tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 22-07-2018

  • Cập nhật : 22/07/2018

Nhiều chuyên gia cho rằng tiền tranh tiền tệ đã bùng nổ

Nếu một cuộc chiến tranh tiền tệ thực sự xảy ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất hế giới, thì hậu quả sẽ rất khó lường.

Một cuộc chiến tranh tiền tệ đã nổ ra, song song với cuộc chiến tranh thương mại - theo nhận định của một số nhân vật có uy tín trên thị trường ngoại hối với quy mô giao dịch 5,1 nghìn tỷ USD mỗi ngày, hãng tin Bloomberg cho hay.

Hôm thứ Sáu, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên mạng xã hội Twitter cáo buộc Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) "thao túng làm tỷ giá đồng tiền và lãi suất của họ thấp hơn".

Cáo buộc này được ông Trump đưa ra sau khi đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cùng ngày trượt xuống dưới ngưỡng 6,8 Nhân dân tệ đổi 1 USD lần đầu tiên trong 1 năm, và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) không phát tín hiệu nào về việc sẽ can thiệp để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thì nói Chính phủ nước này đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến tỷ giá để xác định xem Trung Quốc có thao túng đồng tiền hay không.

Nếu một cuộc chiến tranh tiền tệ thực sự xảy ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, thì hậu quả sẽ rất khó lường và vượt xa khỏi phạm vi hai đồng Nhân dân tệ và USD. Trong trường hợp đó, các thị trường từ cổ phiếu tới hàng hóa cơ bản và các thị trường mới nổi sẽ đều rơi vào tình thế nguy hiểm - Bloomberg nhận định.

"Rủi ro thực sự nằm ở chỗ chúng ta đang đối mặt với tình trạng đứt gãy trên diện rộng của sự hợp tác trong thương mại và chính sách tiền tệ toàn cầu. Điều đó sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp", ông Jens Nordvig, một chiến lược gia tiền tệ hàng đầu Phố Wall, nhận định. "Những cảnh báo của ông Trump 24 giờ qua thực sự là một sự dịch chuyển từ chiến tranh thương mại sang chiến tranh tiền tệ".

Cú phá giá đồng tiền gây sốc của Trung Quốc vào năm 2015 vẫn là một hình mẫu để có thể hình dung ảnh hưởng lan rộng của chiến tranh tiền tệ sẽ như thế nào - theo ông Robin Brooks, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc Viện Tài chính Quốc tế (IMF).

Giá của các tài sản có độ rủi ro cao và giá dầu có thể sụt giảm mạnh khi mối lo về tăng trưởng trở nên lớn hơn, kéo theo tỷ giá của các nước có độ phụ thuộc cao vào xuất khẩu hàng hóa cơ bản như Rúp Nga, Peso Columbia, và Ringgit Malaysia. Tiếp đó, sự mất giá đồng tiền sẽ lan rộng ra toàn châu Á.

Ông Nordvig cho rằng mấu chốt của vấn đề hiện nay là liệu PBoC có can thiệp để giữ tỷ giá Nhân dân tệ quanh ngưỡng 6,8 Nhân dân tệ đổi 1 USD nhằm tránh căng thẳng leo thang xa hơn hay không.

Theo vị chuyên gia này, trong cuộc họp vào ngày 26/7 của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Chủ tịch ECB Mario Draghi rất có thể sẽ lên tiếng về biến động tỷ giá. Hồi đầu năm nay, khi đồng USD giảm giá mạnh, ECB đã tỏ thái độ lo ngại.

Chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index đo sức mạnh đồng mạnh đồng USD trên thị trường giao ngay có lúc giảm 0,8% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, mức giảm mạnh nhất trong một phiên kể từ tháng 3.

Kết thúc ngày giao dịch, tỷ giá đồng Euro tăng 0,7% so với USD, lên mức 1.1724 USD/Euro, trong khi đồng Yên tăng khoảng 1%.

"Chắc chắn là đồng tiền yếu đi sẽ mang lại lợi thế bất bình đẳng cho họ", hãng tin Reuters ông Mnuchin nói về Trung Quốc. "Chúng tôi sẽ theo dõi thận trọng xem họ có thao túng tỷ giá hay không".

