tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 23-07-2018

  • Cập nhật : 23/07/2018

Ngành sản xuất thép Hàn Quốc tỏ ra lạc quan trước các biện pháp tự vệ của EU

POSCO cho biết công ty này không gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì xuất khẩu lượng thép tương đương mức trung bình của ba năm sang châu Âu trong năm nay.

Ngày 19/7, các nhà sản xuất thép của Hàn Quốc tỏ ra tin tưởng rằng việc Liên minh châu Âu (EU) áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời lên các sản phẩm thép sẽ không gây ra bất cứ tác động lớn nào đến hoạt động xuất khẩu của họ sang thị trường khu vực này.

POSCO - nhà sản xuất thép lớn thứ năm trên thế giới tính theo sản lượng - cho biết công ty này không gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì xuất khẩu lượng thép tương đương mức trung bình của ba năm sang châu Âu trong năm nay.

Ngoài ra, POSCO cũng sẽ đưa ra biện pháp phản ứng chiến lược đối với động thái bảo hộ của EU tùy thuộc vào tình hình của thị trường thép và các điều khoản trong các hợp đồng xuất khẩu.

Hyundai Steel Co. – một nhà sản xuất thép lớn khác của Hàn Quốc, chỉ đứng sau POSCO - cũng dự kiến sẽ duy trì lượng xuất khẩu hiện tại sang châu Âu trong năm nay. Tuy nhiên, công ty này vẫn bày tỏ lo ngại về khả năng Mỹ và châu Âu sẽ còn áp dụng nhiều biện pháp chặt chẽ hơn nữa trong một cuộc chiến thương mại tiềm tàng giữa các quốc gia.

Chính phủ Hàn Quốc và 14 nhà sản xuất thép nội địa cũng đã tổ chức ngay một cuộc họp trong ngày 19/7 nhằm tìm kiếm phương thức giúp các công ty thép được EU miễn trừ thuế, qua đó giảm thiểu bất kỳ tác động nào đối với ngành công nghiệp này của Hàn Quốc.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng phụ trách chính sách công nghiệp của Bộ Thương mại Hàn Quốc Moon Seung-wook cho biết chính phủ và giới chức ngành công nghiệp cũng sẽ đưa ra những phản đối mạnh mẽ về thuế thép của EU thông qua các kênh đa phương và song phương.

Trong một thông báo công bố vào ngày 18/7, EU cho biết bắt đầu từ ngày 19/7 khối này sẽ áp mức thuế bổ sung 25% đối với 23 sản phẩm thép nhập khẩu nếu lượng nhập khẩu các mặt hàng này vào thị trường EU vượt hạn ngạch trung bình của ba năm qua.

Động thái trên của EU là nhằm ngăn chặn tình trạng thép nhập khẩu đổ vào thị trường châu Âu sau khi Mỹ tăng thuế đối với thép nhập khẩu hồi tháng 3/2018.

EU cũng cho biết họ sẽ tiếp tục điều tra hoạt động nhập khẩu thép và tác động của chúng đối với ngành thép của khu vực. Kết luận cuối cùng sẽ sớm được đưa ra, chậm nhất vào đầu năm 2019.

Chính phủ Hàn Quốc đã yêu cầu EU miễn trừ các sản phẩm thép của nước này khỏi mức thuế bổ sung trên do các sản phẩm thép mà Seoul xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU là khác nhau.

Theo số liệu của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, nước này là quốc gia xuất khẩu thép lớn thứ tư sang EU với 3,3 triệu tấn và tổng giá trị đạt 2,9 tỷ USD.

Nếu bị áp mức thuế bổ sung 25%, các nhà sản xuất thép của Hàn Quốc sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng sau khi đã chịu nhiều tác động bởi những biện pháp bảo hộ thương mại khác từ bên ngoài.(TTXVN)
--------------------------

Thương mại quốc tế không chỉ bao gồm vấn đề thuế quan

Tiến sĩ Grenville, học giả thuộc Viện nghiên cứu chính sách Lowy của Australia, vừa có bài viết đăng trên trang mạng của viện này, phân tích về những rào cản thuế quan trong thương mại quốc tế.

Tiến sĩ Grenville, học giả thuộc Viện nghiên cứu chính sách Lowy của Australia, vừa có bài viết đăng trên trang mạng của viện này, phân tích về những rào cản thuế quan trong thương mại quốc tế.

Nhìn về quá khứ, rào cản thuế quan chắc chắn đã được cắt giảm đáng kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Các quốc gia trên thế giới hầu hết đều lựa chọn danh mục thuế quan ở mức trung bình dành cho một lượng nhỏ hàng hóa và ở mức thấp cho hầu hết các loại hàng hóa nhập khẩu.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại lựa chọn mức thuế lên tới 280% đối với các sản phẩm sữa nhập khẩu vượt hạn ngạch của Canada và thuế 10% đối với ô tô nhập khẩu từ châu Âu. Quyết định này của ông Trump như thể để bảo vệ chính các hành động của mình. Vậy thế giới nên đáp trả các quyết sách của chính quyền Trump như thế nào?

