Đấu giá nhập khẩu 85.000 tấn đường theo hạn ngạch thuế quan 2016
Trong 6 tháng, các quỹ đầu cơ mất 2,9 nghìn tỷ USD
Thu hút FDI và quyền lựa chọn dự án của Việt Nam
Huế: Xây dựng KCN Phong Điền thành KCN hỗ trợ ngành dệt may
ANA Holdings chính thức trở thành cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines
Tin kinh tế đọc nhanh 04-07-2016
- Cập nhật : 04/07/2016
Đại gia thu hơn 20.000 tỷ đồng mỗi năm nhờ bán mỳ gói cho người Việt
Dù tiêu thụ giảm theo xu hướng chung của thế giới song với gần 5 tỷ gói mỳ được bán mỗi năm, Việt Nam vẫn là thị trường mang lại doanh thu lớn cho những doanh nghiệp như Acecook, Masan hay Asia Foods.
Cùng với số liệu được Hiệp hội mỳ ăn liền thế giới (WINA) công bố gần đây cho thấy người Việt tiêu thụ khoảng 4,8 tỷ gói mỳ trong năm 2015, khảo sát của Euromonitor cũng cho thấy thị trường có quy mô khoảng 24.300 tỷ đồng (tương đương hơn một tỷ USD) một năm, tăng trưởng hơn 10%.Dù có hơn 50 doanh nghiệp tham gia vào thị trường nêu trên song 70% doanh số hiện nằm trong tay 3 đại gia là Acecook, Masan và Asia Foods. Do đó, cuộc chiến thị phần giữa các doanh nghiệp này cũng hết sức khốc liệt.
Gia nhập thị trường sau nhưng Masan Consumer được xem là "ngôi sao đang lên" khi tăng thị phần nhanh chóng từ số 0 lên 21% năm 2012 và 25% vào năm 2015. Với kinh nghiệm từ thời gian dài trước đó sản xuất nước chấm và mỳ ăn liền phục vụ thị trường Đông Âu, năm 2007, Masan ra mắt mỳ Omachi với định hướng sản phẩm cao cấp. Cùng với việc mở rộng thị phần, Masan đã cho ra mắt thêm nhãn hàng mỳ Kokomi, Sagami thuộc phân khúc bình dân. Đến nay Masan là ông lớn đứng 2 trong thị trường mỳ ăn liền, chỉ sau Acecook.
Trong bối cảnh thị phần nước mắm, nước tương và tương ớt đang có dấu hiệu chững lại, doanh thu từ mỳ ăn liền ngày càng quan trọng với Masan Consumer. Ước doanh thu từ mỳ ăn liền của doanh nghiệp này ở mức trên 5.000 tỷ đồng, đóng góp vào tổng doanh thu 13.395 tỷ đồng và lợi nhuận 2.900 tỷ đồng năm 2015.
Trước Masan, Acecook là doanh nghiệp Nhật Bản có đầu tư vào Việt Nam từ năm 1993 và độc chiếm thị phần này nhiều năm liền với hơn 20 nhãn hàng khác nhau, trở nên khác quen thuộc với đời sống người Việt như Hảo Hảo, Hảo 100, Vina Acecook...
Những năm gần đây, với sự vươn lên nhiều nhãn hàng, Acecook đã bị suy giảm vị thế. Tuy vậy, đại gia Nhật Bản này vẫn chiếm tới gần 40% thị phần tại Việt Nam (năm 2014 là 38,9% theo Euromonitor). Doanh thu của Acecook từ mỳ ăn liền năm 2014 khoảng 9.000 tỷ đồng. Năm 2015, công ty từng có kế hoạch doanh thu 9.300 tỷ đồng, tiêu thụ 2,8 tỷ gói mỳ.
Ông Kajiwara Junichi - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Acecook Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm 2016, công ty bán ra thị trường khoảng 1,3 tỷ gói mỳ và kỳ vọng cung ứng ra thị trường 2,9 tỷ gói cả năm, mang về doanh thu 9.000 tỷ đồng. Hiện thị trường Việt Nam đóng góp 50% tổng doanh thu toàn công ty, lợi nhuận thu được cao hơn Nhật Bản do chi phí bán hàng thấp hơn.
Xếp thứ 3 trong "cuộc chiến mỳ gói" tại Việt Nam là ông chủ của nhãn hiệu mỳ Gấu đỏ - Asia Foods với thị phần ổn định ở mức trên dưới 10%.
Ngoài những tên tuổi nêu trên, thị trường mỳ ăn liền còn có sự góp mặt của nhiều thương hiệu khác như Vifon, Saigon Ve Wong, Thiên Hương, Colusa Miliket… Giữa năm 2015, sau khi bán mảng bánh kẹo, Tập đoàn Kinh Đô (hiện đổi tên là KiDo) đã kết hợp với Saigon Ve Wong cho ra mắt mỳ Đại gia đình. Công ty cho biết đây là động thái thăm dò thị trường và đặt mục tiêu năm 2015 thu 400 tỷ đồng từ mỳ ăn liền, song thực tế không được như kỳ vọng.
