Chủ tịch Asahi: Giá cổ phiếu Sabeco là quá đắt; Sức cạnh tranh của cá tra Việt tại Mỹ giảm; Trung Quốc sắp lần đầu vỡ nợ trái phiếu chính phủ địa phương; Phó Tổng giám đốc Techcombank sang làm Tổng giám đốc SeABank
Tin kinh tế đọc nhanh 23-09-2017
- Cập nhật : 23/09/2017
Nga cứu gấp 2 ngân hàng thương mại lỗ 13 tỉ USD
Nga 'giải cứu' 2 nhà băng trong chưa đầy 1 tháng vì lỗ 13 tỉ USD nợ xấu.
Hôm 21/9, TASS dẫn thông tin từ Ngân hàng Trung ương Nga cho biết, vừa phải cung cấp gói hỗ trợ mới cho 2 ngân hàng trong chưa đầy 1 tháng qua vì liên tục gặp khó khăn và cân đối tài chính bị chênh lệch quá lớn.
Chính phủ Nga đã phải tiến hành quốc hữu hóa B&N Bank - nhà băng lớn thứ tám đất nước xét theo giá trị tài sản. Cuối tháng 8, ngân hàng Otkritie Bank - một ngân hàng tư nhân lớn nhất ở Nga cũng phải cần gói cứu trợ từ phía Chính phủ để lấp lỗ hổng tới 7 tỉ USD trong bảng cân đối tài chính của mình.
Chính phủ Nga đã phải tiến hành quốc hữu hóa B&N Bank.
Theo Ngân hàng Trung ương Nga, B&N Bank có thể đã chịu khoản lỗ 6 tỉ USD trong bảng cân đối kế toán.
Gói cứu trợ ngân hàng gần 7 tỉ USD là gói cứu trợ tài chính lớn nhất từ trước tới nay của Nga.
Sau cú sốc tài chính này, giới đầu tư cảnh giác hơn khi gửi tiền vào các ngân hàng Nga.
Giám đốc điều hành B&N Bank Mikail Shishkhanov cho biết công ty ông bị mắc kẹt giữa nhiều tin đồn sau đợt giải cứu nhà băng Otkritie Bank. Ông Shishkhanov cố gắng thuyết phục giới đầu tư tin rằng tiền gửi của họ vẫn an toàn trong ngân hàng, song không thành công.
Tới nay, việc 2 ngân hàng lớn liên tiếp bị lỗ và phải nhận hỗ trợ từ Chính phủ đã khiến các nhà đầu tư đặt câu hỏi về sự giám sát của Ngân hàng Trung ương Nga và mức ổn định của ngành ngân hàng trước suy thoái kinh tế và các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Tuy nhiên, truyền thông phương Tây dẫn nguồn tin nội bộ cho rằng, một cuộc khủng hoảng trên toàn hệ thống ngân hàng Nga là điều không thể xảy ra bởi các ngân hàng Trung ương nắm giữ hầu hết tài sản ngân hàng ở Nga và hạn chế các ngân hàng tư nhân.
Ba nhà băng lớn nhất nước Nga nắm giữ khoảng 50% tài sản đất nước và đều là ngân hàng quốc doanh. Otkritie, nhà băng tư nhân lớn nhất, thì chỉ nắm 3,5% tổng tài sản.
Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Vasily Pozdyshev nói với các phóng viên rằng, dựa trên ước tính ban đầu, Ngân hàng B & N và các ngân hàng liên kết của họ sẽ cần 250 - 350 tỉ rúp (6.03 triệu USD) trong các khoản dự phòng mới để bù đắp vào các khoản nợ xấu.
Ngân hàng Trung ương Nga đã đình chỉ vai trò quản lý của Mikail Shishkhanov - người vừa được bổ nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng B & N, ông Pozdyshev nói.
Ông Pozdyshev cũng không cho biết ai sẽ tiếp quản vị trí này trong tương lai.
Khi được hỏi liệu các ngân hàng tư nhân khác có nguy cơ phải giải cứu trong thời gian tới hay không, ông Pozdyshev cho biết, Ngân hàng Trung ương đã có chỉ thị đối với các ngân hàng tư nhân trong việc kiểm soát giảm bớt rủi ro trong một số trường hợp vài tuần qua.