Bộ Tài chính Mỹ từ chối trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu Mỹ có đang bước vào một cuộc chiến tranh tiền tệ hay không.

Theo ông Shahab Jalinoos, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối toàn cầu thuộc Credit Suisse, đồng bạc xanh có thể tiếp tục chịu sức ép giảm nếu các nhà đầu tư hành động theo sự chỉ trích của ông Trump đối với tỷ giá đồng nội tệ tăng, theo đó bán ra các trạng thái đầu cơ USD giá lên.

Theo dữ liệu do Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC) công bố hôm thứ Sáu, các quỹ đầu cơ đang đặt cược vào sự tăng giá của USD nhiều nhất kể từ tháng 2/2017.

"Tổng thống Mỹ gần như đã định nghĩa những gì đang diễn ra là một cuộc chiến tranh thương mại, bởi ông ấy thẳng thừng cho rằng các quốc gia khác đang thao túng tỷ giá vì mục đích cạnh tranh", ông Jalinoos nhận định. "Loạt phát biểu này có thể sẽ khiến thị trường cắt giảm trạng thái nắm giữ USD chờ giá lên".(Vneconomy)
-----------------------

Việt Nam - Điểm nóng tiếp theo trong phân khúc bất động sản cao cấp ở châu Á

Giao dịch trong phân khúc bất động sản cao cấp ở Việt Nam đang tăng nhanh, cho thấy một nền kinh tế đang bùng nổ với tốc độ tăng trưởng GDP 7,38% trong quý I/2018, mức cao nhất trong 10 năm qua.

Tại Hà Nội, khu dự án một dự án bất động sản cao cấp vừa công bố bán hết hàng chỉ trong vài ngày. Đây là khu dự án phức hợp trị giá hàng triệu USD bao gồm các villa sang trọng, những ngôi nhà có xây hồ bơi, xung quanh là trường quốc tế và tòa nhà cho thuê văn phòng.

Ở TP HCM, các nhà đầu tư phân khúc bất động sản cao cấp đang mạnh tay với những dự án như ở quận III, trong đó có các ngôi nhà theo kiểu penthouse với giá mỗi căn vào khoảng 60,84 tỷ VND (2,64 triệu USD). Mỗi penthouse đều có thang máy riêng, hồ bơi trên ban công, thiết bị chiếu sáng và nội thất được thiết kế sang trọng. Gần đó là tòa nhà cao cấp 34 tầng bao gồm các villa sân vườn, khu phức hợp penthouse và biệt thự ngoài trời. Ngoài ra còn có thêm những tiện ích chuẩn 5 sao như quầy rượu, hồ bơi nước mặn, rạp chiếu phim ngoài trời,...

Stephen Wyatt -Tổng giám đốc công ty Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam cho biết, trong 3 hoặc 4 năm vừa qua, đã có sự tăng trưởng các hoạt động đầu tư với những dự án mới trong phân khúc cao cấp.

Những thay đổi về luật sở hữu đối với người ngoại quốc năm 2015 đã tạo cơ hội cho các nhà đầu tư quốc tế mua nhà ở Việt Nam dễ dàng hơn và thuê đất kỳ hạn dài hơn. Người ngoại quốc giờ có thể mua nhà với kỳ hạn 50 năm và mua với mục đích khác thay vì chỉ được mua với mục đích sử dụng cá nhân như trước kia. Ngoài ra, nhà đầu tư còn có thế bán tối đa 30% số căn hộ trong một tòa nhà hoặc 10% nhà riêng trong một khu dân cư cho người nước ngoài.

Thị trường bất động sản cao cấp cũng đang nóng dần lên tại các thành phố khác như Đà Nẵng, Nha Trang, đảo Phú Quốc và những thị trấn ven biển như Hồ Tràm.

Theo ông Wyatt, Việt Nam tuy chỉ là một thị trường mới nổi trong phân khúc bất động sản cao cấp nhưng lại sở hữu thành phần dân số trẻ năng động với khối lượng tài sản ngày một tăng nhanh. Boston Consulting Group nhận định tầng lớp trung lưu và giàu có được kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020 và đây sẽ là yếu tố tạo thêm nhu cầu mới cho hoạt động mua bán và thuê.