Trên thực tế, số liệu của các tổ chức và các hãng nghiên cứu thị trường cho thấy dù có sự suy giảm theo xu hướng chung của thế giới song thực tế thị trường mỳ gói tại Việt Nam vẫn được đánh giá cao. Với 5 tỷ gói năm 2014 và 4,8 tỷ năm 2015 theo WINA, bình quân mỗi người Việt vẫn tiêu thụ trên 50 gói mỳ mỗi năm, xếp thứ 4 trên thế giới (sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật). Còn với số liệu của Euromonitor, doanh thu toàn thị trường cũng đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2008-2013 (từ 10.200 tỷ đồng lên 21.700 tỷ đồng).
Cùng với quá trình hội nhập kinh tế, đời sống người dân ngày càng cao, nhiều loại mỳ nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan... cũng đang tràn vào Việt Nam hướng tới đối tượng cao cấp. Ngược lại, việc sản xuất mỳ gói cũng không chỉ hướng tới tiêu thụ trong nước mà các doanh nghiệp đã bắt đầu xuất khẩu.
Chẳng hạn Acecook năm 2015 đã xuất được khoảng hơn 200 triệu gói mỳ (8% sản lượng tiêu thụ). Doanh nghiệp hướng tới mục tiêu thị trường nước ngoài sẽ chiếm 20% tiêu thụ và thực tế đã xuất khẩu được hơn 100 triệu gói trong nửa đầu năm 2016. Trong khi đó, Masan cũng cho biết sẽ tận dụng cơ hội Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN để thay đổi chiến lược mở rộng xuất khẩu. Công ty dự định xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng chiến lược sang thị trường 250 triệu dân này trong năm nay.(VNEX)
Gần 63.000 tấn vải thiều Bắc Giang đã được xuất sang Trung Quốc
Nhận biết chiêu “ve sầu thoát xác” của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán để tránh mất tiền
Những ngày giữa tháng 6, thị trường chứng khoán rúng động bởi cái tên MTM – CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung với những nghi vấn về một công ty “ma” dù sau đó, công ty đã "đóng thuế, treo biển, hoạt động trở lại".
Tiền thân là một công ty khoáng sản có vốn điều lệ 2 tỷ đồng, đến một ngày, MTM thay đổi toàn bộ Ban lãnh đạo rồi tăng vốn điều lệ lên 310 tỷ đồng, tạo hình một báo cáo tài chính có nhiều con số đẹp và tiến hành giao dịch trên thị trường chứng khoán. Các bước tiếp theo là thay đổi trụ sở, thay đổi ngành nghề kinh doanh.
Thực tế, chiêu này không còn mới lạ. Nói một cách văn hoa là “ve sầu thoát xác”, còn nói đơn giản là đi mua xác doanh nghiệp và đổi ruột theo mục đích của đối tượng mua. Rất nhiều doanh nghiệp trên sàn đã sử dụng chiêu này và làm mưa làm gió.
Mua xác…
Trước hết, chọn một doanh nghiệp nhỏ, cơ cấu cổ đông cô đặc và dễ nâng khống giá trị tài sản. Khoáng sản là đối tượng được yêu thích.
Một nhóm nhà đầu tư sẽ mua lại hết cổ phần của các cổ đông ban đầu. Sau đó tăng vốn điều lệ gấp nhiều lần bằng các thủ thuật như góp vốn bằng tiền, bằng tài sản hoặc bằng dự án ...
Để trả lại hoạt động kinh doanh cũ hoặc thực các hiện thoả thuận ngầm ban đầu với nhau, các cổ đông mới sẽ lại bán tài sản của doanh nghiệp cho các cổ đông cũ. Những chênh lệch trong việc mua bán này là con số lãi lời mà họ thỏa thuận với nhau khi cổ đông cũ bán xác doanh nghiệp cho nhóm cổ đông mới.
Sau khi hoàn thành thủ tục " ve sầu thoát xác", cổ đông mới của doanh nghiệp sẽ nhanh chóng tăng vốn, thay đổi lãnh đạo và làm đẹp báo cáo tài chính.
Làm đẹp…
Dòng tiền và lợi nhuận đầu tiên có được là từ việc bán tài sản nói trên.
Có tiền, doanh nghiệp lại mua lại các dự án hoặc khoản đầu tư của mình ở các công ty khác với danh nghĩa các khoản đầu tư tài chínhhoặc góp vốn, liên danh liên kết. Ngoài ra, các lãnh đạo mới có chiêu mua hàng ảo và bán hàng ảo, đẩy tiền ra ngoài để trả trước cho người bán và sau đó rút ra từ đối tác bằng nhiều hình thức.