Pozdyshev cho biết: "Theo kết quả của nghiên cứu này, theo tôi hiểu, hiệu ứng domino hiện nay sẽ không xảy ra. Ở đây, không có rủi ro nào cả".
Sức khoẻ tài chính của một số ngân hàng ở Nga đã lâm vào tình trạng xấu đi sau khi Ngân hàng Trung ương buộc họ phải đưa ra các điều khoản khắt khe hơn đề phòng các khoản nợ xấu, trong khi lợi nhuận bị thắt chặt do lãi suất thấp hơn.
Ngân hàng Otkritie Bank mới được giải cứu 7 tỉ USD
Cuộc suy thoái trước đó trong ngành ngân hàng bắt nguồn từ sự bùng nổ tín dụng.
Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, nợ tư nhân của Nga tăng từ 50% (năm 2005) lên gần 90% (năm 2015). Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Nga hiện là 10%, cao hơn so với mức 6% trước khi giá dầu đi xuống.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo Moscow rằng hệ thống ngân hàng Nga có thể không thông báo toàn diện tình hình nợ xấu. IMF cho hay tỷ lệ nợ xấu thực tế có thể lên đến 13,5%.
Ngân hàng Trung ương Nga đã cho đóng cửa 300 nhà băng, đa số là ngân hàng nhỏ, trong những năm gần đây.
Nhìn chung, tình hình tài chính Nga vẫn tương đối tốt. Moscow chỉ có mức thâm hụt ngân sách nhỏ và nợ chính phủ tương đối thấp, ở mức dưới 20% GDP. (Baodatviet)
---------------------------
24 doanh nghiệp Hà Nội nợ thuế, phí gần 3.000 tỉ đồng
Doanh nghiệp xây dự án xong chưa bán được hàng, bán được hàng lại mang tiền đầu tư nơi khác và thậm chí lợi dụng chính sách để trì hoãn nộp thuế phí lên tới 2.900 tỉ đồng.
11 doanh nghiệp nợ lớn tiền thuế, phí và 13 doanh nghiệp nợ lớn tiền sử dụng đất, với tổng số hơn 2.900 tỉ đồng - Ảnh: LÂM HOÀI
Đó là thông tin được Ban chỉ đạo đôn đốc thu nợ đọng thuế và nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thành phố Hà Nội cho biết sau cuộc họp với các doanh nghiệp mới đây.
Cụ thể, trên địa bàn thành phố hiện có 11 doanh nghiệp nợ lớn tiền thuế, phí và 13 doanh nghiệp nợ lớn tiền sử dụng đất, với tổng số hơn 2.900 tỉ đồng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Thế Mạnh, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế kiêm cục trưởng Cục thuế Hà Nội, cho biết việc nợ thuế của doanh nghiệp xuất phát từ nhiều tình huống khác nhau.
Chẳng hạn có trường hợp giao đất nhưng doanh nghiệp chưa giải phóng mặt bằng, lại có chỗ xây xong dự án nhưng doanh nghiệp viện lý do chưa bán được hàng nên chưa có tiền nộp...
Thậm chí có trường hợp doanh nghiệp thu được tiền từ dự án được giao đất nhưng lại mang tiền... đi đầu tư chỗ khác.
Ngoài ra, còn xuất hiện tình trạng lợi dụng chính sách hỗ trợ của nhà nước để trì hoãn việc nộp thuế đúng hạn.
Theo ông Mạnh, quan điểm của thành phố và cơ quan thuế là một mặt vừa tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp, nhưng mặt khác phải làm nghiêm đối với những doanh nghiệp chây ì.
"Trước mắt là đôn đốc, sau đó là công khai rồi cưỡng chế, đình chỉ dự án và dùng tất cả biện pháp mạnh khác để truy thu được cho Nhà nước, chứ không có việc nhà nước đã giao đất cho rồi mà doanh nghiệp lại không chịu nộp thuế là không được", ông Mạnh nói.(Tuoitre)
-------------------
Sang tên 'sổ đỏ' sẽ bị đánh thuế
Từ chỗ không chịu thuế, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế chuyển quyền sử dụng đất khi sửa đổi luật Thuế giá trị gia tăng. Nếu được chấp thuận, giá bất động sản dự báo sẽ tăng.
Quyền sử dụng đất không phải là hàng hóa
Theo tờ trình chỉnh sửa luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án tăng thuế suất thuế GTGT từ mức 10% hiện nay lên 12% từ ngày 1.1.2019; hoặc tăng theo lộ trình lên 12% kể từ ngày 1.1.2019 và 14% từ 1.1.2021. Trong đó phương án tăng từ 10% lên 12% từ ngày 1.1.2019 được đề nghị cân nhắc. Như vậy chuyển quyền sử dụng đất (QSDĐ) nếu đưa vào diện chịu thuế GTGT sẽ áp dụng mức thuế suất là 12%.
Sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc mua nhà của người dân, nhất là dân nghèo
Ông Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP.HCM
Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hung Thinh Corp., lập luận ở VN đất đai chưa được xem là hàng hóa, cho nên thuật ngữ khi giao dịch pháp lý trên thị trường dùng là “chuyển nhượng QSDĐ” chứ không gọi là “bán đất”. Chính vì vậy từ trước đến nay luật Thuế GTGT không xem QSDĐ là đối tượng chịu thuế. Do đó, đề xuất đánh thuế hoạt động chuyển QSDĐ là không phù hợp với bản chất chung của pháp luật chứ không riêng gì luật Thuế GTGT. Cùng quan điểm, ông Phan Vũ Hoàng - Phó tổng giám đốc dịch vụ tư vấn thuế Deloitte VN, cho hay theo định nghĩa về hàng hóa quy định tại luật Thương mại, QSDĐ không thỏa mãn điều kiện để được coi là hàng hóa, do đó không thuộc đối tượng điều chỉnh thuế GTGT. Đất được coi là tài sản đặc biệt, không được sản xuất, lưu thông, tiêu dùng như một hàng hóa bình thường. QSDĐ là quyền về pháp lý, do đó việc coi QSDĐ không phải hàng hóa và liệt kê vào đối tượng không chịu thuế GTGT là phù hợp tinh thần luật thuế hiện hành.
Giá bất động sản sẽ tăng
Ông Nguyễn Đình Trung cho biết cơ cấu một sản phẩm bất động sản (BĐS) đã bao gồm nhiều loại thuế và phí. Các loại vật liệu, vật tư đầu ra đều đã chịu thuế GTGT vào cấu thành giá sản phẩm. Do đó, nếu đánh thuế GTGT chuyển QSDĐ là đánh thẳng vào người tiêu dùng. Đề xuất này cũng dễ dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế, từ đó đẩy giá bán BĐS tăng lên, làm ảnh hưởng đến quyết định giao dịch của người mua khiến thị trường cũng bị ảnh hưởng.
Theo tính toán của ông Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP.HCM, giá trị QSDĐ đối với căn hộ chung cư chiếm khoảng 20 - 30%, nếu phần này chịu thuế GTGT thì mức tăng giá nhà vào khoảng 2 - 3%. Còn đối với nhà phố, mức tăng giá sẽ mạnh hơn. Đó là chưa tính đến mức tăng thuế GTGT đối với vật liệu xây dựng từ 10% lên 12%. Nếu tính tổng mức tăng thuế thì giá nhà đất sẽ tăng lên nhiều hơn mức trên. Người cuối cùng chịu phần tăng thêm này không ai khác là khách hàng.
Ông Bùi Quang Tín nhận định Nghị quyết Quốc hội vừa đưa ra để giải quyết nợ xấu, chủ yếu là BĐS. Chính sách thuế này đưa ra sẽ làm cho giá BĐS tăng lên, tác động đến người mua cuối cùng và sẽ làm chậm lại quá trình xử lý nợ xấu. “Giải quyết nợ xấu giúp thị trường chạy nhanh lên, tạo thanh khoản cho dòng tiền thì với chính sách này, thị trường sẽ chậm lại và việc xử lý nợ xấu cũng chậm theo. Ngoài ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc mua nhà của người dân, nhất là dân nghèo”, ông Tín nói.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), tính toán, đối với căn hộ chung cư, tiền sử dụng đất chiếm từ 8 - 15%, nhà phố khoảng 30% và biệt thự khoảng 50%. Nếu áp dụng thuế suất GTGT 10% đối với căn hộ chung cư, giá nhà sẽ tăng khoảng 1,5%, nhà phố 3% và biệt thự 5%. HoREA kiến nghị không áp dụng thuế GTGT khi chuyển QSDĐ. "Việc đề xuất tăng thuế GTGT từ 10% lên 12% sẽ dẫn đến mặt bằng giá nguyên nhiên vật liệu, nhận thầu thi công, nhân công... tăng, giá bán nhà tăng lên. Cho nên đề xuất áp dụng đánh thuế GTGT lên QSDĐ cần hết sức cẩn trọng", ông Châu khuyến cáo.(Thanhnien)
Một số loại thuế, phí khi người dân chuyển nhượng BĐS
Thuế thu nhập cá nhân: 2% trên giá chuyển nhượng
Lệ phí trước bạ đối với nhà, đất: 0,5%.
----------------------------
TP HCM muốn Uber, Grab ngưng kết nối thêm xe mới
Trong văn bản gửi UBND TP HCM về các giải pháp quản lý loại hình kinh doanh xe hợp đồng điện tử, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết sẽ đề nghị các đơn vị cung cấp phần mềm như Grab, Uber tạm ngưng cung cấp kết nối thêm xe mới.
Việc này nhằm ổn định tình hình vận tải trên địa bàn thành phố trong thời gian chờ Bộ Giao thông tổ chức tổng kết hai năm thực hiện Đề án thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (taxi mới) từ ngày 7/1/2016.
Do lượng xe taxi kiểu mới tăng quá nhanh, TP HCM yêu cầu Uber và Grab tạm ngưng kết nối thêm xe mới.
Từ đầu năm đến nay Thanh tra Sở GTVT đã lập biên bản 159 vụ tài xế Grab và Uber vi phạm, phạt hơn 600 triệu đồng chủ yếu về các lỗi:không đăng ký kinh doanh, không có giấy phép kinh doanh vận tải, dừng đỗ không đúng quy định, không có danh sách, hợp đồng vận chuyển...
Để quản lý chặt hơn,Sở GTVT sẽ cung cấp danh sách ôtô 9 chỗ ngồi trở xuống, được cấp phép phù hiệu "xe hợp đồng" cho Công an thành phố.Đồng thời, lực lượng Thanh tra giao thông tiếp tục kiểm tra xử lý tình trạng ôtô không có phù hiệu nhưng tham gia hoạt động vận tải, kể cả xe được sở giao thông vận tải tỉnh thành phố khác cấp phù hiệu nhưng hoạt động trên địa bàn TP HCM.
Tính đến cuối năm 2015, TP HCM chỉ có 200-300 xe dưới 9 chỗ chạy hợp đồng đi đường dài. Đến đầu năm 2016 thí điểm Grabtaxi, lượng xe tăng lên 2.437, tới giữa năm là hơn 15.000 xe và hiện có hơn 23.000 xeđược cấp phép hợp đồng điện tử (taxi mới).
Ngoài ra, thành phố còn có hơn 11.000 xe taxi truyền thống. Tổng cộng, lượng ôtô dưới 9 chỗ hoạt động kinh doanh vận tải hành khách là hơn 34.000 chiếc - đã làm phá vỡ quy hoạch taxi trên địa bàn thành phố.
Theo quy hoạch phát triển giao thông đường bộ đến năm 2020, taxi tại TP HCM không vượt quá 12.700 xe. Trong khi đó lượng xe Grab, Uber tăng chóng mặt thời gian qua khiến tình hình giao thông thành phố vốn chật chội ngày càng thêm hỗn loạn, kẹt xe ngày càng nghiêm trọng.
Tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông mới đây, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP HCM chỉ ra,một trong những nguyên nhân khiến tình trạng kẹt xe ngày càng phức tạp là có quá nhiều ôtô tham gia loại hình taxi mới.(Vnexpress)