Bloomberg: Mỹ, Trung Quốc tìm cách đối thoại, tránh chiến tranh thương mại; Nhật Bản đứng đầu danh sách xuất khẩu phế liệu vào Việt Nam; Tương lai Facebook, Twitter sẽ thế nào sau đợt giảm mạnh vừa qua?
Tin kinh tế đọc nhanh 01-08-2018
- Cập nhật : 01/08/2018
7 tháng, gần 280 triệu USD đầu tư ra nước ngoài
-Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn con đường chinh chiến ở xứ người. Thế nên, trong 7 tháng đầu năm, các doanh nghiệp Việt đã đăng ký đầu tư ra nước ngoài gần 280 triệu USD.
Số liệu được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, trong 7 tháng đầu năm 2018, cả nước có 81 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam 238,33 triệu USD.
Ngoài ra, còn có 21 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam tăng thêm 41,3 triệu USD. Như vậy, tính chung trong 7 tháng năm 2018, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 279,63 triệu USD.
Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 7 tháng qua, lĩnh vực tài chính - ngân hàng dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 105,77 triệu USD, chiếm 37,8% tổng vốn đầu tư.
Lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đứng thứ hai với 63,84 triệu USD và chiếm 22,8% tổng vốn đầu tư; công nghiệp chế biến, chế tạo đứng thứ 3 với 45,47 triệu USD, chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư. Còn lại là các dự án thuộc các lĩnh vực khác.
Trong 7 tháng năm 2018, Việt Nam đã đầu tư sang 32 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, Lào là địa bàn dẫn đầu với 84 triệu USD, chiếm 30% tổng vốn đầu tư. Australia xếp thứ 2 với 37,1 triệu USD, chiếm 13,3% tổng vốn đầu tư. Với 1 dự án có vốn đầu tư Việt Nam là 35,93 triệu USD, Slovakia xếp thứ 3 và chiếm 12,9% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Campuchia, Cuba, Myanmar.
Sự lớn mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam chính là lý do khiến luồng vốn đầu tư ra nước ngoài không ngừng tăng lên. Đặc biệt, trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, rất nhiều ngân hàng đã lựa chọn đầu tư ra nước ngoài để “đón đầu” cơ hội, phục vụ cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
Trong số các ngân hàng, BIDV là ngân hàng tiên phong trong việc liên doanh, thành lập công ty con, ngân hàng con tại nước ngoài. Nhà băng này hiện có 6 văn phòng đại diện tại nước ngoài, bao gồm Campuchia, Myanmar, Lào, Séc, Đài Loan và Liên bang Nga.
VietinBank hiện có 2 chi nhánh tại Đức, 1 văn phòng đại diện tại Myanmar và 1 ngân hàng 100% vốn tại Lào. Trong khi đó, Vietcombank hiện có 1 văn phòng đại diện tại Singapore, 2 công ty con tại nước ngoài (Công ty Vinafico Hongkong và Công ty chuyển tiền Vietcombank) và 1 ngân hàng con tại Lào mới được thành lập.
Ngoài các “ông lớn” nhà nước, thì một số ngân hàng tư nhân như Sacombank, SHB cũng đã đầu tư ra nước ngoài.
Trong khi đó, Viettel, TH, Hoàng Anh Gia Lai, FPT… là những doanh nghiệp đầu tư lớn ở nước ngoài. FPT mới đây đã quyết định chi 30 triệu USD để mua 90% cổ phần của Công ty Intellinet (Mỹ). Tổng giá trị của thương vụ này có thể lên tới 50 triệu USD, nếu trong vòng 3 năm tới, Intellinet làm ăn có lãi lớn. (baodautu)
---------------------------
Chỉ số giá tiêu dùng CPI của cả nước trong tháng Bảy giảm nhẹ
Ngày 29/7/2018, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2018 giảm 0,09% so với tháng trước, tăng 4,46% so cùng kỳ năm trước, tăng 2,13% so với tháng 12 năm trước và CPI bình quân bảy tháng đầu năm 2018 tăng 3,45% so với cùng kỳ năm trước.
So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có tám nhóm hàng tăng là nhóm hàng hóa và dịch vụ có mức tăng cao nhất, tăng 0,56%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,43%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,37%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,26%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,12%... Có ba nhóm hàng giảm giá là thuốc và dịch vụ y tế giảm 5,85%; giao thông giảm 0,52%; bưu chính viễn thông giảm 0,05%.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, cho biết các nguyên nhân khiến CPI tháng 7/2018 giảm là do giá gạo giảm 0,8% so với tháng trước bởi các tỉnh phía Bắc đã thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân nên nguồn cung dồi dào và làm cho giá gạo ở các tỉnh phía Bắc giảm so với tháng trước.
Bên cạnh đó, giá gạo xuất khẩu giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2017 ở mức 385-395 USD/tấn, giảm từ 10 USD đến 30 USD/tấn làm cho giá gạo trong nước giảm theo.
Cùng đó, giá xăng dầu giảm 1,24% so với tháng trước do ảnh hưởng của đợt giảm giá ngày 22/6 và 23/7. Đồng thời, giá dịch vụ y tế điều chỉnh giảm theo Thông tư 15/2018/TT/BYT ngày 30/5/2018 của Bộ Y tế về việc quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các Bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc khiến chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế giảm 7,58%.
Bên cạnh các nguyên nhân làm giảm CPI, còn có một số nguyên nhân làm tăng CPI tháng 7/2018 như giá thịt lợn tiếp tục tăng 3,02% so với tháng trước; từ ngày 1/7 giá gas trong nước điều chỉnh tăng 1.000 đồng/bình 12kg, tăng 0,24% so với tháng 6/2018 do giá gas thế giới bình quân tháng 7/2018 công bố ở mức 562,5 USD/tấn, tăng 2,5 USD/tấn so với tháng trước.
Thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt tăng cũng làm cho chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 0,89%, chỉ số giá nước sinh hoạt tăng 0,35% so với tháng trước.
Mức lương cơ sở tăng 90.000 đồng/tháng từ ngày 1/7 theo Nghị quyết số 49/2017/QH14 của Quốc hội ngày 13/11/2017 làm cho chỉ số giá nhóm bảo hiểm y tế tăng 6,33% so với tháng trước.
Cũng trong tháng Bảy, giá vàng thế giới giảm do đồng USD liên tục tăng giá khi Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khẳng định về kế hoạch nâng lãi suất cơ bản đồng USD 3 tháng/lần. Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24/7/2018 giảm 1,8% so với tháng 6/2018; bình quân tháng 7/2018 giá vàng trong nước giảm 1,57% so với tháng trước, giá vàng dao động quanh mức 3,683 triệu đồng/chỉ vàng SJC.
Đối với chỉ số giá USD, tỷ giá tháng này biến động khá mạnh do đồng USD mạnh hơn các đồng tiền khác sau khi Fed tăng lãi suất lên 0,25 điểm phần trăm lần 2 vào ngày 13/6; cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung; đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giảm mạnh kỷ lục so với đồng USD. Theo đó, ngày 23/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh giá bán USD từ mức 23.050 đồng/USD lên 23.273 đồng/USD để tỷ giá thị trường diễn biến phù hợp với tình hình thị trường trong nước và quốc tế; đồng thời đảm bảo sẵn sàng hỗ trợ thị trường ở mức tỷ giá hợp lý. Giá bình quân ở thị trường tự do tháng Bảy ở mức 23.145 đồng/USD,tăng 0,84% so với tháng trước.
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 7/2018 tăng 0,15% so với tháng trước, tăng 1,41% so với cùng kỳ; bảy tháng đầu năm 2018 tăng 1,36% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng Bảy và bảy tháng đầu năm 2018, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá lương thực, thực phẩm tươi sống, giá xăng dầu. Lạm phát cơ bản bảy tháng đầu năm 2018 so cùng kỳ ở mức 1,36% phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành linh hoạt và ổn định.(Baohaiquan)
---------------------
Tăng trưởng sản xuất của Trung Quốc chậm lại trong tháng 7/2018
Tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc dự kiến chậm lại tháng thứ 2 liên tiếp trong tháng 7, trong bối cảnh đầu tư trong nước suy yếu hơn và do tranh chấp thương mại tồi tệ hơn với Mỹ gây u ám cho triển vọng nhu cầu ở nước ngoài.
Tuy nhiên, sự sụt giảm chậm lại trong tháng 7 dự kiến là nhẹ, do lợi nhuận mạnh thúc đẩy bởi giá hàng hóa cao và những nỗ lực hạn chế công suất sản xuất dư thừa.
Chỉ số quản lý sức mua (PMI) chính thức dự kiến giảm xuống 51,3 điểm trong tháng 7/2018 từ 51,5 điểm trong tháng trước, theo dự báo trung bình của 28 nhà kinh tế trong một thăm dò của Reuters. Mốc 50 điểm phân chia lĩnh vực sản xuất giữa mở rộng và thu hẹp trên cơ sở hàng tháng. Đánh dấu mốc 2 năm mở rộng trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc, sau khi nhu cầu toàn cầu phục hồi đối với xuất khẩu của Trung Quốc và tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, cả hai động lực này đã chậm lại trong năm nay, do tăng trưởng xuất khẩu giảm trở lại và chính phủ kiềm chế mở rộng tín dụng trong một nỗ lực đưa nền kinh tế này vào con đường tăng trưởng ổn định hơn.
Điều đó đã nâng lo ngại rằng tăng trưởng chậm lại có thể mạnh hơn dự kiến trong nửa cuối năm nay, khi xuất khẩu sang Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc đối mặt với thuế cao.
Căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh nhanh chóng xấu đi trong tháng 7 do hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đáp trả thuế quan mới với hàng hóa của nhau.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm nhẹ xuống 6,7% trong quý 2/2018, nhưng số liệu này vẫn cao hơn mục tiêu tăng trưởng chính thức khoảng 6,5% trong năm 2018.
Lĩnh vực công nghiệp cho đến nay giúp duy trì, với lợi nhuận tăng 20% trong tháng 5 do lạm phát giá xuất xưởng mạnh.
Nhưng Bắc Kinh không ngồi yên và đã thực hiện các biện pháp để hỗ trợ tăng trưởng do sự suy giảm mạnh hơn có thể gây tổn thất tới việc làm, một lo ngại do quan chức chính phủ đưa ra trong tuần này.
Trung Quốc mong thúc đẩy chi tiêu trong các dự án cơ sở hạ tầng từ nay đến cuối năm và nới lỏng việc hạn chế vay mượn ở chính quyền địa phương để hỗ trợ tăng trưởng.
Lisheng Wang, nhà kinh tế tại Nomura, Hong Kong cho biết “vòng kích thích tài chính này nên được kiềm chế nhiều hơn so với các vòng trước đó dựa vào các đòn bẩy vĩ mô cao và giá tài sản cao”.
Ông Wang dự kiến sự suy giảm rõ nét tại nền kinh tế Trung Quốc trong quý 3/2018 trước khi ổn định trong quý 4/2018.
Ngoài ra, một khảo sát tư nhân về sự mở rộng sản xuất của Trung Quốc tháng 7 dự báo đạt mức thấp nhất trong 8 tháng, mực dù sự sụt giảm dự kiến là vừa phải.
Chỉ số PMI của Caixin/Markit dự kiến giảm xuống 50,8 trong tháng 7 so với 51,0 trong tháng 6.(VITIC)