Để có thêm KQKD đẹp thì doanh nghiệp lại bán chịu cho đối tác một khoản lớn hơn giá trị tài sản khác hoặc hàng tồn kho.
Như vậy, sau một vài thao tác, các lãnh đạo mới đã có được cái vỏ của một doanh nghiệp lâu năm và những con số tài chính mới mẻ, đẹp đẽ hơn rất nhiều.
Thông thường, các công ty này sẽ tiếp tục vẽ ra nhiều dự án mới, thay đổi ngành nghề kinh doanh mà chủ yếu là đầu tư, xây dựng, tư vấn,... Nhưng, tài sản lúc này chỉ còn lại là các khoản công nợ phải thu và các khoản đầu tư, góp vốn, liên danh liên kết.
Và lên sàn
Cùng với việc đẩy hết tiền ra bên ngoài để thu lại vốn góp của mình, cổ đông mới tiến hành chia nhỏ vốn góp của mình cho người khác đứng tên để thành công ty đại chúng (dưới 5% để không có cổ đông lớn), đưa ra kế hoạch kinh doanh hoàn toàn mới mẻ, đầy triển vọng và giao dịch trên TTCK.
Những cổ phiếu này thậm chí đã được liên hệ, tạo lập với các đội lái để tạo nên những đoạn tăng giá kinh khủng thu hút nhà đầu tư, rồi sẽ đến giai đoạn rớt giá thảm hại khi “lái” buông.
Có những trường hợp, sau một thời gian giao dịch, cổ đông mới sẽ bán dần và bán hết số lượng cổ phiếu, sau đó tạo ra các vụ vi phạm công bố thông tin để giá cổ phiếu giảm về mức thấp nhất có thể. Khi đó, những đạo diễn nói trên lại âm thầm mua vào và mua tối đa đến 75% số lượng cổ phiếu lưu hành để đủ điều kiện giải thể công ty.
Sau khi giải thể xong cũng là kết thúc phi vụ lừa đảo đúng luật và tuyên bố xoá nợ tại các dự án, các khoản đầu tư hay công nợ phải thu ảo như trên.(CafeF)
Bán vốn tại công ty chuyên cung cấp bao bì cho Lọc dầu Dung Quất
Lọc hoá dầu Bình Sơn sẽ bán cổ phần trong Công ty Nhà và phát triển Dầu khí với giá khởi điểm 12.200 đồng.
Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vừa công bố sẽ bán đấu giá phần vốn Nhà nước tại Công ty Nhà và Thương mại Dầu khí (PVBuilding). Khối lượng đấu giá ra công chúng của BSR là gần 8 triệu cổ phần (tương đương 45,53% vốn điều lệ). Giá khởi điểm là 12.200 đồng.
BSR hiện nắm giữ 96,53% vốn điều lệ của Công ty Nhà và Thương mại Dầu khí. BSR dự kiến giảm số cổ phần nắm giữ tại đây xuống 51% nhằm thực hiện phương án tái cơ cấu công ty.
Công ty có vốn điều lệ 175 tỷ đồng chủ yếu đầu tư 3 lĩnh vực chính là sản xuất và kinh doanh các sản phẩm bao bì; thương mại (kinh doanh hạt nhựa PP và các loại hạt nhựa khác); dịch vụ hậu cần (dịch vụ quản lý nhà ở, nhà hàng, lưu trú).
Công ty đang giữ thị phần lớn về cung cấp các sản phẩm bao xi măng, bao đựng nông sản và hiện cung cấp 100% sản phẩm bao PE 3 lớp của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, tương lai sẽ đầu tư nâng công suất để cung cấp cho Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Công ty còn phân phối sản phẩm hạt nhựa PP của Nhà máy lọc dầu Dung Quất với sản lượng 12.000 -14.000 tấn một năm.
Dự kiến khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất mở rộng và nâng công suất từ 6,5 triệu tấn lên 10 triệu tấn một năm là cơ hội cho công ty mở rộng quy mô, tăng doanh thu và lợi nhuận.
Công ty có triển vọng sản xuất kinh doanh ổn định do sản phẩm hạt nhựa do Nhà máy lọc dầu Dung Quất chiếm hơn 80% tổng doanh thu của công ty. Hiện tại, mỗi năm ngành nhựa cần 3,5 triệu tấn các loại nguyên liệu, trong khi khả năng đáp ứng trong nước chỉ đáp ứng gần 900 nghìn tấn.
Lợi nhuận sau thuế của công ty năm 2015 là 10,8 tỷ đồng, tăng trung bình 30% mỗi năm.
"Sau khi bán vốn thành công, Công ty Nhà và Thương mại Dầu khí sẽ là công ty đại chúng và niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam", Ông Trần Ngọc Nguyên - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết.