tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 23-07-2018

  • Cập nhật : 23/07/2018

Các Bộ trưởng Tài chính G20 lo ngại về xung đột thương mại leo thang

Hầu hết các đại biểu tham dự hội nghị quan ngại về tình hình căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng giữa Mỹ và các nước khác trên thế giới, đặc biệt là với Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).

Ngày 21/7, tại hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đang diễn ra ở thủ đô Buenos Aires của Argentina, các nhà lãnh đạo tài chính đã chia sẻ quan ngại về tình hình xung đột thương mại toàn cầu leo thang xuất phát từ các biện pháp bảo hộ của Mỹ.

 

khai mac  hoi nghi bo truong tai chinh va thong doc ngan hang nhom cac nen kinh te phat trien va moi noi (g20) lan thu 3 trong nam 2018 tai thu do buenos aires cua argentina. anh: ttxvn phat

Khai mạc  Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) lần thứ 3 trong năm 2018 tại thủ đô Buenos Aires của Argentina. Ảnh: TTXVN phát

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã tái khẳng định mối lo ngại về sự gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại sẽ đe dọa Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Bà Lagarde nhấn mạnh với những biện pháp hạn chế thương mại đang được triển khai và đang trong quá trình chuẩn bị, IMF đã dự báo về một kịch bản tồi tệ khi GDP toàn cầu có nguy cơ sụt giảm tới 430 tỷ USD.

Hầu hết các đại biểu tham dự hội nghị cũng bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng giữa Mỹ và các nước khác trên thế giới, đặc biệt là với Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).

Trong ngày làm việc đầu tiên của G20, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso đã lên tiếng chỉ trích các động thái của Mỹ gần đây khi tăng thuế đối với một loạt mặt hàng nhập khẩu.

Ông nhấn mạnh các chính sách hướng nội không mang lại lợi ích cho bất kỳ quốc gia nào, đồng thời kêu gọi duy trì đà tăng trưởng kinh tế thông qua "thương mại dựa trên các quy tắc tự do và công bằng". Theo ông Washington không nên áp thuế với mục đích giảm thâm hụt thương mại mà nên sử dụng chính sách kinh tế vĩ mô.

Bất chấp những lời kêu gọi trên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin vẫn tỏ ra cứng rắn khi không phát đi tín hiệu nào cho thấy Mỹ sẵn sàng nhượng bộ về vấn đề thương mại.

 

bo truong tai chinh my steven mnuchin. anh: ttxvn phat

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Ảnh: TTXVN phát

Tại phiên họp, Bộ trưởng Mnuchin đã hối thúc Trung Quốc và EU tôn trọng "thương mại tự do, công bằng và tương xứng".

Ông nêu rõ: "Thông điệp của tôi khá rõ ràng, tương tự như thông điệp mà Tổng thống Donald Trump đã đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7): Nếu châu Âu tin tưởng vào thương mại tự do, chúng tôi sẵn sàng ký một thỏa thuận thương mại tự do mà không có thuế quan, hàng rào phi thuế quan hay trợ cấp".

Đối với Trung Quốc, Bộ trưởng Mnuchin cũng để ngỏ khả năng lời đe dọa của Tổng thống Trump áp thuế đối với các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị lên tới 500 tỷ USD sẽ được hiện thực hóa. Ông nêu rõ: "Chúng tôi chia sẻ mong muốn có một mối quan hệ cân bằng hơn và mối quan hệ cân bằng này là chúng tôi bán nhiều hàng hóa hơn (cho Trung Quốc)".

Tuyên bố của ông Mnuchin đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế Pháp Bruno Le Maire.

Ông Bruno Le Maire cho rằng chính Mỹ phải có bước đi đầu tiên nhằm giảm leo thăng căng thẳng. Ông đồng thời bày tỏ hy vọng Tổng thống Trump sẽ có "sự thay đổi thái độ", nếu không EU sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài hành động trả đũa.

Thế giới đang đứng trước một cuộc chiến tranh thương mại trên diện rộng mà khởi đầu là biện pháp áp thuế nhôm, thép nhập khẩu lần lượt là 10% và 25% do Mỹ đưa ra nhằm điều chỉnh cán cân thương mại giữa quốc gia này và các đối tác trên thế giới, tạo ra một chuỗi liên hoàn các biện pháp đối kháng.