Theo một báo cáo thị trường mới đây của Savills, giá căn hộ chung cư từ năm 2013 tới năm 2017 đã tăng 9%/năm, mức giá trung bình ở các thị trường lớn hơn dự kiến tiếp tục tăng.

Thách thức cho các nhà đầu tư

Theo Matthew Powell, giám đốc Savills Hà Nội, nhiều nhà đầu tư (trong nước lẫn nước ngoài) đang chủ động tiến vào thị trường bất động sản cao cấp ở Việt Nam do nhu cầu ngày một tăng cao.

Một phần lý do là luật mới đã giúp họ bớt phụ thuộc vào các khoản vay. Tại Việt Nam, bất động sản có thể được bán trước khi những tiện ích cơ bản được xây dựng hoàn chỉnh. Tuy Việt Nam vẫn là thị trường mới nổi nhưng tiêu chuẩn và kỳ vọng cho phân khúc bất động sản cao cấp đang tăng nhanh vì các nhà đầu tư đã áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế lên thị trường này.

Giá trị gia tăng cho người mua lẫn nhà đầu tư

Sunny Hoang - Phó giám đốc phụ trách mảng Kinh doanh khu dân cư Quốc tế tại Savills Hồ Chí Minh, lý giải cho nhu cầu tăng mạnh là do mức giá cho bất động sản cao cấp vẫn còn thấp so với các thành phố khác trong khu vực Đông Nam Á như Bangkok và Singapore

Tại TP HCM, một căn hộ sang trọng tọa lạc tại trung tâm thành phố có giá khoảng 115,3 triệu/m2 (xấp xỉ 5.000 USD) nhưng ở Hong Kong, người mua phải bỏ ra số tiền gấp 4 lần như thế.

Nhu cầu trong nước chiếm đa số thị phần nhưng đối với những người mua kén chọn đến từ Đài Loan, Hong Kong, Hàn Quốc và Trung Quốc thì Việt Nam là một điểm đến lý tưởng hơn đất nước của họ.

Bà Hoang cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rất nhiều nhu cầu đối với phân khúc cao cấp – cầu đã vượt cung – thế nên trong 3 tới 5 năm sau, tình hình sẽ rất khả quan nếu so sánh với các nước khác ở châu Á”.

Đối với các nhà đầu tư, mức ROI (tỷ suất sinh lợi trên vốn đầu tư) khá hấp dẫn. Do nguồn cung căn hộ cao cấp không mấy dồi dào nên chúng đem lại khoản lợi nhuận cao hơn và đang tăng với tốc độ 2 con số hàng năm.

Bà Hoang cho biết Quận 1 là khu vực lý tưởng bởi có những địa điểm có hướng nhìn ra sông Sài Gòn hoặc giáp ranh khu tàu điện ngầm dự kiến hoàn công vào năm 2022.

Sự trỗi dậy của mảng nhà ven biển

Sự bùng nổ du lịch tại các vùng ven biển Việt Nam là một yếu tố khác góp phần cho sự phát triển của thị trường khu dân cư cao cấp. Đà Nẵng và các thành phố như Phú Quốc, Quảng Nam, thị trấn Hồ Tràm đang chứng kiến một thị trường sôi động trong phân khúc nghỉ dưỡng và Ngôi nhà thứ hai (second homes).

Những sân golf đẳng cấp thế giới, các điểm đến du lịch nổi tiếng và cơ sở hạ tầng vững chắc là những yếu tố chính tạo ra sự thay đổi này. Ví dụ, một căn villa hilltop 3 phòng ngủ tại Lăng Cô (Huế) có giá 29,5 tỷ VND (1,28 triệu USD).

David Blackhall, Giám đốc điều hành Bất động sản của Vinacapital, nhận định: “Nhà ở cao cấp ven biển bắt đầu phát triển vào năm 2006. Chúng tôi đã đầu tư vào các sân golf và khu vực ven biển và nghĩ rằng phần lớn khách hàng sẽ là người nước ngoài, thế nhưng 90% người mua lại là khách hàng người Việt Nam bởi vì người Việt Nam thích sở hữu bất động sản và dần có khả năng tiếp cận đến những sản phẩm bất động sản cao cấp, hiện đại và được thiết kế tốt”.

