Chiến tranh thương mại dồn hàng từ Trung Quốc về Đông Nam Á, Việt Nam?; Giá vàng có chuỗi thời gian giảm dài nhất 5 năm; Nông sản Việt tìm cách giữ thị trường
Tin kinh tế đọc nhanh tối 31-08-2018
- Cập nhật : 31/08/2018
Việt Nam là điểm dừng chân trong chiến dịch "hướng Nam" của các tập đoàn
Căng thẳng thương mại kết hợp với chi phí kinh doanh ngày càng tăng ở Trung Quốc đã khiến các tập đoàn đa quốc gia chuyển dịch đầu tư. Trong đó, Việt Nam là điểm dừng chân quan trọng trong chiến dịch “hướng Nam" này.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trước đây, các tập đoàn đa quốc gia của các nước tập trung đầu tư tại thị trường Trung Quốc do đây là thị trường tiêu thụ lớn, chi phí lao động thấp.
Nhưng hiện nay, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khiến các nhà đầu tư lo ngại sẽ gặp phải rào cản khi xuất khẩu hàng hóa vì tỉ trọng chiếm lĩnh thị trường thế giới của Trung Quốc là khá lớn. Hơn nữa, chi phí kinh doanh tại Trung Quốc đã không còn rẻ nữa. Do đó, các tập đoàn đa quốc gia đang “lên kế hoạch" cho chiến dịch hướng Nam của mình.
“Việt Nam là điểm dừng chân quan trọng trong chiến dịch này", ông Lộc nói tại buổi họp báo Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2018 diễn ra chiều 30-8 tại Hà Nội.
Gần 70% nhà đầu tư Nhật Bản muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam, tỉ lệ cao nhất trên thế giới. Ảnh: TD
Theo giải thích của ông Lộc, với lợi thế địa kinh tế, chính trị, Việt Nam là một điểm “kết nối” rất quan trọng với nền kinh tế thế giới thông qua vị trí chiến lược. Hơn nữa, thông qua một loạt các Hiệp định thương mại tự do, nền kinh tế Việt Nam là một trong những nước có độ mở lớn nhất trong khu vực ASEAN, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu, giao thương giữa các quốc gia.
Jetro (Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản) năm ngoái đã khảo sát ý kiến của các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại các quốc gia trên thế giới. Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ các nhà đầu tư Nhật Bản lên kế hoạch mở rộng hoạt động trong hai năm tới cao nhất trên thế giới, chiếm gần 70%. Trong khi đó, con số này ở các nước ASEAN đều dưới 60%, ở Trung Quốc chỉ khoảng hơn 40%.
Không chỉ có Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… cũng đã đưa ra chiến lược hướng Nam này và Việt Nam nằm trong danh sách đầu tiên vì sự “kết nối" đó.(TBKTSG)
--------------------------
Trung Quốc: Căng thẳng thương mại chỉ giải quyết được bằng đối thoại bình đẳng
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết vấn đề thương mại với Mỹ chỉ có thể được giải quyết thông qua đối thoại trên cơ sở bình đẳng. Trung Quốc vẫn sẽ dần mở cửa nền kinh tế bất kể hành động của Mỹ.
Lựa chọn đúng đắn duy nhất để giải quyết căng thẳng thương mại Mỹ - Trung là thông qua đàm phán trên cơ sở chân thành và bình đẳng”, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ hôm nay.
“Bất kể Mỹ có biện pháp gây sức ép nào, Trung Quốc vẫn sẽ kiên quyết trong việc thúc đẩy cải cách và mở cửa kinh tế”, ông Gao cho biết thêm. “Chúng tôi sẽ có những chính sách mục tiêu nhằm đảm bảo quyền hợp pháp của mọi công ty ở Trung Quốc, bao gồm cả công ty nước ngoài”.
Lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đang chịu áp lực từ chi phí đi vay tăng cao, đầu tư chững lại và người tiêu dùng tăng chi cùng cú sốc tiềm ẩn từ căng thẳng thương mại với Mỹ đến xuất khẩu.