Đầu tháng 7 này, Tổng thống Trump đe dọa áp thuế 20% đối với mọi ôtô lắp ráp tại EU. Đáp lại, EU đã gửi tới Bộ Thương mại Mỹ một tài liệu dài 10 trang, cảnh báo việc áp thuế này sẽ ảnh hưởng xấu đến ngành sản xuất ô tô của chính nước Mỹ và có thể dẫn tới các biện pháp trả đũa của các đối tác thương mại trị giá lên tới 294 tỷ USD đối với hàng hóa xuất khẩu của Mỹ.(TTXVN)
-------------------------

Cựu cố vấn thân cận của Tổng thống Trump: "Chúng ta đang có chiến tranh với Trung Quốc'

Steve Bannon, cựu cố vấn hàng đầu cho Donald Trump, mới đây đã phát biểu rằng suốt mấy chục năm trở lại đây nước Mỹ vốn đã ở trong một xung đột thương mại với Trung Quốc.

"Chúng ta đang có chiến tranh thương mại với Trung Quốc," Bannon nói, ca ngợi ông Trump vì đã lấn lướt người Trung Quốc. "Chúng ta đang chiến thắng."

Những phát biểu này được Bannon đưa ra trong chương trình Delivery Alpha của CNBC hôm 18/7. Trước đó ông cũng chia sẻ với CNBC rằng Tổng thống Trump biết ông cần phải "đoàn kết phương Tây để chống lại sự nổi lên của Trung Quốc".

Đối với Bannon, cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc chỉ có thể kết thúc theo một cách và đó là Mỹ sẽ chiến thắng. "Nước Mỹ sẽ thắng. Chiến thắng là khi họ [Trung Quốc] mở cửa hoàn toàn thị trường của họ," ông nói.

Bannon nói rằng thông điệp của ông vẫn được lắng nghe trong Nhà Trắng. Ông nói với CNBC rằng ông đang liên lạc với các quan chức chính quyền và ngụ ý rằng ông sẽ nói chuyện với tổng thống thông qua các luật sư.

Đây là lần đầu tiên Bannon xuất hiện trở lại gần một năm sau khi ông bị buộc phải rời khỏi Nhà Trắng. Cựu cố vấn cấp cao cho biết ông sẽ không bao giờ trở lại Nhà Trắng. "Tôi ghét mọi ký ức về nó," ông nói.

Trong nhiệm kỳ của ông tại Nhà Trắng, Bannon phụ trách tư vấn cho tổng thống về cách thực hiện tốt nhất chương trình nghị sự quốc gia mà ông đã kêu gọi tại các cơ sở của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Nhiều chính sách được đề xuất đã trở thành một phần trong chính sách của chính quyền Mỹ, bao gồm việc giảm nhập cư bất hợp pháp, thực hiện hàng rào thuế quan đối với Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ, và cải thiện mối quan hệ với các đối thủ như Nga.

Tuy nhiên, nhiều người trong chính quyền, bao gồm cả con rể của Trump - Jared Kushner cùng với Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Gary Cohn - đã gay gắt chỉ trích Bannon và cái cách mà ông làm tổn thương kẻ thù của mình thông qua những câu chuyện rò rỉ cho báo chí.

Sau khi tranh cãi với rất nhiều quan chức Nhà Trắng, đôi khi, với chính cả ông Trump, Bannon rời khỏi chính quyền vào tháng Tám và quay trở lại điều hành hãng tin bảo thủ Breitbart.

Tuy nhiên, căng thẳng giữa Bannon và con rể ông Trump trở nên tồi tệ hơn vào tháng Giêng, khi tác giả Michael Wolff công bố tác phẩm với nội dung về tất cả mọi thứ thuộc về Nhà Trắng, "Lửa và giận dữ". Trong cuốn sách, Bannon đã gọi một cuộc gặp giữa ông Donald Trump Jr – con trai lớn của tổng thống Donald Trump và một nhóm người Nga là "phản bội" và "không yêu nước". Ông cũng tuyên bố rằng các nhà điều tra "sẽ phá vỡ Don Jr. giống như một quả trứng trên truyền hình quốc gia."

Đó là quá đủ để khiến ông bị đẩy ra khỏi Breitbart. Rebekah Mercer là một trong những người ủng hộ tài chính quan trọng của hãng tin này và là đồng minh của Trump, đã chỉ trích Bannon. Cha cô, nhà tài trợ của đảng Cộng hòa tỷ phú Robert Mercer, cũng giữ mình ra xa khỏi Bannon trước khi cuốn sách của Wolff được xuất bản.

Tuy nhiên, Bannon vẫn tiếp tục thúc đẩy ý thức về chủ nghĩa dân tộc của mình. Gần đây ông đã đi đến châu Âu và gặp gỡ với các ứng cử viên đang chuẩn bị chạy vào các vị trí trong văn phòng chính trị, bao gồm cả những người theo chủ nghĩa dân tộc người Ý đã thắng cuộc bầu cử tháng Ba và thành lập chính phủ liên minh vào cuối tháng Năm. Gần đây, Bannon đã cố gắng giúp đỡ tổng thống và đảng Cộng hòa thông qua các hoạt động chính trị của chính ông.

Từ tháng 5, Bannon đã trả tiền cho người đại diện của mình để sản xuất các quảng cáo chính trị tại các thành phố trên khắp nước Mỹ. Chiến dịch này ca ngợi những thành tựu của chính quyền Trump mang đậm dấu ấn của Bannon, như dự luật cải cách thuế toàn diện hay giảm thiểu ảnh hưởng của đạo luật Dodd-Frank lên các ngân hàng cộng đồng.(CafeF)
---------------------------

Trung Quốc tìm cách giảm thiểu tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang bơm thêm thanh khoản vào hệ thống tài chính và cấp tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) của nước này.

Trung Quốc bơm thêm thanh khoản vào hệ thống tài chính. Ảnh minh họa: TTXVN

Bắc Kinh còn được cho là sẽ nới lỏng các điều kiện tiền tệ để giảm thiểu các mối đe dọa đến tăng trưởng bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại đang ngày càng nóng lên giữa nước này và Mỹ. 

Khi mâu thuẫn thương mại được đẩy cao tạo ra các rủi ro đối với các nhà xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế tổng thể của Trung Quốc, nhiều nhà kinh tế dự đoán Ngân hàng trung ương nước này (PBoC) trong những tháng tới sẽ hạ thêm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR). Tính từ đầu năm đến nay, PBoC đã ba lần hạ RRR. 

Một nguồn tin thân cận trong ngành ngân hàng cho biết PBoC lên kế hoạch đưa ra các biện pháp gia tăng tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại. Đó là khuyến khích các ngân hàng mở rộng hoạt động cho vay và tăng đầu tư vào trái phiếu do các công ty và các cơ quan trực thuộc chính quyền địa phương (LGFV) phát hành. 

PBoC hiện cũng đã cho phép các ngân hàng thương mại tiếp cận Cơ chế Cho vay Trung hạn (MLF), đặc biệt là các ngân hàng đã đầu tư vào trái phiếu được xếp hạng AA+ hoặc dưới mức này. 

Hiện các điều kiện về tiền mặt của Trung Quốc đã cải thiện, được thể hiện qua việc lãi suất chủ chốt kỳ hạn bảy ngày đối với các ngân hàng đã giảm xuống 2,6409% trong ngày 19/7, thấp hơn 37 điểm cơ bản so với các mức cao ghi nhận trong cuối tháng trước. 

Hiện PBoC chưa đưa ra bình luận nào về các kế hoạch của mình, song một nhà giao dịch tại một ngân hàng châu Á đặt trụ sở tại Thượng Hải cho biết thị trường trái phiếu đã chứng kiến một mức tăng đáng kể trong khối lượng giao dịch trái phiếu LGFV. 

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,7% trong quý II/2018, thấp hơn dự kiến đưa ra trước đó. Tăng trưởng sản lượng chế tạo của nước này trong tháng 6/2018 đã giảm xuống mức thấp trong hai năm giữa bối cảnh tranh cãi thương mại với Mỹ gia tăng.(Bnews)

Trở về

Bài cùng chuyên mục