giảm phí thẩm định cấp phép lưu hành, nhập khẩu, xác nhận, công bố trong lĩnh vực an toàn thực phẩm quy định.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng giảm quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi.
Cụ thể, dự thảo Thông tư điều chỉnh giảm mức thu phí thẩm định cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi từ 120.000.000 đồng xuống 105.000.000 đồng/lần thẩm định.
Về việc sử dụng phí trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm, Bộ Tài chính cũng ra dự thảo Thông tư điều chỉnh giảm mức thu phí thẩm định xác nhận nội dung thông tin, quảng cáo thuốc, mỹ phẩm từ 1.800.000 đồng xuống 1.600.000 đồng/hồ sơ.
Giảm mức thu phí thẩm định cấp giấy phép nhập khẩu dược liệu, vị thuốc cổ truyền từ 200.000 đồng xuống 150.000 đồng/mặt hàng; bãi bỏ phí thẩm định hồ sơ cấp thẻ người giới thiệu thuốc 200.000 đồng/hồ sơ.(VTC)
---------------------------
Dệt may Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Cộng hòa Armenia
Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, đoàn đại biểu Tập đoàn dệt may Việt Nam đã đến và khảo sát thị trường tại Cộng hòa Armenia vào cuối tháng tháng 8 vừa qua nhằm tìm hiểu và lựa chọn các đối tác phù hợp để phát triển các dự án sản xuất giữa Tập đoàn và các công ty tại Armenia trong bối cảnh Việt Nam trở thành đối tác ký Hiệp định Thương mại tự do đầu tiên với EAEU (gồm các nước: Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan).
Theo ông Trường, trong thời gian làm việc, đoàn công tác đã tới thăm và làm việc với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, UNIDO và một số doanh nghiệp lớn tại Thủ đô Yerevan, Armenia (Công ty Alex và Tập đoàn đầu tư Tashir).
Trên cơ sở nhận diện những lợi thế lớn về thị trường và ưu đãi thuế quan, trong thời gian tới, Vinatex sẽ đi sâu vào nghiên cứu, đánh giá khả thi về phương án hợp tác sản xuất kinh doanh với các đơn vị lớn tại Armenia mà đã có sẵn thị trường phân phối tại Nga và EU. Bước đầu Vinatex sẽ tham gia đóng góp chủ yếu về máy móc thiết bị và quản trị sản xuất.
Qua trao đổi, Chính phủ Armenia thể hiện mong muốn hợp tác với đơn vị lớn có nhiều kinh nghiệm quản lý sản xuất như Vinatex nhằm thực hiện mục tiêu khôi phục ngành sản xuất may mặc, thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.
Đồng thời, đại diện Chính phủ Armenia cũng nhấn mạnh việc sẽ khuyến khích thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài, ban hành cơ chế đặc biệt cho nhà đầu tư Việt Nam như chính sách hợp tác, các thỏa thuận hợp tác đa phương, song phương cũng như các chế độ ưu đãi, cơ hội chấp thuận visa lao động...
Theo Tập đoàn Dệt May Việt Nam, ngành kinh tế nói chung và ngành dệt may nói riêng của Armenia có lịch sử lâu đời, đồng thời được thừa hưởng cơ sở hạ tầng từ thời Xô Viết. Trước năm 1991, quy mô toàn ngành dệt may gồm khoảng 150.000 công nhân, tuy nhiên sau năm 1991, ngành công nghiệp này gần như tan rã. Đến nay, ngành dệt may Armenia có 94 doanh nghiệp hoạt động với tổng số 3.200 công nhân (chủ yếu là nữ trên 40 tuổi) tập trung vào 8 doanh nghiệp lớn, với giá trị xuất khẩu (năm 2014) là 50 triệu USD và giá trị nhập khẩu là 170 triệu USD.
Ngành dệt may Armenia đã lạc hậu, thiếu công nghệ thiết bị hiện đại, yếu về quản trị tổ chức sản xuất, đào tạo, gặp bất lợi về khâu vận chuyển (không có cảng, đường biển). Hiện nay các doanh nghiệp, nhà máy hiện đại tại Armenia chủ yếu được đầu tư bởi các doanh nghiệp đến từ Nga và EU - nơi có sẵn thị trường tiêu thụ sản phẩm, tuy nhiên việc tổ chức và quản lý sản xuất tại các nhà máy vẫn yếu kém, năng suất không cao.
Qua quá trình làm việc và khảo sát, đoàn công tác của Tập đoàn Vinatex nhận thấy, tuy quy mô còn nhỏ và lạc hậu nhưng ngành dệt may Armenia lại có kinh nghiệm hợp tác với các hãng thời trang lớn của Ý, Đức (La Perla, Montcler, Armani, Porsche...).
Hơn nữa, Armenia được hưởng nhiều ưu đãi về thuế thông qua các Hiệp định Thương mại tự do (EEU, GSP, CIS, TIFA...) vào thị trường Nga và đặc biệt là EU, hấp dẫn hơn mức thuế hiện nay của hàng hóa dệt may từ Việt Nam. Ngoài ra, Armenia còn có lợi thế về giá do chi phí lương thấp, giá điện chỉ xấp xỉ 90% giá tại Việt Nam.(TTXVN)