Các nước tiên tiến hầu hết lựa chọn việc đặt mức trung bình thuế quan thấp. Có một vài thủ thuật được sử dụng đằng sau những con số. Mức trung bình thuế quan thường được tính dựa trên công thức lấy doanh thu thuế chia cho giá trị hàng hóa nhập khẩu.

Doanh thu thuế của Mỹ chiếm 2,4% hàng nhập khẩu, trong khi châu Âu là 3% và Canada là 3,1%. Nhìn từ con số này, Mỹ dường như ít “xấu xa” hơn các quốc gia khác, do số mặt hàng chịu mức thuế cao mà nước này áp dụng ít hơn và nó làm cho thước đo thuế quan trung bình của Mỹ đẹp hơn. Cách tính này cũng bỏ qua một loạt biện pháp phi thuế quan như chống bán phá giá, bảo hộ và đối kháng - những biện pháp mà Mỹ sử dụng nhiều hơn bất kể nước nào.

Điều này cho thấy, thuế quan không còn là rào cản chính của thương mại, chính những biện pháp bảo hộ sau thuế quan mới là điều quan trọng. Châu Âu sở hữu chương trình diện rộng mang tên Chính sách nông nghiệp chung (CAP) để hỗ trợ ngành nông nghiệp. Mỹ cũng có các chương trình hỗ trợ, bảo vệ và “kiềm chế tự nguyện” đối với các nhà sản xuất nước ngoài, nhằm mục đích bảo vệ ngành sản xuất mặt hàng đường vốn không hiệu quả của Mỹ.

Nhật Bản không áp dụng thuế quan đối với ô tô nhập khẩu, nhưng số lượng ít ỏi các hãng ô tô nước ngoài xâm nhập vào thị trường Nhật Bản phải đáp ứng được các yêu cầu quy định chi tiết rất khắt khe, cũng như phải được người tiêu dùng công nhận là doanh nghiệp sản xuất ô tô cao cấp.

Hạn ngạch, quy tắc xuất xứ, ủng hộ đấu thầu của chính phủ và các quy định về nhãn mác thường xuyên được dùng để bảo vệ ngành công nghiệp nội địa. Khi nói đến dịch vụ, có rất nhiều các yêu cầu khác nhau mà hầu hết các quốc gia sử dụng để hạn chế vai trò cung cấp của doanh nghiệp nước ngoài.

Ví dụ, theo Đạo luật Jones, hàng hóa được vận chuyển từ hải cảng của Mỹ phải được chuyên chở bởi tàu của Mỹ, do người Mỹ sở hữu và được vận hành bởi đoàn thủy thủ người Mỹ.

Tất nhiên, một số yêu cầu, như an toàn cho người tiêu dùng và an toàn sinh học, là hoàn toàn hợp lý. Nhưng nó cũng ngẫu nhiên trở thành những biện pháp hữu ích dùng để bảo vệ nền công nghiệp địa phương. Những giai thoại về các hạn chế thương mại giống như trường hợp thuế đánh vào mặt hàng sữa của Canada mà Tổng thống Donald Trump đã ban hành là nhiều vô số.

Một ví dụ điển hình khác có thể kể đến là trường hợp Ngân hàng Dự trữ Australia, một vài thập kỷ trước, đã tìm cách bán công nghệ sản xuất tiền bằng chất liệu polyester mới sang Mỹ. Luật yêu cầu đồng tiền của Mỹ phải được in trên giấy thường, không được sử dụng chất liệu polyester.

Thậm chí, nhà sản xuất tiền giấy độc quyền Crane Paper lúc đó còn nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ thượng nghị sỹ Ted Kennedy để bảo vệ vị thế của mình tại thị trường địa phương. Kết quả là Mỹ tiếp tục sử dụng công nghệ in tiền giấy hạng hai, với chi phí cao ngang tiền polyester và rất dễ bị làm giả mạo.

Khi Tổng thống Trump quyết định rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), 11 thành viên còn lại không chỉ quyết định tiếp tục phê chuẩn hiệp định, mà còn đình chỉ một số điều khoản sở hữu trí tuệ được phép đưa vào ngành công nghiệp dược phẩm của Mỹ.

Sự rút lui của Mỹ đối với TPP cũng phần nào làm dịu đi lập trường về điều khoản Giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và chính phủ, giúp khuyến khích việc mở rộng thêm thành viên. Thái Lan và Indonesia dường như đã sẵn sàng gia nhập hiệp định này.

Trung Quốc không nằm trong danh sách các ứng cử viên và Nhật Bản có thể muốn giữ cấu trúc của hiệp định theo cách vốn có. Những sáng kiến của các thành viên còn lại trong TPP đã cho thấy hướng đi mới của nền thương mại thế giới, bất kể không có sự tham gia của Mỹ.

Theo tác giả bài viết, không nên tin rằng thế giới sẽ chịu thiệt hại từ một cuộc chiến thương mại toàn diện, đặc biệt là khi thị trường tài chính rất dễ phản ứng lại với những lo lắng về các những tin đồn thường xuyên xuất hiện. Điều này có thể gây ra các lỗ hổng tiềm ẩn nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như gia tăng các khoản nợ USD trong các nền kinh tế mới nổi hay sự không chắc chắn của nền tài chính Trung Quốc.

Để kết luận cho bài viết của mình, tác giả nhận định rất có khả năng khi các cuộc "đấu vật" kết thúc, hoạt động thương mại trong dịch vụ, quy tắc của quyền sở hữu trí tuệ và đầu tư quốc tế sẽ gặp ít rào cản hơn những gì đang diễn ra hiện nay.(TTXVN)
-----------------

Chiến tranh thương mại tác động tiêu cực nhiều hơn tích cực

Báo Hải quan phỏng vấn ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) về những tác động của "cuộc chiến" này đối với kinh tế Việt Nam.

ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương)

Ông đánh giá như thế nào về tác động từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung tới Việt Nam?

-  Việt Nam là nước có độ mở kinh tế lớn. Mỹ và Trung Quốc là hai nước có kim ngạch XNK lớn với Việt Nam. Trong những tác động của cuộc chiến thương mại này tới kinh tế Việt Nam, theo tôi, tác động tích cực là có nhưng chủ yếu ở dạng cơ hội, tác động tiêu cực là nhiều hơn, vì thế Việt Nam cần phải “gạn đục khơi trong” để tận dụng được các cơ hội.

Về tích cực, do Mỹ áp thuế NK cao đối với hàng hóa của Trung Quốc, trong đó có cả hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài sản xuất tại Tung Quốc, do đó các nhà đầu tư này có thể sẽ di chuyển cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam đang tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, lại có nhân công rẻ, đang được đánh giá là điểm đến hàng đầu của đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hàng hóa Trung Quốc không XK được sang Mỹ sẽ dẫn tới Mỹ thiếu hụt hàng hóa, nếu tận dụng được thì Việt Nam có thể XK thêm được nhiều hàng hóa vào Mỹ. Tuy nhiên, cần lưu ý, hàng hóa XK vào Mỹ phải đáp ứng được tiêu chuẩn cao của thị trường này.

Một tác động tích cực khác là việc USD tăng giá trong bối cảnh FED tăng lãi suất và chiến tranh thương mại xảy ra khiến đồng Nhân dân tệ giảm giá. USD tăng giá sẽ có lợi cho XK, tác động tích cực tới XK của Việt Nam trong ngắn hạn, vì hiện nay đồng Việt Nam đang chủ yếu neo theo giá USD. Ngoài ra, chiến tranh thương mại khiến Trung Quốc không thể XK sang Mỹ, hàng hóa Trung Quốc vì thế có thể đổ sang Việt Nam, tạo sức ép để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh,  chống lại sức ép từ hàng hóa Trung Quốc.

Tuy nhiên, phải nhấn mạnh, nếu không có những biện pháp cụ thể thì khó biến những cơ hội này thành hiện thực. Vì thế, phải có sự nỗ lực, quyết tâm lớn từ Chính phủ cho tới DN.

Vậy còn những tác động tiêu cực, thưa ông?

- Như tôi đã nói, tác động tiêu cực là khá nhiều. Trước hết, hàng hóa Trung Quốc không XK được sang Mỹ sẽ phải XK sang các nước khác với giá rẻ hơn, đặc biệt là sẽ tràn sang Việt Nam đầu tiên, theo cả đường chính ngạch và tiểu ngạch. Đây là thách thức lớn nhất. Bên cạnh đó, thương mại toàn cầu suy giảm do chiến tranh thương mại sẽ khiến các nhà đầu tư phân vân khi đầu tư ra nước ngoài hoặc chuẩn bị mở rộng đầu tư ở nước ngoài. Trong bối cảnh XK khó khăn, xu hướng FDI toàn cầu sẽ suy giảm trong một thời gian, việc trì hoãn đầu tư khiến dòng đầu tư quốc tế nói chung giảm, dòng đầu tư vào Việt Nam cũng thế giảm theo. Một tác động tiêu cực khác liên quan đến tỷ giá, USD tăng khiến XK tăng trong ngắn hạn nhưng đổi lại NK sẽ bị ảnh hưởng nhiều, đặc biệt là Việt Nam hiện NK nhiều nguyên phụ liệu, máy móc, thiết bị, phân bón, giống… từ Trung Quốc. Việc USD tăng giá cũng sẽ tạo gánh nặng lên nợ công làm nợ công tăng cao, đồng thời, đồng nội tệ giảm giá cũng sẽ gây áp lực lên lạm phát.(Baohaiquan)

Trở về

Bài cùng chuyên mục