Ông Blackhall cũng lưu ý rằng một số quy định về việc tài sản sở hữu nước ngoài, đặc biệt là khi bán lại tài sản vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, số lượng người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam tiếp tục sẽ tăng lên trong thập kỷ tới khi hệ thống giao thông ở Hà Nội và TP HCM cùng những sân bay mới ở Phú Quốc, Đà Nẵng được hoàn thiện.

Triển vọng phát triển

Nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng, dự kiến số lượng người nước ngoài tìm mua nhà tại Việt Nam tiếp tục tăng lên, và để đáp ứng nhu cầu, nhiều dự án sang trọng sẽ được tung ra thị trường.

CBRE cho biết tổng nguồn cung căn hộ cao cấp để bán ở TP HCM là 4.000 căn. Trong khi đó, dân số của TP HCM – thành phố đông dân nhất Việt Nam đã là hơn 10 triệu người.

Xu hướng tăng của bất động sản có thể nhận ra khi chất lượng của những sản phẩm mới ra ngày càng được cải thiện và giá bất động sản đang tăng nhanh. Giá trung bình 1m2 đất tại một quận trung tâm lên tới 138 triệu đồng trong khi cách đây 2 năm chỉ là 104 triệu đồng.

“Hiện tại Việt Nam vẫn đứng sau Bangkok và vài thành phố của Trung Quốc, nhưng nhìn chung sẽ bắt kịp trong vòng 5 hay 10 năm nữa, JLL dự báo giá bất động sản ở Việt Nam sẽ tăng trung bình 10% mỗi năm”, Ông Wyatt nhận định.(NDH)
--------------------------

Ngân hàng nào bán nợ theo giá thị trường cho VAMC nhiều nhất?

Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, trong năm 2017, doanh nghiệp này mua 3.142 tỷ đồng nợ xấu từ 5 tổ chức tín dụng theo giá thị trường, vượt kế hoạch được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt hồi đầu năm.

Mua theo giá trị thị trường là hình thức được VAMC áp dụng bên cạnh mua bằng trái phiếu đặc biệt. VAMC được phê duyệt phương án mua bán nợ theo giá trị thị trường từ tháng 4/2016, qua đó hình thành thị trường mua bán nợ thứ cấp mà trong đó doanh nghiệp này là tổ chức trung tâm.

Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) là đối tác lớn nhất của VAMC trong thời gian đầu triển khai hình thức mua bán này. Cụ thể, VAMC chi gần 2.608 tỷ đồng để mua hai khoản nợ có dư nợ gốc 2.400 tỷ đồng. Đây là một phần trong thỏa thuận mua bán nợ có tài sản đảm bảo là bất động sản, máy móc thiết bị tại Đà Nẵng và TP HCM được hai bên ký kết vào cuối tháng 9 năm ngoái.

VAMC còn mua một số khoản nợ theo giá trị thị trường từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) với dư nợ gốc 299 tỷ đồng, Ngân hàng Phát triển TP HCM (HDBank) với dư nợ gốc hơn 40 tỷ đồng…

Khoản nợ có giá trị nhỏ nhất doanh nghiệp này từng mua đến từ Ngân hàng Bản Việt, trị giá chưa đầy 10 tỷ đồng. Một khoản nợ khác của Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) được VAMC mua với giá trị thấp hơn dư nợ gốc 191 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo VAMC cho biết, công ty đang hoàn thiện các thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, triển khai công tác xử lý và đã thu hồi hơn 130 tỷ đồng từ các khoản nợ. Dự kiến trong nửa đầu năm nay sẽ thu hồi toàn bộ số tiền mua nợ. Công ty đặt kế hoạch mua 3.500 tỷ đồng nợ theo giá trị thị trường và thu hồi 4.890 tỷ đồng.

Theo đề án tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng phê duyệt năm ngoái, vốn điều lệ của VAMC sẽ tăng từ 2.000 tỷ lên 5.000 tỷ đồng. Công ty tiếp tục là doanh nghiệp do nhà nước sở hữu 100% vốn, hoạt động chính trong lĩnh vực mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng, thu hồi và xử lý nợ, tài sản đảm bảo.(Vnexpress)
------------------------

Trở về

Bài cùng chuyên mục