Kết quả khảo sát do Reuters công bố hôm nay cho thấy hoạt động tại lĩnh vực sản xuất ở Trung Quốc sẽ giảm trong tháng 8, tháng thứ ba liên tiếp, trong bối cảnh lực cầu nội địa yếu, xuất khẩu gặp bất ổn từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Người đứng đầu cơ quan hoạch định Trung Quốc cũng cảnh báo kinh tế nước này đối mặt rủi ro ngày càng tăng trong nửa cuối năm 2018. Giới lập chính sách đang nỗ lực để đạt những mục tiêu quan trọng đã đề ra.(NDH)
-------------------------
Hiệp hội Vận tải ô tô: Rời bến xe ra ngoại thành không hiệu quả kinh tế
Tính riêng việc di chuyển 4 bến xe của Hà Nội ra ngoại thành có thể khiến chi phí để hành khách di chuyển từ nội đô tới điểm bắt xe mất tới 7,2 tỷ đồng mỗi ngày.
Tính toán được Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đưa ra tại hội thảo “Cơ chế quản lý vận tải đường bộ dưới góc nhìn của doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp bến xe” ngày 30/8.
Hà Nội có 4 bến xe trong thành phố gồm Mỹ Đình, Gíáp Bảt, Gia Lâm, Nước ngầm mỗi ngày có khoảng 3.000 chuyển xe. Thành phố có ý định di chuyển bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm, Gia Lâm ra xa thành phố khoảng 10 km so với hiện tại, Mỹ Đình được di chuyển ra xa 22 km.
Trung bình mỗi chuyến xe là 20 hành khách, như vậy tổng số hành khách đi và đến bến xe khoảng 120.000 lưọt khách mỗi ngày. Hiệp hội vận tải ô tô tính toán, nếu bình quân mỗi hành khách để ra bến xe phải đi từ 10-12 km, chi phí di chuyển sẽ là 60.000 đồng. Như vậy, một ngày, tổng chi phí di chuyển là 7,2 tỷ đồng/ngày và 2.658 tỷ đồng mỗi năm
Bến xe khách Mỹ Đình. Ảnh: Thanh Niên.
Tương tự, với trường hợp TP HCM, nếu di chuyển bến xe miền Đông ra Thủ Đức cách vị trí hiện nay 19 km, mỗi ngày người dân phải chi 5,5 tỷ đồng cho việc di chuyển này và 2.000 tỷ đồng mỗi năm.
Ông Đỗ Xuân Hoa, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký hiệp hội vận tải ô tô cho rằng con số này rất lớn và việc di chuyển các bến xe ra ngoại thành không đạt hiệu quả kinh tế.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, Bùi Danh Liên cho rằng không nên di chuyển bến xe ra xa trung tâm. Lý luận để giảm ùn tắc ở một số điểm theo ông Liên chưa hợp lý. "Giảm ùn tắc ở điểm nay nhưng lại gây ùn tắc ở điểm khác, giống như chiếc xăm xe đạp, bóp chỗ này, lại phình chỗ khác", ông Liên nhận định.
Ông Liên cho rằng nên giữ nguyên vị trí các bến xe hiện nay và tăng cường phân luồng quay hoạch các tuyến đường theo trục Bắc - Nam - Đông - Tây. Đồng thời, kiến nghị nên có bến xe trung tâm cùng các bến xe vệ tinh các hướng để xe từ bến trung tâm được đón trả khách qua các bến xe vệ tinh.
Đặc biệt, để tránh việc di chuyển các bến xe trong nội thành để lấy đất đai xây dựng các dự án bất động sản và "lùm xùm" trong việc giao đất, cấp phép làm bến xe Yên Sở thời gian qua, ông Liên cho rằng Hà Nội cần xem xét kỹ lưỡng chủ trương di dời này.
"Cần ngăn chặn ý đồ tận dụng các bến xe là khu đất vàng nằm trong nội thành để xây dựng các khu nhà cao tầng. Điều đó dễ phá vỡ trật tự quy hoach kiến trúc, tăng thêm áp lực ùn tắc và tai nạn tại khu vực trung tâm", chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy đồng tình.
Hiện nay quỹ đất dành cho giao thông của Hà Nội chỉ chiếm 7-8%, trong khi yêu cầu là 20-25% mới là nguyên nhân cơ bản khiến vấn nạn ùn tắc và tai nạn giao thông ngày càng trầm trọng.
Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải Trần Bảo Ngọc nhận định bến xe là khâu rất quan trọng trong hỗ trợ vận tải. Trước nhiều ý kiến về vấn đề quy hoạch bến xe, ông Ngọc cho rằng thời gian tới cần phải tập trung vào giao thông công cộng và quan tâm tới các bến xe. "Xe và bến xe sẽ không thể phát triển nếu không có chính sách khuyến khích", ông Ngọc khẳng định.(NDH)